Hồng Lâu Mộng

Họa Sĩ Già Ra Bài Từ Quỷ Hoạch Công Tử Ngốc Làm Văn Tế Phù Dung


trước sau

Hai sư cô dẫn bọn Phương Quan đi rồi, Vương phu nhân liền sang bên Giả mẫu. Thấy Giả mẫu đương vui, nhân dịp thưa:

- Bên nhà Bảo Ngọc có con a hoàn là Tình Văn, giờ đã lớn rồi, đã một năm nay nó cứ ốm luôn. Con xem nó bướng bỉnh, lại lười. Hôm nọ nó ốm nằm đến mười mấy ngày, mời thầy thuốc đến xem, họ bảo là bệnh lao, vì thế con đã cho nó về rồi. Sau này có khỏi cũng không nên cho vào, để nó ở nhà lấy chồng là hơn. Còn mấy đứa con gái học hát, con cũng cho nó về cả. Một là chúng nó đều biết diễn tuồng, quen miệng ăn nói bậy bạ, không biết cân nhắc, lỡ các cháu gái nghe thấy coi sao tiện? Hai là chúng nó đã biết hát xướng, nay cho về cũng là phải. Hơn nữa bọn a hoàn cũng nhiều, khi nào không đủ sai, sẽ chọn thêm mấy đứa khác, thì cũng thế thôi.

Giả mẫu gật đầu nói:

- Thế là phải. Ta cũng nghĩ như vậy. Nhưng xem ra con Tình Văn rất ngoan, khâu vá nói năng không ai bằng. Sau này vẫn có thể cho nó hầu Bảo Ngọc được. Ai ngờ lại thay đổi như thế.

Vương phu nhân cười nói:

- Cụ xưa nay chọn người không nhầm, nhưng vì nó vô phúc, nên mới mắc bệnh ấy. Tục ngữ có câu: "con gái lớn có nhiều sự biến đổi". Vả chăng đã là người có tài, thì không khỏi có sự sai trái. Điều này chắc cụ đã hiểu nhiều rồi. Ba năm trước con đã lưu tâm đến việc ấy, trước hết chỉ chấm riêng một mình nó. Nhưng con để ý xem xét thì cái gì nó cũng hơn người, chỉ phải cái tính không được chín chắn thôi. Nói về cách hiểu biết đại thể thì không ai bằng Tập Nhân. Tuy nói vợ cả chuộng người hiền, vợ lẽ chọn người đẹp, nhưng cũng phải là người tính tình hòa thuận, cử chỉ đứng đắn mới tốt. Dáng dấp Tập Nhân tuy kém Tình Văn, nhưng lấy làm vợ lẽ thì nó cũng vào hạng nhất nhì đấy. Nó lại ăn ở đứng đắn, tính nết thực thà, mấy năm nay chưa có điều gì chiều lòng Bảo Ngọc làm điều sai trái. Khi Bảo Ngọc có làm điều gì bậy bạ, nó chỉ một niềm can ngăn. Vì thế đã hai năm nay con chọn nó, thấy rất đúng. Con đã ngấm ngầm rút tiền lương a hoàn của nó, lấy hai lạng bạc lương tháng của con phát cho nó, cốt để nó hiểu ngầm, càng hầu hạ Bảo Ngọc cẩn thận hơn. Sở dĩ con chưa nói ra là vì Bảo Ngọc còn nhỏ, nhà con biết ra lại bảo làm lỡ việc học hành của nó. Hơn nữa đã là người hầu rồi, tất nhiên không dám khuyên ngăn nữa. Bảo Ngọc sẽ lại tha hồ phóng túng. Vì thế đến bây giờ con mới trình với cụ.

Giả mẫu cười nói:

- Thế à! Như vậy càng tốt. Tập Nhân từ bé ít nói, ta cứ bảo nó là cái bầu không miệng. Chị đã biết rõ nó thì nhầm thế nào được. Chị không nhắc đến chuyện chọn nó cho Bảo Ngọc thì càng haỵ Hơn nữa mọi người cũng không cần phải nhắc đến nữa, chỉ biết ở trong bụng là được. Ta biết Bảo Ngọc sau này nó không chịu nghe lời vợ khuyên đâu. Ta không hiểu sao và cũng chưa thấy đứa trẻ con nào như thế cả. Đối với người khác thì nó bướng bỉnh đấy, nhưng riêng đối với bọn a hoàn, lại rất tử tế. Khó thấy có ai được như nó. Vì vậy ta sinh nghi, thường để ý xem xét, thấy nó cứ đùa với bọn a hoàn, chắc là người lớn thì tính tình cũng lớn, đã biết chuyện trai gái, nên mới gần gũi bọn chúng. Nhưng dò xét kỹ, lại hóa không phải. Thế mới lạ chứ? Có lẽ nó là một con a hoàn đầu thai lầm cũng nên.

Mọi người nghe nói cười ầm lên.

Vương phu nhân lại trình việc sáng ngày Giả Chính nào là khen ngợi Bảo Ngọc, nào là dắt chúng đi chơi. Giả mẫu lại càng vui thêm.

Một lúc sau Nghênh Xuân ăn mặc chỉnh tề đến cáo từ xin về, Phượng Thư cũng đến thăm buổi sớm và chực hầu bữa cơm sáng. Mọi người lại cười nói với nhau một lúc. Đến trưa Giả mẫu đi nghỉ. Vương phu nhân hỏi Phượng Thư đã làm thuốc viên chưa. Phượng Thư nói:

- Chưa. Giờ con đương uống thuốc chén. Xin mẹ cứ yên tâm, con đã đỡ nhiều rồi.

Vương phu nhân thấy Phượng Thư đã khỏe, cũng tin là thực, rồi kể lại việc đuổi bọn Tình Văn và nói:

- Con Bảo sao tự nhiên lại về nhà? Các chị đều không biết à? Hôm trước tiện đường ta đi tra xét một lượt, xem ra vú nuôi mới của cháu Lan lẳng lơ quá, ta không thích. Ta đã bảo chị Cả, hay dở gì cũng bảo nó bước đi. Nhân tiện ta hỏi chị ấy: "Con Bảo về nhà sao các chị lại không biết?" Chị ấy nói là nó về xem dì Tiết đã khỏi bệnh chưa? Độ vài ba hôm nó sẽ lại sang. Nhưng dì ấy có bệnh gì đâu, chẳng qua chỉ ho và đau lưng thì bao giờ mà dì ấy chả thế. Tất là có duyên cớ gì, hay có người nào làm mếch lòng nó? Con bé ấy vốn hay giữ ý, chỗ bà con với nhau, lỡ có điều gì làm nó mếch lòng lại không hay.

- Ai lại tự dưng vô cớ làm cô ây mếch lòng.

- Hay là cái thằng ngốc Bảo Ngọc nói không biết nghĩ, không biết kiêng kỵ; lúc cao hứng lên thuận miệng nói bừa, cũng chưa biết chừng.

- Đó là mẹ quá lo đấy thôi. Nếu bảo chú ấy ra ngoài nói năng và xử sự cho thật đứng đắn thì không khác gì thằng ngốc, nhưng khi ở nhà gần các chị em đến cả bọn a hoàn lớn nhỏ thì chú ấy lại đều nhân nhượng, chỉ sợ mếch lòng người ta, như thế còn ai giận được chú ấy. Con ngờ cô Bảo về lần này là vì việc khám xét bọn a hoàn hôm nọ. Cô ấy cho là ta nghi ngờ những người trong vườn. Cô ấy là chỗ bà con, cũng có các bà già a hoàn ở trong nhà, nhưng ta lại không đến khám xét. Cô ấy sợ ta có nghi ngờ gì chăng, vì thế áy náy trong lòng, tự ý tránh đi. Tránh sự hiềm nghi như thế cũng là phải.

Vương phu nhân nghe nói cho là đúng, cúi đầu nghĩ một lúc rồi sai người gọi Bảo Thoa đến nói rõ việc hôm trước để giải mối nghi ngờ, lại bảo Bảo Thoa dọn vào ở chỗ cũ. Bảo Thoa cười nói:

- Cháu muốn về nhà đã lâu, nhưng vì bên nhà dì có nhiều việc lớn, nên không tiện nói. Hôm nọ mẹ cháu lại ốm, trong nhà có hai người đàn bà hầu đáng tin cậy cũng ốm nốt. Nhân dịp đó, cháu mới xin về nhà. Hôm nay dì đã biết, cháu xin trình rõ. Bây giờ cháu xin cáo từ dì để dọn đồ đạc về.

Vương phu nhân và Phượng Thư cười nói:

- Cô câu nệ quá, lẽ ra nên dọn về đây ở là phải, đừng vì cái việc tầm thường ấy làm bà con phải xa nhau.

Bảo Thoa cười nói:

- Dì và chị nói thế nặng lời quá, cháu có phải vì việc ấy mà dọn về đâu. Gần đây mẹ cháu tinh thần kém trước nhiều, đêm hôm không có ai là người đáng tin cậy, chỉ một mình cháu. Anh cháu lại sắp lấy vợ, nào việc may vá, nào đồ dùng trong nhà, chưa sắm sửa đủ, nên cháu phải về lo liệu giúp mẹ cháu. Dì và chị chắc cũng biết đấy. Cháu không dám nói dối đâu. Hơn nữa từ ngày cháu vào ở trong vườn, cửa ngách về phía đông nam phải mở để đi lại, thành ra những người ra vào, tiện đường cũng qua đấy. Thế mà không có người xét hỏi, nhỡ xảy ra việc gì, chả mang tiếng cả hai bên Cháu nghĩ việc vào ngủ ở trong vườn không cần thiết lắm. Vì mấy năm trước cháu còn bé, trong nhà không có việc gì, nên vào ở trong đó, cùng chị em họp mặt vui đùa, khâu vá, hơn là một mình ngồi buồn rũ ở ngoài. Bây giờ chúng cháu đều lớn cả rồi. Mấy năm nay dì ở bên này gặp nhiều việc không được vừa lòng. Thế mà cứ ở mãi trong vườn, lỡ ra cháu trông nom không xuể, sợ lại sinh chuyện. Chỉ có bớt người đi sẽ đỡ phải bận tâm. Vì thế hôm nay không những cháu nhất định xin về nhà mà còn muốn khuyên dì: Từ nay việc gì đáng bớt thì nên bớt chứ đừng ngại là mất thể thống nhà đại gia. Cứ ý cháu, những khoản tiêu phí ở trong vườn này, cái gì bỏ được thì bỏ, không thể bì như mấy năm trước đây. Dì đã biết nhà cháu đấy. Chẳng nhẽ nhà cháu ngày trước cũng tồi tàn như thế này hay sao?

Phượng Thư nghe vậy thưa với Vương phu nhân:

- Đã vậy ta cũng không nên ép cô ấy.

Vương phu nhân gật đầu nói:

- Dì không biết nói thế nào nữa, cứ tùy ý cháu đấy thôi.

Đương nói chuyện thì Bảo Ngọc về nói:

- Cha chưa tan tiệc, sợ trời tối nên chúng con về trước.

Vương phu nhân vội hỏi:

- Hôm nay con có khỏi bị bẽ mặt không?

- Không những con không bẽ mặt, lại còn được thưởng nhiều thứ nữa.

Sau đó bọn bà già nhận được các thứ của lũ hầu nhỏ ở cửa thứ hai đem vào. Vương phu nhân giở ra xem, thấy có ba cái quạt, ba chuỗi hạt, ba cái vòng ngọc. Bảo Ngọc nói:

- Cái này của quan hàn lâm họ Mai cho, cái kia là của quan thị lang họ Dương cho, cái này là của quan viên ngoại họ Lý chọ Mỗi người cho một thứ.

Nói xong lại lấy ra một ông Phật nhỏ bằng gỗ bạch đàn đeo trong người để giữ mình và nói:

- Đây là của vị Khánh Quốc công cho riêng con.

Vương phu nhân lại hỏi tiệc có những ai, làm thơ từ gì? Rồi bà ta nhận phần của Bảo Ngọc, sai người mang đi. Lại dẫn Bảo Ngọc, Giả Hoàn và Giả Lan đến trình Giả mẫu. Giả mẫu xem xong, vui mừng khôn xiết, hỏi thêm mấy câu. Bảo Ngọc bụng vẫn nghĩ đến Tình Văn, trả lời xong liền thưa:

- Cháu cưỡi ngựa bị xóc, đau cả xương.

Giả mẫu nói:

- Thôi cháu về nhà thay quần rồi dạo chơi một lúc thì khỏi, nhưng không được ngủ.

Bảo Ngọc liền đi về trong vườn.

Xạ Nguyệt, Thu Văn đã đem hai a hoàn đến chờ sắn đấy. Thấy Bảo Ngọc xin phép Giả mẫu về, Thu Văn nhận ngay lấy bút mực và các thứ rồi theo Bảo Ngọc về trong vườn. Bảo Ngọc nói luôn miệng: "Nóng quá!" Vừa đi vừa tháo mũ và mở dây lưng, cởi bộ quần áo ngoài ra. Xạ Nguyệt đỡ lấy. Bảo Ngọc chỉ mặc cái áo lót bằng lụa màu hoa tùng, bên dưới hở ra cái quần màu đỏ sẫm. Thu Văn thấy cái quần đó là của Tình Văn khâu lúc trước, liền thở dài:

- Thực là của còn người mất.

Xạ Nguyệt kéo Thu Vãn một cái, cười nói:

- Cái quần màu này pha với áo màu hoa tùng và dây màu thạch thanh, lại càng nổi bật cái đầu xanh và bộ mặt trắng nõn.

Bảo Ngọc đi trước, vờ như không nghe thấy, lại đi mấy bước nữa rồi đứng lại nói:

- Tôi muôn đi đằng này một tí có được không?

Xạ Nguyệt nói:

- Ban ngày ban mặt thế này thì còn sợ gì? Chẳng nhẽ sợ cậu lạc lối hay sao?

Rồi sai a hoàn nhỏ đi theo và nói:

- Chúng tôi đi cất những cái này rồi sẽ đến.

Bảo Ngọc nói:

- Chị Ơi, chờ tôi một tí hãy đi.

Xạ Nguyệt nói:

- Chúng tôi đi, rồi sẽ đến ngaỵ Tay cầm những thứ này, như là đám rước ấy, người thì bưng đồ văn phòng tứ bảo, người bưng mũ áo, giày, thắt lưng, trông chẳng ra làm sao nữa.

Bảo Ngọc nghe nói đúng với ý mình, liền để cho hai người đi về, Bảo Ngọc dẫn hai a hoàn nhỏ đi đến sau hòn đá chân núi, khẽ hỏi chúng:

- Từ lúc ta đi vắng, chị Tập Nhân có sai người đến thăm chị Tình Văn không?

Một đứa trả lời:

- Đã sai già Tống đi thăm rồi.

- Già Tống đi về nói thế nào?

- Già ấy nói: chị Tình Văn bạnh cổ ra, kêu suốt đêm, sáng sớm hôm nay mắt nhắm nghiền, miệng cắn chặt, không biết gì cả, chỉ còn thở thoi thóp thôi.

- Suốt đêm chị ấy kêu ai?

- Chị ấy cứ gọi mẹ.

- Còn gọi ai nữa không?

- Không gọi ai nữa.

- Mày u mê rồi, chắc là chưa nghe rõ đấy.

Một a hoàn khác đứng cạnh, có vẻ láu lỉnh, thấy Bảo Ngọc nói thế, liền chạy lại thưa:

- Nó u mê thật đấy. Cháu lên đến tận nơi, nhìn kỹ tận mặt, nghe rõ từng câu chị ấy nói.

- Mày đến tận nơi làm gì?

- Cháu nghĩ chị Tình Văn xưa nay đối đãi với chúng cháu rất tử tế, hơn hẳn mọi người. Giờ chị ấy bị đuổi oan, chúng cháu không có cách gì cứu giúp, nên đành đến tận nơi thăm nom, để khỏi phụ cái lòng ngày thường chị ấy thương yêu chúng cháu. Dù có ai biết về trình, bà đánh chúng cháu một trận, cũng xin cam tâm. Vì thế cháu làm liều, lẻn đến thăm chị ấy một tí. Chị ấy vốn là người thông minh, lúc sắp chết vẫn không có gì thay đổi. Thấy cháu đến, chị ấy mở bừng mắt ra, kéo tay cháu lại hỏi: "Cậu Bảo Ngọc đi đâu?" Cháu kể chuyện cho chị ấy nghe. Chị ấy thở dài một cái rồi nói: "Thôi không gặp nhau nữa rồi!" Cháu hỏi: "Sao chị không chờ cậu ấy đến để được gặp mặt một lần nữa?" Chị ấy cười nói: "Các em không biết rõ, chị không phải chết đâu. Nay trên trời đương thiếu một vị thần hoa, đức Ngọc Hoàng gọi chị lên trông nom các thứ hoa đấy. Đến giờ mùi hai khắc chị sẽ lên nhận chức. Cậu Bảo thì giờ mùi ba khắc mới về đến nhà. Thế là chỉ chậm có một khắc mà hai người không được gặp nhau. Người đời đến lúc tận số, Diêm Vương định bắt đi, trước hết cho quỷ sứ đến bắt lấy linh hồn. Nếu muốn chậm lại một giờ nửa khắc, thì cứ đốt giấy vàng hoặc cúng cháo. Bọn quỷ sứ mải đến cướp tiền, thì người chết có thể nấn ná ở lại được một chút. Nay chị được các vị tiên trên trời xuống đón, thì chậm thế nào được?" Cháu nghe nói thế, không tin mấy. Nhưng khi về nhà để ý nhìn đồng hồ, quả nhiên đúng
giờ mùi hai khắc chị ấy tắt thở, và đúng ba khắc mới có người đến bảo chúng cháu là cậu đã về.

- Mày không biết chữ, nên không hiểu, chứ chuyện ấy có thực đấy. Không những mỗi thứ hoa có một vị thần, lại còn có một vị thần coi cả các thứ hoa nữa. Nhưng không biết chị Tình Văn làm vị thần coi cả các thứ hoa hay chỉ coi một thứ?

A hoàn nghe xong không bịa ra ngay được. Bấy giờ vào khoảng tháng tám, hoa phù dung giữa ao trong vườn đương nở rộ. Thấy cảnh nảy ngay ý nghĩ, nó liền trả lời:

- Cháu có hỏi: "Chị sẽ làm vị thần coi hoa gì? Nói cho chúng em biết, để sau này chúng em còn nhớ mà cúng". Chị ấy nói: "Em chỉ nói cho một mình cậu Bảo Ngọc biết thôi, ngoài cậu ấy ra, không được tiết lộ thiên cơ!" Rồi chị ấy bảo cháu là vị thần chuyên coi hoa phù dung.

Bảo Ngọc thấy thế, không những không lấy làm lạ, lại còn đổi buồn làm vui, quay lại ngắm nghía hoa phù dung, cười nói:

- Hoa này phải có một người như thế trông nom mới đáng. Ta đã đoán trước, con người như thế, tất phải có phen làm nên sự nghiệp. Chị ấy đã vượt qua bể khổ, nhưng từ nay không được trông thấy nhau, lẽ nào ta không chạnh niềm thương cảm.

Bảo Ngọc nghĩ bụng: "Lúc chết không được gặp mặt, bây giờ ta phải đến vái trước linh cữu, để tỏ cái tình năm, sáu năm gần gũi nhau".

Nghĩ xong, liền về nhà, thay quần áo và nói là đến thăm Đại Ngọc. Rồi một mình ra khỏi vườn, đến chỗ lần trước đã tới thăm, tưởng là linh cữu còn để ở đấy. Ngờ đâu hai vợ chồng người anh ngoại thấy Tình Văn tắt thở, liền đi vào trình, mong được mấy lạng bạc tiền lệ mai táng. Vương phu nhân nghe thấy thế thưởng cho mười lạng bạc, bảo:

- Phải mang ra ngoài hỏa táng ngaỵ Con gái mà bị bệnh lao, nhất thiết không thể để lâu được!

Nghe vậy vợ chồng nhà kia một mặt nhận tiền, một mặt giục người khâm liệm, khiêng ngay ra cái nhà hỏa táng ở ngoại thành. Những quần áo trâm vòng còn lại ước độ ba, bốn trăm lạng vàng, thì vợ chồng hắn vớ hết, để làm kế sinh nhai. Sau đó họ khóa cửa lại, cùng đi đưa ma.

Bảo Ngọc đến nơi; chẳng thấy một ai, dừng lại hồi lâu, không biết làm thế nào, đành phải quay về trong vườn. Buồn quá, tiện đường đến thăm Đại Ngọc, cũng không gặp, hỏi đi đâu, bọn a hoàn nói: "Cô ấy sang bên cô Bảo rồi". Bảo Ngọc lại đến viện Hành Vu, thấy cảnh vắng người không, đồ đạc đã khuân đi cả, còn trơ chiếc nhà trống trải. Bảo Ngọc giật nẩy mình. Nhớ lại hôm trước, nghe đâu Bảo Thoa định dọn đi, vì hai hôm nay bận học, nên quên khuấy mất. Bây giờ mới biết, Bảo Ngọc đứng đờ người ra một lúc, lại nghĩ: "Chi bằng cứ gần gũi với Tập Nhân, chơi thân với Đại Ngọc, có lẽ trong mấy người ấy mới là sống chết có nhau".Bảo Ngọc lại quanh đến quán Tiêu Tương, nhưng Đại Ngọc vẫn chưa về. Đương lúc không biết đi đâu, thì thấy a hoàn bên Vương phu nhân đến tìm và nói:

- Ông đã về rồi, đương tìm cậu đấy. Chắc lại có đầu bài haỵ Cậu về ngay đi, về ngay đi!

Bảo Ngọc nghe nói, đành phải theo về. Đến buồng Vương phu nhân thì Gả Chính đã đi rồi. Vương phu nhân sai người đưa Bảo Ngọc đến thư phòng.

Giả Chính đương cùng bọn môn khách bàn chuyện thắng cảnh chơi thụ Ông ta lại nói:

- Lúc sắp tan, chợt kể lại một việc, thực là chuyện hay nghìn xưa, đủ cả tám chữ: "Phong lưu hào nhã, trung nghĩa cảm khái". Chính là một đầu đề rất haỵ Mọi người định làm một bài viếng.

Các môn khách nghe nói, liền hỏi:

- Xin cho biết việc gì hay thế?

- Ngày trước có một vị Vương được phong tước là Hằng vương, bổ ra làm tổng trấn châu Thanh; Hằng vương rất thích gái đẹp và khi rỗi việc quan, lại thích tập võ, nên tuyển nhiều con gái đẹp, ngày nào cũng bắt họ phải luyện tập đánh trận. Trong bọn này có một người, họ Lâm, đứng thứ tư, nhan sắc đã đẹp, lại tinh nghề võ, ai cũng gọi là cô Lâm. Hằng vương rất yêu, cử lên trông coi chị em, gọi là Quỷ Hoạch tướng quân. 1

- Hay thực! Lạ thực! Thêm hai chữ "tướng quân" ở dưới chữ "Quỷ Hoạch" càng thêm vẻ phong lưu yểu điệu, thực là câu văn hay nhất đời! Chắc Hằng vương cũng là một nhân vật phong lưu nhất xưa nay.

- Đúng thế. Nhưng lại có một việc đáng lạ và đáng than tiếc nữa.

- Không biết sau cùng lại còn có việc gì lạ nữa?

- Ngờ đâu năm sau lại có tàn quân của "Hoàng cân" 2 và "Xích mi" 3 họp lại, đánh phá khắp vùng Sơn Tả. Hằng vương cho là bọn giặc cỏ, không cần phải huy động đại quân, chỉ mang ít kỵ binh đi đánh dẹp. Không ngờ bọn giặc quỷ quyệt, Hằng vương đánh hai lần không được, lại bị chúng giết mất. Bấy giờ các quan văn võ trong thành Thanh Châu đều bảo nhau: "Nhà vua còn đánh không nổi, thì chúng ta làm gì được". Họ định đem dâng thành. Cô tư Lâm nghe thấy tin dữ ấy, liền họp các nữ tướng lại, ra lệnh: "Chúng ta đều chịu ơn đức vua, đội trời đạp đất, chưa báo đền được muôn một. Nay vua vì nước bỏ mình, ý ta muốn chết theo. Chị em ai muốn theo thì đi với ta, ai không theo cứ việc về nhà". Các nữ tướng nghe vậy liền nói: "Xin đi theo cả". Rồi ngay đêm hôm đó cô Lâm dẫn quân ra ngoài thành, đến thẳng trại giặc. Bọn giặc không đề phòng, mấy tên tướng đều bị giết chết. Về sau, chúng thấy chỉ có mấy người con gái, biết là không làm nên việc gì, liền quay đao thúc quân trở lại, cố sức đánh một trận, giết bọn cô Lâm không sót một người nào, thành ra chính chúng đã làm trọn bề trung nghĩa của cô Lâm. Tin này báo về kinh đô, hoàng đế và trăm quan ai cũng than tiếc. Chắc trong triều thế nào cũng phái người ra dẹp giặc. Khi quân nhà vua kéo đến, thế nào giặc cũng bị tan tành. Việc này không cần phải bàn kỹ nữa. Chỉ nói riêng về cô Lâm. Các ông nghĩ xem có đáng khen hay không?

Bọn gia khách đều thở dài nói:

- Thực đáng khen, đáng lạ. Quả là một đầu bài rất haỵ Mọi người nên làm một bài viếng mới phải.

Nói xong, đã có người lấy nghiên bút ra. Theo lời Giả Chính kể lại, thay đổi mấy chữ, thành một bài tựa ngắn đưa cho Giả Chính xem. Giả Chính nói:

- Chẳng qua cũng thế thôi. Họ cũng đã có bài tựa sẵn rồi. Hôm nọ có ân chỉ: truyền xét lại các hạng người từ trước đến giờ đáng được khen thưởng mà còn bỏ sót lại chưa tâu lên, không cứ là bọn tăng ni ăn mày, đàn bà con gái, hễ có việc gì đáng khen thì lập ngay lý lịch đưa lên bộ lễ, xin cho ân thưởng. Vì thế bài tựa của họ đã đưa đến bộ lễ rồi. Nghe thấy tin mới lạ này, ai cũng muốn làm một bài từ "Quỷ Hoạch" để ghi lòng trung nghĩa của nàng

Mọi người nghe xong đều cười nói:

- À ra thế đấy. Nhưng đáng khen nhất là cái ân điển của bản triều xưa nay chưa từng có, không còn bỏ sót một việc gì.

Giả Chính gật đầu nói: "Đúng đấy!"

Bảo Ngọc, Giả Hoàn, Giả Lan đều đứng dậy đến xem đầu bài, Giả Chính bảo ba người đều làm một bài viếng. Ai làm xong trước sẽ được thưởng, nếu hay lại được thưởng thêm. Gần đây trước chỗ đông người, Giả Hoàn, Giả Lan cũng làm được mấy bài, nên cũng mạnh bạo. Giờ thấy đầu bài, liền ngồi nghĩ ngay.

Một lúc, Giả Lan làm xong, Giả Hoàn sợ thua, cũng làm xong ngaỵ Hai người đều đã chép xong. Bảo Ngọc còn đương ngồi nghĩ. Giả Chính và mọi người xem hai bài của Giả Hoàn và Giả Lan. Một bài thất ngôn tuyệt cú của Giả Lan như sau:

Sắc đẹp tài cao tướng Tứ nương.

Xương da là ngọc dạ như vàng,

Sau khi liều thác đền ơn chúa,

Tấc đất châu Thanh lại ngát hương

Bọn gia khách xem xong, khen ầm cả lên:

- Cậu em mới có mười ba tuổi mà đã thế này! Thế mới biết dòng dõi học nghiệp uyên thâm, thực là không ngoa!

Giả Chính cười nói:

- Giọng còn trẻ con, nhưng cũng đáng khen cho nó đấy.

Lại xem đến bài của Giả Hoàn là một bài thơ ngũ ngôn, thấy viết:

Đã mấy ả biết sầu,

Tướng quân lòng vẫn đau,

Gạt sầu rời cẩm trướng,

Ôm hận tới Thanh Châu,

Ơn nặng đền đôi chút.

Thù sâu trả dễ đâu?

Mộ đề chữ trung nghĩa,

Truyện lạ rõ nghìn thâu.

Mọi người nói:

- Lại hay hơn! Cũng vì lớn hơn mấy tuổi, nên lập ý của cậu ấy có khác.

Giả Chính nói:

- Kể ra cũng không kém lắm, nhưng vẫn không sát.

Mọi người nói:

- Thế cũng được rồi. Cậu Ba cũng chưa mấy tuổi, vẫn chưa đến tuổi đội mũ 4, làm được như thế, độ mấy năm nữa, có lẽ cũng chẳng kém gì Đại Nguyễn, Tiểu Nguyễn ngày xưa. 5

Giả Chính cười nói:

- Các vị quá khen. Chỉ phải cái tội là nó không chịu học thôi.

Rồi hỏi đến Bảo Ngọc. Mọi người nói:

- Câu Hai còn đương để ý điêu luyện, chắc thế nào tứ thơ cũng phong lưu thương cảm hơn những bài này.

Bảo Ngọc cười nói:

- Đầu bài này làm cận thể không đúng, phải là cổ thể, hoặc lối ca hay lối hành, làm một bài trường thiên thì mới sát được.

Mọi người nghe nói đều đứng dậy cả, gật đầu vỗ tay nói:

- Chúng tôi đã bảo là cậu ấy lập ý khác hẳn mà! Mỗi khi đầu bài đến tay, phải đắn đo trước xem nên làm thể cách nào cho đúng. Đó là phép thần diệu của tay lão thành. Đầu bài này gọi là "Quỷ Hoạch từ", lại có tựa sẵn rồi, nên làm bài trường thiên theo lối ca hay hành, thì mới hợp thể cách. Như bài "Kích âu ca" của Ôn Bát Xoa, bài "Cối kê ca" của Lý Trường Cát, bài "Trường hận ca" của Bạch Lạc Thiên 6 hoặc làm bài vịnh cổ, vừa kể chuyện vừa vịnh cảnh, lời thơ chải chuốt nhẹ nhàng thì mới tả hết cái hay của nó.

Giả Chính nghe nói, hợp với ý mình, liền cầm bút định viết. Ông ta lại cười và nói với Bảo Ngọc:

- Như thế rất haỵ Mày đọc tao viết. Nếu không hay thì tao lột xác mày cho mà coi. Ai bảo mày cứ nói khoác không biết xấu hổ!

Bảo Ngọc đành phải đọc một câu:

Khỏe và đẹp Hằng vương thích cả,

Giả Chính viết xong, lắc đầu nói:

- Thô quá!

Một môn khách nói:

- Như thế mới là cổ phong, không thô đâu. Hãy xem những câu dưới!

Giả Chính nói:

- Thôi hãy để đấy.

Bảo Ngọc lại đọc:

Dạy mỹ nhân kị xạ đua tài.

Hát hay múa dẻo chưa vui,

Giương cung bày trận được người thích hơn.

Giả Chính viết ra. Mọi người đều nói:

- Câu thứ ba thật là cổ kính, rất haỵ Câu thứ tư kể xuôi, rất đắc thể.

Giả Chính nói:

- Thôi đừng khen nhảm nữa, hãy xem câu chuyện thế nào?

Bảo Ngọc đọc:

Mắt nào thấy nổi cơn gió bụi,

Trước bóng đèn đã rọi quân trang.

Mọi người nghe xong hai câu đều nói:

- Hay! Dưới câu "Mắt nào thấy nổi cơn gió bụi", lại nói luôn câu "Trước bóng đèn đã rọi quân trang", dùng chữ dùng câu đều thần diệu cả!

Bảo Ngọc lại đọc:

Miệng hò, sặc những mùi hương,

Mềm tay gươm, tuyết dao sương ngượng ngùng.

Mọi người nghe xong đều vỗ tay cười nói:

- Càng như vẽ ra ấy! Chắc cậu Bảo hồi ấy cũng ở đấy, được nhìn rõ vẻ yêu kiều và ngửi thấy cả mùi hương của họ chứ gì? Nếu không sao lại tả đúng được như thế?

Bảo Ngọc cười nói:

- Người khuê các tập võ, dù khỏe đến đâu cũng không bằng được con trai. Không nói thì cũng biết rõ cái dáng yếu ớt nhút nhát rồi.

Giả Chính nói:

- Mày không đọc tiếp ngay đi! Lại còn ngồi nói lẻm.

Bảo Ngọc đành phải nghĩ một lúc rồi đọc:

Hạt đinh h%

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện