Phật Pháp Là Gì?
Tu đạo tức là "quay ngược lại."
Thế nào là Phật-pháp? Phật-pháp tức là thế gian pháp. Song nó là pháp mà người thế gian không muốn làm. Người đời ai cũng bận rộn lăng xăng, mà phát xuất điểm không ngoài lòng ích kỷ riêng tư, chỉ lo bảo vệ thân mạng và của cải chính mình. Phậtpháp thì đại công vô tư (chỉ có công ích không có tư lợi) đem lợi ích đến mọi người. Khi học Phật-pháp, trong mọi việc làm mình hãy nghĩ đến người khác. Hãy xem nhẹ cái "tôi" này, quên mình vì người và chớ làm kẻ khác bực dọc phiền não. Ðó chính là Phật-pháp. Song phần lớn người ta không nhận thức rõ ràng được điểm này. Vì thế trong Phật-giáo xảy ra đủ thứ tranh chấp, cãi vã, phiền não, thị phi. Chẳng khác gì, hoặc tệ hơn, chốn trần tục của người đời nữa. Những người này một đằng học Phật, một đằng tạo tội nghiệp. Vừa lập chút công, lại vừa tổn chút đức. Do đó, chẳng những họ không mang lợi ích cho đạo Phật, mà ngược lại làm tổn hại đạo Phật. Việc ấy đức Phật gọi rằng: "Con giòi trong thân sư tử, gặm nhấm thịt sư tử."
Là đệ tử Phật, nếu mình ích kỷ, tự lợi, không biết nhìn xuyên suốt (khán phá), không chịu buông bỏ (phóng hạ), thì sao tương ưng với Phật-pháp được? Người học Phật cần:
Chân nhận tự kỷ thác
Mạc luận tha nhân phi
Tha phi tất ngã phi Ðồng thể danh đại bi.
Nghĩa là:
Tự nhận rõ mình lỗi.
Chớ nói người khác sai.
Họ sai tức mình sai.
Ðồng thể là đại bi.
Muốn hiểu chân lý đạo Phật thấu đáo, trước tiên mình cần tự tu nhẫn nhục, bố thí. Thế mới đưa tới thành tựu. Mình cần "xoay ngược lại," tức là phải tách biệt với người đời, không a dua theo trào lưu. Tu đạo mình cần "Ðổi ngược lại." Nghĩa là sao? Tức là: "Nhường cho người việc tốt, tự mình lãnh việc xấu." Buông bỏ bản ngã hẹp hòi để hoàn thành Ðại Ngã.
Phàm là đệ tử của tôi, các vị đều là máu thịt nơi thân tôi. Bất luận là máu thịt nào bị cắt xén, tôi cảm thấy đau đớn lắm. Bất kỳ nơi nào chảy máu, đều làm tổn thương nguyên khí của tôi. Do đó các vị hãy đoàn kết với nhau. Vì muốn làm Phật-giáo rạng rỡ vẻ vang, các vị cần chịu đựng những chuyện thiệt thòi mà không ai chịu nổi, phải nhẫn những thứ nhục nhã mà không ai nhẫn nổi. Phải để lòng dạ rộng rãi, làm gì cũng cần thật thà. Mình không thật thà thì Phật Bồ-tát biết hết đó. Làm sao mình lừa bịp chư Phật Bồ-tát được. Các vị hãy kiểm thảo lỗi lầm của mình, thành tâm sửa đổi điều sai trái, chân chính nhận thức những thái độ, hành vi điên đảo, không hợp đạo lý của mình. Cứ thành thật, quên phứt mình đi để phục vụ toàn thể Phật-giáo và xã hội.
Bất kỳ một tổ chức, một xã hội nào trên thế giới cũng đầy dẫy chuyện tranh chấp, đấu tranh vô cùng phức tạp. Chúng ta hãy cải thiện tình trạng này trong các chùa thuộc Tổng Hội Phật Giáo Pháp Giới như Vạn Phật Thánh Thành, Kim Sơn Thánh Tự, Kim Luân Thánh Tự... Tuy mình không thể sửa đổi hoàn hảo ngay lập tức, hãy từng bước sửa đổi tới lúc hết sức hoàn thiện, triệt để và rốt ráo. Bất kỳ lúc nào mình cũng cần giữ gìn hành vi và chí nguyện cao thượng để triển khai rạng rỡ Phật-giáo. Ðó là trách nhiệm cần có của mỗi Phật tử. Nếu Phật-giáo không hưng thạnh, đó là do mình chưa tận tình làm tròn trách nhiệm. Chớ nên đẩy trách nhiệm lên kẻ khác. Nếu làm được thế, chẳng bao lâu Phậtgiáo nhất định rạng rỡ, lan rộng khắp mọi nơi trên thế giới.
Là đệ tử Phật, phải chăng mình cầu Phật gia bị hằng ngày? Cầu Phật giúp mình phát tài, thăng quan hoặc khai trí huệ? Phải chăng mình chỉ cầu Phật giúp mình, chẳng hề suy nghĩ tự hỏi mình có cống hiến, đóng góp gì cho Phật-giáo chăng? Mình có chân thật chăng? Ðây là điểm mà mình phải thường hồi quang phản chiếu.
Lúc quy y, các vị phát bốn nguyện rằng:
1) Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ: Hãy tự hỏi mình: "Ta độ được ai chưa?" Nếu đã độ rồi thì hãy độ thêm nữa. Nếu chưa độ ai hãy phát tâm độ chúng sanh.
2) Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn: Phiền não thì nhiều vô cùng tận. Chỉ cần ta biến đổi chúng hóa ra bồ đề. Mình đã biến đổi chúng chưa? Nếu chưa, thì hãy mau mau biến đổi chúng.
3) Pháp môn vô lượng thệ nguyện học: Hãy tự kiểm thảo: "Ta có học Phật-pháp chăng? Ta có ra sức vì đạo Phật chưa? Phải chăng ta học một cách cứng ngắc, không biết làm sao vận dụng nó, rồi một ngày tu luyện, mười ngày bỏ bê?"
4) Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành: Trong thiên hạ không có pháp môn gì siêu thoát và cứu cánh hơn đạo Phật cả. Song ta đã chân chính phát tâm thành Phật chưa? Không những ta phải thành Phật mà còn phải độ hết thảy chúng sanh thành Phật nữa.
Nhìn lại quá khứ, đức Phật Thích Ca đã tu phước tu huệ suốt ba A-tăng-kỳ kiếp, vun trồng tướng hảo cả trăm kiếp. Ngài đã từng xả thân mạng để đổi lấy nửa câu kệ pháp. Tinh thần ấy thật vĩ đại quá! Sự chân thành cầu Pháp của Ngài thật cao thượng! Mình phải bắt chước tinh thần ấy.
Ðã hơn 3, 4 năm nay, mỗi tháng tôi đều đến Kim Luân Thánh Tự ở Los Angeles. Tôi cảm thấy các vị chưa đắc được lợi ích chân chính của Phật-pháp; cũng chưa thật sự thể hội được tinh thần vĩ đại của Phật-pháp. Các vị đã đặt mình ra ngoài Phật-pháp, chưa thâm nhập
gì cả.
Nếu muốn Phật-giáo hưng thạnh, mình phải sửa đổi từ chính bản thân mình trước. Hãy đem lòng chân thật, hy sinh nổ lực vì đạo Phật. Chớ nên biết có phạm vi nhỏ hẹp quanh mình. Phải lấy pháp giới làm bản thể; chỗ ứng dụng, chốn hành động của mình bao trùm hư không. Rằng: "Hãy sinh cái tâm không dựa, không trước vào đâu cả." (Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm). Nếu ai cũng làm như vậy thì Phật-giáo sẽ rạng rỡ lắm.
Vô Qui Củ Bất Thành Phương Viên
Không Nhẫn chịu được cũng phải gắng nhẫn chịu. Ðừng sợ đau, đừng đi loanh quanh luẩn quẩn. Nếu không thì sẽ không đạt được định.
Trong thời gian đả thiền thất, mọi người phải hiểu qui củ thiền đường. Khi chưa đánh mõ thì không ai được chạy hoặc đi cả. Nếu mình không giữ qui củ, không nghe theo hiệu lệnh tức là phạm qui củ. Trong thiền đường có quy luật của thiền đường. Sau khi khai tịnh, vị sư Duy-na phải nhìn xem mọi người đã mang giầy dép xong chưa, sau đó mới gõ một tiếng khánh. Chờ mọi người đứng lên rồi, thầy Duy-na mới đánh tiếp hai tiếng mõ. Hai tiếng mõ chưa đánh, dù mọi người đã đứng lên, không ai được phép đi cả. Ðó là qui củ rất đơn giản. Quý-vị phải hiểu nó. Nếu vừa khai tịnh mà đánh mõ ngay, người còn chưa đứng lên thì làm sao đi? Nếu phải chờ thêm ba phút nữa cũng không sao. Vì có nhiều người ngồi lâu bị tê chân, đứng lên còn không được thì làm sao đi? Ðó là tri thức rất là phổ thông trong thiền đường mà quývị cần phải hiểu.
Tôi biết có nhiều người ngồi lâu chân bị tê rồi khóc ròng. Khóc thì chẳng có ích lợi gì cả. Càng khóc thì càng đau. Cái chân nó đâu có nói rằng: "Nếu bạn khóc thì tôi sẽ hết đau!" đâu.
Nhiều người cho rằng ngồi thiền là điều rất tốt. Kỳ thật, ngồi thiền là nhẫn chịu sự khổ. "Càng tốt" tức là "càng khổ" vậy. Mọi người ở đây, hai giờ rưỡi sáng đã dậy rồi, ban ngày chỉ có một giờ để nghỉ ngơi rồi tiếp tục công phu cho đến mười hai giờ đêm. Mỗi ngày chỉ ngủ có hai, ba tiếng đồng hồ. Ðó là dụng công mà quên tánh mạng của mình. Cũng có thể nói là "Xả tử hoán sinh" (vất cái chết, đổi lấy sự sống). Rằng:
Xả bất liễu tử, hoán bất liễu sinh, Xả bất liễu giả, thành bất liễu chân.
Nghĩa là:
Không bỏ được cái chết, sao đổi được cái sinh. Không bỏ được cái giả, sao thành được cái thật.
Quý-vị nếu không chịu được khổ làm sao hưởng được phước. Nên muốn đến được chỗ chân chính công phu thì phải nhẫn khổ nại lao, phải nghiến răng chịu chân đau. Thật sự cái đau nầy có thể chẳng đau. Song vì mình muốn đau nên nó mới đau, nó bắt mình phải chịu khổ. "Nhẫn bất năng nhẫn" đó là nhẫn cái đau của chân này. Khi đau, nếu mình không nhẫn nại được, thì coi như mình không vượt qua được thử thách. Mình nhất định muốn đem toàn thân, tất cả cơ quan nầy phá hủy nó đi. "Cơ quan" tức là ám chỉ sự đau khổ của thân, hoặc chỉ chỗ đau nhức, hoặc chỉ chuyện phiền não. Nếu ngay lúc đau đớn mình có thể nhẫn chịu, không sinh phiền não, đó chính là công phu. Nếu như không nhẫn được, thì coi như không vượt qua thử thách. Có người đến đây, chỉ một ngày cũng không chịu nổi, cứ muốn trốn đi. Quý-vị hiện giờ đã vượt qua nhiều ngày, là chuyện không phải tầm thường đâu.
Phần đông các cô đều sợ đau chân. Song ở chỗ này chịu đau khổ được như vậy, nhất định là đã trồng được thiện căn thâm hậu, thì tương lai chủng tử bồ-đề nầy nhất định sẽ nẩy mầm, đạt được kết quả. Cho nên nói rằng "công bất đường quyện" nghĩa là công làm không uổng, mình dụng công bao nhiêu, sẽ đạt được bấy nhiêu, không sợ thời gian trôi qua lãng phí đâu.
Tu hành cần phải có "sinh nhẫn" nghĩa là nhẫn những thứ mà khó nhẫn. "Pháp nhẫn" là nhẫn sự sinh diệt tướng của các Pháp. Nhẫn chịu không được cũng phải gắng nhẫn chịu, đừng sợ đau, đừng đi loanh quanh luẩn quẩn, nếu không thì sẽ không đạt được định. Cần nhất là phải nhìn thấy các Pháp đều là không, nhìn thấu suốt và buông bỏ được. Từ nơi sinh nhẫn và pháp nhẫn, mình sẽ ngộ được đến vô sinh pháp nhẫn. Ðó gọi là "Bất kiến hữu thiểu Pháp sinh, Bất kiến hữu thiểu Pháp diệt." Nghĩa là: Chẳng thấy có chút Pháp gì sinh. Chẳng thấy có chút Pháp gì diệt.
Truyện convert hay :
Bạo Manh Hồ Bảo: Thần Y Mẫu Thân Muốn Nghịch Thiên