Editor: Jena
————————
Cho nên chuyện thành ra như vậy, rốt cuộc nên trách ai đây, Lâu Dĩnh nghĩ, trách Đàm Trận sao?
Nhưng Đàm Trận cũng chỉ lớn hơn Thịnh Dã ba tuổi, ở độ tuổi đó, anh đã làm đủ tốt rồi.
Trách Thịnh Dã sao? Trách cậu cái gì đây, trách cậu dũng cảm theo đuổi lý tưởng đời mình, hay trách cậu cố gắng theo đuổi người mình yêu?
Lần đầu tiên Đàm Trận xuất hiện trước mắt công chúng là trong bộ phim thần tượng thanh xuân vườn trường «Sáng tạo tình yêu».
Trong phim, anh vào vai một cặp song sinh: anh trai là giọng ca chính của một ban nhạc rock phóng khoáng hoang dại, em trai là thiên tài vật lý trẻ tuổi.
Phim này lúc ấy quá hot, khiến tên tuổi Đàm Trận truyền khắp đại giang nam bắc.
Năm ấy Thịnh Dã 17 tuổi, buổi tối cậu sẽ hoàn thành tất cả bài tập về nhà trước 10:30, sau đó sẽ ngồi trong phòng khách xem TV với bà một lúc.
Mới đầu cậu còn cười nhạo bà, nói: "Mẹ, mẹ vẫn còn xem phim thần tượng à?"
Đến khi Bạch Tinh Niên và Bạch Tinh Hẳng do Đàm Trận thủ vai xuất hiện trước ống kính, ánh mắt Thịnh Dã nhoáng cái đã sáng lên, cậu dùng giọng điệu thán phục khi xem trận bóng để nói ra nhận xét cực kỳ trẻ con: "Anh ấy thật đẹp trai nha."
Sau đấy, mỗi tập Sáng tạo tình yêu Thịnh Dã đều không có rời mắt.
Dần dần, lời bình "Anh ấy thật đẹp trai nha" của Thịnh Dã đối với Đàm Trận đổi thành "Anh ấy diễn tốt thật đấy".
Sự chú ý đối với Đàm Trận cũng chuyển từ trên phim ra ngoài đời.
Ví dụ như thỉnh thoảng sẽ phổ cập kiến thức cho bà, nói đây là bộ phim đầu tiên của Đàm Trận, anh ấy vẫn đang là sinh viên của Học viện điện ảnh CTR.
Ví dụ như khi bà nói Tiết Lê trong bộ phim này thoạt nhìn đặc biệt nhỏ nhắn, cậu sẽ nói vì Đàm Trận cao tận 1m85, trong số các nam diễn viên trẻ cũng được xếp vào hàng cao ráo.
Bà mơ hồ cảm thấy Thịnh Dã đối với Đàm Trận có một tia tình cảm giống như sùng bái hoặc yêu thích, nhưng cũng không có gì ngạc nhiên.
Đàm Trận 20 tuổi quả thực hoành không xuất thế, kinh diễm thế nhân.
[hoành không nhất thế: sự xuất hiện khiến người người kinh ngạc]
Ngoại trừ ngoại hình quá mức ưu tú, trên người Đàm Trận còn có một loại khí chất mà những diễn viên và thần tượng trẻ tuổi khác không có được.
Giống như Phi tỷ nói, anh ấy có một loại khí chất cực kỳ mâu thuẫn, vừa diễm lệ vừa đơn thuần, cao lớn đẹp trai, xuất thân phú quý, nói năng cử chỉ lịch lãm bất phàm, đáng lý nên là hình tượng vương tử.
Nhưng đôi mắt lấp lánh như nước suối thuần khiết khiến người ta cảm thấy anh ấy giống với em trai hay thẹn thùng nhà bên.
Dùng từ "vương tử u sầu" để hình dung Đàm Trận 20 tuổi, không phải không đúng, anh ấy đóng hai nhân vật này, bất kể là Bạch Tinh Niên phóng đãng bất kham hay thiên tài vật lý học không tranh với đời Bạch Tinh Hằng, trên người đều có một loại cảm giác u buồn.
Đạo diễn Đường Thấm từng nói trong một chuyên mục nói chuyện phiếm, rằng cảm giác này không có sẵn ở nhân vật, mà là từ chính Đàm Trận.
"Khi chúng tôi viết kịch bản cùng thiết lập nhân vật, cũng không cho rằng hai người này rất u sầu gì đó, bọn họ một người cuồng dã bất kham một người không tranh với đời.
Muốn nói cảm giác u sầu từ đâu tới, tôi cảm thấy vẫn là do Đàm Trận, đây là khí chất của riêng cậu ấy."
Có không ít người không cho là đúng, nhưng Lâu Dĩnh là một trong số ít người từng tiếp xúc với Đàm Trận, tin chắc không phải do Đàm Trận đang diễn xuất hay giả vờ, mà cảm giác u sầu man mác trên người anh là thật, có lẽ là do hoàn cảnh gia đình mà anh lớn lên, bà nghĩ thầm như vậy.
Giáo dưỡng của Đàm Trận không chê vào đâu được, thành thục ổn trọng đến mức không giống như ở độ tuổi của anh nên có, nếu không phải tận mắt nhìn thấy, người thường hẳn cũng khó tin trên đời lại có người con trai từ trong ra ngoài đều được mài giũa tinh xảo đến thế.
Không phải giống như vương tử, mà còn hơn hẳn vương tử.
Vì Đàm Trận mà Thịnh Dã gia nhập câu lạc bộ hí kịch của trường.
Cũng vì Đàm Trận, cậu cố ý muốn thi vào học viện điện ảnh.
Vì thế mà không tiếc cãi nhau với Thịnh Diêm Phong, lôi kéo Giới Bình An khi đó đã là đạo diễn có chút danh tiếng tới làm chỗ dựa cho mình.
Đến lúc đó bà vẫn chỉ cho rằng Thịnh Dã đối với Đàm Trận là quá mức thần tượng, là mục tiêu nỗ lực của cậu.
Dù sao Đàm Trận thật sự có vốn liếng khiến người khác phải ngưỡng mộ.
Con cái nhà ai mà nói muốn lấy Đàm Trận làm tấm gương, có cha mẹ nào không yên tâm, không kiêu ngạo đâu?
Nhưng Thịnh Dã thì khác.
Là bà quá mức sơ ý.
Sau đấy lại vì Đàm Trận, Thịnh Dã còn vi phạm lời thề trước giường bệnh của cha mình.
Lúc ấy lẽ ra bà phải nên phát hiện, nhưng lại không có, ngược lại còn cổ vũ cậu theo đuổi giấc mộng của chính mình.
Nhưng giấc mộng này đến tột cùng là phim ảnh, hay là Đàm Trận đây?
***
Sau khi tốt nghiệp Học viện điện ảnh, Thịnh Dã rốt cuộc vẫn tuân thủ lời hứa trước giường bệnh Thịnh Diêm Phong, cậu ký hợp đồng với đoàn kịch Nghệ Hải, chuyên tâm làm một diễn viên hí kịch.
Lâu Dĩnh nhớ rõ những tên vở kịch mà cậu từng đóng, bà đều đi xem toàn bộ.
Diễn viên hí kịch so với tưởng tượng của bà vất vả hơn rất nhiều, mười ngày nửa tháng lặp đi lặp lại cùng một vở kịch, mỗi ngày cũng mất một hai trăm đồng phí luyện tập.
Đến ngày diễn, nếu đắt khách thì hết thảy nỗ lực đều đáng giá, phí diễn cũng sẽ được nhiều một chút.
Nhưng nếu chẳng mấy ai đến xem, mấy chục ngày luyện tập đều đổ sông đổ bể.
Các bạn học của Thịnh Dã phát triển ở mảng điện ảnh không tồi, chỉ mình cậu là theo nghiệp sân khấu, người khác còn tưởng rằng cậu thật sự nhiệt tình yêu thích hí kịch, Thịnh Dã cũng chưa từng giải thích.
Giới Bình An thỉnh thoảng sẽ tới thăm hai mẹ con họ.
Khi đó ông đã là đạo diễn thành danh, bởi vì mấy năm trước đó có quay một bộ «Ký sự sinh tồn