Quyển I: Nó là Hoàng Anh Kiệt
Chương 99: Bài học về tính kỷ luật
Ý tưởng này của Kiệt không phải một ý tưởng bột phát, trái lại nó là ý tưởng ấp ủ đã lâu. Làng Hồng Bàng tuy giàu nhưng không có mạnh, trông không khác gì một miếng mồi ngon để kẻ khác nhắm tới. Trước đây, Kiệt cũng có tạo ra một lực lượng quân sự, đó chính là đội quân mà hiện tại đang đóng giữ ở khắp huyện Sơn Hải. Tuy nhiên, đội quân này có mọt yếu điểm, đó là hiện nay họ chưa thể phục vụ ngay làng Hồng Bàng được, và sau này khi đã quay về phục vụ làng Hồng Bàng, e rằng những sự khống chế từ huyện Sơn Hải nhắm tới đội quân này sẽ chỉ càng thêm khắc nghiệt: giới hạn vũ khí, kiểm tra thường xuyên, bị hạn chế tập luyện,... Như vậy, nếu không có chuyện gì, đội quân mà Kiệt tốn công huấn luyện sẽ bị phế bỏ.
Ngày trước, để có cớ luyện bình, Kiệt vin cái cớ cướp biển lộng hành. Nay cướp biển không biết bao giờ mới tới, vậy thì phải tạo cớ. Và Kiệt thấy gần nhất thì có cướp cạn Đá Vách. Để có thể khiến lực lượng Đá Vách đủ sức mạnh gây nên uy hiếp lớn tới mức làng Hồng Bàng cần trang bị khí giới cho các vệ sĩ, Kiệt thấy họ cẩn phải có một lực uy hiếp nhất định: tổ chức và khí giới. Có sự tổ chức quân đội thì mới làm việc hiệu quả, có khí giới thì lực uy hiếp mới cao.
Nhân sự kiện dân Đá Vách có sự lo lắng về an toàn của họ khi tới làm cho làng Hồng Bàng, Kiệt thúc dục họ phải lớn mạnh về năng lực chiến đấu để có thể tự vệ- thực ra là tạo cơ hội để có thể cho người đi huấn luyện họ chiến đấu cũng như chuyên giao cho họ một ít khí giới. Như hiện nay, họ được tiếp tế toàn diện từ những người đi làm cho làng Hồng Bàng, không phải lo chuyện kiếm ăn, có thể toàn tâm toàn ý tập luyện chiến đấu, quả là thời cơ tốt. Từ xưa tới nay, binh lính muốn tinh nhuệ tốt nhất là phải được chuyên tâm luyện tập, ngụ binh ư nông hay tăng gia sản xuất vốn chỉ là cách làm của nước còn nghèo, chứ chuyên tâm làm việc vẫn là tốt hơn.
Xủ Lu và K’Lừng nghe Kiệt nói tới việc sẽ cho dân Đá Vách thành lập quân đội để có lực lượng mà tự vệ thì có suy nghĩ khác nhau. Với Xủ Lu, đây là một tầng bảo hiểm tốt cho dân Đá Vách, nếu thực sự có gì, họ cũng có thể cướp về một vài người. Với K’Lừng, cậu ta nghĩ rằng Kiệt làm vậy, tức là đang dưỡng tay chân giống như những tay chủ mỏ thường chiêu đãi đám côn đồ vậy, khi có việc cần thì những kẻ đó ra tay hỗ trợ. Nhưng dù ai nghĩ gì, họ cũng đều tán đồng việc này và ra sức để việc này thông qua. Xủ Lu đi bàn với các bô lão, những thanh niên trong làng còn K’Lừng đi nói chuyện với những người đang ở làng Hồng Bàng và những người sắp tới làm việc.
Cân nhắc một hồi, tất cả đều đồng ý. Vậy là Kiệt đem một tiểu đội 10 người trong đội quân 30 người mới thành lập năm nay của làng Hồng Bàng lên trên đó để huấn luyện. Vì Đá Vách xa xôi hẻo lánh, chả ai lên đó kiểm chứng, làng Hồng Bàng cứ bảo là lên đó trước chuẩn bị nơi đàm phán thôi.
Ngay khi tiến lên vùng Đá Vách này, qua vài bài kiểm tra, Kiệt được biết rằng dân Đá Vách vốn quen chịu khổ, giỏi chiến đấu ở rừng núi, liều mạng, … là tố chất tốt để chiến đấu. Song chiến đấu giỏi là một chuyện, có thành một đội quân được hay không lại hoàn toàn khác. Một trong số những thứ tạo nên một đội quân tốt là kỷ luật, thứ mà hiện nay dân Đá Vách không có, giống như dân Hồng Bàng hay bất kỳ người nào mới vào cuộc huấn luyện quân đội mà Kiệt đề ra. Ở phần mình, dân Đá Vách có năng lực chiến đấu, lại ở nơi khó khăn, hay chống với dân miền xuôi, nên họ có sự gàn bướng cao, gây khó khăn cho việc huấn luyện.
Tiêu biểu, khi quân Hồng Bàng yêu cầu huấn luyện việc đi đều bước chả hạn, dân Đá Vách đã thẳng thừng chối, lý do là ở đây không có chỗ để dàn hàng đi đều bước. Tất nhiên, đó chỉ là cái cớ, quan trọng hơn là, họ không thấy thứ mà làng Hồng Bàng đang làm có lý do gì phải theo, đi đều bước đâu có thắng được họ. Khi mà lính Hồng Bàng giải thích rằng, làm vậy là để huấn luyện tính kỷ luật, khiến cho gặp nguy không loạn, biết nghe lệnh chỉ huy, giành được chiến thắng. Quân Đá Vách liền nhạo báng rằng điều đó thật sự quá ngu ngốc, tiến lên đây rồi, đừng nói kỷ luật hay hàng lối gì, họ mới là số một. Bao lần quân đội Thanh Sơn tiến đánh nơi này, cũng nào có làm được gì bọn họ chứ.
Nghe dân ở đây nói thế, Kiệt nhíu mày lại. Cả Xủ Lu lẫn K’Lừng đều sợ cậu mất vui, toan đi nói họ phải nghe lời, nhưng Kiệt nói thôi. Cậu biết có những lúc, không dùng thực tế chứng minh thì không có được, vì thế nên Kiệt bảo những người lính Hồng Bàng hãy cùng nhau tính toán lại, xem xem có thể có cách nào khiến họ chấp nhận huấn luyện không.
- Bọn người này thật sự không biết điều tẹo nào!- Võ Văn Tính lẩm bẩm.
- Chứ gì nữa, chúng nó cậy mình có sức khỏe, biết chém nhau từ trước, hơi tí là dọa dẫm bọn này!- Lương Mếu phàn nàn
Nhắc lại một chút thì Võ Văn Tính là dân làng Nhâm, Lương Mếu dân làng Triêm, sau này được cử sang làng Hồng Bàng để học tập, nên trưởng thành tại đây. Đáng lý hai đứa này cũng như nhiều đứa trẻ làng Nhâm, Triêm khác học xong sẽ quay về làm việc ở làng, nhưng bản tính bọn nó hiếu động quá, đánh nhau suốt ngày, khó mà học việc, nên chúng quyết định đi lính. Làng Hồng Bàng cũng chả ngại, huấn luyện hai đứa này luôn.
Hai đứa này vào quân đội như cá gặp nước, làm gì cũng tốt nên thăng tiến liên tục, giờ đã là chỉ huy tiểu đội và phó chỉ huy tiểu đội, mà tiểu đội bọn nó chính là được đưa lên đây huấn luyện dân Đá Vách. Tưởng sẽ giống như hồi mấy ông huấn luyện viên của bọn nó ngày trước, luyện cho bọn nó mềm người, ai dè dân ở đây cứng cựa, lắm lúc như muốn đập bọn nó luôn.
- Lúc gian khổ mới biết là ai có tài. Bây giờ các cậu cần phải làm việc cho tốt, sao để khiến họ dần làm quen với kỷ luật.
- Nói thi nói thế, nhưng Kiệt à, làm ơn gợi ý cho bọn này chút chút đi.
- Không, các cậu đang ỷ lại ở chỗ tôi rồi, hãy cố gắng hết sức mà làm.- Kiệt chỉ dặn có thế thôi, rồi cậu quay
về làng. Sau đó, cậu điều người mang tới khu Đá Vách các loại vũ khí mà làng Hồng Bàng từng dùng khi đánh cướp biển: nỏ, kiếm, giáo,…
Từ khi nhận được vũ khí từ làng Hồng Bàng, dân Đá Vách hết sức phấn khởi, họ cũng có chút hăng say tập luyện, cũng có khi nghe lời các binh sĩ Hồng Bàng hơn, quan hệ hai bên phần nhiều đều có chút cải thiện.
Trong lúc này, Hoàng Anh Kiệt quay về huyện Sơn Hải, nhờ Lý Sử A triệu tập lực lượng quân sự của họ, thông báo về việc tấn công vùng Đá Vách, nguyên nhân là dân ở đây sau thời gian dài được tiếp tế, đã có đủ sức chống cự, hiện đang luyện tập võ nghệ để làm loạn. Lý do Kiệt muốn quân Sơn Hải ra tay, là hiện nay làng Hồng Bàng do bất cẩn đã để lại ở trên đó nhiều nhân viên, công trình, nếu như để lính Thanh Sơn đi, họ có khi sẽ tiện tay phá nát những chỗ đó mất. Do quân Sơn Hải muốn vượt biên tấn công, hai vị Huyện Lệnh phải gặp mặt nhau, thảo luận rất ghê, làng Hồng Bàng cũng chi tiền mạnh tay.
Sau khi thỏa thuận đã thông qua, quân Sơn Hải dưới sự chỉ huy của Lý Sử A bắt đâu vượt biên giới Sơn Hải- Thanh Sơn. Trong nửa ngày, họ hành quân tới chân vùng núi Đá Vách và chờ đợi. Đến xâm xẩm tối, trên núi chợt có một vài ánh lửa bập bùng, sau vài lần xác nhận là đây là tín hiệu tấn công, quân Sơn Hải tiến lên vùng Đá Vách.
Quân Đá Vách lúc này vừa ăn cơm xong, no nê, ít phòng bị, nên trước hành vi đánh bất ngờ này, hoàn toàn thúc thủ. Dẫu vậy, vùng Đá Vách không hợp để ở chung một chỗ, nên họ ở rất phân tán. Cũng vì vậy, lượt tấn công đầu tiên này không hề bắt được trọn ổ, mà chỉ bắt được chừng hơn 30 người, còn lại khoảng 70 người khác phân tán ở nhiều hang động. Thấy động, những người này hoặc hoảng loạn trốn chạy, hoặc hò hét lấy khí giới chuẩn bị phản công. Dù gì cũng được huấn luyện quân sự, nên bọn họ vẫn mang vũ khí bên người, như giáo, kiếm. Tuy nhiên, vũ khí sát thương tầm xa như cung nỏ mà làng Hồng Bàng cấp lại không nằm ở đây, chúng nằm ở khá xa, tránh việc quân lính không tập luyện đi dùng cung nỏ săn bắn. Biết rằng sức mạnh cung nỏ rất tốt, một vài người lính Đá Vách vội đi lấy cung nỏ, số còn lại cố gắng đánh chặn địch.
- Bọn miền xuôi chó chết, chúng nó lại đánh lén, tất cả theo ta xông lên.
- Giết hết bọn miền xuôi.
Đội quân Đá Vách xông lên với khoảng 30 người, do 30 người khác đang chạy lấy cung nỏ, 10 tên hèn nhát chạy mất rồi. Thấy đối phương ùa lên đánh, quân Sơn Hải rất bình tĩnh đón đánh. Nếu là lúc khác, đám này nhất định ăn một trận mưa tên, nhưng hôm nay chúng không phải chịu, vì Kiệt đã có lời trước với Lý Sử A. Hai quân lao vào chiến đấu, quân số đối phương đã ít hơn, lại từng người cậy khỏe mà đánh, quân Sơn Hải vốn trải qua rèn luyện, hơn nữa những chỉ huy tiểu đội đều từng đánh nhau với cướp biển, kinh nghiệm chiến đấu và chỉ huy đủ dùng, nên trận chiến chả mấy mà nghiên về quân Sơn Hải. Mất thêm vài phút nữa đề đánh ngã, trói chặt một vài tên ngoan cố, quân Sơn Hải liền đi tiếp về hướng nơi giữ cung nỏ để đánh nốt trận cuối.
Tại nơi đây, họ thấy một cuộc chiến đang diễn ra, khi mà quân Đá Vách cố tấn công vào nơi cất cung nỏ, nhưng không được. Lực lượng thủ trong kia là đội quân của Võ Văn Tính, Lương Mếu. Chỉ có 10 người những nhờ biết giữ kỷ luật và có cung nỏ chiến đấu, họ đẩy lùi quân Đá Vách. Từ phía sau lưng, quân Sơn Hải bao vây trước khi hét vang, rồi tấn công. Đang không thể công phá để lấy được cung nỏ quay lại, đã thấy kẻ địch tấn công từ phía sau, quân Đá Vách tinh thần sụp đổ, vì họ biết như thế là mình đã thua rồi. Tuy còn nhiều kẻ ngoan cố chống cự, nhưng cuộc chiến cơ bản ngã ngũ.
Suốt hôm đó tới 3 ngày sau, quân Sơn Hải truy quét mạnh mẽ, bắt bằng sạch toàn bộ dân Đá Vách, giải chúng về làng Hồng Bàng. Đây là một trận đánh quá gọn gàng. Giải quân Đá Vách về làng Hồng Bàng, Kiệt cho gọi tất cả dân Đá Vách tới, và nói với họ việc quân Sơn Hải đã đánh nơi đó thế nào.
- Quân Đá Vách, khi quân Hồng Bàng tới huấn luyện quân sự cho các người, các người đã hỏi rằng, quân kỷ nghiêm minh làm gì, giờ ta trả lời, là quân kỷ nghiêm minh để chiến thắng. Quân Đá Vách vô kỷ luật, không có người gác, nên địch tới không biết. Quân Đá Vách vô kỷ luật, không có người chỉ huy, lâm trận không biết nghe ai, kẻ chạy kẻ liều, tự hại bản thân. Quân Đá Vách vô kỷ luật, xông trận cậy sức, cuối cùng sức một người đâu địch lại sức nhiều người. Quân Đá Vách vô kỷ luật, lấy 3 đánh 1 cũng không thắng được. Các người có vũ khí tốt, quân Sơn Hải đánh vào Đá Vách cũng trang bị không khác gì, vậy mà thua đau thế nào? Hả? Các người đáng lẽ sẽ là tầng bảo hiểm, khiến ta không thể làm hại người thân các người, giờ thì sao, quỳ hết dưới kia, giờ ta muốn bán muốn bắt họ làm nô, có gì mà khó. - Kiệt nói ra từng câu từng chữ, như những cú tát vào những người ở lại Khu Đá Vách, khiến ai nấy đều cúi gằm mặt.
Thậm chí, cả Xủ Lu, người đang đứng sau lưng Kiệt cũng vậy. Cậu ta trong trận đánh vừa rồi không tham dự, vì K’Lừng thiết kế bắt ngay bữa cơm chiều, đưa vào kho cung nỏ dưới sự bảo vệ của Tính, Mếu. Từ đó, cậu đã thấy được yếu tố kỷ luật ảnh hưởng thế nào, khi quân Hồng Bàng tiến lui nhịp nhàng, đánh cho quân Đá Vách đông gấp ba phải bó tay.
- Hiện tại, ta nói cho biết một việc, cơ hội để các người ngồi chung mâm với bọn ta đã trôi qua, từ này các người đều là nô lệ hết.- Kiệt gằn giọng nói- Trừ phi lập đại công cho làng Hồng Bàng, nếu không, đời đời làm nô lệ.