Học Y Ở Thế Giới Song Song

Ăn cơm tối, xin đi theo vào rừng


trước sau

Tiểu Hàm cũng đi theo thưa một tiếng. Ba người đồng thời gật đầu. Giang Thị Ngọc Mai cười hỏi.

"Hai anh em đi qua chơi à? Vào đây con. Tiểu Hàm đã khỏe hẳn chưa con? Còn chóng mặt nhức đầu gì không?"

Tiểu Hàm ngoan ngoãn lắc đầu nói đã khỏi bệnh. Lúc này Giang thị mới nhìn cái rổ trên tay Tứ Tự, lại cười nói: "Là đem cá qua cho nội hả?"

"Dạ, hồi nãy con với anh năm đi sau ruộng câu cá, câu được rất nhiều. Cha mẹ nói cá này không rộng được, nên bắt một phần đem qua cho ông bà nội, bác hai và mấy anh chị ăn lấy thảo."

"Ừa, nội biết rồi. Về nói với cha mẹ nội nhận cá. Tứ Tự đem cá cho bác hai tụi con mần luôn đi." Rồi mới quay đầu nắm tay Tiểu Hàm.

"Tay sao mà lạnh quá vầy nè? Một hồi vô nhà kêu ông nội rót cho ly trà rừng uống cho ấm người. Mới khỏi bệnh, đừng để bệnh lại nghe con."

"Dạ bà nội, ban nãy con đã uống một ly rồi, cay quá trời!"

"Ừa, cay nó mới tốt."

"Anh Tứ đâu rồi bác hai!" Tứ Tự đem cá tới đưa cho Bác hai gái đang ngồi mần cá, xong liền quay đầu cười hỏi.

"Thằng Tứ mới đem cá về, lại chạy đi chơi rồi." Bác hai gái cười đáp. Xong lại nói: "Về nói với cha mẹ cho bác hai cảm ơn nha. Thiệt là, nói cha mẹ về sau gửi vài con cho ông bà nội là được. Không cần gửi nhiều như vậy."

Không đợi Tứ Tự và Tiểu Hàm trả lời, bà nội đã khoát tay lắc đầu: "Thì có gì đâu, người một nhà. Tụi bây có ăn cũng bưng qua cho tụi nó mà. Anh em thì phải có qua có lại. Ba bây nhìn thấy anh em tụi bây thuận hòa, ổng vui."

Bác hai gái cười gật đầu, vâng dạ nói: "Dạ mẹ!"

Bác hai gái đem cá trong rổ trúc ra đất, cầm dao "Đập! Đập! Đập!" Vài cái, đem mấy con cá nhảy đành đạch đập cho chết. Sau đó tiếp tục mần cá, vừa mần vừa cười khen nói.

"Hai đứa giỏi hết biết, hồi nãy anh Tứ Tứ của tụi con khoe với bác, nói hai đứa câu thiệt nhiều cá, kể như trong cải lương, bác mới nãy còn không tin."

Hai anh em ngồi lại nói chuyện một lát, mới cầm rổ đứng lên thưa xin về. Lúc trở ra gian nhà chính, còn đứng ở cửa thưa ông nội một tiếng. Ông nội gật đầu "ừa", bước ra cửa nhìn theo hai anh em trở về.

- --

Lúc hai anh em cầm rổ đi trở về nhà, ở nhà cha mẹ cùng chị ba đã mần xong cá, đang rửa sạch chuẩn bị nấu cơm. Anh hai cũng đã trở về, đang ngồi chặt củi cùng với anh tư ở trong vườn.

Chờ mần cá xong, mẹ và chị đi vào bếp nấu ăn. Cha ra sau vườn cần rựa chặt củi. Kêu Tiểu Hàm cùng với Tứ Tự tới sắp củi vào cự, để dành khi nhà nội có đám tiệc thì đem qua cho, hoặc dành hàng ngày nấu ăn, mùa đông nấu nước tắm.

Đợi khi cơm dọn lên măm đã là hơn năm giờ chiều. Cha đứng lên kêu mọi người vào nhà ăn.

Tiểu Hàm hôm nay "lao động vất vả" ah, cho nên bụng đói meo. Từ hôm tới đây tới nay, cô mới biết bị đói bụng.

Ăn cơm không phải ngồi ở bàn ăn, mà dọn ở cái sạp kê trên đất trong nhà bếp. Bình thường một nhà ăn cơm đều ngồi ở đây ăn. Trừ phi có khách thì mới dọn ra nhà trước. Ở đó có chiếc bàn tròn lớn cùng mấy cái ghế đôn. Bàn tròn thường dành cho cánh đàn ông, còn phụ nữ, thường sẽ ngồi ở chiếc bộ ngựa ở tay trái ở nhà trước đó ăn uống.

Chiếc bộ ngựa đó cũng là nơi anh hai Đại Hữu và anh năm Tứ Tự ngủ, còn bộ ngựa bên phải là của anh Tư ngủ. Lúc trước là anh tư cùng với Tứ Tự ngủ chung, anh hai ngủ một mình. Nhưng Tứ Tự rất sợ anh tư, cho nên cứ nài nỉ anh hai cho ngủ cùng, cuối cùng mới phân thành như vậy.

Còn ở gian nhà trong, có một căn phòng, là căn phòng ngủ dành cho cha mẹ, còn cô và nhị ba Nhị Hương thì ngủ cùng nhau ở một căn phòng khác. Ở bên phía trái nhỏ bên tay phải nhà chính.

Nhà của cô có một nhà chính và một trái nhỏ phía bên phải, trái nhỏ này trước kia là dùng để làm bếp nấu ăn. Sau lại khi chị ba bảy tuổi, cha liền dựng thêm một trái nhỏ tạm bợ ở phía sau nhà lớn để làm bếp, chính là nơi bọn cô đang ngồi ăn, còn trái nhỏ bên hông thì sửa sang quét dọn làm thêm cửa nẻo chắc chắn, làm thành phòng ngủ cho chị ba Nhị Hương. Sau này khi Tiểu Hàm thân thể này được năm tuổi, liền đi vào ngủ với chị ở bên đó.

Trở lại, cả nhà ngồi vây quần trên sạp ăn cơm. Hôm nay ăn toàn cá rô. Cá rô nấu canh rau dại, rau kia vừa có rau dền, rau dịu, rau cải trời, rau má. Thậm chí còn có vài cái nấm xoài trắng trắng. Ở sau vườn nhà Tiểu Hàm có cả một vườn xoài lâu năm, khi mưa xuống, thường sẽ có những cái nấm xoài màu trắng mọc
lên. Hái vào nấu canh ăn rất là ngon.

Món còn lại là cá rô kho, cùng với một dĩa chuối già sống sắt mỏng.

Cá rô rất mập mạp, nấu chín thân cá cong lên, nứt một đường giữa lộ ra thịt cá trắng tinh thơm ngọt.

Không giống như cá nuôi ở thời của Tiểu Hàm trước kia, lúc này cá nơi này ăn rất ngon. Thơm ngọt đầy mùi vị.

Tiểu Hàm nhỏ nhất, lúc ăn cơm ngồi cạnh mẹ Bao Ngọc Thủy. Mẹ vừa ăn, vừa gắp cá ra một chiếc đĩa nhỏ để nguội bớt, sau đó lấy hết xương cá ra, rồi mới đẩy cá tới trước mặt Tiểu Hàm để cô tự gắp cá này ăn cho khỏi hốc xương.

Canh cũng vậy, sợ cô bị bỏng, cho nên lúc nào cũng múc sẵn một chén thổi cho ấm rồi mới để cho cô tự múc ăn.

Tiểu Hàm trước kia hay hiện tại đều rất thích ăn cơm cháy, vừa thơm vừa có vị ngọt của gạo. Cho nên mỗi khi nấu cơm, dù là mẹ hay chị ba, đều sẽ cố ý đặt trên bếp than lâu một chút để có cơm cháy.

Mỗi lần xới cơm cháy, sẽ chia làm hai phần hoặc ba phần, hai phần còn lại thường xoay vòng phân chia cho người này người còn lại, chỉ có Tiểu Hàm, lúc nào cũng sẽ có một miếng cơm cháy.

Đối với sự ưu ái đặc biệt này, anh chị trong nhà không ai dị nghị cái gì. Ai biểu Tiểu Hàm là em út. Thường thường có thông lệ, con út luôn được cưng nhiều...

"Em xong việc nhà chưa? Ngày mai theo anh lên núi hái rau dại đi." Liên Hoàn Liên vừa ăn cơm vừa nói với vợ.

Bao Ngọc Thủy gật đầu. "Đều dọn dẹp xong, cũng không có gì nhiều để dọn. Bình thường Nhị Hương nó dọn dẹp ngăn nắp, cộng thêm thằng Xạ cũng ngăn nắp. Trong nhà người bày biện bừa bộn cũng chỉ có hai anh em thằng năm với con út."

"Mẹ!" Tứ Tự phản kháng kêu một tiếng. Cha cười nhướng mày nói.

"Mẹ nói đúng đó. Con năm nay đã tám tuổi, vậy mà chẳng biết dọn dẹp nhà cửa gì. Thấy anh tư của con không, lúc bằng tuổi con, anh tư của con đã luôn ngăn nắp!"

Tứ Tự liếc mắt nhìn anh Tư Tam Xạ, liếc một cái liền bĩu môi gục cổ. Mà Tiểu Hàm, mỉm cười hàm hồ không nói, ăn ăn cơm. Vì cơm ngon.

Ăn xong một chén, lại đưa chén cho mẹ xin thêm một chén nữa. Chỉ là...

Bụng nhỏ rồi, vốn là đói, tưởng sẽ ăn nhiều. Ai dè bới thêm chén thứ hai, mới ăn một hai miếng đã thấy bụng no tròn không ăn nổi nữa.

"Cha, con ăn không nổi!" Tiểu Hàm đáng thương xin trợ giúp.

Nhìn con gái đôi mắt đáng thương nhìn mình, lòng Liên Hoàn Liền mềm một mảnh, liền vươn tay qua đón lấy cái chén của con gái.

"Để cha ăn dùm con!"

Mẹ lại hừ hừ một tiếng mở miệng răn dạy. "Về sau ăn không nổi, nói mẹ bới ít lại biết không!"

Tiểu Hàm vâng dạ gật đầu, đôi mắt nhìn chằm chằm vào hành động của cha. Cha không gớm nước miếng, cứ như vậy ăn cơm thừa của cô. Đây cũng là một trong nhiều số chuyện khiến cho cô cảm thấy hạnh phúc.

Cô đối với việc ăn chung uống chung là ghê tởm lắm, cảm thấy dính nước miếng của người khác, không sạch sẽ. Nhưng từ lần đầu tiên mình bỏ mứa cơm, nhìn thấy cha thản nhiên ăn hết thừa đó, khi đó cô chợt thấy lòng thật ấm áp. Dù chỉ là một hành động nhỏ, nhưng cô vẫn cảm nhận được tình yêu thương của người cha dành cho mình. Đây mới là gia đình.

Chợt nhớ tới ban nãy cha nói ngày mai cùng mẹ đi lên núi, Tiểu Hàm động tâm.

"Cha, ngày mai mẹ cũng đi rừng núi với cha hả?"

"Ừm! Mẹ đi cùng, coi có rau dại hay trái dại gì đó hái về để dành ăn."

"Vậy.. cha, mai cha cho con đi với có được không?"

Liên Hoàn Liên ngóc đầu khỏi chén cơm, nhìn con gái nhỏ.

"Con muốn đi làm gì? Không phải trước kia con không thích đi sao?"

"Không phải, tại con không còn nhớ cái gì, cho nên muốn đi cho biết."

Câu này vừa nói ra, cả nhà lâm vào trầm mặt. Lời phản đối sắp nói của Bao Ngọc Thủy cũng thu trở về. Liên Hoàn Liên trầm mặt một hồi, lại nhìn vợ một hồi. Liền gật đầu.

"Được, vậy tối nay ngủ sớm, sáng mai đi theo mẹ con đi. Có đều vào một lát liền về, không ở lâu đấy!"

"Dạ, con cảm ơn cha!"

"Được rồi, ăn rồi thì đi rửa tay rửa miệng đi"

"Dạ!"

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện