Hoàng Đường - Tắc Mộ

Tư nữ tình và đồng đội heo


trước sau

Nghe vậy, tất cả mọi người có mặt đều ngẩn ra, chỉ có thái tử và hoàng hậu tươi cười, còn Tả Xu Nhàn lại khẽ cúi đầu, ngượng ngùng rụt rè.

Người đầu tiên phản ứng lại là hoàng thượng, ông ta nhíu mày: "Sao hoàng hậu không nói trước với trẫm?"

Dù là ngữ khí trách móc, nhưng khoé miệng lại không khỏi nhếch lên, vừa nhìn liền biết tâm trạng hoàng thượng rất tốt.

Hoàng hậu khẽ cười: "Chiều nay cũng mới khám ra, thần thiếp nghĩ dù sao tối nay cũng có tiệc mừng công, không bằng nói ra ở đây, tránh phải thông báo cho từng người."

Hoàng thượng hài lòng gật đầu, Tuệ quý phi ở một bên không có biểu cảm gì, nhưng ánh mắt lại liếc về phía Hoài Vương và Tả Xu Tĩnh.

Trong lòng Tả Xu Tĩnh lộp bộp một tiếng, nghe hoàng thượng khen thái tử và Tả Xu Nhàn vài câu, quả nhiên sau đó nhìn sang Hoài Vương và Tả Xu Tĩnh, mỉm cười: "Nhi tử của Ninh Vương đã một tuổi rồi, thái tử phi cũng đã có mang, hiện giờ, chỉ còn Hoài Vương và Hoài vương phi thôi."

Tả Xu Tĩnh: "..."

Hoài Vương lại bình tĩnh nói: "A Tĩnh mới gả vào Hoài vương phủ chưa đến nửa năm, hơn nữa hầu hết thời gian nhi thần đều chinh chiến bên ngoài, hai năm nữa phụ hoàng lại giục chúng con vậy."

Hoàng thượng cười nói: "Cũng phải, thái tử thành thân đã hơn hai năm rồi."

Mặc dù hoàng thượng vui mừng, nhưng chuyện thái tử phi mang thai hiển nhiên không khiến hoàng thượng quá vui, ít nhất thì không như hoàng hậu và thái tử kỳ vọng. Chủ đề của hoàng thượng vẫn xoay quanh Hoài Vương, điều này khiến thái tử hơi khó chịu, nhưng lại không dám biểu hiện ra ngoài.

Tiệc mừng công trong cung miễn cưỡng có thể nói là hài hoà yên bình, nhưng ở một góc phường kín đáo trong kinh thành, trong một căn nhà bình thường rộng rãi, Tưởng Nhuỵ ngồi trên ghế, rưng rưng nhìn Tưởng Khâm.

Tưởng Khâm ăn hai miếng cơm, ngẩng đầu liền thấy muội muội nước mắt lưng tròng nhìn mình. Hắn ta có chút bất lực: "Muội lại làm sao?"

Tưởng Nhuỵ nói: "Muội đột nhiên nghĩ, nếu huynh thực sự theo Hoài Vương đến chỗ hoàng thượng, hoàng thượng biết chuyện huynh vì thái tử mà giúp Triệu Hoà chiếm ba châu, không phải người sẽ rất tức giận sao? Mặc dù thái tử sẽ bị trách phạt, nhưng, nhưng huynh chắc chắn cũng không thoát tội..."

"Giờ muội mới biết?" Tưởng Khâm cũng hơi bất lực với muội muội này của mình: "Đương nhiên là vậy. Huống hồ, chuyện hồ đồ này vốn do ta làm, cho dù bị trách phạt thì cũng là ta đáng đời."

Tưởng Nhuỵ nghe vậy liền không ăn nữa, đặt đũa xuống, nói: "Sao có thể nói như vậy? Ban đầu huynh giúp Triệu Hoà là ý của thái tử, huynh cũng hết cách, nhưng sau đó Hoài Vương có thể dễ dàng chiếm lại ba châu không phải là công lao của huynh sao? Lấy công chuộc tội là được, tại sao phải phạt huynh chứ!"

Tưởng Khâm bất lực nói: "Cho dù sau đó lấy lại được ba châu, nhưng những tổn thất và sinh mệnh đã mất, thậm chí bách tính nhà tan cửa nát, cả mấy người Phó tướng quân... Những chuyện này không thể lấy công chuộc lại được. Ta nghĩ, có lẽ tội chết khó tha, tội sống khó thoát."



"Vậy lỡ như lưu đày huynh, một mình muội ở đây, phải sống làm sao..." Tưởng Nhuỵ lại muốn khóc, nước mắt giàn giụa quanh hốc mắt. Tưởng Khâm thấy nàng ta như vậy cũng không khỏi thở dài.

"Hoài Vương điện hạ là người tốt, sẽ không bạc đãi muội. Ít nhất muội có thể sống yên ổn, không cần sợ này sợ kia..." Tưởng Khâm trấn an nàng ta.

Tưởng Nhuỵ thút thít: "Huynh biết được sao? Nếu Hoài Vương điện hạ thấy huynh đã hết giá trị lợi dụng nên cũng muốn đuổi muội đi thì sao? Huống hồ Hoài Vương điện hạ vô cùng bận rộn, bây giờ thấy huynh vẫn lợi dụng được nên mới sai người bảo vệ chúng ta, tương lai nếu huynh rời đi, không ai bảo vệ muội, lỡ như muội bị tên phụ tình Lê Thời Huy bắt được thì không phải xong đời sao?"

Tưởng Khâm nói: "Muội đương nhiên sẽ không ở kinh thành mãi, ta đã thương lượng với Hoài Vương rồi. Đợi khi chuyện này kết thúc, bất luận hoàng thượng xử phạt ta thế nào thì muội đều phải rời khỏi kinh thành, tìm nơi ẩn nấp sống tiếp. Cho dù cuộc sống sau này có thể không phú quý như trước, nhưng ít nhất sẽ bình an."

"Muội một thân một mình rời kinh thành, không phải muốn muội chết sao...?!" Tưởng Nhuỵ khóc lóc: "Muội không muốn... Ca, huynh đừng làm chứng cho Hoài Vương nữa được không? Bây giờ chúng ta đi, đi thật xa!"

Tưởng Khâm thở dài: "Không được. A muội, muội nghỉ sớm đi."

Tưởng Nhuỵ làm loạn như vậy, Tưởng Khâm cũng không còn khẩu vị nữa, gác đũa xuống xoay người rời đi. Tưởng Nhuỵ ngồi tại chỗ, càng nghĩ càng ấm ức, cảm thấy ca ca nhà mình đúng là đầu gỗ!

Còn nữa, không biết hiện tại Lê Văn ra sao, trước giờ nó bám nàng ta nhất, bây giờ nàng ta đi lâu như vậy, không biết Lê Văn có quen không... Tưởng Nhuỵ dùng khăn tay lau nước mắt, đau khổ vươn tay dọn dẹp bát đũa.

Sáng sớm hôm sau, Tưởng Nhuỵ quả thực không chịu được nữa, nhân lúc Tưởng Khâm ngủ say chưa dậy, nàng ta lén lút ra ngoài, đi về phía phố Đông Đại. Nơi đó là phủ thái phó, nàng ta chỉ muốn nhìn một cái từ xa, có lẽ có thể nhìn thấy Lê Văn ra vào. Nàng ta thực sự rất nhớ nhi nữ!

Đặc biệt, nếu sau này nàng ta phải rời kinh thành thật, e rằng cả đời này nàng ta và nhi nữ cũng không thể gặp lại nữa...

Kết quả, Tưởng Nhuỵ còn chưa đến gần phủ thái phó thì đã nhìn thấy có người đang phát gì đó ở đầu đường phố Đông Đại. Tưởng Nhuỵ thuận tay nhận lấy xem, vừa nhìn, nàng ta sững người.

Trên tờ giấy trắng vẽ một đoá hoa nghênh xuân, bên trên viết, A Văn nhớ nhung ngày đêm khóc thầm không thể ngủ ngon chỉ mong a nương sớm ngày quay về có hiểu lầm gì cùng nhau giải quyết.

Nội dung của thư này, nếu là người ngoài đọc nhất định sẽ không hiểu, nhưng Tưởng Nhuỵ lại bật cười. Nàng ta từng nói với Lê Thời Huy, bản thân tên là Tưởng Nhuỵ vì lúc ra đời hoa nghênh xuân nở rất đẹp, phụ thân liền đặt cho nàng ta cái tên Nhuỵ, hy vọng nàng ta xinh đẹp như nhuỵ hoa.

Còn A Văn, đương nhiên là Lê Văn. Nhớ nhung ai, đương nhiên là nhớ nhung a nương...

Tưởng Nhuỵ đọc bức thư đó, nghĩ đến nhi nữ, chỉ nghĩ đến việc ngày nào nó cũng khóc đến không thể ngủ ngon, trong lòng liền nhói đau...

Có hiểu lầm gì...? Ha, có thể có hiểu lầm gì, nàng ta tận mắt nhìn thấy... Lê Thời Huy đánh rơi thứ gì đó ở phủ, không mang vào cung, nàng ta đoán Lê Thời Huy đến chỗ thái tử hoặc hoàng hậu để thảo luận chuyện ba châu, vì thế đi tìm La Nghĩa trước, bảo La Nghĩa cùng đưa nàng ta vào cung. Vì nàng ta là thái phó phu nhân nên cũng thuận lợi tiến vào hậu cung, La Nghĩa có chuyện đi trước, bảo cung nữ đưa nàng ta đi tìm Lê Thời Huy.

Cung nữ đó đưa nàng ta đi tìm thái tử, nhưng được biết thái tử ở thư phòng hoàng thượng, vì thế nàng ta lại đến chỗ hoàng hậu, vừa
hay nhìn thấy Lê Thời Huy bước ra từ chỗ hoàng hậu. Nhìn thấy nàng ta, sắc mặt Lê Thời Huy khẽ đổi, biết nàng ta tới đưa đồ thì còn giáo huấn vài câu, nói rằng không phải thứ gì quan trọng, ông ta sẽ tự quay về lấy, sau đó bực bội đưa nàng ta về phủ thái phó.

Khi đó nàng ta đã nói thế nào?

Khi đó nàng ta còn khuyên Lê Thời Huy: "Lão gia, mặc dù quan hệ giữa ông và hoàng hậu thái tử tốt, là lão sư của thái tử, nhưng ở riêng với hoàng hậu như vậy cũng không hay. Mặc dù nô gia biết ông thương thảo chuyện ba châu với hoàng hậu, nhưng người bên cạnh không biết, nếu bị mấy người đó nhìn thấy thì sẽ vu khống ông và hoàng hậu, vậy thì không được!"

Lê Thời Huy rất mất kiên nhẫn nói: "Được rồi, ngoại trừ bà, còn ai dám mạo muội tới chỗ hoàng hậu?"

Tưởng Nhuỵ chỉ đành ngượng ngùng xin lỗi.

Nhưng đến buổi tối, lúc hầu hạ Lê Thời Huy thay y phục, nàng ta lại nhìn thấy hai vết cào nông trên lưng Lê Thời Huy.

Nàng ta hoàn toàn sững sờ, vì đây tuyệt đối không phải do nàng ta cào. Lê Thời Huy và nàng ta, đã rất lâu không động phòng rồi. Dấu vết này tuy nông nhưng rất mới, nhất định là trong hôm nay, nhưng hôm nay sau khi rời cung, trước khi tắm, Lê Thời Huy vẫn luôn ở trong thư phòng, vì thế chỉ có thể là buổi sáng.

Mà buổi sáng, ông ta ở chỗ hoàng hậu...

Tưởng Nhuỵ như đã hiểu ra tất cả, trời đất sụp đổ, nhưng chỉ dám run tay giả bộ như không biết gì.

Khi đó trong lòng nàng ta vẫn tồn tại chút may mắn, hy vọng chỉ là bản thân nghĩ nhiều, nhưng sau khi nàng ta chú ý đến việc giữa Lê Thời Huy và hoàng hậu có gì đó, tất cả mọi chuyện càng thêm rõ ràng.

Lê Thời Huy thường xuyên nói phải ra ngoài thương thảo với hoàng hậu và thái tử, nhưng nàng ta cẩn thận nghe ngóng, ngày hôm đó thái tử thường có chuyện khác, thậm chí vài lần còn không ở trong kinh thành, bị hoàng thượng phái ra ngoài xử lý công việc.

Sau vài lần nghe ngóng, tâm nàng ta cũng dần nguội lạnh, ngày nào cũng lén khóc lúc không người. Đến tận một hôm nào đó, Lê Thời Huy đột nhiên nghiêm khắc hỏi: "Gần đây bà nghe ngóng chuyện thái tử làm gì?!"

Ngữ khí khi đó của Lê Thời Huy khiến nàng ta sợ hãi, chỉ có thể lắp bắp nói bản thân lo lắng cho Tưởng Khâm, vì thế hy vọng thái tử nhanh chóng thu lưới để Tưởng Khâm sớm quay về.

Lê Thời Huy nghe vậy thì không nhìn nàng ta với vẻ đáng sợ đó nữa, mất kiên nhẫn nói: "Đàn bà chỉ biết nghĩ mấy chuyện linh tinh này, thái tử tự có tính toán, sau này bà đừng thế nữa!"

Tưởng Nhuỵ đồng ý. Ngày hôm sau, nàng ta lén lút nhờ người duy nhất mà mình tin tưởng, lão quản gia của Tưởng gia trước kia, gửi thư cho Tưởng Khâm, sau đó thu dọn đồ đạc lén lút chạy trốn vào đêm trước ngày Phó Vĩ Chí đến.

Lần chạy trốn này núi cao sông dài, hơn ba tháng, nàng ta gần như đã chết tâm với Lê Thời Huy, nhưng thứ duy nhất không buông bỏ được, vẫn là nhi nữ của mình.

Cuộc nói chuyện với Tưởng Khâm tối qua đã khiến nàng ta vô cùng lo lắng, bây giờ đọc được thứ này thì nào chịu được, bật khóc ngay trên phố.

Cũng vì vậy nên nàng ta không nhìn thấy, người phát thứ này đánh mắt ra hiệu cho người bên cạnh, liếc nhìn Tưởng Nhuỵ. Người được đánh mắt hiểu ý chạy đi, một lúc sau, Tưởng Nhuỵ vừa khóc vừa quay về... Nàng ta không dám đi tiếp, sợ khi bước đến trước cổng phủ thái phó quen thuộc, nàng ta sẽ không nhịn được mà xông vào!

Nhưng khi đi đến nơi khá vắng vẻ, một nam tử đột nhiên xông lên, chỉ vào nàng ta nói: "Được lắm, độc phụ nhà ngươi, chỉ vì lão thái thái mắng ngươi vài câu mà ngươi đánh ngất lão thái thái, bây giờ còn muốn chạy trốn?!"

Tưởng Nhuỵ ngẩn ra: "Ngươi đang nói gì thế?! Ngươi là ai?! Ngươi nhận lầm người rồi!"

Nam tử đó không nói lý phất tay, mấy tráng hán sau lưng cùng lao ra, dễ dàng trói được nàng ta, nhét một miếng vải trắng vào miệng. Một nữ tử yếu ớt như Tưởng Nhuỵ, sao có thể vùng vẫy được?

Xung quanh có lác đác vài người, nhưng nghe nam tử kia nói vậy thì rất kinh ngạc, không dám nhiều chuyện.

Nam tử đó tức giận nói: "Ta sẽ trói độc phụ nhà ngươi về, để gia pháp xử!"

Nói rồi mấy kẻ đó khiêng Tưởng Nhuỵ đi, Tưởng Nhuỵ cuối cùng cũng hiểu chuyện gì xảy ra, nhưng lúc này tay chân nàng ta đều bị trói, trong miệng còn nhét vải trắng, không thể vùng vẫy.

Tưởng Nhuỵ tâm như tro tàn, lặng lẽ nhắm mắt.

Nàng ta đã sẵn sàng đón nhận cái chết, nhưng nào ngờ sau khi được đưa về phủ thái phó, chào đón nàng ta lại là cởi trói và cái ôm của nhi nữ đã lâu không gặp.

Lê Văn rưng rưng ôm lấy nàng ta, nói: "A nương, sao người lại đi lâu như vậy? A Văn nhớ người lắm, không có a nương ru A Văn ngủ, A Văn không ngủ được."

Tưởng Nhuỵ sững người, mặc kệ chuyện khác, ôm Lê Văn trước, nước mắt lập tức trào ra: "A Văn... Nương, nương..."

"Con biết, cha nói rồi, a nương đi thăm cữu cữu, cữu cữu ở ngoài làm việc vất vả nên người đi thăm cữu cữu." Lê Văn khẽ hừ một tiếng: "Cữu cữu lớn như vậy rồi mà vẫn giành a nương với con!"

Tưởng Nhuỵ không ngờ Lê Thời Huy sẽ nói với Lê Văn như vậy, lập tức ngẩn ra: "Ừm..."

A Văn tựa vào người Tưởng Nhuỵ, luôn miệng kể nàng ta nghe ba tháng nay nó đã học những gì, nhớ nàng ta thế nào, còn nói hình như đã cao hơn một chút, gầy hơn một chút...

Tưởng Nhuỵ nhìn nhi nữ thao thao bất tuyệt, vừa mỉm cười vừa lén rơi nước mắt, nàng ta quả thực rất nhớ nhi nữ!

Hai người nói chuyện được một lúc thì cánh cổng mở ra, Tưởng Nhuỵ nhìn qua, người đến chính là Lê Thời Huy.

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện