Mặt trời đã lên khá cao …
Sau một đêm ở cùng điện hạ, Giang Hoài Ngọc được Hoa nhi đưa trở về doanh trướng, nơi chàng đã cho các đội thị vệ dừng lại nghỉ ngơi hôm trước.
Khi chàng về đến nơi, đã thấy Quan lão cùng Bách Lý Hạc thống lĩnh các đội thị vệ ra nghênh đón. Quan lão tươi cười nói :
- Cung hỉ chúa công vinh thăng.
Giang Hoài Ngọc ngạc nhiên hỏi :
- Sao các vị …
Bách Lý Hạc đỡ lời :
- Chúa công. Tối qua Ngọc đế điện hạ đã truyền thánh chỉ gia phong cho chúa công là Ngọc Long Tinh chủ. Bọn lão phu cũng nhờ phúc khí của chúa công mà được phong hầu.
Giang Hoài Ngọc khẽ gật đầu :
- Điện hạ rất thương yêu cô gia. Cô gia quả thật rất may mắn.
Bách Lý Hạc nói :
- Chúa công là người hiền đức, nhân hậu. Do vậy mà không chỉ riêng điện hạ mà ai ai cũng đều thương mến chúa công cả.
Quan lão ngắm nhìn sắc diện Giang Hoài Ngọc, bất giác ồ lên, nói :
- Chúa công quả thật rất anh tuấn.
Bách Lý Hạc cười nói :
- Đến giờ lão ca mới nhận ra ư. Chúa công vốn rất anh tuấn mà. Chỉ cần chúa công thường xuyên tươi cười, sắc diện vui vẻ hơn là ngay đến Phan An, Tống Ngọc cũng phải kém xa.
Quan lão cãi lại :
- Sắc diện chúa công hiện giờ tuy có vẻ hơi buồn thật đấy. Nhưng dù có thế đi nữa thì chưa chắc Phan An, Tống Ngọc đã có thể sánh bằng. Chúa công thật xứng với hai chữ Ngọc Long mà điện hạ đã ban cho.
Bách Lý Hạc nói :
- Lão ca nói thế là không đúng rồi. Lão ca phải nói là hai chữ Ngọc Long xứng đáng với chúa công thì đúng hơn.
Quan lão cười nói :
- Huynh đệ nói phải đó. Ngoài chúa công ra, e rằng không còn ai xứng đáng với hai chữ đó nữa.
Giang Hoài Ngọc lắc đầu nói :
- Nhị vị tiên sinh đừng trêu cô gia nữa mà. Diện mạo cô gia không sánh bằng một phần của điện hạ đâu.
Quan lão hỏi :
- Điện hạ trông tuấn tú lắm sao.
Giang Hoài Ngọc nói :
- Điện hạ còn anh tuấn hơn cô gia rất nhiều. Khi nào có dịp được triều kiến điện hạ thì tiên sinh sẽ biết. Mà dường như ngày trước Bách Lý tiên sinh đã từng được gặp điện hạ một lần rồi thì phải.
Bách Lý Hạc gật đầu nói :
- Phải rồi. Độ hai chục năm trước, khi điện hạ ngự giá đến Vạn Tú Hoa Viên ở Kim Lăng thì lão phu đã may mắn được diện kiến.
Quan lão ngập ngừng nói :
- Nhưng dù sao thì tuổi tác điện hạ …
Giang Hoài Ngọc nói :
-Không như tiên sinh nghĩ đâu. Điện hạ trông hãy còn trẻ lắm, độ chỉ bằng tuổi cô gia mà thôi. Khoảng chừng mười bảy, mười tám tuổi gì đó.
Quan lão ngạc nhiên nói :
- Thế nhưng điện hạ đã an định tám phương chín cõi từ rất lâu rồi. Vậy thì …
Bách Lý Hạc nói :
- Lão ca đừng quên điện hạ là ai. Điện hạ là Ngọc đế chí tôn, đấng thống trị tam thiên cửu giới, chuyện trường sinh bất lão là chuyện đương nhiên. Cũng như chúa công của chúng ta đây. Chúa công đã được điện hạ ưu ái, đệ tin chắc rằng dù mấy mươi năm sau nữa, chúa công vẫn mãi giữ được dung mạo trẻ trung xinh đẹp như hiện giờ.
Quan lão gật đầu lia lịa :
- Phải. Phải. Huynh đệ nói rất phải.
Để tránh phải tiếp tục câu chuyện này, Giang Hoài Ngọc liền nói :
- Nhị vị hãy mau cho chuẩn bị, chúng ta còn phải lên đường.
Quan lão nói :
- Mọi sự đều đã sẵn sàng. Chỉ còn chờ lệnh chúa công mà thôi.
Giang Hoài Ngọc nói :
- Vậy thì chúng ta hãy lên đường.
Quan lão và Bách Lý Hạc liền hộ vệ chàng lên lâu thuyền lúc đó đang đậu cạnh bờ sông. Các đội thị vệ lên tám chiếc thuyền xung quanh. Rồi đoàn thuyền đồng loạt nhổ neo, tách bến.
Lâu thuyền đang neo đậu giữa dòng Tần Hoài. Xung quanh vẫn có tám chiếc thuyền của các đội thị vệ dàn ra bảo giá.
Trong một gian phòng được bài trí hoa lệ quý phái, Giang Hoài Ngọc đang cùng Quan lão và Bách Lý Hạc uống trà đàm đạo. Bàn ghế đều bằng gỗ quý, khảm xà cừ bóng loáng. Trên trần treo một ngọn đèn chùm pha lê cực kỳ sang trọng. Xung quanh còn bày vô số những vật dụng quý giá xa hoa.
Trong phòng chỉ có ba người, không có cung nhân thị phụng. Nơi đây là tịnh thất của lâu thuyền, và ba người đang mật đàm.
Lúc này, cả Quan lão và Bách Lý Hạc đều lộ sắc ngạc nhiên. Quan lão trố mắt nhìn Giang Hoài Ngọc, nói :
- Chúa công muốn một mình qua lại giang hồ.
Giang Hoài Ngọc khẽ gật đầu. Quan lão lập tức lắc đầu quầy quậy :
- Không được đâu. Hiện tình võ lâm còn đang rất hỗn loạn. Chúa công đi lại một mình như thế thật không an toàn chút nào. Chúa công thân phận tôn quý, cần phải bảo trọng ngọc thể, không được khinh xuất.
Giang Hoài Ngọc cúi đầu khẽ nói :
- Nhưng cô gia rất muốn đi một chuyến.
Quan lão nói :
- Nếu chúa công muốn qua lại giang hồ thì xin hãy mang theo vài đội thị vệ bảo giá. Còn như chúa công không muốn mang theo nhiều người thì hãy để lão phu và Bách Lý huynh đệ đi theo bảo giá.
Giang Hoài Ngọc lắc đầu nói :
- Cô gia muốn đi một mình kia.
Quan lão kiên quyết nói :
- Không được đâu. Với thân phận Hộ giá Tổng quản, lão phu kiên quyết phản đối việc chúa công đi một mình.
Bách Lý Hạc bỗng xen vào :
- Chúa công đã muốn thế thì lão ca cũng không nên phản đối.
Quan lão trợn mắt nhìn Bách Lý Hạc, hỏi lại :
- Sao huynh đệ lại nói vậy. Huynh đệ há chẳng biết sự an nguy của chúa công ảnh hưởng thế nào đến đại cuộc.
Bách Lý Hạc nói :
- Lão ca hiểu sai ý đệ rồi. Ý đệ định nói là chúa công có muốn một mình qua lại giang hồ cũng không sao, chỉ cần trước đó phải khống chế được đại cuộc võ lâm rồi thì sẽ không còn gì phải lo lắng nữa.
Quan lão ồ lên nói :
- Huynh đệ nói rất hữu lý. Thế mà sao lão phu không sớm nghĩ ra nhỉ.
Rồi lão quay sang Giang Hoài Ngọc kính cẩn nói :
- Chúa công muốn một mình qua lại giang hồ, lão phu không dám phản đối. Chỉ mong chúa công hãy sớm an định võ lâm, vãn hồi trật tự, rồi thì bọn lão phu mới có thể yên tâm được.
Bách Lý Hạc cũng nói :
- Hiện giờ chỉ còn lại bọn Thông Thiên Giáo là đáng kể thôi. Bọn chúng hành sự tàn nhẫn, vô pháp vô thiên, chẳng kể gì đến đạo lý luật lệ. Thỉnh cầu chúa công hãy ban chỉ thảo phạt Thông Thiên Giáo.
Thấy Giang Hoài Ngọc cau mày, ra dáng lưỡng lự, cả Quan lão và Bách Lý Hạc đồng đứng lên, chắp tay cung kính nói :
- Thỉnh cầu chúa công ban chỉ thảo phạt Thông Thiên Giáo.
Giang Hoài Ngọc thở dài :
- Nhị vị tiên sinh hãy ngồi xuống đi. Việc này … cô gia …
Bách Lý Hạc hỏi :
- Sao vậy chúa công. Chỉ cần tiến hành giống như công cuộc thảo phạt bọn Cửu Trùng Giáo thì có thể giảm đến mức tối thiểu số thương vong rồi.
Giang Hoài Ngọc lắc đầu nói :
- Chuyện thương vong cũng là một vấn đề, nhưng mà …
Bách Lý Hạc ngạc nhiên hỏi :
- Vẫn còn vấn đề gì khác khiến chúa công phải lo nghĩ hơn cả vấn đề số thương vong hay sao.
Giang Hoài Ngọc không đáp mà chỉ khe khẽ thở dài. Cả Quan lão và Bách Lý Hạc đều nhìn chàng ngạc nhiên. Giữa lúc ấy, bên ngoài bỗng đâu có thanh âm thiếu nữ lên tiếng nói :
- Trình chúa công. Có Nghi vương đến, xin được hội kiến.
Giang Hoài Ngọc vội nói :
- Mau. Hãy mau mời vào.
Thiếu nữ kia liền ứng tiếng vâng dạ, rồi đi ngay. Giang Hoài Ngọc cũng cùng với Quan lão và Bách Lý Hạc rời tịnh thất, đi ra đầu thuyền chờ đón Nghi vương giá đáo. Đối với Nghi vương, chàng hết mực kính cẩn.
Một lát sau, một trong số tám chiếc thuyền của các đội thị vệ hiện đang dàn ra xung quanh, đã tiến tới cặp mạn lâu thuyền, rồi Giang Thừa Phong từ bên đó bước sang. Theo sau chàng còn có một thiếu niên tuổi độ mười sáu, dáng vẻ ngại ngùng khép nép. Thiếu niên đó chính là Thư Thế Dương, vừa trông thấy Giang Hoài Ngọc là đã cúi gằm mặt, không dám nhìn chàng.
Giang Thừa Phong dắt Thư Thế Dương bước sang lâu thuyền, đến trước Giang Hoài Ngọc tươi cười nói :
- Ngọc đệ. Đã lâu rồi không gặp hiền đệ. Phong thái hiền đệ trông càng anh tuấn hơn xưa. Tiểu huynh thật mừng cho hiền đệ.
Giang Hoài Ngọc vòng tay nói :
- Biểu ca quá yêu mà nói vậy thôi. Tiểu đệ thật không dám nhận. Tiểu đệ xin đón mừng biểu ca.
Giang Thừa Phong lại chỉ Thư Thế Dương, cười nói :
- Hài tử này là Thư Thế Dương, hiền đệ đã gặp rồi.
Giang Hoài Ngọc khẽ đáp :
- Dạ vâng.
Giang Thừa Phong khẽ vỗ vai Thư Thế Dương, mỉm cười nói :
- Sao hài tử còn chưa hành lễ tham kiến.
Thư Thế Dương nãy giờ cứ chăm chú nhìn Giang Hoài Ngọc, nhận thấy chàng tuy quen mà lạ, hãy còn đang ngẩn người suy nghĩ, chợt nghe Giang Thừa Phong gọi, liền vội tiến tới phục lạy, ấp úng nói :
- Hài nhi … hài nhi xin tham kiến … chúa công.
Chắc có lẽ y đã nghe thị vệ gọi Giang Hoài Ngọc là chúa công nên cũng gọi theo như vậy. Chàng cúi xuống đỡ y đứng lên, khẽ nói :
- Hài tử hãy mau đứng lên đi.
Đoạn chàng quay sang Giang Thừa Phong nói tiếp :
- Mời biểu ca di giá vào trong rồi chúng ta sẽ cùng nói chuyện.
Chàng đưa Giang Thừa Phong vào gian tịnh thất mà khi nãy chàng đã cùng bọn Quan lão đối ẩm. Quan lão, Bách Lý Hạc và Thư Thế Dương cũng