Vạn Phật Thánh Thành - Cảnh Tiên Giữa Chốn Nhân Gian
Vạn Phật Thánh Thành là một nơi yên tĩnh, tịch mịch. Ở đây, không khí trong lành mà khung cảnh lại u nhã, chẳng có không khí ô nhiễm và cũng chẳng có tiếng xe cộ ồn ào quấy nhiễu. Phàm là người sống trong khuôn viên của Vạn Phật Thánh Thành thì phải biết quý trọng và hết lòng gìn giữ, bảo vệ môi trường.
Trong rừng thông Ðại Tùng Thụ thuộc khuôn viên Thánh Thành có tới mấy trăm con hạc trắng làm tổ trên cây và sống ở đó quanh năm. Giống chim này thuộc loài hậu điểu, lẽ ra thì phải tùy theo khí hậu mà thiên di tới nơi khác, nhưng những con bạch hạc này lại cứ "đóng đô" ở đây mãi, chẳng chịu "dọn nhà" đi, đủ thấy không khí tại Vạn Phật Thánh Thành trong lành như thế nào!
Vạn Phật Thánh Thành cũng là một Thánh-địa, có hơn ba chục con hươu sao (mai hoa lộc) sinh sống trên đồng cỏ mênh mông; chúng khoan thai đi lại trong thảo nguyên và hễ thấy có người đến thì nhảy cẫng lên ra vẻ mừng rỡ chào đón. Hươu con lại còn khả ái hơn nữa, chúng cứ quấn quít bên mình khách, không chịu rời.
Trong Thánh Thành còn có loài chồn, cáo, nhưng chúng chẳng hề làm hại những động vật nhỏ bé. Nếu chúng phạm Giới - dù là ăn con sóc nhỏ - thì cũng phải chịu sự trừng phạt của Thần Hộ Pháp. Những con chồn này rất tinh nghịch, có người trông thấy chúng liền giậm chân thì chúng bắt chước giậm chân theo, trợn mắt nhìn chúng thì chúng cũng trố mắt nhìn lại! Chồn con rất hồn nhiên, hễ gặp người xuất gia là lẽo đẽo đi theo. Có khi chúng còn vô nhà hoặc lảng vảng trước cửa để xin thức ăn.
Muôn chim được tắm mình trong cảnh giới thần tiên thiêng liêng, kỳ diệu, tinh khiết và thanh tịnh này đều sống trong niềm an lạc chan hòa; có thể nói là chúng đã gặp được môi trường thích hợp vậy!
Vạn Sự, Nhẫn Là Quý
Bí quyết của người tu hành là nên ăn ít. Vì sao? Vì ăn ít thì bớt sanh dục niệm. Dục niệm ít thì có thể biết đủ (tri túc). Biết đủ thì thường xuyên được an lạc. Luôn luôn an lạc thì không có phiền não. Không có phiền não thì Bồ-đề nảy sanh. Bồ-đề nảy sanh thì được giải thoát. Ðạt được sự giải thoát tức là có thể "nhiệm vận tự tại, sanh tử tự tại, trí huệ tự tại"- tóm lại là hoàn toàn tự tại. Ðó là những chặng đường mà người tu hành phải trải qua; mọi người hãy cùng nhau gắng sức!
Người tu hành cần phải nhẫn nại, bất luận cảnh giới thử thách nào xảy đến cho mình thì cũng phải dùng lòng nhẫn nại mà nhịn nhục, nghiến chặt răng mà chịu đựng; lúc đã vượt qua "cửa ải" được rồi thì "gió êm sóng lặng," tự nhiên sẽ được yên ổn. Khi làm việc, nếu có những việc mình không muốn làm thì cũng nên nhẫn nại mà làm, lâu dần sẽ quen đi, rồi trở thành tự nhiên. Nói tóm lại, bất luận làm công việc gì chúng ta cũng đều nên làm cho đàng hoàng, có lương tâm; chớ nên lười biếng, trốn tránh công việc cho nhàn thân, hoặc làm cẩu thả qua loa cho xong chuyện. Nếu có ý tưởng "làm Hòa Thượng một ngày thì đánh chuông một ngày," tức là trái ngược với Ðạo; hạng người này chẳng qua là
"dựa vào Phật để có áo mặc, nương theo Phật để kiếm cơm ăn," sống lây lất qua ngày tháng, chắc chắn chẳng có triển vọng gì cả! Tôi dùng hai chữ "nhẫn nại" làm phương châm cho đời mình - bất luận trong hoàn cảnh nào cũng dứt khoát không chịu đầu hàng, cương quyết nhẫn chịu hết thảy bằng cả thân lẫn tâm. Khi còn ở tại quê nhà Ðông Bắc, tôi đã quen "chịu nóng chịu lạnh." Vào những ngày "tam cửu"2 (thời kỳ lạnh nhất trong năm), tôi không mang giày mang vớ gì cả, cứ để chân trần mà đi trong tiết trời giá rét như cắt, khiến chân bị lạnh cóng đến đau buốt - nhưng tôi vẫn cố gắng chịu đựng, hễ nhẫn nại được thì không còn thấy đau nữa! Còn trong mấy hôm "tam phục"3 (thời kỳ nóng nực nhất trong năm) thì khí trời nực nội đến nỗi đầu óc choáng váng, mặt mày xây xẩm; bước đi mà cứ thấy trước mắt một màn tối đen, tưởng chừng như trời đất đang quay cuồng đảo lộn vậy. Nhiều người cảm thấy nóng bức đến lả người, nhưng tôi nhận thấy cũng không đến nỗi nào, chỉ cần ngồi nghỉ một lát là khỏe ngay. Tôi lấy hai chữ "nhẫn nại" làm Pháp-bảo để khắc phục mọi khó khăn - chịu lạnh chịu nóng, dầm mưa dãi nắng, nhịn đói nhịn khát; tôi nhẫn nại chịu đựng tất cả, nhất quyết không "kéo cờ trắng" đầu hàng.
Sau khi xuất gia, tôi chuyên tâm tu Pháp Môn Nhẫn Nhục. Nếu có người mắng tôi ư? Thì tôi cứ như chẳng nghe thấy gì cả, hoặc coi như mình đang nghe nhạc vậy, và tự nhiên được bình an vô sự! Nếu có người đánh tôi ư? Tôi tuyệt đối không đánh trả, mà chỉ đón nhận
với thái độ bình tĩnh, ôn hòa! Tôi cũng kiên nhẫn hành trì các khóa lễ Công Phu Khuya và Công Phu Tối - sáng sớm tinh mơ, khi gần đến giờ phải lên Chánh Ðiện, dù đang ngon giấc mà nghe tiếng mõ báo hiệu là tôi lập tức vùng dậy. Súc miệng rửa mặt, chuẩn bị xong xuôi là tôi lên Chánh điện chờ sẵn; bao giờ tôi cũng đến sớm năm phút, không một lần trễ nãi!
Từ khi xuất gia đến nay, tôi luôn luôn dùng lòng nhẫn nại để làm việc. Khi tôi đến những nơi khác để tham cứu học hỏi, bất luận là hành lễ Công Phu Khuya, Công Phu Tối, giảng Kinh thuyết Pháp, nghe Kinh nghe Pháp, hay Cúng Ngọ, tôi đều tới sớm hơn giờ giấc ấn định, chưa bao giờ chậm trễ một chút! Hôm nay tôi mang sự việc trước kia của mình ra kể cho các bạn nghe tức là "hiện thân thuyết Pháp" vậy!
Nếu muốn tu hành một cách chân chánh, thì các bạn không được lười biếng, khi làm việc thì phải tích cực, hăng hái, và không được thiếu lòng nhẫn nại. Dẫu có những điều không thể nhẫn nhịn được thì cũng phải nhẫn nhịn, và nếu có những việc không thể chịu đựng nổi thì cũng phải chịu đựng. Nhẫn nhịn và chịu đựng tất cả - đó là kim chỉ nam của người tu hành. Ðặc biệt là trong thời kỳ còn đang học hỏi, rèn luyện thì các bạn càng phải cố gắng nhẫn nhịn và chịu đựng hơn nữa; cho dù thật tình là chẳng thể nào nhẫn nhịn được nữa thì cũng vẫn phải ráng dằn lòng mà nhẫn nhịn! Có câu:
Nhẫn phiến khắc, phong bình lãng tĩnh, Thối nhất bộ, hải khoát thiên không.
(Nhẫn một chút, gió êm sóng lặng,
Lùi một bước, biển rộng trời cao.)
Các bạn không được tùy tiện nổi nóng; phải biết rằng:
Vô minh hỏa năng thiêu hủy công đức lâm!
(Lửa vô minh có thể thiêu rụi rừng công đức!)
Ðó là một câu danh ngôn rất chí lý và cũng là một nhận định đầy kinh nghiệm. Mọi người hãy nhớ lấy, hãy khắc ghi trong lòng! Phải thận trọng, chớ nên nổi giận!
Các bạn không nên tùy tiện nổi nóng, cho rằng như vầy là không đúng, như thế là không phải, hoặc trông thấy cái gì cũng lấy làm gai mắt, khó chịu. Ðành rằng ở đời có nhiều việc không như ý mình mong muốn, thế nhưng, các bạn hãy "lùi một bước" mà tự nhắc nhở: "Phải nhẫn nhịn! Mình phải nhẫn nhịn!" Nếu nhẫn nhịn được thì muôn sự đều êm đẹp, bao nhiêu rắc rối phiền phức đều không còn nữa!
Chúng ta, những người tu hành, cần phải làm mọi công việc một cách đàng hoàng, chu đáo, không được lười biếng, không được phóng túng, buông lung. Mọi người phải nghiêm túc tuân theo quy củ của đạo tràng; chớ nên nói rằng: "Hằng ngày tôi đều có tới nghe giảng Kinh, không hề vắng mặt, thì những việc khác cứ qua loa, đại khái thôi cũng được!" Tư tưởng này quả thật không thể nào chấp nhận được! Dù là Cúng Ngọ, Công Phu Khuya, Công Phu Tối hay là Pháp Hội, thì các bạn đều nên đến Chánh Ðiện sớm một chút để chờ tới giờ hành lễ, bởi như thế thì quả báo đến với các bạn trong tương lai mới được viên mãn. Bằng không, nếu thời khóa nào các bạn cũng trễ nãi, thì sau này các bạn có thể bị vuột mất cơ hội khai ngộ. Phàm nếu làm việc gì cũng đi sau đến trễ, thì công đức sẽ không được viên mãn.
Chúng ta, những người tu hành, đừng tự lý sự với chính mình hoặc tự làm luật sư biện hộ cho mình. Nên có câu rằng:
Như thị nhân, như thị quả.
(Nhân nào thì quả nấy.)
Hễ trồng thiện nhân thì được thiện quả, gieo ác nhân thì gặp ác báo - đó là định luật "thiên kinh địa nghĩa," là định luật muôn thuở của trời đất. Nếu trồng cái nhân trọn vẹn thì khi kết trái sẽ được quả trọn vẹn, trồng cái nhân nửa chừng hay lỡ dở thì sẽ sanh ra quả nửa chừng hay lỡ dở. Mọi người cần phải thật sự thấu suốt điểm này, chớ nên thờ ơ, xem như gió thoảng qua tai!
(Giảng ngày 01 tháng 5 năm 1983)
Truyện convert hay :
Tuyệt Thế Kiếm Đế