Hỡi các em học sinh! Thời gian tốt nhất của đời người là lúc trước hai mươi tuổi, đó gọi là : “Thời đại hoàng kim.” Trong thời kỳ này, Phật tánh vốn có của các em chưa bị mất và tự tánh thanh tịnh vẫn còn tồn tại. Lúc bấy giờ, nếu các em được tiếp xúc với người tốt, các em sẽ làm người tốt. Còn nếu các em qua lại với người xấu, các em sẽ làm người xấu. Các em rất dễ bị ảnh hưởng theo hoàn cảnh chung quanh. Như có câu nói: “Gần son thì đỏ, gần mực thì đen” tức là đạo lý đó.
Nếu gặp được thầy tốt, bạn hiền, các em sẽ thâu thập được nền học vấn chân chánh và có được phẩm hạnh đoan nghiêm. Trái lại, nếu gặp những vị thầy, những người bạn không giữ quy củ phép tắc, các em sẽ chịu ảnh hưởng của họ, rồi sẽ thành người không giữ nề nếp quy củ. Nếu nhỏ thì “hại quần chi mã” tức là một con ngựa làm xấu hại đến cả bầy ngựa; lớn hơn nữa thì làm xã hội bại hoại.
Hãy nhớ lấy! Tự tánh của các em ví như tấm vải trắng thuần khiết, nếu các em đem nhuộm màu xanh thì nó xanh, nhuộm màu vàng thì nó vàng. Các em đang trong hoàn cảnh học hành tốt đẹp như vầy, tương lai nhất định phải làm người có lợi ích cho xã hội, và cải thiện xã hội theo chiều hướng tốt hơn. Các em nên có tinh thần hy sinh tiểu ngã ích kỷ của mình để thành đại ngã lo cho quần chúng.
Hỡi các em học sinh! Đa số các em từ nước ngoài đến ( Như học sinh từ Việt Nam, Cam-pu-chia và các nước Đông Nam Á), đã từng bị dập vùi lưu lạc với nỗi khổ bỏ nhà mất nước. Trong thời kỳ sôi động bất an, mà các em có được nhân duyên đặc biệt đến Vạn Phật Thánh Thành để học hành, ngõ hầu xây dựng nền móng làm người tốt, đây có thể nói là trong cái bất hạnh không may nhưng có cái may mắn lớn.
Bởi vì tông chỉ của trường Tiểu học Dục Lương ở Vạn Phật Thánh Thành là bồi dưỡng học sinh thành người ưu tú lương thiện, khiến học sinh biết thế nào là hiếu thảo với cha mẹ, biết tôn sư trọng đạo, biết chọn lựa bạn lành và trung thành với quốc gia.
Còn tông chỉ giáo dục của trường Trung học Bồi Đức là bồi dưỡng học sinh có quan niệm đạo đức, biết về bốn đạo lý: Lễ, nghĩa, Liêm, Sỉ, hầu tương lai các em sẽ làm người tốt lành, đường đường chánh chánh. Đây là hoài bão căn bản của trường học ở Vạn Phật Thánh Thành vậy.
Các em đã được hoàn cảnh học tập tốt đẹp như vầy, các em nên biết quý trọng thời giờ,sanh mạng của mình, cũng nên biết thương tiếc tất cả chúng sanh và tất cả các thứ vậy chất. Đừng để “ thời đại hoàng kim” quý báu của các em trôi qua một cách trống không. Các em không nên xem tiểu thuyết, xem truyền hình, mà hãy nên nỗ lực học hành, gọi là: Miệng thì đọc, tâm suy tư, sáng cũng thế, chiều cũng thế ( Khẩu nhị tụng. Tâm nhi duy. Triều ư tư. Tịch ư tư). Miệng đọc sách nào, thì tâm nên suy nghĩ đạo lý trong sách đó; sáng hay chiều cũng đều nghĩ đến đạo lý trong sách. Thời thời khắc khắc đừng quên những điều đã học trong sách, lúc nào cũng nên ôn luyện lại những bài học đã học.
Trong sách Luận Ngữ có ghi: “Ôn cố như tri tân,” ôn tập lại bài cũ có thể đạt được sự học thức mới, tức là đạo lý đó.
Hiện nay các em đang trong thời kỳ học hỏi, ngoại trừ những lúc phụ giúp việc nhà, các em nên chăm lo học hành. Hãy nắm chắc thời gian, đừng để lãng phí.
Người xưa nói: “Một tấc thời gian là một tấc vàng, nhưng một tấc vàng khó mua được một tấc thời gian.” Các em xem đấy, thời gian quý báu biết là bao! Cho nên nói: Trẻ mà không cố gắng, khi già mới luống tiếc. Đang trong thời đại hoàng kim mà các em không chịu học hành, đến già có hối tiếc cũng không kịp!
Hỡi các em học sinh! Các em trong thời niên thiếu đã gặp nhiều hoạn nạn, phải rời bỏ quê hương, bôn ba tìm tự do trên lộ trình lưu ly thất tán, khổ không kể xiết. Các em đã trải qua biết bao là khốn khổ, mới đến được vùng đất bình an. Đó là nhân nhiều kiếp trước, các em không biết tu phước, tu huệ, hoặc đã gây hoạn nạn cho người, khiến người ta đau khổ. Bởi nhân đó, ngày nay các em mới chịu khổ nạn. Đó đều là do nghiệp lực của tiền nhân hậu quả mà thọ cảm. Tuy các em hãy còn trẻ, nhưng đã từng nếm đủ mùi vị tai ương. Như nếu các em lại không phát Bồ Đề Tâm, không biết cố gắng học hành, thì tương lai của các em xem như sẽ là hắc ám đen tối nhiều hơn là quang minh xán lạn. Các em có hiểu không?
Bây giờ các em học tại
Vạn Phật Thánh Thành, đã biết được Lục Đại Tông Chỉ: Không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không vọng ngữ và hiểu được cái tinh thần làm người chân chánh. Đây là cơ hội tốt cho các em sửa đổi lỗi lầm để làm lại cuộc đời mới, ngõ hầu tạo dựng cho mình một tiền đồ xán lạn. Các em đừng để nó trôi qua một cách luống uổng, mà phải hiểu rõ tánh trọng yếu của nó. Đây là điểm then chốt quan hệ đến cả cuộc đời hạnh phúc của các em đấy.
Hiện nay các em đã đến đây, ngoài thời giờ chăm lo cho học tập, nếu các em lại biết nắm giữ cơ hội tốt này mà thường tu trì, thành tâm niệm Phật, lễ Phật, tham thiền, tĩnh tọa và tu hành như thế, tức các em có thể sẽ đạt được một năng lượng siêu quần như: Thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mạng thông, thậm chí đến cả thần túc thông hay lậu tận thông nữa. Bây giờ tôi chỉ giảng bốn thông, sau này tôi sẽ giảng tiếp về hai thông còn lại.
Sao gọi là thiên nhãn thông? Tức là tại quả địa cầu mà các em có thể thấy được nhất cử, nhất động, từng lời nói, từng việc làm của người trời một cách thật rõ ràng, không có chi chướng ngại. Hiện ở Trung Hoa, có rất nhiều em nhi đồng tuy ở trong nhà mà thấy được sự vật phía ngoài tường vách. Chúng lại có thể biết trong tay người khác đang nắm giấu vật gì. Đó là thiên nhãn thông, cũng tức là tác dụng của cái nhìn thông suốt.
Sao gọi là thiên nhĩ thông? Là có thể nghe được chư thiên nói chuyện, lại có thể nghe Phật, Bồ Tát nói, hoặc cũng có thể nghe rõ ràng được tiếng người nói chuyện từ xa ngàn dặm. Hiện nay ở Trung Hoa có một số trẻ em dùng thính giác để đọc chứ viết trên giấy. Tức là có người trước đó đã bí mật viết chữ vào giấy, sau đó chúng để tờ giấy áp vào tai và lắng nghe một chút là biết ngay. Trăm lần thử, trăm lần đều đúng chứ không phải đoán mò. Những cảm ứng này là do thiện căn từ kiếp trước chúng đã tu được. Nhưng nếu không có bậc Thiện tri thức hướng dẫn chúng, thì khi đã qua tuổi nhi đồng, chúng sẽ mất đi các công năng đặc thù này.
Sao gọi là tha tâm thông? Tức là trong tâm người khác nghĩ gì mình cũng đều có thể biết rất rõ ràng, thông suốt, không chút trở ngại.
Sao gọi là túc mạng thông? Là có khả năng biết được rất rõ ràng về nhân quả quá khứ của người khác, như biết họ đã từng tạo nghiệp lành gì, hoặc làm nghiệp ác gì? Nếu các em chịu nghiêm túc tu hành thì sẽ càng đạt được năng lực đặc biệt này hơn, và lại càng có thể khai mở đại trí tuệ chứng đắc thần thông về biện tài vô ngại.
Nhiều em nhi đồng ở Trung Hoa có được năng lực kỳ đặc siêu phàm này. Nhưng rất tiếc không có người hiểu được các loại tài năng như vậy. Cho nên những bậc nhân tài có thần thông này đều bị lãng quên mai một. Đối với Phật giáo mà nói, thì đó quả thật là điều bất hạnh!
Nếu chúng ta biết tích cực vun bồi, giúp đỡ cho các em tiểu thần đồng này phát triển khả năng như hiện thân thuyết pháp, tức khiến cho người đời sẽ có lối nhìn khác đối với Phật Giáo. Ví như người ta từ cơn ác mộng vừa mới thức tỉnh và giác ngộ rằng, Phật Pháp quả là tôn giáo cứu nhân độ thế.
Hiện các em đang học tại Vạn Phật Thánh Thành. Nếu các em lại chịu chuyên tâm nhất chí học tập Phật Pháp, tôi tin rằng các em đều có cơ hội đạt được những năng lực chuyên môn như thế. Những điều đó cũng không phải mê tín dị đoan, mà là sự thật đấy. Giống như truyền hình, ra-đa, máy thâu băng, điện thoại, điện báo v.v… cũng có công năng thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, nhưng mấy thứ này là thần thông do người sáng chế, chứ không phải là thần thông tự nhiên. Nếu do tham thiền chứng được thần thông, đó mới là thật sự vận dụng thần thông tự tại. Chỉ cần các em có ý muốn thì các em cũng có thể tu đạt được những cảnh giới như vậy.
Giảng ngày 5 tháng 3 năm 1984
Truyện convert hay :
Xấu Nữ Làm Ruộng: Trong Núi Hán Sủng Thê Vô Độ