Khai Thị Quyển 3- Hòa Thượng Tuyên Hóa

Niệm Quán Thế Âm Bồ Tát Với Ðủ Sáu Căn


trước sau

Niệm Quán Thế Âm Bồ Tát chẳng phải chỉ riêng miệng niệm cho rõ ràng, mà trong tâm cũng phải ghi nhận cho thật rõ ràng. Cả mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, đủ sáu căn, tất cả đều cùng niệm. Mắt niệm, tai niệm, mũi niệm, lưỡi niệm, thân thể niệm, ý thức cũng niệm, tóm lại mọi căn cùng một lúc niệm Quán Thế Âm Bồ Tát. Cái đó gọi là thâu nhiếp sáu căn, một cửa thâm nhập.

Tại chương Ðại Thế Chí Viên Thông, kinh có nói: "Nhiếp cả sáu căn, tịnh niệm tương tục, chứng Tam-ma-địa, ấy là đệ nhất." Ðại ý câu này có thể giải thích như sau: nói nhiếp cả sáu căn tức là bảo chúng ta gom sáu căn đó lại, không cho chúng tán loạn, bảo chúng phải nghe lời và phụng hành nghiêm chỉnh; phải làm sao khiến cho sáu tên giặc - tức sáu căn - biến thành sáu vị hộ pháp. Nhiếp sáu căn tức là ra lệnh cho chúng phải giữ phép tắc, không để chúng tác quái; huấn luyện chúng đến chỗ thuần thục, ngoan ngoãn nghe lời. Không chuyên tâm niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, cái đó là bởi lý do gì? Chính là bởi không thâu nhiếp lục căn, khống chế ngự sáu tên giặc là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Vì đó mà chúng mặc sức tung hoành, làm mưa làm gió, dẫn tới tình trạng vọng tưởng lăng xăng, không an phận thủ thường, tới đâu cũng gặp điều rắc rối.

Nếu như sáu căn đều được thâu nhiếp, thì lúc đó tịnh niệm nối tiếp với nhau. Các niệm thanh tịnh cũng giống như làn sóng trên mặt nước, cái này nối tiếp cái kia không dứt. Niệm Quán Thế Âm Bồ Tát với tâm thanh tịnh thì cũng như vậy. Niệm niệm không gián đoạn, niệm niệm không ngưng nghỉ, niệm tới một lúc nào đó liền chứng được tam-ma-địa. Tam-ma-địa dịch nghĩa là chánh định, chánh thọ, đó là pháp môn viên thông đệ nhất. Tới được cảnh giới này thì cả sáu căn cùng một lúc niệm thánh
hiệu của Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát.

Có vào được cảnh giới tam-ma-địa chúng ta mới có thể chứng được pháp "Niệm Quán Âm tam-muội," và mới có thể gọi là người đã vào thất Quán Âm. Chưa chứng pháp này thì chưa có thể coi như đã vào thất Quán Âm. Tỷ như trong cảnh giới tamma-địa, một mạch bắt đầu từ sáng sớm cho đến tối mới được nghỉ ngơi. Trong khoảng đó, miệng chỉ biết niệm Quán Âm mà không còn biết gì khác nữa, mọi ý niệm thời gian không còn, chẳng biết đâu là quá khứ, hay hiện tại, hay vị lai, cả ba đều coi như không cả, đó chính là cảnh giới tam-ma-địa.

Ðạt được cảnh giới này thì niệm Quán Âm là niệm trong trạng thái tinh thần tập trung, quên mọi phiền não. Ta chưa ăn cơm hay đã ăn rồi, cũng không còn nhớ nữa. Tại sao? Bởi vì chúng ta dốc lòng niệm Quán Âm mà. Quần áo mặc vào hay không mặc vào? Cũng chẳng nhớ. Tại sao? Bởi chúng ta chuyên tâm niệm Quán Âm mà. Ðã được ngủ nghỉ chưa? Cũng không biết. Tại sao? Bởi chúng ta chuyên tâm niệm Quán Âm mà. Nếu thực tình ba thứ ăn, mặc, ngủ nghỉ mà cũng quên, đó chính là cảnh giới tam muội. Trong tâm không có vô minh, không có phiền não, không có vọng tưởng. Niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, niệm thật rõ ràng, hoan hoan hỷ hỷ, không còn gì an nhiên tự tại hơn, sảng khoái hơn. Có bệnh chăng? Bệnh cũng hết. Ðau chăng? Cũng hết đau. Không ăn cũng không đói, không ngủ cũng không buồn ngủ, đó chính là cảnh giới của người niệm Quán Âm tam-muội.

Truyện convert hay : Trọng Sinh Đô Thị Tiên Đế

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện