Khai Thị Quyển 3- Hòa Thượng Tuyên Hóa

Bạch Vũ Trụ


trước sau

Băng thiên tuyết địa, vô số điều tế trùng, đống tệ thả chập miên, tĩnh lý quan sát, động trung thẩm đế, long tranh hổ đấu thường du hý, quỷ khốc thần hào ảo hóa kỳ, chân thực nghĩa tuyệt ngôn, bất tư nghị, đương tiến xu, đại tiểu mẫn, nội ngoại phi, vi trần biến, pháp giới châu, hốt luân cá viên dung, hỗ tương vô ngại, song quyền đả phá hư không cái, nhất khẩu thôn tận sát hải nguyên, đại từ bi phổ độ, lưu huyết hãn, bất hưu tức.

Hôm nay tôi muốn cùng quý vị giảng bài Vũ Trụ Bạch. Tại sao gọi là Vũ trụ Bạch? "Vũ" tượng trưng cho bốn phương và hai hướng thượng và hạ. "Trụ" là bao quát từ cổ chí kim, vũ trụ hợp lại chính là thế giới, gọi bằng một tên khác. Bài này cùng với bài "Mãn Giang Hồng" của Nhạc Phi cũng na ná tương ưng với nhau. Năm xưa Nhạc Phi cùng với quân Kim đại chiến, máu nhuộm Trườnggiang, do đó ông làm bài "Mãn Giang Hồng," còn truyền lại đến ngày nay. Còn bài "Vũ Trụ Bạch" được làm tại chùa Kim Sơn ở San Francisco. Cái vũ trụ trắng này chẳng phải chỉ riêng có giang bạch, sông trắng, mà toàn thể vũ trụ đều là trắng cả. Sao lại nói là vũ trụ trắng vậy? Số là Kim Sơn Thánh Tự cũng giống như một cái hộp tuyết lớn, băng giá. Trong phạm vi nhỏ thì cả chùa là một tòa nhà lạnh lẽo, còn trong phạm vi lớn thì có thể nói rằng cả cái thế giới biến thành mầu trắng, không có một mầu đen nào, và từ đó có đề của bài này.

Năm 1972, chùa Kim Sơn từng cử hành pháp hội lần đầu, tụng Lục Ðại Minh chú. Pháp hội kéo dài liền bảy ngày đêm, có chừng hơn sáu mươi người tham gia, ngày đêm 24 giờ thay nhau niệm sáu chữ "Án ma ni bát di hồng." Mục đích để làm gì? Cầu nguyện cho hòa bình thế giới, hóa giải bớt hoặc miễn trừ tai nạn cho thế giới. Số là thời đó có tiếng đồn loan truyền rằng San Francisco sẽ bị tai nạn động đất lớn, cho nên mọi người rất là thành tâm trì tụng Lục Ðại Minh chú, cầu cho không xảy ra tai nạn, cho nên ngày đêm liên tục luân phiên niệm tụng, quyết cùng thiên ma ngoại đạo giao đấu một phen không lơ là. Tất cả đều tinh tấn vô cùng, tôi tuy không tham gia, chỉ ở đàng sau đôn đốc mọi người, nhưng tôi cảm thấy hết sức vừa lòng. Ai ai cũng tu trì một cách nghiêm túc, không biết mỏi mệt, tinh thần thì phấn khởi khiến cho tôi vô cùng thỏa mãn. Ðối với tôi, điều vui nhất là tất cả đều tu và điều làm tôi không hài lòng hơn cả là các đệ tử của tôi, nhất là giới xuất gia, không chịu dụng công, cốt làm hư dối để che mắt. Ðây là điều tôi khinh tởm nhất, điều tôi không bao giờ tha thứ.

Bởi vậy khi kỳ pháp hội bảy ngày hoàn tất, tôi viết bài "Vũ Trụ Bạch" để làm kỷ niệm, nay tôi xin mang ra giảng để quý vị nghe. Hay hoặc dở, tôi không quan tâm, mà tôi cũng không rõ, tôi chỉ biết là tôi đã viết ra, vậy thôi. Câu thứ nhất là :

Băng thiên tuyết địa -Trời băng đất tuyết: Kim Sơn Thánh Tự, tuy chẳng có tiếng tăm trên thế giới, nhưng ở đất Mỹ ai cũng biết. Kim Sơn Thánh Tự là một tòa tuyết, đất tuyết trời băng, lạnh lẽo băng giá; chẳng những chùa lạnh, người cũng lạnh. Mọi người đến chùa đều than: "-! Người ở chùa Kim Sơn quá lạnh nhạt, chẳng thấy có chút gì ấm áp cả." Cho nên, đến Kim Sơn Thánh Tự ai cũng đều thất vọng, và quả là không có gì để người ta hy vọng, bởi ở đây tất cả đều lạnh lùng băng giá. Côn trùng cũng chết vì lạnh. Cho nên dùng chữ "băng" tức là lạnh. "Tuyết địa," bởi tuyết tượng trưng cho cái lạnh nhất.

Vô số điều tế trùng đống tệ -vô số con trùng nhỏ bị chết lạnh: Không biết là có bao nhiêu những con trùng nhỏ bị lạnh mà chết. Trùng nhỏ là kể cả các vi khuẩn trong cơ thể chúng ta, chúng sống nhờ vào các sinh tố A, B, C, nhưng tại nơi này, người ta không những không có sinh tố A, B, C mà còn phải dụng công trong không khí lạnh lẽo, sao không làm cho chúng chết lạnh? Tuy nhiên, chúng không bị tận diệt, vậy mới có câu: "Thả chập miên," vừa ẩn náu ngủ. Mùa đông trời lạnh, các loại côn trùng tạm thời ẩn náu nằm yên dưới lòng đất, ngủ trong mùa đông gọi là chập miên.

Tĩnh lý quan sát -trong tĩnh lặng quan sát: Chính trong thời gian mà mọi thứ đều lặng lẽ, đầu óc cũng tĩnh lặng, không có thất tình lục dục quấy động, chỉ nhất tâm chuyên chú niệm Án-ma-ni bát di hồng, Án-ma-ni bát di hồng... xả thân niệm, thì trong khoảnh khắc, bừng giác ngộ, quan sát, quan sát.

Ðộng trung thẩm đế -trong động xét kỹ: Niệm chú thì có lúc đi niệm, có lúc ngồi niệm. Trong lúc niệm không dứt, gặp động thì tâm rành rọt thẩm định một cách kỹ càng ý nghĩa Phật pháp.

Cảnh giới lúc đó nó sẽ hiện. -! Rồng đã đến, hổ cũng đã đến!

Long tranh hổ đấu thường du hý -rồng tranh hổ đấu thường vui đùa: Rồng thì bay lượn trên mây, hổ thì xuyên rừng băng núi. Tới được những chỗ này mà du hí thì thật là vui. Những cảnh giới như thế mà hiện ra trước mắt có thể làm cho hoa mắt chúng ta, bởi vậy mới nói "long tranh hổ
đấu thường du hí." Ðây chính là cảnh giới hiện ra trong sự tĩnh lặng.

Quỷ khốc thần hào ảo hóa kỳ -Quỷ khóc thần gào ảo hóa kỳ diệu: Có quỷ khóc ở đấy, khóc rằng: "A! Tôi chết một cách oan uổng lắm! Mau niệm Phật cho tôi đi! Siêu độ, siêu độ cho tôi đi! Xin từ bi! Ðừng nổi nóng với tôi!" Quỷ khóc như vậy đó. "Thần hào," nghĩa là ở đấy thần cũng gào thét, thét rằng: "Mặc kệ nó, Nó mang tội nhiều lắm đó!" Ôi! Hãy coi đó! Hai bên đấu pháp như vậy, biết bên nào nói phải, bên nào nói trái, khiến chúng ta cũng phải hồ đồ. Có điều, quỷ khóc, thần gào, lạ kỳ như vậy chỉ là ảo hóa, hư dối, không thực, cho nên nói "ảo hóa kỳ." Vậy thì, cái gì là chân thực đây?

Chân thực nghĩa tuyệt ngôn -nghĩa chân thực lời nói hết: Cái nghĩa chân thực thì chẳng có gì có thể nói ra được. Như câu: "Bổn lai không một vật, lấy gì bám bụi trần." Ðây chính là nghĩa chân thực, cho nên nói "tuyệt ngôn."

Bất tư nghị -chẳng nghĩ bàn: Chẳng thể tưởng tượng được, tâm chẳng thể nghĩ ra, lời chẳng thể bàn tới.

Ðương tiến xu -phải bước tới: Tuy nhiên, quý vị vẫn phải tiến bước một cách dũng mãnh để tinh tấn tu hành. Quý vị chẳng thể dừng bước, lạc vào chỗ "ngoan không," bảo rằng cái gì cũng chẳng có, thành ra chẳng còn nghĩ suy, coi như vậy là xong rồi! Buồn ngủ thì cứ ngủ, đói thì cứ ăn, rồi tới khi lâm chung mới ôi thôi! than ôi! Ðó là sự lầm lẫn, để cho ngày tháng qua một cách phí hoài. Còn phải tiến bước, dũng mãnh đi tới nữa.

Ðại tiểu mẫn -lớn nhỏ diệt: Lớn nhỏ, tất cả đều tiêu tan, cái gì cũng chẳng còn.

Nội ngoại phi-trong ngoài không phải: Chẳng trong chẳng ngoài, cũng chẳng phải ở giữa, đó là nghĩa chân thực.

Pháp giới châu-pháp giới trọn vẹn: Ta thử coi, pháp giới to lớn như vậy, mà không có thứ gì mà không biểu hiện sự chân thực. Pháp giới châu nghĩa là pháp giới trọn vẹn.

Hốt luân cá viên dung-cái viên dung nguyên lành: Hốt luân là nguyên lành, cái thể nguyên lành thì không chỗ nào thiếu; viên dung là viên dung vô ngại, hoàn chỉnh không hư xấu.

Hỗ tương vô ngại-hai bên không ngại: không chướng ngại với nhau, cái nghĩa chân thực đó là một, cũng là vô lượng, vô lượng là một, một là vô lượng, một và số nhiều, hai bên không chướng ngại với nhau.

Song quyền đả phá hư không cái-hai nắm tay phá màn hư không trùm: Dùng hai nắm tay đấm thủng màn hư không che trùm. Quý vị nghĩ hư không cũng có màn che ư? Dù hư không không che phủ, nhưng hãy phá cho hư không tan vụn, cả hư không cũng chẳng còn. Hư không chẳng còn thì đâu có màn che? Sao còn nói lấy song quyền phá thủng màn hư không che phủ? Ðây cũng là ý nghĩa trong câu vừa nói trên "bổn lai không một vật, lấy gì bám bụi trần."

Nhất khẩu thôn tận sát hải nguyên-Một hớp nuốt tận sát hải: Há miệng nuốt trọn tất cả thế giới nhiều như số vi trần trong sát hải, thế giới này thế giới kia, quốc độ này, quốc độ kia, vô lượng các quốc độ. Vậy là biến thành yêu quái rồi sao? Nếu yêu quái mà làm được thế, thì quá hay rồi, chỉ sợ không làm nổi. Ý nghĩa câu này là nói khả năng buông bỏ bất cứ mọi thứ, giải thoát hẳn, không còn gì trở ngại, nuốt trọn cả thế giới, cho nên mới nói

"song quyền đả phá hư không cái, nhất khẩu thôn tận sát hải nguyên."

Ðại từ bi phổ độ-lòng từ bi rộng lớn độ khắp: Cho niềm vui là từ, gỡ cái khổ cho người là bi. Làm dậy tâm từ một cách vô điều kiện, vận dụng tâm bi trong tinh thần đồng thể-cái tinh thần ta và người là một thể (hưng vô duyên chi từ, vận đồng thể chi bi), cho nên mới nói "đại từ bi." Bây giờ lấy tâm đại từ bi đó độ khắp các chúng sanh, chẳng phải độ riêng một cá nhân, cũng chẳng phải độ riêng những người có duyên với ta. Ðối với kẻ vô duyên, tối tăm ương ngạnh, cũng dấy lòng từ bi dùng mọi phương pháp giáo hóa, mang hết chân thành, vận dụng tinh thần đồng thể và tâm thương xót để hóa độ, bố thí rộng rãi sự yêu thương, chừng nào chưa độ được thì chưa ngưng nghỉ, vậy mới nói câu: "Ðại từ bi phổ độ."

Lưu huyết hãn-chảy máu, mồ hôi: Ðem hết tâm huyết giáo hóa chúng sanh.

Bất hưu tức-chẳng nghỉ ngơi: Nghĩa là không kể ngày đêm, tận tâm kiệt lực, không có lúc nào nghỉ ngơi. Chẳng sợ khổ, chẳng sợ khó, chỉ biết dấn thân bước tới, không biết lùi.

Trên đây là những lời bình giảng bài Vũ Trụ Bạch.

Ngày 7 tháng 2 năm 1982 tại Kim Luân Thánh Tự, Los Angeles

Truyện convert hay : Nữ Thần Tới Cửa Cuồng Tế

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện