Khai Thị Quyển 3- Hòa Thượng Tuyên Hóa

Nhân Duyên Xuất Gia Của Hành Giả Quả Tá


trước sau

Hồi tôi trụ tại chùa Tam Duyên, thuộc trạm Bình Phòng, cách Cáp

Nhĩ Tân (Harbin) khoảng 30 dặm về phía Nam, có một hôm trong lúc thiền quán tôi biết ngày hôm sau sẽ có một chú nhỏ đến xin xuất gia. Sáng ngày hôm sau, tôi dặn đệ tử của tôi là Quả Năng: "Hôm nay có một chú nhỏ đến xuất gia, khi nào chú nhỏ tới thì báo cho tôi biết".

Tới trưa hôm đó, Quả Năng đến phòng của tôi báo cáo với giọng nói vùng Sơn Ðông: "Trình sư phụ! Cái chú nhỏ mà Sư phụ nói, quả nhiên y đã đến!" Tôi đi ra phía trước thì thấy có một đứa con trai nhỏ, khoảng chừng 12 hay 13 tuổi, dung mạo toàn vẹn, thân thể tráng kiện, rõ ra tướng của một Tỳ kheo. Khi thấy tôi thì cảm tưởng của y giống như là gặp lại được một người thân đã từ lâu xa cách, y không dằn được tình cảm, bèn khóc lên vui sướng tột độ.

Tôi mới hỏi: "Tại sao chú muốn xuất gia?" Chú nhỏ đáp: "Bởi con có bệnh (hồi 5 tuổi chú nhỏ đã chữa được bệnh cho người ta, nhưng bệnh của mình thì không chữa được), thầy thuốc đã khám nhưng không tìm ra nguyên nhân, nên không biết thuốc nào chữa được. Cha mẹ con rất lo âu, tìm thầy chạy thuốc khắp mọi nơi nhưng chẳng có hiệu quả gì. Có một đêm, trong ba lần nằm mơ con đều thấy cùng một cảnh trong mộng. Con thấy một vị Tăng, người mập mạp, nói với con rằng bệnh của con không có hy vọng gì chữa khỏi, trừ phi con đến chùa Tam Duyên ở Cáp Nhĩ Tân, kiếm được Pháp sư An Từ rồi theo người xuất gia tu hành thì bệnh sẽ hết mà chẳng cần thuốc. Con ghi nhớ rõ ràng như vậy, bẩm với song thân của con để xin phép, rồi mới tới đây, để thỉnh cầu Pháp sư An Từ mở lượng từ bi thâu nhận con làm đệ tử".

Tôi cười và hỏi tiếp:

- Chú quen biết Pháp sư An Từ ư?

- Con không quen biết.

- Chú đã không biết thì làm sao kiếm được ông ấy? Ở đây không có người nào là Pháp sư An Từ cả.

Chú nhỏ nói một cách hết sức tin tưởng:

- Có chứ! Khi con vừa vào tới cửa chùa thì nhận ngay ra vị Tăng mập trong giấc mộng và bây giờ ông ấy đang ngồi ở chỗ này đây (y trỏ tay vào tượng của Bồ-tát Di Lặc). Ông ấy không có nói dối con đâu. Chính ông ấy bảo con tới đây, không sai mà!

Tôi hỏi tiếp:

- Giấc mộng của chú, có gì làm căn cứ để người ta tin? Hay là chú không có áo mặc, không có cơm ăn, không có nơi ở, nên chú muốn xuất gia?

Chú nhỏ quả quyết:

- Không phải vậy! Con theo đúng như sự chỉ dẫn của vị Thầy mập này (chú ta chỉ vào tượng của Ngài Di Lặc), bảo con kiếm cho được Pháp sư An Từ, vì chỉ có ông ấy mới chữa bệnh được cho con mà thôi. Vì lẽ ấy, trên một tháng nay, con đi bộ hơn một ngàn dặm đường
(thuở ấy Nhật Bổn vừa đầu hàng vô điều kiện và đường xe lửa miền Mãn Châu chưa lưu thông trở lại). Có lúc con đi qua lữ điếm, rồi phía trước lại không có làng mạc nào, con đành phải ngủ ở giữa đồng trống. Ðể tranh thủ thời gian, con chỉ biết đi cho tới, chẳng kể đến chuyện gì khác. Có một đêm, con nằm ngủ ở trong một bãi ruộng, chợt có một đàn sói đến vây xung quanh, nhưng con không sợ hãi, con nói với chúng nó rằng: "Chúng bay đi khỏi ngay lập tức! Nếu không đi, tao sẽ không nhân nhượng, cho tụi bay ăn cái quả này (quả lựu đạn)!". Ðàn chó sói nghe xong, liền ngoan ngoãn bỏ đi.

Chú nhỏ kể xong câu chuyện thì nhìn tôi bằng ánh mắt khẩn cầu. Tôi lại muốn thử lòng coi y có thành tâm không. Tôi lấy một miếng bánh mì cho vào miệng nhai nát ra rồi nhổ xuống đất. Tôi bảo chú nhỏ: "Hãy lượm nó lên và ăn đi! Ăn xong rồi sẽ tính". Chú nhỏ không hề do dự, cũng chẳng nề hà lượm miếng mì đầy nước miếng dơ dáy lên, nuốt luôn vào bụng. Thấy thử lòng như vậy cũng đủ chứng minh chú có thành tâm và thiện chí muốn xuất gia, do đó tôi ưng thuận cho chú nhỏ thọ giới Sa di.

Sau ngày thọ giới - giới Sa di - chú dụng công tu hành, hăng hái học tập, không hề lười biếng, cũng không buông thả, và, chưa đầy nửa năm đã chứng được Ngũ nhãn Lục thông, bản lĩnh thì rất cao, có thể nói là thần thông quảng đại. Ðấy chẳng phải là điều nói ngoa, tuyệt đối là sự thực. Những người ở đấy, ai ai cũng biết vị tiểu Sa di đó có thần thông. Rất tiếc về sau này, y sanh tâm kiêu ngạo (cống cao ngã mạn), trong lòng tự mãn, cho rằng mình là hay ho lắm, nên các thứ thần thông cũng không cánh mà bay mất, có muốn biểu diễn thần thông cũng không được nữa.

Chúng ta là kẻ tu hành phải nên chú ý điểm này. Có thần thông cũng hay, mà không thần thông cũng hay, chớ bao giờ nên sanh lòng kiêu ngạo, sanh tâm chấp trước, càng không thể lấy chuyện đó để tự quảng cáo mình. Chủ yếu là phải an phận với mình, tinh tấn và thực tâm tu hành, ra công gắng sức mới là công phu chân chánh. Công phu hời hợt mà đã chấp vào, nào những thanh âm này, những cảnh giới kia, cho là ghê gớm lắm! Ðiều đó tuyệt đối chớ mắc phải, bởi như vậy là cách Ðạo cả mười vạn tám ngàn dặm xa!

Khai thị tại Vạn Phật Thánh Thành, Vạn Phật Ðiện

Thiền thất từ ngày 16 đến 23 tháng 7 năm1981

Truyện convert hay : Cận Chiến Cuồng Binh

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện