2
Đốt ngón tay chạm vào lòng bàn tay cậu.
Lạnh và khô hơn tưởng tượng.
Mà mình cứ tưởng tượng cái gì thế không biết? Vương Tử Chu sợ hãi rụt tay về, cắm đầu cắm cổ đi thẳng một mạch, y như đang chạy trốn. Cúi gằm mặt cái là thoăn thoắt bước chân. Trần Ổ bắt kịp cô, hai người băng qua bến xe, chim đậu thành đàn trên dây điện, líu lo ríu rít, thấy bóng người vừa lướt qua đã rào rào vỗ cánh bay đi.
Rào rào.
Ánh ban mai còn đang e ấp, đường phố đã thêm người qua lại nhưng vẫn yên tĩnh đến độ có thể nghe được cả tiếng hít thở khi mình đi nhanh. Trong khoang mũi ngập tràn mùi lá cây, mùi bùn đất, ẩm ướt, tươi mới – những mùi hương mà ta chắc chắn sẽ không bao giờ cảm nhận được vào ban ngày.
Chùa Ginkakuji nằm ở phía Đông Bắc, cách đó khoảng 3km, đi bộ chắc tầm 30 phút, giữa một thành phố bé nhỏ như Kyoto thì quãng đường này không xa cũng chẳng gần.
Sắp tới nơi, Trần Ổ bất chợt dừng bước: “Cậu ở đây đợi mình một lát.”
Vương Tử Chu đứng lại, quay đầu nhìn theo, thấy cậu đã ghé vào cửa hàng tiện lợi ở đầu đường. Vào đó làm gì nhỉ? Còn đang thắc mắc thì Trần Ổ đã đi ra, tay xách theo chiếc túi.
“Tí leo núi sẽ đói đấy.” Cậu cất lời.
Trong túi có cơm nắm, nước ép rau củ và nước lọc.
“Cậu muốn ăn luôn hay leo tới nơi rồi ăn?” Trần Ổ hỏi ý cô.
Thức trắng cả đêm, kể cũng hơi đói nhưng Vương Tử Chu vẫn kiên quyết: “Cứ đi trước đã.” Được mấy bước, cô lại hỏi: “Có nặng không? Để mình uống nước ép rau củ trước cũng được.”
Trần Ổ đưa cho cô.
Vương Tử Chu cắm ống hút, uống rất thong thả, tới lối vào con đường dẫn lên núi mà vẫn chưa hết một hộp.
Trời tang tảng sáng, đã có mấy thanh niên mặc quần đùi, áo dài tay hăng say tập chạy, có cả vài cặp vợ chồng già dậy sớm tản bộ. Như đang đi trong công viên vậy, khác hoàn toàn những gì Vương Tử Chu tưởng tượng về leo núi.
Núi Ginkakuji chỉ cao hơn 400m so với mực nước biển, leo lên leo xuống chưa tới 2 tiếng đồng hồ, đáng lý thì độ khó không cao nhưng mới leo được 10 phút, Vương Tử Chu đã hổn hà hổn hển.
Có hai bé học sinh tiểu học, dõng dạc hô to “こんにちは” (xin chào) rồi thoăn thoắt vượt qua bọn họ. Vương Tử Chu ngỡ ngàng nhìn theo, không biết câu “こんにちは” (xin chào) lảnh lót kia có ý gì, chẳng lẽ là “các cụ cứ đi thong thả, tụi cháu lên trước nhá!”.
Gớm, tối qua mấy đứa bay ngủ cho đẫy rồi chứ gì, thử thức đến sáng mà leo núi xem!
Vương Tử Chu oán thầm trong bụng, quyết định tăng tốc.
Trần Ổ nhắc: “Đi từ từ cũng được, không cần vội.”
Vương Tử Chu bước chậm lại, bình thản chấp nhận sự thực rằng mình bị các cháu tiểu học vượt mặt dễ dàng, trên đường có bị ai khác đuổi kịp, cô cũng yên lòng chào hỏi người ta.
Một khi không còn đặt nặng mục tiêu phải nhanh chóng lên đỉnh núi, có thể thong thả, thư thái bước đi, dường như việc leo núi cũng bớt cực nhọc, buồn tẻ đi phần nào.
Chim hót trên cành, sỏi đá và lá rụng dưới chân, cỏ dại hai bên đường, những cánh hoa hồng tím vừa bung nở, tiếng suối róc rách dưới chân cầu gỗ nhỏ, và gió.
Chúng là những thứ ta không bao giờ được thấy, được chạm nếu chỉ giấu mình sau chiếc bàn làm việc.
Lâu lắm rồi Vương Tử Chu mới có tâm trạng để dạo chơi như thế.
Hai người lúc thì kẻ trước người sau, lúc thì sóng vai sánh bước.
Tới địa điểm đốt lửa của lễ hội Gozan Okuribi, Vương Tử Chu sực nhớ: “Mai là lễ đốt lửa nhỉ?”
Trần Ổ đáp: “Ừ, ngày mai 16 tháng 8 rồi.”
Gozan Okuribi diễn ra vào tối 16 tháng 8 hằng năm, lửa sẽ được thắp trên các ngọn núi ở Kyoto để xua đuổi bệnh tật, tương truyền có liên quan tới lễ hội Obon (Vu lan). Núi Nyoigatake còn có tên là Daimonji (chữ đại) cũng bởi vào ngày này, người ta sẽ đốt lửa tạo thành hình chữ “đại” (大) ở trên núi*.
*bấm vào đây để xem.
Nhắc tới nó, Vương Tử Chu bất giác nhớ tới một câu chuyện cười.
Cô kể: “Nghe bảo hồi xưa, trước lễ đốt lửa sinh viên Đại học Kyoto rủ nhau leo núi, đợi lúc thắp lửa thì bật đèn pin, tụ lại tạo thành một cụm sáng, biến chữ “đại” (大) thành chữ “khuyển” (犬) làm người dân Kyoto tức điên. ①”
① Chi tiết tại Washida Kiyokazu,
“京都の平热:哲学者の都市案内”, Nxb. Kodansha, 2007. Bản dịch tiếng Trung do Tiếu Hà thực hiện, được nxb. ĐH Thanh Hoa xuất bản lần đầu với tên “Cuộc sống Kyoto” vào tháng 1/2015 và tái bản với tên “Thân nhiệt bình thường của Kyoto” vào tháng 6/2020.“Kiyokazu Washida viết hả?”
“Ừ!” Câu hỏi nằm ngoài dự đoán của Vương Tử Chu, “京都の平热:哲学者の都市案内*.” (
Tạm dịch “Nhiệt độ bình thường của Kyoto: Trong câu chuyện đô thị của triết gia”)
“Hình như hồi còn ở Đại học J tớ từng thấy bản dịch tiếng Trung của cuốn đó.” Trần Ổ hỏi, “‘
Cuộc sống Kyoto’, kể về người và việc ở Kyoto dọc theo tuyến tàu điện 206, là cùng một quyển phải không?”
“Đúng rồi!” Vương Tử Chu đáp, “Cậu có muốn đọc bản gốc không? Của nhà xuất bản Kodansha, tớ có đấy.”
“Có.” Cậu nhận lời.
“Cậu đọc năm nào vậy?”
“Năm 3 đại học.”
“Tớ cũng đọc hồi năm 3.” Vương Tử Chu thầm nhủ, chúng ta đọc hai phiên bản với hai tựa đề khác nhau nhưng lại là cùng một quyển sách, “Đúng năm tớ sang Đại học K trao đổi.”
“Sao cậu chọn Đại học K?”
“Chẳng biết nữa, có lẽ là vì thích Kyoto, vừa hay trường lại có chương trình trao đổi.” Vương Tử Chu nghiêng đầu nhìn cậu: “Thế còn cậu? Bao nhiêu trường như vậy, sao lại chọn tới đây?”
“Thi đỗ thì đến thôi.” Trần Ổ đáp, “Mà Kyoto cũng hợp để đạp xe.”
“Cậu thích đạp xe à?”
“Ừ.”
“Tớ cũng thích đạp xe.”
Vương Tử Chu rất thích thứ phương tiện thô sơ này, dựa vào sức nặng của cơ thể để giữ thăng bằng, dùng sức mạnh của đôi chân để lèo lái. So với xe máy và ô tô, xe đạp càng khiến người ta có cảm giác được nắm quyền kiểm soát.
Trời đã tỏ, họ tiếp tục leo.
Vương Tử Chu lại cất lời: “Cậu định học tiếp lên tiến sĩ hay muốn đi làm?”
Trần Ổ trả lời: “Tớ vẫn đang cân nhắc.”
Vương Tử Chu suy nghĩ một lúc rồi bảo: “Vậy thời gian để cậu cân nhắc không còn nhiều nữa rồi.”
Trần Ổ “ừ” một tiếng, hỏi lại: “Thế cậu định tìm việc à?”
Vương Tử Chu đáp: “Tớ tìm được rồi.”
Cậu không hỏi Vương Tử Chu xin việc ở công ty nào, cũng chẳng thắc mắc công việc đó cụ thể ra sao, chỉ nói một câu: “Thế thì tốt quá.”
“Có lẽ là vậy?” Vương Tử Chu không dám khẳng định.
Quá trình ấy quả thực lắm chông gai và nhiều gian khổ nhưng giờ cô không muốn nhớ lại ký ức đó nữa.
“Cậu cần sách thi SPI② không?” Vương Tử Chu đá sang chuyện khác, “Tẹo xuống núi tớ mang cho cậu luôn một thể.”
② Bài kiểm tra viết do Recruit Career thực hiện và được các công ty tại Nhật Bản dùng trong quá trình tuyển dụng. Nội dung kiểm tra gồm hai phần: kiểm tra năng lực cơ bản và kiểm tra tính cách. Trên thị trường có bán các bộ đề luyện thi liên quan.“Tớ có.” Cậu đáp.
Đỉnh núi đã gần ngay trước mắt, vầng thái dương vươn mình khỏi đường chân trời, hào phóng ban phát ánh sáng khắp muôn nơi. Khi cả hai leo tới đỉnh, dưới chân là Kyoto đang đắm mình trong nắng sớm.
“Kyoto nhỏ thật đấy.” Vương Tử Chu nói, “Còn chẳng to bằng Giang Âm?”
“Cũng không chênh là bao, bé hơn chút thôi.”
Tìm được chỗ ngồi nghỉ, Trần Ổ đưa nước cho cô.
Tu ừng ực hết hơn nửa chai, Vương Tử Chu lấy cơm nắm trong túi ra.
Đúng là leo núi xong đói meo.
Ăn mấy miếng hết veo nắm cơm.
Quay qua bên cạnh, Trần Ổ lại ăn theo một cách hoàn toàn khác, cậu cẩn thận từng li tứng tí, cứ như sợ hạt cơm sẽ vãi ra.
Haiz, đúng là…
Vương Tử Chu tiếp tục uống nước, mặc cơn gió lành lạnh sớm mai lướt qua mái tóc, vuốt v e khuôn mặt cô.
Theo làn gió hiu hiu, lũ muỗi vằn cũng vo ve mò tới.
Cơ mà khi Vương Tử Chu phát hiện ra thì đã muộn, cổ chân sưng một nốt to đùng làm cô gãi sồn sột vì ngứa không chịu được. Thấy cô cứ gãi lấy gãi để, Trần Ổ móc một lọ thuốc bôi vết muỗi đốt trong ba lô ra.
Vương Tử Chu ngả mũ bái phục.
Có cậu trai nào lại mang theo thứ này trong túi cơ chứ?
Cậu mở lời: “Lọ này là dạng lăn, nếu cậu không ngại thì…”
Không một động tác thừa, Vương Tử Chu giựt lọ thuốc, mở ra, bôi trét tứ tung, đóng vào, trả lại, cả quá trình vỏn vẹn chưa tới 1 phút.
Xong xuôi, lại đưa chai nước lên miệng uống tiếp.
Sau đó không có sau đó.
Bôi thuốc xong, cổ chân chỉ còn cảm giác mát lạnh.
Cơ mà chẳng hiểu sao tai cô lại đỏ bừng.
“Xuống núi thôi!” Cô thu dọn rác rồi đứng dậy, “Không lát nữa nắng gắt lắm.”
“Ừ, mình về lối cũ hay là đi đằng chùa Nanzenji?”
Vương Tử Chu nghĩ bụng, leo lên leo xuống dĩ nhiên là phải đi hai đường khác nhau rồi, đi lại đường cũ thì còn gì thú vị. Thế là Tướng Vương em rất chi tự tin: “Lối chùa Nanzenji đi!”
Con người ta luôn phải trả giá cho những quyết định bốc đồng của bản thân. Tướng Vương em đâu ngờ đường xuống núi lại gầp ghềnh gian truân đến vậy. Mấy bận cô không khỏi hoài nghi Trần Ổ lạc đường, bởi lối mòn trước mặt chật hẹp, toàn là bùn là bùn, cây cối hai bên tua tủa đan kín đỉnh đầu, hệt như lạc vào một khu rừng hoang dã. Đến tận khi thấy người ta nối đuôi nhau leo lên bằng lối này, Vương Tử Chu mới thôi nghi ngại, song đầu óc lúc nào cũng căng như dây đàn làm cô mệt không tả nổi.
Nhiệt độ mỗi lúc một tăng, ve rừng đã tỉnh giấc, đám muỗi cũng chớp lấy thời cơ hành động. Trái ngược với tâm thế khoan thai lúc leo lên, Vương Tử Chu xuống núi một cách ráo riết khẩn trương.
Đến chỗ dốc cao, cô cảm tưởng mình như một quả thông đang đổ đèo, lăn lông lốc với tốc độ chóng mặt, phanh cũng chẳng hãm nổi. Mấy lần sắp ngã đến nơi, may mà Trần Ổ trông thấy, níu quai túi giữ cô lại.
Tạ ơn trời đất.
Tướng Vương em bước được xuống núi mà tưởng đâu đã vượt qua 7749 kiếp nạn, ngay sau đó cơn buồn ngủ ập tới. Đến nghĩa trang sau
chùa Nanzenji thì trời đã sắp trưa, vì thiếu ngủ và vận động quá sức, tim đập như muốn nhảy ra khỏi lồ ng ngực, Vương Tử Chu cảm thấy mình không phải đang đi bộ mà là đang trôi lửng lơ.
Cái nắng thiêu đốt và tiếng ve rền rĩ đang giày vò cô.
Cớ sao con đường này cứ kéo dài bất tận thế?
Hết rẽ lại ngoặt.
Tôi muốn về nhà.
Vương Tử Chu lệ đổ trong tim.
Chân tay rệu rã, lết ra bến xe còn chẳng nổi chứ đừng nói là về đến nhà.
Tôi muốn gọi xe.
Vương Tử Chu nhanh chóng nhẩm tính quãng đường và tiền xe, quyết định bắt taxi về nhà.
Cô khăng khăng kéo Trần Ổ lên xe cùng.
Bảo: “Tiện thể đưa sách cho cậu luôn.”
Đường về nhà thực ra cũng không xa lắm, còn chưa tới 3 km, ngồi xe vèo cái là tới nơi.
Xuống xe đi bộ về chung cư, Trần Ổ dừng trước cổng, Vương Tử Chu lại kêu: “Vào đi, bên ngoài nóng lắm.”
Nắng gắt như thế mà để người ta đứng ngoài đợi thì quá ư tàn nhẫn.
Vương Tử Chu bấy giờ nào còn sức mà bận tâm tới mấy thứ khác, trong đầu một mớ bòng bong, bấm thang máy lên lầu, mở cửa vào phòng, cởi giày, thấy Trần Ổ đứng ngoài bèn gọi: “Vào đi chứ.”
Trần Ổ bước vào, đứng ở lối đi trước cửa.
Dường như cậu muốn để cửa mở nhưng tay đẩy tự động trên mép cửa thì không có ý định đó.
Vương Tử Chu nhớ lại lần đến ký túc xá, cậu cũng mở toang cửa phòng. Có vẻ Trần Ổ rất để ý tới việc tiếp xúc riêng trong không gian kín, nên là phải mở cửa cho bằng được, Vương Tử Chu nghĩ bụng.
Cô đứng ở hành lang gian bếp, bảo cậu: “Không sao đâu, cứ đóng vào đi.”
Vừa dứt câu thì điện thoại rung.
Vương Tử Chu móc di động trong ba lô.
Là mẹ gọi.
Như đang trốn học thì bị phụ huynh bắt tại trận, cô chột dạ, hốt hoảng, cuống cuồng đánh tiếng với Trần Ổ, “Tớ nghe điện thoại xíu”. Đoạn, mở cửa phòng tắm, chui vào rồi mới nhận cuộc gọi.
“Alo, mẹ ạ.”
“Sao mẹ gọi mà con không nghe vậy?”
“Dạ, con để yên lặng nên không nghe chuông.”
“Đang ở đâu thế?”
“Con ở nhà.”
“Ở nhà mà sao không nghe thấy?” Mẹ cô chất vấn xong lại hỏi tiếp, “Nghỉ hè con không về thật à?”
“Vâng.” Cô ép tông giọng xuống thấp hết mức, “Phải viết luận, với cả con vừa nhận dịch mấy cuốn mới, về nhà không tiện tra cứu tài liệu.” Cô ngập ngừng đôi chút, thắc mắc: “Có việc gì không mẹ?”
“Không có việc thì không được gọi cho con à?”
“Dạ dạ.” Vương Tử Chu co mình lại, tựa lưng vào chiếc bồn tắm nhỏ hẹp.
“Hôm qua Diệu Minh nó về rồi đấy.” Người được bà nhắc tới là anh họ của Vương Tử Chu, “Giờ làm ở Thẩm Quyến, ngon nghẻ lắm, nó hỏi thăm tình hình công việc của con, mẹ bảo con tìm được việc rồi. Bác con thì cứ chê làm bên Nhật chán lắm, còn chẳng bằng mấy thành phố lớn của Trung Quốc mình đâu, kêu con về nhà mà kiếm việc, cố đấm ăn xôi ở đấy làm gì. Bác con kể, lúc Diệu Minh tốt nghiệp á, nó còn phải chọn đi chọn lại, cân nhắc tính toán mấy công ty lận, sao con lại quyết định chóng vánh thế? Còn lâu mới tốt nghiệp, chọn việc cũng như chọn chồng, phải xem xét, lựa chọn cho kỹ con ạ. Mà mẹ càng nghĩ càng tức, điểm thi đại học thằng Diệu Minh kém xa con, tại con cứ đâm đầu vào cái ngành này đấy chứ, học tự nhiên có phải tốt hơn bao nhiêu? Tự dưng lại chọn cái tiếng hiếm này, giờ chỉ có chôn chân ở Nhật. Thế cái việc con tìm là như nào? Bác con nói cũng có lý cả đấy, đừng quyết định sớm quá!”
“Đã chốt cả rồi.” Cô đáp.
“Đấy là người ta chọn con thôi, chứ con tìm được mối ngon hơn thì bỏ chỗ họ cũng được mà.”
“Ai lại thế!” Cô bảo.
“Có gì mà phải ngại? Nếu không khả thi thì cứ về nước cho mẹ, ở Nhật toàn phóng xạ thôi.”
Trong không gian chật hẹp của phòng tắm, nóng nực, bí bách.
Vương Tử Chu mồ hôi như mưa.
Chảy ròng ròng.
Mệt mỏi, sợ sệt, còn lo ngay ngáy vì sự hiện diện của người đang đứng ngoài cánh cửa kia.
Bỗng nhiên cô thấy rất mệt mỏi, nên không nói gì nữa.
“Bố mẹ biết con bận.”
“Học hành bố mẹ không lo.”
“Luận văn với con cũng chỉ là chuyện cỏn con nhưng công việc thì phải cân nhắc cẩn thận, có phải trẻ con nữa đâu, đừng nông nổi như hồi chọn ngành học.”
“Sau này có tìm người yêu hay cưới xin, mua nhà… đều phải tính toán kỹ lưỡng cho mẹ, con cũng đến tuổi rồi đấy, biết chưa hả?”
“Con mà không khấm khá lên được, các bác lại cười vào mặt bố mẹ.”
“Công việc thì cứ cân nhắc thêm đi, nhớ chưa?”
Vương Tử Chu cầm điện thoại, ra sức lau mồ hôi.
Mắt dán chặt vào tay nắm cửa phòng tắm nhưng cô cũng chẳng biết mình đang nhìn cái gì, chỉ thấy ù ù bên tai.
Tủi thân, bực bội, hai thứ cảm xúc dường như đang tuôn trào.
Cồn cào trong bụng.
Chực dâng trong mắt.
Hoà cùng với mồ hôi.
Cô biết bố mẹ muốn tốt cho mình, cả nhà vẫn luôn vui vẻ với nhau nhưng mỗi lần họ dạy bảo cô bằng kinh nghiệm cuộc sống đúc kết được ở cái thị xã nhỏ bé ấy, cô lại cảm thấy khó chịu. Cái cảm giác đó, cô không nói và cũng chẳng thể nói thành lời.
Bố mẹ nghĩ con tìm việc dễ lắm ư?
Nó là những món hàng bày trên giá để con tha hồ lựa chọn ư?
Con cũng phải bon chen thi thố, vượt qua không biết bao vòng phỏng vấn mới đỗ.
Học hành dễ dàng lắm ư? Viết luận văn đơn giản lắm ư?
Cũng có thể.
Nhưng con chỉ là một người bình thường.
Bố mẹ có thể chấp nhận sự thực rằng con là một người bình thường không?
Vương Tử Chu muốn nói ra nhưng không tài nào cất tiếng.
Không rõ cuộc gọi kết thúc tự khi nào, chỉ biết mẹ cô đã nói rất lâu.
Vương Tử Chu cũng ngồi trong phòng tắm rất lâu.
Cô không muốn ra ngoài với đôi mắt sưng húp.
Đến khi mọi thứ nguôi ngoai, cô mới dè dặt mở cửa.
Trần Ổ ngồi cuộn mình giữa lối đi nhỏ hẹp ở gian bếp. Cậu dựa lưng vào tủ bếp, ôm gối ngủ thiếp đi.
Mệt quá đấy mà, nếu là cô, chắc cũng gục luôn rồi.
Vương Tử Chu ngồi xuống đối diện.
Hành lang rất nhỏ, chỉ vừa đủ cho hai người.
Thực ra trong phòng có một chiếc sô pha đơn nhưng chắc cậu sợ leo núi xong quần áo lấm lem nên đã chọn ngồi dưới sàn. Tất đen, quần dài và áo phông trơn, cổ tay phải có hai miếng cao dán. Vương Tử Chu nhìn phát là nhận ra ngay, Salonpas loại 140 miếng, rất nhỏ, tách cả hai mặt. Mỗi lần bị viêm bao gân, cô cũng dùng Salonpas. Nhưng nhìn vị trí miếng dán của cậu, có lẽ không phải là viêm bao gân, chắc là bị thương hoặc viêm gì khác?
Thật tuyệt khi cũng có người giống mình, cùng phải chịu đựng những nỗi đau tương tự.
Vương Tử Chu bỗng cảm thấy an ủi ít nhiều, nghiêng đầu tiếp tục quan sát.
Lông mày, nốt ruồi ẩn dưới lông mày, mũi, môi và cả tóc.
Sự chán nản, uất ức sau cuộc nói chuyện bế tắc với gia đình đã được giải tỏa, chỉ bằng khoảnh khắc được nhìn ngắm cậu trong tĩnh lặng và mê say, không ai quấy rầy.
Muốn rứt tóc cậu ấy ghê.
Vương Tử Chu nuốt nước bọt.
Dừng lại đi, Vương Tử Chu.
Mày hồ đồ quá.
Mày và cậu ấy, chỉ là…
Kệ đi! Vương Tử Chu cắt dứt dòng suy nghĩ của chính mình.
Nắng từ ban công hắt vào, có chàng trai ngồi giữa lối đi nhà tớ, tớ ngồi đối diện, cậu đang say ngủ còn tớ thì nhìn cậu ngủ say. Y như tình tiết trong phim vậy, tất cả mọi thứ đều ngưng đọng, chỉ trừ nhân vật chính. Vương Tử Chu hy vọng mình có thể trở thành nhân vật đó. Cô có thể đi đi lại lại, ngồi ngắm người ta ngủ, ngắm chán thì dậy ra ngoài đi dạo, đi dạo xong lại về phòng, người đó vẫn ngồi đây, trong dáng vẻ lúc đầu.
Rất an toàn, rất đã.
Ý tưởng điên rồ đó đang sinh sôi nảy nở trong đầu Vương Tử Chu.
Thời gian, xin hãy dừng lại, ngay tại không gian này.
Xin người!
Thế nhưng cậu ấy tỉnh mất rồi.