Năm Tô Bách Lục thi vào cấp hai, cả nước xuất hiện dịch SARS chấn động thế giới, lòng người bàng hoàng, việc làm ăn của các quầy thịt nướng đều ảm đạm, những người xếp sinh mạng lên vị trí thứ nhất cuối cùng cũng từ bỏ thói “dân coi lương thực là trời”, thứ có thể không ăn thì không ăn, thậm chí phần lớn những người thiếu kiến thức mua về từng túi muối lớn để tích trữ. Trong tình hình cả nước đều sợ xanh mặt mỗi khi nhắc đến dịch SARS, ở chốn ngoại ô này cũng không chú trọng mọi thứ như thế. Con người là vậy, luôn nghĩ tai nạn đều là chuyện của người khác. Đơn cử như thành phố này, cuối cùng cũng không xác nhận được có người nào mắc chứng bệnh như thế, trong khi đó báo chí ngày ngày đều đưa tin. Các bác sĩ và y tá được coi là những người có lòng thương người nhất, xông vọt đến tuyến đầu, đồng thời còn có hẳn một ngày y tá, chỉ là đến mấy năm sau, có ai còn nhớ ngày y tá là ngày mấy tháng mấy nữa?
Người được yêu mến nhất, thường là người phải hi sinh nhiều nhất.
Vốn kì thi cuối cùng năm lớp sáu phải đến thi ở trường tiểu học tốt nhất, nghe nói rất nghiêm ngặt, bài đầu tiên là tính nhẩm, trong mười phút thầy cô đọc đề, học sinh phải viết ngay đáp án ra giấy, sau mười phút thì thu tờ giấy đó. Vì thế, Tô Bách Lục điên cuồng luyện tính nhẩm, cô là người hơi dễ hồi hộp, sợ đến lúc đó mình quên hết mọi thứ, đầu trống rỗng thì hỏng. Dịch SARS bộc phát khiến kì thi vốn nghiêm ngặt chuyển sang thi ngay tại trường, chuyện này khiến Tô Bách Lục thở phào một hơi, cô thi khá tốt, chỉ là điều đó cũng không tượng trưng cho thứ gì.
Thi vào cấp hai thì không cần, mọi người đều học cấp hai ở ngôi trường gần nhà mình nhất.
Hôm báo danh, cô đi một mình.
Không ngờ rằng, ngôi trường này thi bất chợt, tương đương với kì thi phân lớp. Muốn thi phải nộp mười đồng, cô đứng ngây như phỗng tại chỗ, không lấy đâu ra được mười đồng. Hôm ấy rất nóng, gặp được bạn cùng lớp, khó khăn lắm cô mới mượn được mười đồng để nộp. Cô cầm số tiền đó, trong lòng nhoi nhói đau. Cô lớn bằng ngần này, ngay cả năm đồng còn chưa từng dùng bao giờ, đối với cô mà nói, mười đồng là một món tiền rất lớn, có thể mua được đôi giày trắng tinh mà cô thích nhất, hơn nữa còn thừa lại được khoảng ba đồng.
Trời rất nóng, cô khát khô cả họng, về đến nhà còn cần đi bộ hơn một tiếng.
Sau khi thi xong, lúc bạn cùng lớp không chú ý, cô vốc nước ở vòi nước ngoài nhà vệ sinh uống ừng ực bốn năm hớp.
Trong những ngày tháng như thế, cô bước vào cuộc sống trung học.
Với chuyện học tập của cô, Tô Chí Quân và Bách Tử có nhận thức chung chưa từng có, chính là nhất định phải chu cấp cho cô đi học. Tuy Tô Chí Quân còn bài bạc, đánh cược náo loạn với người ta, nhưng lúc hết tiền cũng sẽ ra ngoài kiếm tiền, chỉ là làm công việc nặng nhọc, khi ấy người làm công không kiếm được nhiều tiền như bây giờ, hoàn toàn là bán sức, tiền cũng chẳng có mấy. Song Tô Chí Quân sẽ rất cố gắng kiếm tiền, đưa tiền cho Bách Tử quản lý, món đầu tiền lựa chọn chi tiêu nhất định là tiền học phí của Bách Lục.
Tình cảm của Tô Bách Lục với Tô Chí Quân vẫn luôn rất mâu thuẫn. Từ hồi còn rất nhỏ, cô đã nhìn thấy cảnh Tô Chí Quân tàn nhẫn đánh Bách Tử, hai người họ đánh nhau cũng không ít, rồi cũng sẽ ân ái mấy ngày. Cô nghĩ, lớn lên rồi, mình nhất định không thể lấy người đàn ông như thế, nhất định không được.
Trong lòng cô, cô cũng cho rằng Tô Chí Quân không xứng với Bách Tử.
Người phụ nữ trẻ trung xinh đẹp, dường như nên được bao bọc bởi cuộc sống tốt hơn.
Có điều Tô Bách Lục lại là một người mâu thuẫn, cho dù trong lòng cô rất bất mãn với Tô Chí Quân nhưng mỗi lần nghe thấy Bách Tử nhắc đến hai chữ “ly hôn”, cô sẽ rất sợ. Cô thường nằm mơ giữa đêm khuya, mơ thấy mình là một cô nhi, hai người họ đều không cần cô nữa. Tô Chí Quân ghét cô, bởi vì cô luôn tiêu tốn những món tiền lớn. Bách Tử cũng ghét cô, xem cô như con ghẻ. Cô sẽ khóc một mình trong đêm, khóc nấc lên không dừng lại được.
Đối với Tô Chí Quân và Bách Tử, cô có thứ tình cảm mâu thuẫn mà méo mó như thế.
Cô không đồng tình với họ, nhưng lại dựa dẫm vào họ.
Quãng thời gian Tô Bách Lục học cấp hai, trong nhà có sự bình yên hiếm thấy và đáng quý. Tô Chí Quân có chí khí hơn một chút, không bài bạc nữa, có trách nhiệm hơn rất nhiều, ngày ngày ra ngoài làm việc, rất hiếm khi về nhà, người không thấy mặt, muốn cãi nhau cũng chẳng có ai cãi cùng. Bách Tử thì mê chơi mạt chược, ngày ngày đều nghiện trò đó, gọi mấy người tụ tập thành một bàn, chơi không kể ngày đêm, lúc thắng thì vui vẻ, lúc thua thì mắng chửi té tát.
Trạng thái đó tốt hơn trước đây rất nhiều, Tô Bách Lục rất thỏa mãn.
Tuy mỗi tuần về nhà, Bách Tử sẽ nổi cáu với cô khi chơi thua, nhưng nếu Bách Tử thắng thì cũng sẽ hớn hở mua chút đồ ăn ngon cho Bách Lục trở về nhà vào cuối tuần.
Tô Bách Lục lặng lẽ đun chín trứng vịt muối mà bà ngoại xách đến, để vào túi rồi mang đến cho Tô Chí Quân đang làm việc trên công trường.
Sau này Bách Lục rất ít khi khóc, không phải vì lòng dạ cô đã sắt đá hơn, mà là nhìn nhiều rồi nên cũng chai sạn dần.
Cô đến công trường, nhìn thấy Tô Chí Quân, vừa liếc thấy thì đã rơi nước mắt.
Bố gầy đi rất nhiều, tóc rối bù, da mặt bị phơi nắng thành ra đen nhẻm, trên người mặc bộ quần áo nhiễm lớp bụi dày dịt, ống quần cũng toàn bùn đất. Nhưng ánh mắt bố lại đen lay láy. Lần đầu tiên cô phát hiện, bố mình rất vĩ đại, bố có đôi vai kiên
cường gánh vác được một gia đình nhỏ.
Nơi bố sống rất không tốt, ở ngay dưới căn nhà chưa xây dựng xong, trải đại một chiếc chiếu ra, ngay cả gối cũng không có.
Trên đất toàn là bụi bặm, căn phòng không có cửa sổ thủy tinh che chắn, khắp nơi đều là những mảnh sắt bỏ đi, nếu không cẩn thận thì rất dễ bị quẹt phải làm bị thương.
Cô đặt trứng vịt xuống, bảo Tô Chí Quân lấy ra ăn.
Thời gian cô nán lại khá dài, cô giặt quần áo cho bố, nước sau khi giặt chỗ quần áo đó đều là bùn, giống như quần áo bị ăn mày mặc vậy.
Sau khi thu dọn xong mọi thứ, cô mới chuẩn bị rời đi, Tô Chí Quân cố dúi cho cô năm mươi đồng.
Đó là lần đầu tiên cô cầm nhiều tiền đến thế, tay nắm rất chặt, bị mồ hôi thấm ướt đẫm.
Cô vuốt phẳng chỗ năm mươi đồng đó kẹp vào sách, nghĩ sau này lớn lên mình nhất định phải kiếm được rất nhiều rất nhiều tiền, chăm sóc bố mẹ mình, mua một căn nhà phụng dưỡng họ, tính khí họ xấu một chút cũng không sao, chỉ cần không cãi nhau đánh nhau nữa, người một nhà sống bình an, là được.
Lòng cô có nguyện vọng như thế, người một nhà sống thật hạnh phúc.
Cô cảm thấy bố mình cũng không tệ, một người đàn ông kiếm tiền về nhà cho người phụ nữ dùng, không gây chuyện bên ngoài nữa, còn có gì mà không thỏa mãn nữa đây?
Tô Bách Lục rất cố gắng học tập, càng vất vả và cần cù hơn, ngoài học tập, cô không có bất cứ chuyện gì khác để nghĩ đến.
Năm ấy, Tô Chí Quân và Bách Tử lại náo loạn một trận, nguyên nhân là Tô Chí Quân nói Bách Tử ngày ngày chơi mạt chược, ngay cả cơm cũng không biết đường nấu, còn bảo Bách Lục về nấu cơm. Bách Tử cũng làm ầm lên, hai người tranh cãi không dứt, cuối cùng Bách Tử rất tức giận, tuyên bố mình không chịu đựng nổi cảm giác uất ức này nữa, muốn ra ngoài kiếm tiền.
Sau khi Bách Tử đi, Bách Lục được thu xếp cho đến nhà ông bà ngoại.
Bà ngoại là một người rất tiết kiệm, hằng năm nhặt vỏ của một loại côn trùng đem đi bán, còn muốn đến sườn núi cắt cỏ đem phơi rồi chọn ra mang đi bán. Bách Lục sẽ phụ giúp ông bà ngoại nấu cơm, giặt quần áo. Nhưng Bách Lục cũng sẽ bị chê ghét, bà ngoại có một con trai, cũng tức là cậu của Bách Lục, là một người chơi bời lêu lổng, đồng thời ở bên ngoài cũng rất sĩ diện, thường về nhà tìm ông bà ngoại đòi tiền, ông cậu đó còn từng đánh nhau với ông ngoại, khiến chiếc giường ông bà ngoại ngủ thủng một lỗ.
Bách Lục rất sợ ông cậu đó, nhưng ông cậu đó lại rất coi trọng mặt mũi, đối xử với cô rất tốt.
Trong hoàn cảnh như thế, cô trưởng thành theo từng ngày.
Cấp hai ăn cơm được ngồi bàn, đầu tháng phải nộp tiền ăn của cả tháng. Bách Lục cũng không biết bố mẹ mình có đưa tiền cho ông bà ngoại hay không, nhưng mỗi tháng ông bà đều sẽ cho cô tiền sinh hoạt phí, cũng không chê cô sống ở đó làm liên lụy đến họ.
Bà ngoại cho Bách Lục tiền sinh hoạt phí của tháng sau, số tiền một trăm năm mươi đồng. Năm đó, đồng tiền mới mới xuất hiện không lâu, gây ra không ít chuyện cười. Có người đi làm xa trở về, lấy bọc tiền quấn trong chăn ra, mấy chục nghìn tệ lại bị mẹ mình nhầm thành tiền âm phủ mà đem đốt.
Bách Lục sợ mình làm mất tiền bèn bỏ vào trong ống tay áo len, như thế thì sẽ không bị rơi.
Lúc tắm, cô lại quên lấy tiền ra.
Cô chỉ nghe thấy có tiếng rồn rột, nhưng lại không biết là gì. Đợi đến khi phải quay lại trường, cô mới nóng lòng như lửa đốt. Sau khi nói rõ với bà ngoại, bà ngoại lại cho cô một trăm năm mươi đồng, cũng không chỉ trích cô, song cô lại khóc.
Tuần tiếp đó khi trở về, bà ngoại nói với cô đã tìm thấy một trăm năm mươi đồng đó rồi, bà ngoại cười rất vui vẻ.
Nhưng cô lại khóc.
Bà ngoại nói, số tiền đó lấy ra được từ hầm phân. Bà ngoại cứ một mực nhận định số tiền đó chắc chắn trôi đi từ nhà vệ sinh, kéo ông ngoại nhất định phải lấy được tiền ra, ông ngoại vẫn không muốn lắm, bà ngoại thì cứ nằng nặc, ông ngoại hết cách, chỉ đành tìm cùng bà ngoại.
Trong thời gian một tuần đó, ông ngoại và bà ngoại, hai cụ già, ngày ngày đều gạt nước từ miệng nhà vệ sinh ra, mỗi ngày gạt được một ít, cho đến khi gạt khô nước.
Sau đó bà ngoại cầm thang ra, xuống phía dưới, dùng tay lần mò chỗ cặn phân đó, mò tận mấy lần, cuối cùng cũng lấy được tiền ra.
Từ đầu đến cuối, bà ngoại đều chưa từng nghi ngờ liệu có phải cô đã lấy tiền ra dùng hay không.
Đối với bà ngoại mà nói, đó là một trăm năm mươi đồng, không phải một con số nhỏ.
Nhìn khuôn mặt mừng rỡ của bà ngoại, cô không nhịn được mà lại rơi nước mắt.
Cô nghĩ - mình phải làm thế nào mới có thể khiến những người này có được hạnh phúc.