Khai Thị Quyển 3- Hòa Thượng Tuyên Hóa

Phật Giáo Hưng Vong – Người Người Có Trách Nhiệm


trước sau

Khi Phật Pháp sắp đến bờ mé diệt vong, bất luận là Tỳ- kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc hay Ưu-bà-di cũng đều nên lấy việc phục hưng Phật giáo làm nhiệm vụ của mình, gọi là:

“Thiên hạ hưng vong, thất phu hữu trách.”

Bây giờ chúng ta có thể nói là : “Phật giáo hưng vong, nhân nhân hữu trách.” Đã là Phật tử, chúng ta lại càng nên có trách nhiệm hơn nữa, chứ đừng thoái thác cho người khác. Chúng ta nên tự hỏi rằng: Chúng ta phải làm sao để phục hưng và phát huy Phật giáo cho rạng rỡ thêm hơn? Đây tức là tự mình nên có sự phản tỉnh sâu sắc! Từng giờ từng khắc nên tự kiểm xét lấy mình! Những việc đáng làm, mình đã làm chưa? Nếu chưa, vậy tại sao mình chưa làm?

Hoằng dương Phật Pháp là công việc của mọi người. Nhưng chỉ khi nào mọi người cùng phân công hợp tác làm việc với nhau như: Người có tiền thì góp tiền, ai có sức thì góp sức, và cùng nhau nỗ lực nhất trí đoàn kết thì mới có thể làm cho Phật Giáo hưng thịnh trở lại. Cho nên có câu nói: “Đoàn kết là sức mạnh.” Chúng ta không nên phân tán như mâm cát rời rạt, cũng đừng nên có quan niệm tụ thủ bàng quan, tức là chỉ biết khoanh tay đứng nhìn.

Là đệ tử Phật, một khi đã hiểu rõ nhiệm vụ của mình, chúng ta lại càng không nên có tâm ý ỷ lại rằng: “Dù sao cũng có người hoằng dương Phật Pháp rồi, tôi bất quá chỉ là một phần tử thì có ảnh hưởng gì đâu.” Nếu ai ai cũng có tư tưởng như vậy, thế thì đến bao giờ Phật giáo mới được phục hưng, được vẻ vang khác thường đây? E rằng sẽ không bao giờ!

Trong thời đại này, nếu trên thế giới không có ai chân chánh phát tâm tu hành để làm người lãnh đạo, e rằng Phật giáo nhất định sẽ suy sụp dần dần rồi đi đến chỗ diệt vong. Chúng ta đã là Phật tử thì nên tận tâm
tận lực lo cho Phật giáo. Trong thời kỳ hoằng dương Phật Pháp, chúng ta nên dõng mãnh tiến tới, không nên nhát gan lo trước lo sau, cũng đừng sợ người ta ghen ghét, hay sợ bị người gây chướng ngại, vì đó đều là khảo nghiệm thử thách đấy thôi. Bởi một khi trải qua lò lửa hồng tôi luyện thì cũng phải ngàn lần nung nấu, trăm lược trui rèn mới thành được thép tinh, gọi là:

“Ngật đắc khổ trung khổ, phương vi nhân thượng nhân.”

Chịu được cực khổ trong cảnh khổ mới là hơn người.

Đó là lời bàn của người có nhiều kinh nghiệm từng trải. Chúng ta nên thành tâm cống hiến cho Phật giáo, nên đem ý chí kiên cố và lòng quyết tâm chân thật của mình để làm Phật sự. Được như vậy, Phật giáo mới có thể mỗi ngày một chuyển biến tốt đẹp trở lại.

Vạn Phật Thánh Thành là đạo trang tu hành chân chánh. Mọi người đều biết chúng ta tuyệt đối không phải là dân bịp bợm giả dối. Cho nên chúng ta phải thật lòng y theo giáo pháp thi hành, chứ đừng giả mang mặt nạ để lừa gạt người đời. Chúng ta cũng không nên có ý tưởng tham muốn những chuyện viển vông, xa rời thực tế. Mình biết bao nhiêu thì làm bấy nhiêu, như vậy mới đúng là bổn phận của người tu hành. Nếu chúng ta chỉ biết nói suông mà không chịu làm thì chỉ là những lời nói đầu môi, không tốt chút nào. Như vậy chúng ta làm sao có hy vọng phục hưng Phật giáo trở lại cho được?

Giảng ngày 6 tháng 4 năm 1984

Truyện convert hay : Xuyên Nhanh: Nữ Xứng, Bình Tĩnh Một Chút

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện