Hoa Tường Vy Mùa Hạ

2: Chương 1-2


trước sau


Tôi sinh ra ở Nha Trang, một thành phố biển xinh xắn nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ.

Những năm đầu đời, tôi sống cùng với bà nội ở tận ngoại ô thành phố.

Mãi cho đến khi chập chững biết đi, tôi mới được đón về ở cùng với ba mẹ.

Tôi là con út trong một gia đình có năm người con, có ba anh trai và một chị gái.

Chị gái duy nhất của tôi là con thứ tư của ba mẹ, ngay trước tôi.

Ba tôi đặt tên cho các anh chị lần lượt là Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí.

Chị tôi không thích cái tên của mình lắm bởi hay bị bạn bè trêu chọc là giống tên con trai.

Tuy nhiên, khi ở nhà, chị được gọi bằng cái tên nữ tính hơn là "Nhã".

Nhưng xét cho cùng, tính cách chị giống con trai thật.

Bọn con trai trong xóm chẳng đứa nào đánh nhau lại chị, và suốt những năm tiểu học chị cũng được xem là đầu gấu trong trường (tôi nghe mấy anh chị trong xóm gọi thế).

Mặc dù vậy, chị lại rất dịu dàng với tôi, thật biết ơn ông trời vì điều đó.

Còn tôi, tôi không được đi học mẫu giáo mà chỉ quanh quẩn ở nhà suốt ngày.

Các anh chị luân phiên nhau trông chừng tôi, nhưng chỉ có chị Nhã là quan tâm đến tôi nhất.

Chị giống như một bảo mẫu nhí luôn có mặt mỗi khi tôi cần, vì thế mà tôi cảm thấy gần gũi chị hơn là với các anh.
Trước khi có chúng tôi, ba mẹ sống với nhau trên một cái rẫy nhỏ ở phía bắc huyện Cam Lâm, cách nơi tôi đang ở khoảng hơn một tiếng đi xe máy.

Kể từ khi có anh Hai, ba mẹ mới quyết định chuyển về Nha Trang sinh sống, tiện cho việc học tập của chúng tôi sau này và nhiều việc khác nữa.
Ngôi nhà của chúng tôi nằm trong một con hẻm nhỏ chỉ đủ một chiếc xe máy đi qua, trên một con đường nhỏ giữa lòng thành phố nhỏ bé ấy.

Chúng tôi sống giữa những bức tường được xây bằng gạch nung, bên ngoài phủ từng mảng rêu màu xanh đen, còn bên trong thì được quét sơ qua một lớp vôi trắng.

Những chiếc cửa bằng gỗ đã ít nhiều mục nát vì những năm tháng dầm mưa dãi nắng, luôn phát ra những tiếng kêu cót két khi mở ra hay đóng vào.

Mái nhà chỉ là vài tấm tôn cũ xếp chồng lên nhau, đầy lỗ thủng và những vết rỉ sét.


Khi trời sáng, nắng có thể xuyên qua những cái lỗ ấy, và khi trời mưa, những giọt nước sẽ không ngừng rơi xuống.

Kế bên nhà tôi là một cái giếng nước trong, cả xóm đều dùng nước ở đó để sinh hoạt.

Nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi về cái giếng là những ngày trời mưa, anh Tư tôi xách những gàu nước đầy rồi xối ào xuống đầu tôi để tắm.

Cuộc sống của chúng tôi khi ấy thiếu thốn đủ thứ chứ không được như bây giờ.

Mặc dù ba mẹ đã cố gắng rất nhiều nhưng hai anh đầu của tôi vẫn phải nghỉ học sớm để phụ giúp gia đình.

Tuy nhiên, mái ấm nhỏ bé ấy của chúng tôi vẫn luôn đầy ắp tiếng cười.
Trong mắt tôi, ba tôi là một người rất tài giỏi, vì ông biết làm rất nhiều nghề khác nhau.

Ông là một thợ mộc khéo tay, khi tất cả những cái bàn, cái tủ trong nhà đều do ông đóng, kể cả cái bàn học liền với cái ghế mà các anh chị đã thay phiên nhau sử dụng.

Ông là một thợ điện đầy kinh nghiệm, có thể sửa bất kỳ cái công tắc hay ổ cắm nào bị hư, và đèn nhà chúng tôi lúc nào cũng sáng, trừ khi bị mất điện.

Ông là một thợ sửa xe chăm chỉ, luôn tự sửa chữa mọi thứ bị hư hỏng trên chiếc xe đạp của mẹ, hoặc trên chiếc xe máy của chính mình.

Ông là một đầu bếp giỏi giang, luôn nấu các bữa ăn cho cả nhà mỗi khi có thời gian rảnh, và các món ăn ông nấu còn ngon hơn của mẹ tôi.

Ông là một thợ may tỉ mỉ, khi có thể may được những bộ quần áo rất đẹp và vừa vặn cho các anh chị và tôi.

Ông cũng là một tài xế tận tụy, luôn thức dậy thật sớm để đưa mẹ tôi đi chợ, và đến trưa hoặc chiều muộn thì lại đưa bà về.

Tuy nhiên, nghề duy nhất ông làm để kiếm tiền là nghề nông, cái nghề mà ai cũng cho là quê mùa trong thời kỳ mà mọi thứ đang hiện đại hóa và công nghiệp hóa.

Ông thường lên rẫy để coi sóc những cái cây của mình, vài tháng mới về nhà một lần.

Mỗi khi về nhà, ông đều chở theo đầy những trái xoài ngon lành.
Mẹ tôi thì đơn giản hơn ba tôi, bà chỉ buôn bán nhỏ ở chợ Xóm Mới.

Bà thường dậy rất sớm đi chợ và tới tận chập tối mới về.

Mỗi khi ba tôi ngủ quên hoặc đang ở trong rẫy, bà lại tự đi ra chợ bằng chiếc xe đạp cũ của mình.

Thỉnh thoảng vào buổi trưa, bà có ghé về nhà ăn cơm, sau đó lại đi.


Cũng bởi mẹ tôi đi chợ sớm như vậy nên mỗi khi tôi ngủ dậy thì bà đã không còn ở nhà.

Và như bao đứa trẻ khác, tôi lại khóc rất to để đòi mẹ.

Tôi không thể không ngủ vào buổi tối, nhưng không dám ngủ trưa vì sợ khi thức dậy lại không thấy mẹ đâu.

Thế mà tôi lại hay bị bắt phải ngủ trưa, dù chẳng thể nào ngủ được.

Mỗi lần mẹ định đi chợ sau khi tôi đã "ngủ", tôi đều bật dậy và đòi đi theo.

Khi ấy, bà luôn an ủi và hứa sẽ mua kẹo cho, điều đó khiến tôi trở nên ngoan ngoãn nghe lời ngay lập tức.

Tuy nhiên, chẳng bao giờ bà nhớ đến việc mua kẹo cho tôi cả.
Một hôm, không biết bằng cách nào đó mà tôi có thể ngủ trưa được.

Và khi thức dậy, tôi không thấy mẹ đâu.

Tôi bắt đầu khóc, khóc to đến nỗi cả xóm ai cũng nghe thấy.

Tôi ngồi trên giường, đạp đạp hai chân làm cho chiếc giường yếu ớt kêu lên tiếng cọt kẹt và tôi gào to gọi mẹ, nước mắt nước mũi chảy xuống ướt cả áo.

Chị Nhã dỗ mãi mà tôi chẳng nín.

Chị ấy mua kem cho tôi cũng không làm tôi ngừng khóc được.

Cho đến khi chị bảo sẽ dẫn tôi đi tìm mẹ thì tôi mới ngưng tiếng rống của mình lại.

Tôi gật đầu và dụi dụi mắt nhìn chị, tiếng sụt sịt không ngừng phát ra từ trong mũi.
Hôm ấy, trời nắng rất to, chị đội cho tôi chiếc nón màu cam nhạt của chị rồi bế tôi ra khỏi cái xóm nhỏ, nơi mà tôi chưa từng rời đi nửa bước kể từ khi về ở với ba mẹ.

Lúc đó, hình như chị mới học lớp Hai, còn tôi thì chưa được ba tuổi.

Người chị rất gầy, và mỗi khi chị ẵm tôi thì mọi người lại trêu là trông giống như con chuột đang

ôm quả trứng gà vậy.


Giữa cái nắng chang chang của mùa hè, cái bóng nhỏ bé, liêu xiêu của chị tôi bước đi trên mặt đường nóng bức.

Những cơn gió hanh khô thổi tung bụi mù vào gương mặt ướt nhẹp nước mũi của tôi và vầng trán đầy mồ hôi của chị, để lại trên gương mặt chúng tôi những vết lấm lem đen nhẻm.
Từ nhà tôi ra chợ cũng không xa lắm, nhưng nếu đi bộ thì cũng không phải là gần, nhất là đối với chị tôi khi ấy.

Chị vừa đi vừa dùng tay áo lau nước mũi cho tôi, chốc chốc còn dỗ tôi rằng sắp tới chợ rồi nên đừng khóc nữa.

Tôi chẳng biết gì ngoài gật đầu lia lịa, hai tay bám chặt vào cổ chị vì cảm giác được rằng tay chị đôi lúc lại hơi buông lỏng.

Tôi sợ chị sẽ quẳng tôi xuống đường rồi bỏ đi một mình mà không hề biết rằng hai tay chị đã mỏi nhừ.

Lúc đó tôi còn quá nhỏ để có thể hiểu được mọi chuyện, chỉ biết đòi hỏi những thứ mà mình muốn.
Trong ký ức trẻ con ấy, đó là lần đầu tiên tôi đi ra khỏi thế giới nhỏ bé của mình.

Lần đầu tiên tôi biết rằng có những con đường được trải nhựa, tráng xi măng bằng phẳng chứ không phải con đường nào cũng bằng đất hoặc lát gạch đỏ như ở trong xóm.

Lần đầu tiên tôi được nhìn thấy nhiều xe cộ qua lại trên đường, với đủ loại và màu sắc khác nhau.

Và cũng là lần đầu tiên tôi nhìn thấy nhiều người lạ như vậy.

Tôi mở to đôi mắt của mình nhìn họ, và họ cũng nhìn lại về phía tôi.

Tôi nhớ về một bộ phim hoạt hình mà mình được xem trên TV, cảm giác như hai chị em tôi giống như đang trải qua một chuyến phiêu lưu đi tìm mẹ.
Cuối cùng thì chúng tôi cũng tìm được mẹ.

Chị ẵm tôi đi vào trong chợ, băng qua vài hàng rau, hàng cá là tới sạp hàng của mẹ tôi.

Thấy hai đứa, mẹ vội vàng cầm chiếc nón lá chạy lại để che cho tôi.
- Trời nắng chang chang dẫn em đi đâu ra đây! - Mẹ la chị Nhã rồi bế tôi vào trong sạp hàng.
Mấy cô ngồi gần đó thấy tôi cũng hỏi han rồi trêu ghẹo đủ thứ.

Tôi không hiểu lắm về những câu nói đó, nhưng cảm thấy rất vui vì đã tìm được mẹ và trở thành trung tâm của sự chú ý.
Chị Nhã xách cái rổ nhỏ đựng đầy chanh ớt, đi lòng vòng khắp chợ phụ mẹ bán hàng.

Còn tôi thì ngồi chơi với những củ hành, củ tỏi.

Tôi đưa tay dụi mắt thì vị cay xè của ớt làm nước mắt chảy ra giàn giụa, nhiều hơn cả khi tôi khóc nữa.

Tôi lại khóc và được mẹ mua cho một cái bánh để dỗ.

Chiều hôm ấy, mẹ tôi dọn hàng sớm rồi chở hai chị em về nhà trên chiếc xe đạp cũ.

Trên tay tôi là que kem đang tan chảy dưới ánh nắng chiều nghiêng nghiêng.


Nhưng khi ba mẹ con vừa về đến nhà, tôi đã thấy ba tôi đứng chờ ở cửa, trên tay là một cây roi dài.
- Mẹ nó đi nấu cơm.

- Ba tôi nói - Còn con Nhã ra đây tao biểu!
Mẹ tôi nhóm lửa trong cái bếp than để nấu cơm và hâm lại đồ ăn lúc trưa, còn chị Nhã đứng khoanh tay trước mặt ba.

Khuôn mặt ông lúc ấy rất hung dữ, đó là lần đầu tiên tôi thấy ông như vậy, kể từ khi tôi nhận biết được thế giới xung quanh.

Ông vừa mắng chị Nhã vừa cầm cây roi quất vào hai bên đùi chị, để lại những vết lằn đỏ tía trên đó.

Tôi ngơ ngác nhìn chị khóc mà không hiểu chuyện gì xảy ra.

Lát sau, ba bảo chị đi rửa mặt, mẹ tôi thì lấy chai dầu xứt cho chị rồi cả nhà ăn cơm tối.

Bữa cơm đó tôi lại bỏ mứa và mẹ lại phải ăn nốt phần còn lại.

Sau bữa cơm, tôi xuống bếp cùng chị rửa chén.

Tôi mở to đôi mắt của mình nhìn những vệt đỏ dài ngắn trên chân chị, muốn nói gì đó nhưng cuối cùng chỉ im lặng.

Chị cũng chẳng để ý đến đứa nhóc đang nghịch ngợm trước mặt mình.

Tôi dùng đôi tay nhỏ nhắn của mình cầm cái chén lên lau lau giống chị, nhưng lại bị tuột tay vì quá trơn, cái chén rơi xuống thau làm nước văng lên tung tóe.

Lúc đó, chị mới nhìn tôi cười như muốn nói rằng đừng nghịch nữa.

Tôi không đụng đến những cái chén hay cái đĩa nào nữa, nhưng vẫn ngồi đó nghịch nước và xà bông, cho đến khi mẹ bế tôi lên nhà trên và bắt ngồi yên một chỗ.

Tôi nằm đó xem tivi cùng ba mẹ rồi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.

Ngày hôm đó cứ thế trôi qua, và hình như từ đó trở đi, tôi không còn đòi mẹ mỗi khi ngủ dậy nữa.
Mãi sau này tôi mới biết, qua lời kể của cô hàng xóm, hôm đó ba tôi đã chạy khắp nơi để tìm chúng tôi.

Ông đã rất lo lắng gõ cửa từng nhà một trong xóm, cả những nhà ở xóm ngoài nữa, để hỏi xem có ai thấy hai chị em tôi đã đi đâu không.

Nhưng sự nghiêm khắc bên trong khiến ông không thể hiện sự lo lắng đó ra bên ngoài, ít nhất là trước mặt chúng tôi.

Tôi chỉ buồn là ông lại dồn hết tất cả cảm xúc của mình lên chị Nhã.

Có lẽ ông không thương chị ấy, bởi chị không phải con trai.

Vậy mà chị ấy lại chưa bao giờ than vãn hay trách móc ông về điều đó..


trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện