Nguyễn Lương không thích nói nhiều, cũng không thích tiếp xúc với thân thể người khác, cậu cũng không phải dạng người hướng ngoại, đa số nụ cười đều là ngụy trang, lạc quan cũng là giả tạo.
Ba cậu qua đời lúc cậu còn nhỏ, mẹ luôn nuôi dưỡng cậu đến năm mười hai tuổi.
Nhà họ ở trong hẻm nhỏ, trẻ con hàng xóm thích bắt nạt cậu, vì cậu hướng nội yên lặng, hoàn toàn không hợp với tập thể, lại có một gương mặt xinh đẹp, nhờ nó mà được người lớn yêu thích.
Lòng ghen tỵ của trẻ con đôi lúc rất đáng sợ.
Mẹ cậu nhận ra được chuyện này, bà đưa Nguyễn Lương ra ngoài ở, thuê một căn nhà giá cả phải chăng.
Bản thân bà có chút tiền tiết kiệm, không muốn tốn quá nhiều tiền cho việc thuê nhà, mà muốn tích góp để sau này Nguyễn Lương dùng để đi học.
Sau này bà mất, để lại cho Nguyễn Lương một khoản tiền không nhiều lắm.
Không có một ngôi nhà hoàn chỉnh nào, Nguyễn Lương lăn qua lăn lại ở nhà mấy người thân, cậu như một con mèo hoang, dù người khác có lấy lòng cậu thế nào, cậu đều cảnh giác đến gần bọn họ, thỉnh thoảng ban đêm còn đột nhiên thức dậy, gào khóc hoặc thét chói tai, khiến người lớn bị dọa sợ.
Mặc dù trong lòng vô cùng đau lòng cho Nguyễn Lương, bọn họ vẫn chọn đưa cậu đi, chuyển tới một gia đình khác. Cho đến Khi Nguyễn Lương trở nên nghe lời hiểu chuyện, quen vài người bạn, nhận được thành tích xuất sắc, cuộc sống khốn khổ đó mới coi như dừng lại.
Chứng mất ngủ của cậu rất nghiêm trọng, ban đầu mỗi tuần cậu đều phải đến bệnh viện một lần, sau đó dần thả lòng bản thân, người thân cũng cảm thấy cậu đã được chữa khỏi hoàn toàn, chỉ có cậu biết những đêm khuya tối đen đó, có mệt thế nào cậu cũng không dám ngủ, chỉ nhắm mắt lại ác mộng lại tìm tới cuộc sống của cậu.
Sau này cậu gặp được Phó Hiệu Chu, ngay lần gặp đầu tiên anh đã nhìn thấu cậu. Nguyễn Lương theo bản năng cảm thấy người này nguy hiểm lại không nhịn được bị hấp dẫn, hai người ở bên nhau, Nguyễn Lương luôn rất thả lỏng, trở nên thích bị đụng chạm, thậm chí còn hơi dính người.
Khi còn bé trước khi ngủ mẹ thường kể chuyện cho Nguyễn Lương, dùng giọng nói dịu dàng ru cậu chìm vào giấc ngủ. Nguyễn Lương nhớ đứa bé chăn dê, nhớ lần thứ ba cậu ta kêu lên, thợ săn không lên núi, nhưng cậu vẫn không ngừng muốn dò xét, như là như vậy mới có thể chứng minh Phó Hiệu Chu quan tâm cậu, bản thân cũng thật sự tồn tại.
Nguyễn Lương không biết lần tiếp theo Phó Hiệu Chu có còn sẽ nuông chiều để cậu muốn làm gì thì làm không, có lẽ sẽ không. Cậu không thể khống chế dục vọng của mình, không lấp đầy cái giếng này, lần này qua đi sẽ còn lần tiếp, cậu vĩnh viễn không thể yên tĩnh, vĩnh viễn đòi hỏi, lòng tham không đáy.
Nguyễn Lương biết sớm muộn sẽ có một ngày thợ săn sẽ chán ghét mà không lên núi nữa, đến lúc đó cậu lại cô đơn một mình.
Cho nên khi Phó Hiệu Chu nói ‘anh khóa em lại có được không’, cậu động lòng.
Cậu sẽ ngoan ngoãn nghe lời, sẽ ở trong nhà. Trong sự khống chế và trói buộc người ngoài không hiểu nổi, ở nơi này là một tín hiệu an toàn, cậu rất an toàn, vì cậu được nắm trong tay, được cần lấy.
Nguyễn Lương tránh né tầm mắt của Phó Hiệu Chu, mua vé xe vờ muốn đi, thậm chí cố ý thăm dò thời gian Phó Hiệu Chu họp, còn chọn lúc Phó Hiệu Chu họp nhưng không lỡ mất thời gian cậu rời đi.
Tất cả mọi người đều cảm thấy Phó Hiệu Chu ép buộc Nguyễn Lương, vì theo bọn họ Nguyễn Lương sáng sủa hoạt bát, giỏi giao tiếp, cậu thi vào đại học tốt nhất, quan hệ với thầy hướng dẫn không tệ, quen rất nhiều bạn, thành tích lại vô cùng xuất sắc, tương lai nhất định vô cùng tươi sáng.
Nhưng thật ra Nguyễn Lương làm tất cả chỉ để tìm kiếm sự an toàn, lòng tham của cậu bắt nguồn từ con tim không có cảm giác an toàn, điều cậu muốn cũng không nhiều, chỉ một ngôi nhà mà thôi.
Cho nên khi cậu bước vào căn
phòng này, lúc bị Phó Hiệu Chu che mắt lại, cậu run rẩy, sợ hãi lại sung sướng.
Cậu bị nhốt lại, mang dây xích thật dài, làm bộ như không tình nguyện.
Sự phản kháng của cậu chỉ là trò trẻ con, sao một người thật sự muốn đi ra ngoài lại có thể dễ dàng thỏa hiệp như vậy.
Lúc được mở khóa Nguyễn Lương còn thấy sợ hơn, thậm chí lúc ra ngoài còn đang run rẩy, sợ Phó Hiệu Chu buông tay, vì vậy cậu giữ chặt tay anh. Sau đó cậu dần dần hơi thích ra ngoài, với điều kiện tiên quyết là có Phó Hiệu Chu đi cùng, cậu dùng ánh mắt tò mò quan sát sự vật, mà Phó Hiệu Chu lại nhìn cậu.
Ngày tuyết rơi đó, Phó Hiệu Chu ra ngoài, cậu đứng trước cửa vặn chốt, xác định đã khóa hoàn toàn mới hài lòng quay về phòng ngủ.
Nguyễn Lương không thích nói chuyện, không thích bị người khác chạm vào, nếu như có thể, cậu tình nguyện ở trong phòng này cả đời không phải ra ngoài.
Cậu không quên được cái đêm cậu mười hai tuổi, đó là ác mộng của cậu, là tiếng kêu đau đớn vào mỗi đêm không thể chợp mắt.
Đó là cặp mắt ngoài cửa sổ nhìn chằm chằm cậu và mẹ, kẻ đó ra động tác yên lặng với hai người, rồi bước vào trong lục tung lên, cuối cùng không thu hoạch được gì còn không ngừng mắng mỏ, bước từng bước về phía hai người.
Nguyễn Lương nhớ tới đôi tay bảo vệ mình đó, sống đao dưới ánh trăng lóe ra ánh sáng sáng ngời, bà đẩy cậu ra ngoài sau đó khóa cửa lại.
Cậu bị nhốt ngoài cửa.
Cậu nghe thấy tiếng hô hấp nặng nề của mình, nghe được tiếng gió bên tai cùng tiếng ồn ào, lời nói không mạch lạc nói địa chỉ với người ở đầu dây bên kia, cậu quỳ dưới đất, không nghe được tiếng gì ngoại trừ tiếng ‘vù vù’.
Tất thảy trở nên yên lặng, cậu cũng mất đi hết thảy.
Giống như mỗi một đêm không dám ngủ, cậu thức dậy phát hiện mình mơ thấy ác mộng, mà từ đầu đến cuối cậu đều chỉ có một mình.
– Cho đến khi cậu gặp được Phó Hiệu Chu.
Vì vậy tối đó khi Lý Tương tới, cảm nhận nhiều nhất của Nguyễn Lương là tức giận.
Cậu không biết Lý Tương, không quan tâm anh ta là ai, có lẽ đã từng gặp, nhưng cậu quên cũng như không quan tâm.
Cậu không nhìn sự điên cuồng trong đôi mắt của Lý Tương, không dám hành động thiếu suy nghĩ, chỉ có thể kéo dài thời gian, dụ dỗ Lý Tương đi vào gara. Lúc Lý Tương nhặt di động, cậu vốn có cơ hội ra tay, kết quả lại có xe tiến vào, thấy kiểu xe quen thuộc, cậu thay đổi ý định.
Cậu không muốn chạy, hoàn toàn không muốn chạy.
Cậu không muốn chỉ còn một mình.
Những cơn ác mộng kia, những đêm khuya không thể chợp mắt kia, những âm thanh ồn ào đâm thủng màng nhĩ kia, cậu không muốn trải qua nữa.
Cậu là một người mục nát từ trong xương, toàn thân quấn đầy bùn đất.
Nhưng Phó Hiệu Chu lại hỏi cậu: “Em muốn ra ngoài sao? Anh thả em ra.”
Như trở về năm mười hai tuổi, cánh cửa đó vĩnh viễn không mở nữa, sự sợ hãi mãnh liệt ùa tới.
… Có ai có thể cứu cậu, ai mau tới cứu cậu, cậu không muốn bị nhốt ngoài cửa.