Quyển I: Nó là Hoàng Anh Kiệt
Chương 94: Thuyết phục
Xủ Lu hôm đó theo chân người Hồng Bàng qua huyện Thanh Sơn dễ dàng. Tới khu Đá Vách, cậu ta đi một mình, mang theo túi đựng đầy mì ăn liền, muối và một tí đường đem lên trên núi. Đường đi hiểm trở, một người tuy 15 tuổi nhưng ăn uống kham khổ đã lâu, trong chỉ như mới 13 tuổi, mang một túi to như thế cũng không phải dễ dàng. Những nghĩ tới việc sẽ mang được thức ăn về cho làng, để mọi người được ăn ngon, Xủ Lu quên hết mọi mệt nhọc. Đồng thời, cậu ta cũng nhớ tới những gì mà cậu và Hoàng Anh Kiệt đã trao đổi với nhau trước khi tới đây ( có hỗ trợ phiên dịch từ K’Lừng).
- Cậu có thể suy nghĩ như vậy, tôi rất mừng.- Kiệt nói vậy sau khi nghe Xủ Lu xin tỏ ý trung thành và hứa tận tâm làm việc- Tuy nhiên, tôi không chắc cậu có thể thuyết phục được mọi người của cậu.
- Thưa ngài, tôi...
- Không phải tôi không tin cậu, mà là do những gì Bùi Đắc gây ra quả thực không thể quên. Là tôi, tôi cũng không thể tin được. Vì thế, tôi không hi vọng cậu về chỗ đó sẽ thuyết phục được ngay. Hãy cứ mang theo thứ này về tiếp tế cho họ, kể lại mọi thứ. Cứ chân thực kể lại, đừng giấu diếm gì cả.
- Vâng! Dù thế nào, tôi cũng cố nói cho họ biết.
- Cậu cũng hãy hỏi những người kia xem, họ có muốn mang gì cho người thân không?
- Dạ, có thể mang sao?
- Họ cũng nhận lương mà, K’Lừng sẽ hướng dẫn mua bán. Lý do tôi không để họ về thăm nhà là do họ chưa trả hết nợ- số tiền tôi bỏ ra để mua họ về làm việc và giúp tôi kiếm một khoản dự phòng- nếu lúc tôi cho họ đi họ có bỏ trốn, tôi cũng có khoản tiền mua người khác thế chỗ.
Những lời Kiệt nói có phần lạnh lùng, khắc nghiệt, nhưng đáng tin cậy, bởi vì nó thực tế. Kiệt không hứa cái gì xa vời, trái lại cậu nói ra điều mình cần ở họ và cái cậu ta sẽ trả lại. Dễ hiểu. Với những người dân ở đây, càng dễ hiểu càng tốt.
- Anh Xủ Lu.
- Là Xủ Lu.
Những tiếng hét vang của một đứa trẻ nào đó khiến cậu ta quay lại thực tại. Từ lúc nào, cậu đã tới một trạm canh gác. Đó là cách dân Đá Vách tránh được các cuộc tấn công bất ngờ.
Đám trẻ vui mừng khi thấy Xủ Lu quay lại, lập tức dẫn cậu về làng. Gọi là làng, thực ra là một cái hang đá trong hàng chục hang đá có thể sống được ở nơi đây. Để không bị phát hiện, dân Đá Vách cứ đổi chỗ liên tục qua những hang đá này mà ở.
- Xủ Lu, sao mày về được vậy!
- Nghe bảo bị bắt, vậy mà mày trốn về đươc, lại có túi gì to thế!
Mấy đứa trạc tuổi cậu nhưng không tham gia trận cướp bóc lần trước vây quanh cậu ta, tò mò hỏi.
- Không phải tao trốn về được đâu! Ta cũng bị bắt, bị bán rồi, cũng như bao người khác.
- Vậy sao mày về được!
- Cháu được thả, họ cho cháu về, đem cái này cho mọi người.- Xủ Lu nói rồi lần lượt đem ra các đồ ăn, ngoại trừ mì ăn liền, muối, đường còn có thức ăn mà những người kia gửi kèm: ít thịt hun khói, cá khô,...
Nhìn cảnh này, những người lớn trong làng lập tức rút vũ khí chĩa thẳng vào người Xủ Lu.
- Mày theo bọn người xuôi lên lừa chúng tao phải không!
- Vứt hết đống đồ này đi!
- Các bác có thể không tin cháu, nhưng đừng vứt đồ ăn đi, dân đang đói, cho họ ăn đi đã.
- Đồ ăn của bọn người xuôi đem lên nhất định là để hại chết dân mình. Ăn nó rồi sẽ bán rẻ người mình, vứt hết đi.
Họ cầm lấy những đồ ăn, ném hết đi, ném thật xa. Xủ Lu cũng không nói gì, cậu chỉ lùi bước quay đi. Cậu đã từng giống như họ, ném đồ ăn đi vì sợ hãi với thứ mà dân miền xuôi đưa cho mình ăn. Vụ Bùi Đắc, mãi mãi là vết thương khó lành.
Sau khi ném xong đồ ăn, họ còn toan quay lại tấn công Xủ Lu, nhưng cậu ta lủi đi thật nhanh. Sự kích động đang quá lớn, ở lại chỉ có thiệt. Xủ Lu cũng là dân sinh sống ở đây, chạy biến, mặc kệ mấy người đuổi theo cậu ta hò hét chửi bới.
Nhưng Xủ Lu không chạy mất, cậu về tìm mấy ông bạn Hồng Bàng, hỏi xin cái nồi rồi cậu ta lần mò ở lại. Cậu còn được nghỉ ngơi 3- 4 ngày, nên muốn gặp thêm một số đứa khác. Xủ Lu nhanh chóng tìm tòi lại mấy chỗ đồ ăn bị vứt đi, tuy gặp đất, bẩn hoặc nát một chút, nhưng vẫn dùng được, đem rửa đi là xong. Ngoài một phần bị mắc đâu đó trên những chỗ quá hiểm trở hoặc bị thú, chim lấy cắp, Xủ Lu thu lại được hầu hết. Tại những chỗ thu được thức ăn, cậu ta viết chỉ dẫn tới chỗ mà giờ cậu đang ngồi đây.
Tại chỗ này, Xủ Lu bắt đầu lấy nồi niêu và nấu thức ăn. Mì ăn liền, cho tí thịt, nấu lên ăn ngon quá trời, mùi cũng thơm nữa. Không mất bao lâu, có những người lục tục mò tới. Có người trẻ, cùng lứa với Xủ Lu, có người lớn hơn tới xin ít thức ăn đem về cho con, có người đang cho con bú cũng tới ăn để có thêm sữa... Trong đêm đó, cậu đã nấu hết 1/3 số thức ăn. Hai ngày
tiếp theo, chuyện này vẫn tiếp diễn. Dân ở đây đã quá đói khổ, họ lén lút tới đây nhận thức ăn, là điều dễ hiểu.
- Tớ cần phải quay về nơi đó làm việc tiếp.
- Cậu thực sự tin rằng mình đang làm đúng ư? Cậu quên những gì các trưởng lão nói hay sao?
- Ít nhất, mỗi tháng tôi có thể đem cho các cậu một ít thức ăn!
Lời của Xủ Lu rất thành thật, nhưng càng thành thật lại càng như dao sắc cứa vào tim người ta. Dân Đá Vách quá nghèo, những thứ mà Xủ Lu mang tới, quả thực chính là cứu trợ khẩn mà. Giờ Xủ Lu đi rồi, lương thực cậu ta mang tới cũng hết, cuộc sống sẽ lại tiếp tục những ngày đói khổ.
- Bao lâu cậu có thể về.
- Tầm một tháng nữa!
- Nhớ mang thêm nhiều nhiều đồ ăn nữa nhé.
Xủ Lu gật đầu chào tất cả rồi đi. Cậu biết rằng sẽ vẫn còn sự vất vả trong việc thuyết phục mọi người về làm việc, vì giờ cậu chưa nói được gì với họ cả. Từ khi gặp họ tới khi họ đi, họ chỉ chăm chăm vào ăn uống, Xủ Lu cũng mải mê lấy đồ ăn cho họ ăn, nấu nướng, dọn dẹp cũng bã người, nói năng gì nữa.
Trên đường về làng Hồng Bàng, nhìn về phía nơi ở cũ, vùng Đá Vách, Xủ Lu lại nhớ cảnh cậu chia cho lũ trẻ ít đường mà cậu có. Chúng thích thú mút mát cái thứ ngọt ngào đó, thật sự thương quá mức.
Xủ Lu về làng, Kiệt không cho gọi lại hỏi thăm, vì cậu ta đang bận việc khác. Xủ Lu cứ như vậy quay về chỗ làm việc ở khu đồn điền phía sau làng. Vừa quay về, những người dân Đá Vách đã ùa lên, họ hỏi thăm về làng.
- Họ vẫn đang đói khổ hơn chúng ta, nhưng lòng căm thù, sự tỉnh táo trước cám dỗ vẫn còn lớn!- Xủ Lu kể lại việc bị người lớn ném hết đồ ăn, rồi người dân trong làng tới ăn từng bữa, không nhiều, chỉ toàn là bạn bè thân thiết của cậu, người thân của những người này. Nhưng sức ăn của họ chỉ 3 ngày là hết số đồ ăn kia, tức là bản thân họ đói tới mức nào.
- Chúng ta có thể hàng tuần tiếp tế được không?
- Không đủ tiền mua, một tháng làm việc chỉ có thể mua hai lần đồ như thế.
- Chúng ta ở đây được ăn no, họ thì…
- Hay lần sau kêu họ đến đây đi.
- Nhỡ đó là kế thì sao? Chúng để ta lơi lỏng cảnh giác, rồi bắt hết một mẻ.
- Không có đàn ông trong nhà, họ làm sao kiếm đủ thức ăn mà sinh sống chứ.
Cuộc nói chuyện lúc này tuy vẫn còn giữ nguyên sự ngờ vực về làng Hồng Bàng, nhưng cái gay gắt lúc đầu đã không còn nữa. Ngồi ở đây, ăn ngon hơn, mặc đồ tốt, có chỗ ngủ ngon, nghĩ tới ở nhà vợ con đói rách cầm lòng sao nổi. Con người, chứ có phải là sắt đá.
Kể từ hôm đó, những con người ở Đá Vách lầm lì hơn, họ không nói chuyện, bởi họ biết bản thân đang nghĩ gì, muốn làm gì, đồng thời cũng sợ những điều bản thân nghĩ sẽ gây tại họa cho người thân của mình. Nếu chẳng may làng Hồng Bàng như tên Bùi Đắc, dụ ngọt họ, rồi khi người thân họ tới, chúng bắt lại để làm nô lệ thì sao. Nhưng hiện tại cuộc sống của họ cũng đâu khá hơn, với cả sống ở đây tuy chưa lâu, nhưng họ cũng đã không muốn nghĩ lại cuộc sống khi trước. Họ cứ nghĩ vậy thêm 2 tháng, thì cũng là vào mùa mưa. Xủ Lu về, báo cho họ tin một đứa con gái của một thành viên đã chết do lở đất. Mùa mưa tới, đồng nghĩa với đói hơn, khổ hơn, và có khi là phải chết.
Thế rồi, họ quyết định đánh liều. Họ xin đưa vợ con tới đây sinh sống. Kiệt không ngăn cản, mà tạo thêm điều kiện để họ làm việc này. Để đưa gia đình họ từ vùng Đá Vách về làng Hồng Bàng, những người Hồng Bàng mang xe ngựa tới chở đi. Một hai lượt đầu chưa bị ngăn, về sau có người biết, họ yêu cầu cản lại. Hóa ra, là các chủ mỏ ở huyện Thanh Sơn ra tay. Họ nhảy vào bắt người, làng Hồng Bàng vội ra can thiệp thì bị chống trả, cũng may là lần nào đi đưa người, sợ dân huyện Thanh Sơn phát hiện ra rồi ném đá như lần đầu đưa người- lần mua Xủ Lu, nên có được đội cảnh vệ Hồng Bàng- lứa lính 18 tuổi đi theo, hai bên đánh một trận ra trò.
Những kẻ ra tay tuy là dân anh chị, nhưng đám nhóc Hồng Bàng đứa nào cũng biết đánh trận, kết trận rất bài bản, hai bên không giải quyết nổi nhau. Quân ở huyện Thanh Sơn thấy loạn nhảy ra can thiệp vội. Tại phủ quan, Hoàng Văn Đình rất mực ra tay hào phóng, vụ này mới trót lọt, phần nữa là đám chủ mỏ chưa đề phòng được tình huống làng Hồng Bàng đủ sức cản trở, nên chúng không kịp tới can thiệp. Tuy thắng, Hoàng Văn Đình không dám lơ là, lập tức tìm tới Bùi Đắc để hỏi chuyện.