Lam Uyên nhiu nhíu mầy :
- Ba tao không bao giờ chịu nói rõ, nhưng đại khái là năm đó gia đình ngoại tao tổ chức vượt biên bằng hai chiếc tàu lớn của nhà. Không hiểu vì lý do gì mẹ tao lại không đi chung chuyến tàu với cha con tao mà bà đi chung với gia đình họ hàng bên phía bà. Cuối cùng chuyến đó cha con tao bị kẹt lại vì tàu hư máy. Tuy không bị bắt nhưng đám người đi chung tàu tham lam hăm dọa nhiếc mắng ba tao suốt. Người ta bảo ông ngoại tao tham lam độc ác, đứng ra ăn tiền cho nhiều nhưng đành lòng để họ lên con tàu hư, cha con tao bất quá cũng là con cờ thí để mọi người tin ông ngoại tao thiệt tình với họ mà thôi.
Thở dài Lam Uyên nói :
- Chuyến tàu kia đi trót nhưng lại gặp bão. Sóng đánh tan tành, xác người ta trôi tấp ngoài cửa Thuận An. Ba tao ra tìm, tuy không gặp ai trong gia đình bên ngoại nhưng chắc chả ai còn sống sót. Ba tao vừa buồn, vừa khổ nên bỏ Đà Nẵng vào đây đó chứ. Ngoài dì Mười, họ hàng bên nội tao cũng còn vài người ngoài xứ mà họa hoằn lắm tao mới nghe nhắc đến.
Vi Lan bâng khuâng :
- Mầy có tin bác gái còn sống không?
- Tin thì sao, không tin thì sao? Mẹ có sống cũng đâu ở bên tao. Càng nghĩ càng buồn vì câu hỏi không có câu trả lời ấy.
Im lặng một chút, Lam Uyên trầm giọng :
- Dạo nầy Việt Kiều về thiếu gì. Tao nghĩ, nếu còn sống và còn nghĩ tới chồng con, mẹ tao đã trở về tìm rồi.
- Vật đổi sao dời, biết đâu bác có về tìm nhưng không ra.
Lam Uyên nhăn mặt :
- Lạ thật, hôm nay tự nhiên lại gieo vào đầu tao những chuyện xa vời nghe khốn khổ quá. Hiện tại tao lo cho ba là đã muốn khùng rồi mầy biết không?
Tiếng chuông ngoài cổng dòn dã vang lên ngắt ngang lời Uyên. Vi Lan nhanh nhẹn bảo :
- Chắc là anh Quang của mầy tới.
- Không dám của tao đâu! Nếu là anh ta, mầy nói tao mệt lắm, mới vừa chợp mắt và không biết chừng nào dậy.
Vi Lan cười :
- Mầy dặn nhiều thứ quá, tao không nhớ để truyền đạt lại hết đâu.
Nằm một mình trong phòng Lam Uyên cứ thắc thỏm. Có bao giờ là anh không Duy, chắc không đâu nhỉ ? Anh đã có Tố Nga … canh giữ rồi, cô ta lo cho anh từng li từng tí, điên hay sao anh phải tìm đến thăm con nhỏ ngu ngốc hay quậy nầy.
Hưng bước vào với một bịt giấy trên tay. Anh đưa cô và nói :
- Của Duy gởi cho em.
Rồi Hưng lừ lừ mắt :
- Mang ơn người ta, liệu mà trả đấy.
Đẩy bịt trái cây vô tay Hưng, Lam Uyên phụng phịu :
- Anh trả dùm em đi. Em không muốn mang ơn đâu.
Hưng gắt :
- Anh không nói phần quà nầy, em thừa biết mà, đừng giả vờ ngây thơ nữa.
Lam Uyên ngang ngược :
- Anh nhờ người ta, thì anh mang ơn chớ đâu ăn thua gì tới em.
- Nói thật đấy hả nhóc ?
Lam Uyên nhịp nhịp chân :
- Thật chứ. Em ghét ông Duy, làm sao có thể mang ơn ổng được.
Hưng cười trừ :
- May phước anh có mình em, nếu thêm một đứa như vậy nữa, chắc anh… lớn không nổi. Nhưng tại sao em ghét Duy vậy ?
- Tại anh ta chẳng có điểm nào đáng ưa hết.
- Ít ra cũng có được một điểm đáng ưa chớ. Và biết đâu vì điểm nầy em đâm ra ghét người ta. Anh hiểu thói ngược đời, thích chơi trội của em quá mà. Nhưng ghét hay ưa, chuyện đó không quan trọng. Quan trọng nhất là cách sống, cách thể hiện nhân cách của mình. Dĩ nhiên anh đã đãi Duy một chầu đích đáng khi nó xin được việc cho em. Đó là phần của anh. Còn em thì sao đây? Anh đâu muốn mang tiếng có đứa em gái đẹp nhưng không biết điều lại vô ơn nữa phải không Uyên?
Lam Uyên nín khe. Bao giờ cũng thế. Anh Hưng rầy như giỡn chơi, nhưng ngẫm lại thì đau lắm. Lẽ ra cô không nên nói về Duy như thế với anh. Nhưng sao cô cứ buột miệng là ra những lời ngược với lòng mình vậy? Rõ ràng Duy rất tốt với mọi người trong gia đình cô kia mà.
Duy tốt không vụ lợi như Quang. Anh ta vào thăm ba, đến thăm Uyên với bó hồng cam tuyệt đẹp vì anh ta muốn chinh phục một con búp bê hơi khó tính như Uyên.
Bỗng dưng cô thấy mình lố bịt vô cùng. Uyên thẫn thờ hiểu ra, cô không còn trẻ con nữa để nói thật thành đùa, nói đùa thành thật như lâu nay cô vẫn hay nói.
Vi Lan bưng tới cho Hưng ly nước cam vắt. Cô ân cần hỏi :
- Hôm nay bác khỏe hơn chưa anh?
Lam Uyên thấy gương mặt đang xụ xuống đầy bực dọc của anh chợt tươi rói lên. Hưng uống một ngụm nước và nói :
- Ba anh đã đỡ nhiều, một phần nhờ thuốc, một phần cũng nhờ bác sĩ tận tình.
Âu yếm nhìn Vi Lan, Hưng khẽ khàng :
- Còn em thì sao? Mấy hôm nay em cực với gia đình anh nhiều quá, em có mệt không?
Vi Lan lắc đầu nhè nhẹ, hai người như đang chìm trong cõi riêng của họ. Lam Uyên nằm dài xuống giường xoay lưng vào vách và đắp mền lên đến tận cổ, cố vờ ngủ để khỏi phải nghe tiếng Lan cười khúc khích.
Có những nỗi cô đơn mà không người thân nào có thể chia sẻ cùng ta được hết.
Lam Uyên thấm thía hơn bao giờ sự cô đơn của mình. Cô ngóng mãi mà chuông cổng không vang lên. Mọi người đã quên cô, một con bé lóc chóc không đáng để ai nhớ cả.
Lam Uyên đi ngược chiều gió băng ngang công viên khi mưa bắt đầu ập xuống. Cô vừa vuốt mặt vừa chạy vội chạy vàng vào quán café gần đó.
Dầu nổi tiếng bướng và lì, Lam Uyên cũng không giấu được vẻ bối rối khi nghĩ trong quán toàn là thanh niên và họ đang dán mắt vào cô.
Vòng tay trước ngực như để tự bảo vệ, Uyên chợt thấy lạnh và bơ vơ kỳ lạ.
- Lam Uyên.
Giật mình quay lại, cô ngỡ ngàng khi thấy Duy đang bước ra.
- Ướt hết rồi! Vào đây ngồi cho ấm cô bé.
Rồi làm như không thấy vẻ ngại ngần của Uyên, anh tự nhiên nắm tay cô siết nhẹ. Uyên cảm nhận được hơi ấm từ Duy truyền qua mình. Một hơi ấm làm người ta bâng khuâng, xao xuyến. Tự nhiên cô trở nên rụt rè, e ấp đi theo Duy, Uyên để mặc anh kéo ghế ình ngồi, nhất định hôm nay Uyên sẽ là cô gái dịu dàng và dễ yêu nhất trong quán café nầy.
Hình như quan sát người khác là thói quen … xấu ở Duy hay sao ấy, và anh thường không giấu thói quen của mình. Chẳng đợi cô ngồi ngay ngắn, Duy tự nhiên nghiêng đầu ngó Uyên chăm chú rồi nói :
- Em mặc đúng bộ quần áo của ngày anh gặp em lần đầu. Anh nhớ đúng không?
Lam Uyên chớp mắt :
- Vậy hôm nay em có phải “chúc mừng sinh nhật” nữa không?
Duy tủm tỉm :
- Nếu như có sinh nhật anh sẽ có em xuất hiện, thì anh mong ngày nào cũng là sinh nhật hết.
Dứt lời anh lấy ra chiếc khăn mù-soa trắng tinh đưa cho Uyên :
- Lau mặt đi ! Lau luôn cả tóc nữa. Em vừa hết bệnh, mắc mưa không nên chút nào.
Thấy cô nắm chiếc khăn với thái độ ngần ngừ, Duy thêm :
- Khăn sạch bóng hà! Anh không có thói quen dùng khăn tay.
Định mở miệng hỏi: “vậy anh đem khăn theo làm gì?” Nhưng Uyên đã ngăn mình lại được. Cô lau sơ những mảng tóc ướt và nghe mùi nước hoa đắt tiền thoang thoảng…. Anh chàng nầy đỏm dáng gớm! Nhưng tệ nhất vẫn là mình, đi ra phố mình không mang ví, không đội nón y như một thằng con trai bụi đời.
Cô ngắm chiếc khăn trắng xung quanh móc viền bông dâu còn nguyên dấu ủi, gấp thẳng thớm rồi nhỏ nhẹ :
- Khăn vừa đẹp vừa thơm y như của con gái.
- Em thích không ?
- Nếu thích thì sao ?
- Thì em cất dùm anh.
Nheo nheo mắt Duy bảo :
- Biết đâu chừng có chiếc khăn nầy trong túi, em trông giống thiếu nữ hơn, vì đó là khăn con gái.
Lam Uyên cong môi :
- Em không phải mẫu người dễ đổi thay, nhất là đổi thay vì một vật không phải là của em, cũng không phải là của anh.
Duy dựa người ra ghế, mắt anh ánh lên những tia thích thú. Duy hỏi :
- Em uống gì ? Sữa nóng