Khai Thị Quyển 3- Hòa Thượng Tuyên Hóa

Thái Thượng Lão Quân Thanh Tịnh Kinh


trước sau

Chúng ta học Phật pháp là để tu đạo, tu đạo là để thành Phật; muốn thành Phật, ắt phải học Phật pháp; học Phật pháp nhất định phải tu đạo, có tu mới thành Phật, đây là đạo lý bất di bất dịch. Trong thời gian tu đạo thì mọi hành động mọi tạo tác đều vượt ra ngoài phạm vi tư tưởng cùng hành vi của thế gian. Người đời thì còn dính mắc với sanh hoạt của gia đình, còn ham khoái lạc sung sướng, ham thụ hưởng. Người xuất gia thì sống ngược hẳn lại, xả bỏ khoái lạc, xả bỏ an vui, xả bỏ hưởng thụ. Người ta nói: "Xả bất liễu tử, hoán bất liễu sanh; xả bất liễu giả, thành bất liễu chân." Tức là: Không xả được cái chết, không đổi được sự sống; không xả được cái giả, không thành được cái chân. Buông bỏ cái giả xuống thì lượm cái chân lên. Học Phật pháp, phải tu đạo. Ðạo thực ra là gì? Ðạo không có hình tướng gì cả, bởi vậy Lão tử nói rằng:

Ðại đạo vô hình, sinh dục thiên địa. Ðại đạo vô tình, vận hành nhật nguyệt. Ðại đạo vô danh, trưởng dưỡng vạn vật. Ngô bất tri kỳ danh, cưỡng danh vị đạo. Phù đạo giả, hữu thanh hữu trược, hữu động hữu tĩnh, thiên thanh địa trược, thiên động địa tĩnh. Nam thanh nữ trược, nam động nữ tĩnh, giáng bổn lưu mạt, nhi sanh vạn vật.

Trên đây là một đoạn kinh văn trong Thanh Tịnh Kinh của Lão tử. Lão tử phân tích nghĩa "đạo" một cách rõ ràng, có thể dùng để tham khảo.

Truyền thuyết trong Phật giáo thì ghi rằng Lão tử chính là hóa thân của tôn giả Ðại Ca-diếp, bởi Tôn giả ưa thích già lão, dù già nhưng chí không già, khi đã luống tuổi rồi vẫn còn tinh cần tu hạnh đầu-đà, thường ăn những thứ người ta không ăn được, mặc những đồ người ta không thèm mặc, trú ngụ tại những nơi người ta không trú được, đây chỉ là mấy điều trong mười hai điều khổ hạnh của Tôn giả mà người đời sau thường lấy đó làm mực thước.

Theo truyền thuyết thì Lão tử ở trong bụng mẹ tám mươi mốt năm trước khi ra đời. Tại sao như vậy? Bởi trong một kiếp trước Lão tử từng học kinh Dịch nên ít nhiều có sự tâm đắc, và đối với Bát-tự về thời điểm sanh, ông nghiên cứu kỹ để chọn lựa thời gian nào ra đời tốt đẹp nhất, căn cứ theo sự phối hợp của năm, tháng, ngày, giờ (bốn yếu tố thời gian này tính theo cả can và chi, nên gọi là Bát-tự [tám chữ]), lúc đó ông mới ra đời. Có điều, gặp được năm tốt thì tháng lại không tốt, gặp được tháng tốt thì ngày lại không tốt v.v.. cứ như thế ông chờ tới tám mươi mốt năm mà không kiếm ra được một thời điểm cát tường. Khi ông ra đời, đầu tóc đã bạc, râu đã bạc, nhưng tinh thần lại trẻ, đúng là "hạc phát đồng nhan" (tóc trắng như hạc, dung nhan thì trẻ), không có vẻ gì là già lọm khọm. Bởi vậy, người đời gọi ông là Lão tử.

Lão tử sanh vào thời Ðông Châu, đồng thời với Khổng tử. Sử ký chép rằng: "Khổng tử hỏi Lão Ðam (Lão tử) về lễ, khi về có cái cảm thán (người đó) cũng giống như rồng." Triều đại nhà Châu, Lão tử có làm chức Thủ-tạng-lại (người coi thư viện), về sau ông cỡi trâu xanh, khi đi qua cửa quan Hàm Cốc, bị quan Lệnh doãn Hỷ nhận ra, ông này đến cầu mà học được đạo. Lão tử nói hai thiên Ðạo Ðức Kinh, thiên trên nói về đạo, thiên dưới nói về đức, tổng cộng hơn năm ngàn lời. Về sau không ai biết tung tích gì nữa.

Lão tử nghiên cứu thiên văn học, lại nghiên cứu địa lý học, đối với nhân văn ông cũng nghiên cứu, do đó ông viết ra bộ kinh gọi là Thanh Tịnh Kinh. Kinh văn như sau :

Ðại đạo vô hình, sinh dục thiên địa: Vũ trụ lớn rộng như vậy, nhưng lại do đạo mà sanh ra. Nếu không có đạo, thì trời đất, trăng sao v.v.. đều không có, tất cả chỉ là một cái thể hỗn độn.

Bởi có đạo nên mới có trời, đất, vạn vật, rồi có tiên, Phật, thánh nhân.

Rốt cuộc đạo là cái gì? Ðạo không có hình tướng, nhưng có tác dụng "sinh sinh bất tức, hóa hóa vô cùng." Ðạo cũng là cái O (vòng tròn), vậy mới có thể sanh trời, sanh đất, sanh vạn vật, sanh tiên, Phật, thánh nhân. Cái đó đều do từ tính chất của cái O mà ra.

Ðại đạo vô tình, vận hành nhật nguyệt: Ðại đạo thì không có tình cảm, đối trước vạn vật thì bình đẳng; không giống như con người, hành động trong tình cảm, có nhân tình, có ái tình. Người xuất gia cũng có đạo tình - quý vị thấy đó! Tu đạo phải nên dứt tình, phải vô tình, một chút cảm tình cũng nên bỏ, tức là "quét hết thẩy tình, đoạn hết thẩy dục." Có người nói: "Như vậy là giống như cây cỏ bất nhân hay sao?" Không phải vậy. Ðó là hiện tượng vượt pháp thế gian.

Mặt trời là tinh hoa của yếu tố dương, mặt trăng là tinh hoa của âm, cả hai đều vận hành bất tuyệt trong quỹ đạo, do đó mới có bốn mùa là xuân, hạ, thu,
đông, chi tiết hơn thì phân ra thành hai mươi bốn tiết, bẩy mươi hai hậu. Tiết và hậu đều phát sinh từ sự vận hành của mặt trăng và mặt trời vậy.

Ðại đạo vô danh, trưởng dưỡng vạn vật: Ðại đạo không có tên, nhưng hết thẩy vạn vật đều từ trong đại đạo mà sanh ra và lớn lên. Cảnh giới này, càng nghiên cứu càng thấy nó ảo diệu vô cùng.

Khi tôi mới mười sáu tuổi, tôi đã từng làm bài kệ sau đây: "Vạn vật nhân đạo sanh, đắc giả tự thông linh, ngộ triệt cá trung lý, Bồđề bất giảm tăng," đại ý như thế này: Hết thẩy mọi thứ đều do đạo mà sanh ra. Ai muốn thì sẽ có trí huệ, sẽ thông đạt mọi thứ không trở ngại, và hết thẩy đều sáng tỏ. Có tam thân, tứ trí, ngũ nhãn, lục thông. Tại sao Phật lại được như thế? Bởi vì Phật đắc đạo, đã được khai ngộ, đã chứng Phật quả. Chúng ta tại làm sao không được như thế? Bởi vì chúng ta bị tập khí ràng buộc một cách kiên cố, khiến cho thủy chung không hề có sự canh cải để đổi mới, nên không biết phân biệt rõ ràng. Nếu như có trí huệ, tự nhiên sẽ có nhận định phân minh về các diệu lý, biết đạo giác ngộ là không tăng cũng không giảm, vì tới đây là đã đạt được quả vị vô học.

Ngô bất tri danh, cưỡng danh vị đạo: Lão tử nói rằng: "Ta không biết tên của nó là gì, ấy là ta miễn cưỡng đặt cho nó một cái tên, gọi là 'Ðạo' mà thôi!" Tiếp theo Lão tử giải thích như sau:

Phù đạo giả! hữu thanh hữu trược, hữu động hữu tĩnh: Cái đạo này, có thanh, cũng có trược. Thanh tịnh đến cực điểm thì hóa ra trược, trược đến cực điểm thì hóa ra thanh. Cái đạo này, tánh chất của nó là tự nhiên, giống như hơi điện vậy nó có động có tĩnh, động là dương và tĩnh là âm, cho nên có câu: "nhất dương nhất âm chi vị đạo," một dương với một âm là đạo.

Thiên thanh địa trược, thiên động địa tĩnh: Trời thì thanh, khí thanh bốc lên tạo thành bầu trời; đất thì trược, khí trược chìm xuống thành ra đất. Trời thì động, có mặt trăng mặt trời vận hành, các sao di động, đều là động cả. Ðất thì tĩnh, núi sông, đất rộng, và nhà cửa đều ở trạng thái tĩnh.

Nam thanh nữ trược, nam động nữ tĩnh: Phái nam thì thuộc về thể thanh tịnh, phái nữ thì thuộc thể ô trược. Nam thì động, chủ về phía ngoài, gây dựng sự nghiệp, đi bôn ba khắp nơi. Nữ thì tĩnh, chủ về bên trong, giúp chồng dạy con, quản lý gia đình. Vợ chồng phân công hợp tác, tạo nên gia đình tốt đẹp. Nay thì nam nữ bình quyền, kinh tế bình đẳng, thậm chí đi đến chỗ đồng tính luyến ái, cái đó chính là phản lại luật âm dương của trời đất, tạo thành tai vạ, ắt đọa địa ngục.

Giáng bổn lưu mạt, nhi sanh vạn vật: Từ gốc đi tới ngọn, vào trong luân hồi lục đạo, sanh ra làm người hay chẳng phải người, đó là các loại động vật hữu tình, rồi trăm ngàn thứ kỳ lạ, cái gì cũng có cả. Nói về con người chẳng hạn, ta thấy biết bao nhiêu loại chủng tộc, mầu da không giống nhau, tướng mạo và thân hình cao lớn khác nhau, tính tình cũng chẳng giống nhau nữa, tóm lại, có rất nhiều tướng trạng khác biệt. Các loài động vật khác, thì cứ suy ra khắc biết, cũng nhiều điều dị biệt. Vạn vật là nói chung, bao gồm cả chúng sanh hữu tình và vô tình. Hữu tình là các loài động vật, chúng sanh vô tình là các loài thực vật và khoáng vật.

Các vị hãy nghĩ lại cho kỹ, nếu như chúng ta không tu đạo một cách đàng hoàng thì chi bằng chúng ta đừng xuất gia. Sống tại gia, chúng ta còn có thể ăn uống, vui chơi, tùy hứng, không bị bó buộc, không gặp trở ngại. Khi đã xuất gia, lại không chịu tu hành, thì xuất gia như vậy rốt cuộc là để làm gì? Há chẳng phải là ngu si lắm sao? Nói cho đúng ra thì quả là đáng thương lắm! Xuất gia thì chỉ một việc tu hành, mới không uổng công, không lãng phí thời giờ, mới không phụ cái tâm nguyện lúc bắt đầu. Hãy hiểu cho thấu mục đích xuất gia của mình, đó là sự khai ngộ, là thành Phật. Nếu nửa đường lùi bước, sanh tâm thoái chuyển, thì như vậy, ở trên sẽ có lỗi với chư Phật, cha mẹ, các vị thầy tổ đã kỳ vọng nơi mình, ở dưới sẽ đắc tội với chúng sanh đã có lòng gởi gắm. Chúng sanh đương hy vọng chúng ta sẽ cứu độ họ thoát khỏi biển khổ, nhưng nếu như trong trường hợp vừa nói, chúng ta đã làm cho họ hoàn toàn thất vọng rồi !

Truyện convert hay : Nhất Kiếm Độc Tôn Diệp Huyền Diệp Linh

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện