Chết!
Có gì đáng sợ?
Tôi không sợ chết, nhưng tôi không muốn chết không cam tâm.
Tôi từng mơ cùng Yên Thanh nắm tay nhau đến bạc đầu.
Tôi từng chờ đợi cùng sư phụ phiêu bạt giang hồ tự do, tự tại.
Tôi từng hy vọng cùng Phi Ảnh trở thành đôi tri kỷ sóng vai nhau đi khắp chân trời góc bể.
Đã có lúc....tôi mong chỉ là một hộ vệ nhỏ bé.....bình yên sống ở Huyền Vương Phủ.
Đáng tiếc.....
Không một nguyện vọng nào của tôi được thực hiện.
Kiên trì đến cùng.....thì ra vẫn trắng tay.
Đáng tiếc....
Tôi không cam tâm.
Tôi còn nhớ thân thể Phi Ảnh nằm trên đất bị chặt nát, để mặc cho chó ăn gà mổ.
Lúc đó, tôi đã thề dù phải trả giá nào, tôi cũng phải khiến Thượng Hào chết.
Thật không cam tâm.
Tôi không giết được hắn, còn bị tay sai của hắn hại cho chết không đất chôn thây, cơ thể mặc người giẫm đạp.....
Nếu như...
Đáng tiếc đời này không có nếu như.....
Gió hiu hiu thổi, một cây nhãn với cành lá xum xuê đung đưa trong gió.
Những tia nắng đùa nghịch trên các kẽ lá, đậu lên vai một ông lão tóc đã hoa râm, nhìn như đã tám mươi.
Ông lão mặc bộ đồ màu xanh trông khá kỳ lạ, dáng đi nhanh nhẹn, khỏe mạnh tựa như người mới hơn bốn mươi.
Ông ấy đang dùng một gáo nước múc từ giếng rồi đi đến chỗ cây nhãn cách đó khoảng bốn bước chân và tưới nước.
Ly Thanh nhìn kỹ xung quanh, cô nhận ra nhìn đang đứng trong một sân nhà nhỏ.
Cô đi đến bên ông lão để hỏi nơi này là nơi nào.
Nhưng khi vừa chạm tay vào ông lão, cô mới phát hiện mình không thể chạm vào được.
Trong căn nhà nhỏ bên cạnh cây nhãn, có một cô bé gái chừng bốn tuổi đứng lấp ló ở cửa nhìn trộm.
Đến khi ông lão nhìn thấy, cô bé chạy ra nắm tay ông lão và nói: "Ông vừa tưới cây à?"
"Ừ, ông vừa tưới cây."
"Cho cháu tưới với."
Vừa nói, bé gái vừa chạy ra múc vài gáo nước tưới cho cây.
Bên cạnh giếng có treo một lồng chim nhỏ ở trước cửa nhà, chú chim thỉnh thoảng kêu lên: "Cúc cù cu cu."
"Cúc cù cu cu."
Ông lão đến bên lồng chim, thả một nắm thóc vào cốc nhỏ ở trong lồng.
Chú chim chạy quanh lồng, kêu lên to hơn: "Cúc cù cu cu."
"Cúc cù cu cu."
Một lúc sau, ông lão và bé gái bước vào trong nhà.
Trong nhà có một bộ bàn ghế gỗ đơn sơ, trên bàn là một chiếc đàn bầu và một đĩa bánh.
Ly Thanh không biết tên món ăn này, cô chỉ nhớ từng nhìn thấy nó khi ở Lạc Hận.
Trên đĩa có những viên bánh hình tròn màu trắng, mỗi viên to sấp sỉ một đốt ngón tay cái, bên trên mỗi chiếc rắc một ít vừng, trông rất bắt mắt.
Ông lão ngồi vuốt đàn vài lần rồi bắt đầu đánh đàn.
Ông hơi cúi đầu, tư thái tự nhiên, hai bàn tay đánh đàn trên một sợi dây.
Thi thoảng, ông lão lại dùng một tay day day cần đàn.
Bé gái ngồi đối diện ông lão yên lặng lắng nghe, đôi mắt mắt to tròng chăm chú nhìn ông lão.
Ly Thanh ngẫu nhiên nhớ tới hai câu dân gian: "Tiếng đàn bầu da diết nỗi lòng.
Tiếng đàn bầu sầu lắng tâm tư."
Tay ông lão day day cần đàn, Ly Thanh đứng lặng nghe tiếng bầu ngân từng hồi.
Cô nhớ lại những tháng ngày cùng sư phụ bên nhau, nhớ những ngày cùng Phi Yến đi chơi đêm hội, nhớ bát mỳ hủ tiếu mà Phi Ảnh đãi...
Cô đã từng cho rằng buông lỏng lòng mình, nhớ đến nỗi buồn và niềm vui của bản thân là một sự yếu đuối.
Lúc này đây, cô lại cảm thấy lòng mình vô cùng dễ chịu, không còn áp lực, oán hận nào nữa.
Làn gió nhè nhẹ thoảng qua, một người con gái xuất hiện với mặc váy đỏ, mái tóc thẳng dài quá vai, đứng bên gốc cây.
Cô ấy nhìn Ly Thanh và hỏi: "Rất tuyệt phải không?"
Tiếng đàn bầu văng vẳng bên tai, Ly Thanh cười đáp: "Rất tuyệt."
"Đây là tâm cảnh của tôi."
"Tâm....cảnh?"
"Cô chưa chết nhưng sắp chết rồi."
Ly Thanh quay sang nhìn người cô gái váy đỏ.
Mải say mê nghe tiếng đàn nên cô quên mất mình vừa rồi đã trải qua chuyện gì.
"Tại sao tôi lại ở đây?"
"Tôi là Tâm Thuật Sư.
Tâm cảnh này được tạo nên bởi chấp niệm.
Để duy trì được nó tôi cần những người có chấp niệm mạnh mẽ."
"Cô muốn tôi làm gì?"
"Chúng ta làm một giao ước.
Sức mạnh của Bạch tộc mà cô nhận được lúc trước có thể tạm thời duy trì cơ thể cô tiếp tục tồn tại, chỉ cần ý thức cô chưa mất hết, cô sẽ không chết.
Tôi có thể giúp cô kéo dài được ý thức trong năm ngày, vì cơ thể cô đã rất yếu, không giữ được linh hồn lâu hơn."
Ly Thanh cảm thấy trong lời nói này có vấn đề.
Cô từng nghe chuyện một số tà thuật sư (*) bắt các vong hồn để ép họ trở thành thuộc hạ, thậm chí dùng các vong hồn để tu luyện, nên trong lòng không khỏi đề phòng.
Cô nói: "Sau năm ngày tôi sẽ thế nào?"
(*): Người sử dụng huyền thuật làm hại người khác.
Người con gái váy đỏ dường như nhìn thấu được tâm tư của Ly Thanh, cô từ tốn đáp: "Sau năm ngày nếu không có người cứu giúp kịp thời, ý thức mất đi, cô sẽ chết.
Giao ước này coi như thất bại.
Tôi cũng sẽ không làm gì cô."
"Điều kiện là gì?"
"Nếu cô sống sót, tôi muốn cô dùng cả đời mình lưu giữ tâm cảnh này trong tâm trí."
"Chỉ có vậy?"
Người con gái váy đỏ nghiêng người, đầu tựa vào thân cây, hai tay khoanh lại, nhìn thẳng vào mắt Ly Thanh, nói: "Đương nhiên."
Ly Thanh có chút do dự, cô không muốn lúc sống phải nghe theo lệnh kẻ khác đến lúc chết lại trở thành con rối trong tay một kẻ khác.
Cô hỏi: "Làm sao để tôi tin cô?"
Người con gái váy đỏ giơ bàn tay mình lên trời, nói: "Ta - Dạ Ngọc Minh Anh.
Lấy danh dự của một Tâm Thuật Sư ra thề trời đất mọi lời ta nói đều là sự thật."
Ly Thanh nhớ Phong Linh từng nói với cô rằng những người luyện huyền thuật rất tin vào nhân quả, nếu họ đã hứa điều gì nhất định họ sẽ thực hiện điều đó dù sớm hay muộn.
Ly Thanh giơ bàn tay lên, nói: "Được!"
Tâm Thuật Sư đập tay vào tay Ly Thanh: "Thành giao!"
Trong khoảng khắc, Ly Thanh thấy thân thể mình như bị chấn động, giữa hai bàn tay phát ra một luồng ánh sáng trắng tỏa ra xung quanh.
Tâm Thuật Sư bất ngờ điểm ngón tay trỏ vào mi tâm của Ly Thanh.
Trước mắt Ly Thanh chỉ còn một màu trắng xóa rồi vụt tắt.
Ly Thanh cảm thấy thân thể đau đớn không sao cử động được, hai mắt không cách nào mở ra, gió lạnh thổi từng hồi, mùi máu tanh và rác thải phảng phất.
Thi thoảng, Ly Thanh ngửi thấy mùi khí đốt.
Sau một hồi suy nghĩ, cô đoán nơi này có thể là châu Lưu Ly - một trong hai mươi địa điểm xử lý rác thải của Bắc Chu.
Ly Thanh còn nhớ mình bị vứt ra ngoài Hàm Long, thân thể nằm trên đất, nhiều người đi đường thấy cô liền né ra xa.
Một số người đồn đoán cô là nô lệ bị chủ đánh gãy xương rồi đuổi đi, một số khác lại cho rằng cô vay nợ không trả được mới bị cắt gân như vậy.
Vì cơ thể cô nằm trên đất quá chướng mắt, một vài người thuê cửu vạn lôi xác cô đến chỗ khác.
Cơ thể cô được chuyển chỗ khoảng năm, sáu lần thì thông tin cơ thể cô nằm trên đường đi truyền đến tai quan phủ.
Huyền Vương Phủ phế võ công của Ly Thanh chính là để cô không thể tiếp tục dùng võ công, chứ không định biến cô hoàn toàn thành kẻ tàn phế.
Vì thế, cơ thể của Ly Thanh tuy bị cắt gân nhưng gân chưa đứt, vẫn có khả năng cử động được.
Có điều, giờ đây Ly Thanh đã chẳng còn sức lực để cử động nữa.
Người cô nhuốm đầy máu, nằm bất động, ai cũng tin rằng cô sẽ chết.
Quan phủ nhìn thấy chữ "Nô" trên mặt Ly Thanh liền tin rằng cô là nô lệ phạm lỗi lớn, nên bị chủ nhân trừng phạt rồi vứt bỏ.
Sau đó, quan phủ đã cho người mang xác cô đi đốt, tránh để cơ thể cô phân hủy bốc mùi.
Sự việc sau đó, Ly Thanh không còn biết gì nữa vì cô đã hoàn toàn mất đi ý thức, chìm vào giấc ngủ sâu.
Sau khi tỉnh lại, Ly Thanh ngửi thấy mùi khí đốt quanh quẩn nên đoán mình đang nằm ở nơi tập trung rác thải từ nhiều khu vực đổ về.
Trong số hai mươi nơi xử lý rác thải, Lưu Ly chính là nơi gần Hàm Long nhất.
Một con chó chạy đến chỗ Ly Thanh ngửi ngửi rồi chạy đi.
Hôm sau, Ly Thanh nghe thấy có hai người đàn ông nói với nhau: "Ngươi xem cái xác kia còn thở kìa, hay là chúng ta đem bán đi?"
"Dạo này quan phủ điều tra gắt quá, đành ba hôm nữa thương lái đến đây thì bán."
"Lúc đó ả chết rồi, bán được mấy đồng?!"
"Đành vậy, chứ cứu ả xong bán có khi lỗ vốn.
Nhỡ ả tỉnh lại rồi chạy trốn thì mất cả chỉ lần chài."
"Cũng đúng, đi ăn thôi."
Hai người rời đi, Ly Thanh rơi nước mắt, cảm nhận sự bất lực của chính mình.
Không biết đã qua bao lâu, con chó hôm qua lại quay lại, đi cùng nó là một cậu bé.
Cậu bé nhìn thấy Ly Thanh liền sợ hãi hét lên.
Một ông cụ chạy đến chỗ cậu bé hỏi: "Sao vậy cháu?"
"Ông ơi đằng kia có người chết."
"Đi thôi, sau cháu đừng ra chỗ này nữa."
Ly Thanh cố gắng kêu cứu mấy lần nhưng không thành tiếng.
Tiếng bước chân của hai ông cháu xa dần, cô dồn hết sức lực nói: "Cứu...."
"Gâu gâu! Gâu gâu!"
Con chó chạy lại chỗ Ly Thanh, cắn lấy tay cô cố kéo đi.
Cậu bé kêu lên: "Mực! Lại đây!"
Chú chó vẫn kéo xác của Ly Thanh lê về phía hai ông cháu.
Cậu bé chạy đến chỗ chú chó, ông cụ đi theo sau.
Ly Thanh cảm nhận được hai ông cháu đang ở rất gần mình, liền dùng hết sức còn lại kêu lên hai tiếng yếu ớt: "Cứu.....cứu...."
"Ông ơi, người này còn sống."
"Chúng ta đi thôi."
"Nhưng mà....ông ơi....."
Ly Thanh nghe thấy tiếng bước chân của hai ông cháu xa dần.
Chú chó chần chừ rồi nhả Ly Thanh ra.
Ly Thanh đột nhiên cảm thấy rất buồn cười, cô muốn cười nhưng lại không cách nào cười được.
Sau đó, tất cả trở nên vắng lặng.
Mùi khí đốt khiến cô đau đầu.
Tiếng nước từ đâu vọng lại.
Từng giọt, từng giọt rơi xuống gạch.
Tiếng bước chân người qua lại, xa xa, đều đặn.
Không biết đã qua bao lâu, Ly Thanh lại nghe thấy tiếng chân người đến gần, giọng ông cụ lúc nãy vang lên: "Mực, lại đây!"
Chú chó chạy đến gần Ly Thanh.
Cô cảm nhận được cơ thể mình được nhấc lên, sau đó nằm lên một lớp lông mềm mại.
Ông cụ nói: "Đi từ từ thôi."
Ly Thanh nằm sấp lên Mực, chú chó chậm rãi kéo lê cô đi.
Sau khi Ly Thanh được đưa đến một y quán, cậu bé vui vẻ cùng ông cụ và chú chó rời đi.
Trước khi đi, ông cụ gửi một khoản tiền lớn cho y quán để họ chăm sóc Ly Thanh trong nhiều ngày tới.
Từ sau hôm đó, Ly Thanh nằm trên giường nhưng không thấy hai ông cháu kia xuất hiện nữa.
Ba ngày sau đó, Ly Thanh mở được mắt, người trong y quán chăm sóc cô như những bệnh nhân khác.
Lúc