Khoái Xuyên Chi Đả Kiểm Cuồng Ma

Quyển 3 - Chương 1


trước sau

Nam chính và nữ chính chưa nói với nhau câu nào, chứ đừng nói đến yêu nhau, thế giới thứ hai đã hoàn toàn thoát khỏi sự khống chế của Chủ Thần. Sau khi trở lại không gian ngân hà, Chu Doãn Thịnh phát hiện sức mạnh linh hồn của mình trở nên mạnh hơn so với trước kia. Hắn thoáng nhận ra—— Chỉ cần làm rối loạn một không gian, năng lượng cất chứa trong không gian này sẽ bị mình hấp thu.

Cách thức kết nối sinh mệnh này giống y hệt Chủ Thần. Có lẽ một ngày nào đó, khi sức mạnh của hắn vượt qua Chủ Thần, hắn sẽ có thể thoát khỏi trói buộc trở về hiện thực.

Suy đoán này cũng không khiến Chu Doãn Thịnh cảm thấy hưng phấn. Thực ra hắn rất hưởng thụ từng khoảnh khắc đối chọi với Chủ Thần.

Bởi vì năng lượng hấp thu quá khổng lồ, hắn bị rơi vào trạng thái ngủ đông. Đến khi hắn tỉnh lại, không gian ngân hà đã có thêm hai vì sao mới.

Chu Doãn Thịnh đứng lặng giữa các vì sao rất lâu, sau đó mới ấn nút truyền tải. Khi mở mắt ra đã thấy mình ngồi trong một gian phòng đơn sơ, xung quanh không có ai. Trước mặt đặt một chiếc bàn nhỏ, trên bàn trải một tờ giấy trắng tinh, một chiếc bút và một nghiên mực.

Thế này là đến cổ đại? Kéo kéo bộ áo gấm lộng lẫy trên người, sau đó hắn chạm vào trí não trên cổ tay. Bản tóm tắt liên quan đến thế giới này và tư liệu chi tiết về nguyên chủ xuất hiện trên màn hình.

Nơi này là trường thi nước Đại Chu. Trước mắt chính là kỳ thi mùa xuân ba năm một lần. Mà nguyên chủ đã vượt qua tất cả các kỳ thi phủ, thi huyện, thi viện, thi hương… một cách thuận lợi. Vào vòng thi hội, chỉ đợi đỗ cống sĩ là có thể tham gia kỳ thi đình cuối cùng.

Nguyên chủ tên là Thẩm Ý Bân, là con trai cả của Lại bộ thượng thư Thẩm Huy. Xưa nay cậu ta hết ăn lại nằm, học thức tầm thường. Lần này có thể vượt mọi chông gai tiến thẳng vào thi hội, thật ra là nhờ phúc của nữ chính ở thế giới này.

Nữ chính tên là Tạ Ngọc Nhu, chính là trắc phi của Thất hoàng tử Chu Kình. Trước kia chết trong lãnh cung, hiện giờ đã được sống lại một lần nữa, còn được nhận một không gian y dược và một dòng suối linh có thể chữa bách bệnh, chăm sóc dung nhan.

Chị ruột của Thẩm Ý Bân, Thẩm Xảo Đan cũng là trắc phi của Thất hoàng tử. Kiếp trước chính là oan gia đối đầu với Tạ Ngọc Nhu. Bởi vì sinh hạ con trai đầu lòng mà vượt qua Tạ Ngọc Nhu trở thành chính phi. Sau khi Thất hoàng tử lên ngôi, con trai của thị được lập làm Thái tử, thị trở thành hoàng hậu mẫu nghi thiên hạ. Không biết cách đối nhân xử thế, Tạ Ngọc Nhu cứ bị giáng dần giáng dần, cuối cùng chết bệnh trong lãnh cung. Trước khi chết mới biết mình nhiều năm không thể mang thai chính là kiệt tác của Thẩm Xảo Đan.

Về tình về lý, sau khi Tạ Ngọc Nhu sống lại đáng lẽ ra phải không đội trời chung với nhà họ Thẩm chứ, sao lại âm thầm giúp Thẩm Ý Bân? Đương nhiên, tất cả những điều này đều là một âm mưu.

Tạ Ngọc Nhu biết trước chuyện sau này, thế nên đã sai người vụng trộm tiết lộ đề thi cho Thẩm Ý Bân, giúp cậu ta từ kỳ thi phủ đến kỳ thi hội. Mà kỳ thi hội năm này sẽ bùng ra một vụ án gian lận đặc biệt lớn, ngự bút đề thi của Hoàng đế bị thái giám chép lại bán ra ngoài cung. Môn khách của Thái tử thầm cảm thấy đây tuyệt đối là một cơ hội tốt để kiếm tiền, nên đã cùng cấu kết thu nhận hối lộ khắp nơi.

Các thí sinh nhận được đề thi từ trước. Vì muốn chắc chắn có thể đỗ đạt, bọn họ đương nhiên sẽ bỏ ra một số tiền lớn thuê người tài hoa làm bài hộ mình, sau đó học thuộc lòng, đến khi vào trường thi chỉ cần trực tiếp chép ra. Cho nên kỳ thi hội năm này xuất hiện rất nhiều văn thơ lai láng, khiến Thiên Thần đế vô cùng hài lòng. Nhưng khổ nỗi người tài hoa đếm đi đếm lại cũng chỉ có mấy người, anh xin một bài tôi xin một bài, không tránh khỏi sẽ xuất hiện những bài văn trùng nhau.

Giở ra được bảy tám bài thi liên tiếp giống nhau như đúc, tâm trạng hài lòng của Thiên Thần đế biến thành nổi giận. Ông ra lệnh cho Lại bộ thượng thư hợp tác với Đại lý tự (*) cùng nhau điều tra việc này.

(*) Cơ quan cao nhất của bộ Hình trong triều đình thời phong kiến

Đến đây, tất cả thí sinh mua đề thi đều bị phế công danh đuổi về quê. Trong kinh thành cũng có không ít con nhà quyền quý tham dự, cha ông đều bị Thiên Thần đế cách chức vĩnh viễn, gia tộc suy sụp. Thái tử cũng vì vậy mà bắt đầu dần dần mất lòng vua, tạo cơ hội cho Thất hoàng tử tranh giành trèo lên.

Kiếp trước, Thẩm Ý Bân thậm chí còn không vượt qua được kỳ thi đầu tiên, đương nhiên sẽ không có duyên thi hội. Mà cha cậu ta – Thẩm Huy thì dựa vào công điều tra vụ án trở thành vị quan được Thiên Thần đế trọng dụng, cuối cùng được nhập các bái tướng (*) quyền khuynh triều dã (**). Nếu không phải vì sự ủng hộ của Thẩm Huy, Thất hoàng tử cũng sẽ không phong Thẩm Xảo Đan làm chính phi.

(*) được vào Nội các, phong chức tể tướng

(**) có quyền lực lớn có thể làm lay chuyển triều đình

Kiếp này, Tạ Ngọc Nhu âm thầm trợ giúp Thẩm Ý Bân vượt qua thi huyện, thi phủ, thi viện, thi hương là bởi vì muốn cậu ta tham gia thi hội năm nay. Sau đó bị tước công danh, đồng thời phá huỷ con đường làm quan của Thẩm Huy.

Không có nhà họ Thẩm làm chỗ dựa, Thẩm Xảo Đan không là gì cả.

————————————–

Chu Doãn Thịnh đến không sớm cũng không muộn, mà lại đến đúng lúc Thẩm Ý Bân đã mua đề thi học thuộc lòng đáp án, đang chuẩn bị làm bài. Hiện giờ chỉ có hai con đường có thể chọn, một là bỏ thi, rời khỏi trường thi từ sớm. Nhưng ở chỗ môn khách của Thái tử có một quyển sổ ghi lại tên của tất cả các thí sinh từng mua đề thi. Dù hắn nộp một tờ giấy trắng, sau này khi quyển sổ bị bại lộ, hắn vẫn bị liên luỵ.

Hai là bỏ bài văn đã học thuộc trước đó, viết một bài văn kinh thiên động địa.

Thiên Thần đế cầu hiền như khát nước, từng lấy ngàn vàng mua xương ngựa (1), vạn vàng chiêu mộ hiền tài. Nếu như là người uyên bác thực sự, ông nhất định sẽ khoan hồng. Vậy thì phải một bài văn hay đến thế nào mới có thể làm ông rung động, nhờ đó mà thoát nạn?

Chu Doãn Thịnh vừa suy nghĩ vừa đọc đề thi. Đề thi lần này rất đơn giản, chỉ có ba chữ – Tô, Dung, Điệu. Quả nhiên là phong cách ra đề rất đơn giản, thiết thực mà sắc bén của Thiên Thần đế.

“Tô, Dung, Điệu” là chế độ tô thuế mà Đại Chu hiện đang thi hành. Cơ sở của nó là chế độ ruộng đất. Nhưng vấn đề là về sau càng ngày càng nhiều đất đai bị sáp nhập. Phần lớn nông dân bị mất ruộng đất, phần nhỏ còn lại thì trở thành địa chủ, tá điền. Cân bằng trong chế độ ruộng đất dần dần sụp đổ. Trụ cột sụp đổ, chế độ “Tô, Dung, Điệu” cũng tràn ngập nguy cơ.

Nó chẳng những gia tăng gánh nặng sinh hoạt cho dân chúng, dẫn đến dân chúng lầm than. Mà tiền thuế cũng không đủ chi phí cho việc vận chuyển bộ máy chính quyền. Hiện giờ Thiên Thần đế đang vô cùng phiền não vì nhu cầu cải cách chế độ tô thuế.

Chu Doãn Thịnh tinh thông đủ cả cầm kỳ thi hoạ. Hơn nữa với chức năng tìm kiếm tuyệt đỉnh của trí não, quả thực là đủ để hạ bút thành văn. Hắn nhắm mắt lại, sau đó mở mắt ra bắt đầu múa bút, ngòi bút đi đến đâu rồng bay đến đó. Lối chữ Khải đầy khí thế, nét chữ cứng cáp, khiến người ta phải khen một tiếng tuyệt vời. Nhưng càng làm người khác thán phục chính là nội dung bài văn. Chẳng những trình bày những tệ đoan của “Tô, Dung, Điệu”, mà còn đưa ra hai chế độ thuế tiên tiến hơn hẳn.

Hai chế độ thuế đã thay đổi “Tô, Dung, Điệu” bằng phương pháp quân điền và lộc điền. Thực hiện tiêu chuẩn thu thuế dựa theo tài sản, xác định nguyên tắc “Chỉ tính theo tài sản, không tính theo đầu người”. Chẳng những gia tăng thu nhập tài chính quốc gia, mà còn giảm bớt gánh nặng của nhân dân. Nó sẽ là trụ cột của cuộc cải cách chế độ thuế sau này, là tiến bộ quan trọng trong lịch sử.

Bài văn mà Thẩm Ý Bân học thuộc từ trước cũng rất đặc sắc. Nhưng cũng chỉ trình bày một ít về tệ đoan của “Tô, Dung, Điệu”, không dám đi sâu, chứ nói gì đến việc đưa ra biện pháp giải quyết thiết thực hiệu quả.

Mặc dù vậy, Thiên Thần đế cuối cùng vẫn bỏ rất nhiều công sức tìm ra người làm văn, đặc biệt cho hắn tham gia thi đình phong làm trạng nguyên. Người này sau này được Thất hoàng tử lôi kéo về phe mình, hắn và Thẩm Huy trở thành phụ tá đắc lực của Thất hoàng tử.

Nhưng một bài văn khiến Thiên Thần đế vỗ bàn khen ngợi như vậy hiển nhiên không là gì so với bài văn lúc này của Chu Doãn Thịnh.

Buông bút lông, Chu Doãn Thịnh đọc lướt lại
một lần, sau đó nhắm mắt ngẫm lại cuộc đời của Thẩm Ý Bân. Thẩm Ý Bân cuối cùng bị xoá bỏ công danh, vĩnh viên không được tham gia khoa cử. Cha cậu ta – Thẩm Huy cũng bởi vậy mà bị cách chức, con đường làm quan rộng lớn bị huỷ hoại chỉ trong phút chốc. Gia tộc họ Thẩm nhanh chóng suy tàn, Thẩm Xảo Đan bị chèn ép mọi bề ở phủ hoàng tử, uất ức mà chết.

Đối lập với nhà họ Thẩm, Tạ Ngọc Nhu thì thăng tiến từng bước cho đến khi trở thành thái hậu. Em trai ruột của ả được ả nhắc nhở mà giả bệnh tránh kỳ thi hội lần này, giành được vị trí đầu bảng trong kỳ thi hội tiếp theo, cuối cùng trở thành trọng thần trong triều đình.

Thẩm Ý Bân xưa nay thích chơi đùa, ham hưởng thụ. Lý tưởng lớn nhất cũng chỉ là đỗ tiến sĩ để cha không phân biệt đối xử mà thôi, đâu ngờ trúng thì có trúng, lại liên luỵ đến cả gia tộc.

Hiện giờ Chu Doãn Thịnh chẳng những phải giúp cậu ta né tránh nguy cơ lần này, e rằng còn phải ngăn cơn sóng dữ, để cho nhà họ Thẩm trở nên huy hoàng.

Như vậy rốt cuộc nên làm như thế nào? Giúp đỡ Thất hoàng tử tranh đoạt ngai vàng?

Chu Doãn Thịnh khẽ lắc đầu, phủ định ý tưởng này. Hiện giờ Tạ Ngọc Nhu dựa vào không gian và dòng suối diệu kỳ đã được Thất hoàng tử sủng ái. Mà Thẩm Xảo Đan bị ả hãm hại phạm sai lầm liên tục, bị Thất hoàng tử chán ghét, còn bị hạ thuốc triệt sản. E là muốn nâng cũng không nâng dậy được. So với giúp đỡ Thất hoàng tử lên ngôi, chi bằng giúp đỡ những hoàng tử khác.

Thiên Thần đế có mười hai người con trai, nhưng Thái tử – con trai cả là được yêu thương nhất. Có lẽ do được tâng bốc quá nhiều, cách hành xử mấy năm nay của Thái tử càng ngày càng không kiêng dè gì. Vụ án gian lận lần này chính là bước khởi đầu dẫn đến việc Thiên Thần đế dần dần mất kiên nhẫn với hắn.

Nếu như Thái tử có thể giữ vững tâm trí, không hề khó để lấy lại được lòng vua. Những hoàng tử còn lại làm gì có cơ hội trèo lên? Không biết vị Thái tử này có còn cứu chữa được không? Sau khi ra ngoài phải xem xét một chút trước đã, nếu không được thì tìm vị khác.

Nghĩ như vậy, Chu Doãn Thịnh thiếp đi từ lúc nào, khiến cho quan viên tuần tra âm thầm lắc đầu.

————————————-

Sau kỳ thi hội, quan chủ khảo phải chấm bài thi suốt ngày suốt đêm. Bởi vì đề thi lần này liên quan đến tô thuế, Thiên Thần đế muốn vừa khảo sát sĩ tử vừa có ý muốn tiếp thu ý kiến quần chúng, cho nên tự mình đến trường thi xem xét.

Quan chủ khảo lấy một bài thi ra, khom người nói – “Thỉnh Hoàng Thượng xem, bài này có lẽ sẽ đứng thứ nhất!”

“Chỗ này của vi thần cũng có một bài thi rất tuyệt vời.” – Một quan chủ khảo khác cũng dâng một tờ lên.

Thiên Thần đế cầm lấy cả hai bài, chỉ đọc liếc qua đã tán thưởng không ngớt.

Vài vị giám khảo khác tiếp tục chấm bài trong lúc hắn đọc. Không ngờ bỗng nhiên một người trong đó chạm đổ nghiên mực, trên mặt hiện lên vẻ kinh hãi.

“Có chuyện gì?” – Thiên Thần đế bình tĩnh nhìn sang.

“Khởi bẩm hoàng thượng, chỗ này của vi thần lại… lại có một bài thi giống hệt bài vừa rồi.” – Sắc mặt quan chủ khảo trắng bệch, trong lòng biết tình huống này có nghĩa là có người được tiết lộ đề thi đi tìm người làm hộ, mà còn trong phạm vi lớn.

Ánh mắt Thiên Thần đế tối sầm lại, nhận lấy bài thi vội vàng xem một lượt, giọng nói sắc lạnh chưa từng có – “Tìm! Tìm tất cả những bài thi giống nhau ra cho trẫm!”

Mấy vị quan chủ khảo không dám chậm trễ, vùi đầu vào tìm kiếm bài thi. Chẳng bao lâu sau đã chọn ra được tám, chín bài thi tương tự. Nhưng lại có một người ngây người đọc một bài thi, mãi mà vẫn không bỏ xuống, đầu ngón tay hơi hơi phát run.

Thiên Thần đế thấy thế bước đến, bộ mặt âm u như chuẩn bị mưa to gió lớn đến nơi. Vừa đọc hai dòng đã lập tức trợn mắt há hốc mồm, ngay sau đó ánh mắt toát ra cảm xúc vui mừng, cuối cùng vỗ bàn cười ha ha – “Tốt tốt tốt! Không ngờ Đại Chu ta lại có nhân tài tuyệt thế như vậy, mà còn để trẫm gặp được! Đây đúng là vận may của trẫm!”

Bởi vì quá mức vui mừng, Thiên Thần đế không để ý quy củ, trực tiếp mở phách ra tìm tên—— Thẩm Ý Bân? Thẩm Ý Bân là ai, hình như nghe quen quen.

“Bẩm hoàng thượng, Thẩm Ý Bân chính là con trai cả của Thẩm Huy đại nhân.”

Vị này là kẻ bất tài vô dụng có tiếng trong kinh thành. Nếu như cậu ta có thể làm được một bài văn hay như vậy, những học sinh còn lại nên treo cổ tập thể ngay lập tức. Nhất định cũng là nhờ người khác viết hộ.

Suy nghĩ của Thiên Thần đế giống những giám khảo khác, sắc mặt lập tức xanh mét, trầm giọng nói – “Bắt Thẩm Ý Bân lại, phải thẩm vấn bằng được người làm thay.”

(1) Mua xương ngựa để cầu hiền tài:

Chuyện kể lại rằng, vào năm 318 trước Công nguyên, nước Yên xảy ra nội loạn. Lợi dụng thời cơ đó, nước Tề tiến đánh và giết chết vua Vương Khoái nước Yên. Ít lâu sau, Yên Chiêu Vương lên ngôi. Để thu hồi những đất đai bị mất, Yên Chiêu Vương đã thân chinh đến nhà riêng của Quách Hòe (một hiền giả của nước Yên) để hỏi về kế sách thực hiện ý muốn của mình.

Nghe Yên Vương hỏi xong, Quách Hòe thưa: Nhà vua nào xây dựng được nghiệp đế là do đã coi người hiền là thầy giáo của mình, nhà vua nào xây dựng được nghiệp vương là do đã coi người hiền là bạn của mình, nhà vua nào hoàn thành được nghiệp bá là đã coi người hiền là đại thần, còn vị nào không giữ được đất nước là do đã coi người hiền như kẻ nô dịch của mình. Nếu bệ hạ thực sự muốn nghe lời chỉ bảo của người hiền, cung kính lễ phép coi họ là thầy thì mọi người hiền trong thiên hạ sẽ quy tụ về nước Yên cả.

Nghe vậy, Yên Chiêu Vương nói: Trẫm thực lòng muốn học tập tất cả mọi người hiền, chỉ có điều là không biết trước hết nên gặp gỡ ai là thích hợp nhất?

Quách Hòe không trực tiếp trả lời câu hỏi của nhà vua mà ông kể cho nhà vua nghe câu chuyện sau: Đời xưa, có một vị quốc vương đã bỏ ra một ngàn lạng vàng để tìm mua một con thiên lý mã. Nhưng đã 3 năm trôi qua mà vẫn chưa mua được. Có một vị đại thần tâu xin chịu vất vả vì bệ hạ một chuyến. Sau 3 tháng, vị đại thần kia đã tìm được một con thiên lý mã, nhưng khi đến nơi thì nó đã chết. Mặc dù vậy, vị đại thần kia vẫn bỏ ra năm trăm lạng vàng để mua về bộ xương con ngựa đó.

Khi vị đại thần kia vừa về tới triều thì bị quốc vương giận dữ quát mắng: Ai cho phép nhà ngươi dùng số vàng lớn như vậy của trẫm để mua về một bộ xương ngựa?

Vị đại thần nọ liền tâu: Một con thiên lý mã đã chết mà đã mua tới năm trăm lạng vàng, huống hồ một con thiên lý mã đang sống thì sẽ mua nhiều tới bao nhiêu? Người trong thiên hạ tất nhiên ai nấy đều cho rằng bệ hạ thực sự muốn mua thiên lý mã và nhất định họ sẽ đem thiên lý mã tới cửa triều đình.

Quả nhiên chưa đầy một năm, nhà vua đã mua được 3 con thiên lý mã vừa ý.

Kể xong câu chuyện, Quách Hòe ngừng một lúc rồi thưa: Ngày nay, nếu quả thật bệ hạ muốn cầu tìm người hiền tài làm thầy dạy, thì hãy xin bắt đầu từ thảo dân. Ngay đến cả Quách Hòe tôi, sức hèn tài mọn mà còn được nhà vua trọng dụng thì những người có tài hơn thảo dân sẽ nghĩ sao? Nhất định họ sẽ từ nơi xa ngàn dặm vội vàng tìm đến đây thôi.

Yên Chiêu Vương thấy có lý, liền xây cho Quách Hòe một ngôi nhà và thật sự coi ông là thầy dạy. Câu chuyện này lan truyền ra các nơi, và rất nhiều người hiền tài từ khắp các nước xung quanh kéo tới gặp Yên Chiêu Vương. Yên Chiêu Vương thực sự dựa vào họ, cuối cùng ông đã đánh bại nước Tề và thu hồi được những đất đai bị mất.

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện