Thành Kim Lăng …
Đó là một tòa thành quách nằm bên bờ Tần Hoài, một đô thị phồn hoa nhất nhì cõi Trung Nguyên. Nơi đây có rất nhiều những tòa phủ đệ rộng lớn nguy nga. Phần lớn là gia tư của giới quan quyền, rồi đến các thân hào đại phú có danh tiếng trong vùng, cũng như trên cả nước.
Phía tây thành có một tòa phủ đệ rất khí khái uy nghi, trước cổng treo một tấm biển chỉ đề vỏn vẹn hai chữ : Vưu phủ.
Trên con đường nhiệt náo, người qua kẻ lại tấp nập, cảnh buôn bán nhộn nhịp đông đúc, chợt có hai nhân vật phong thái đường bệ xuất hiện, rồi dừng bước trước cổng phủ. Cả hai đều vận thanh bào, đội nho cân, một tác độ trung niên, còn một đã quá ngũ tuần, khí vũ phi phàm, dáng điệu ung dung nho nhã.
Văn sĩ tuổi quá ngũ tuần đưa mắt ngắm nhìn tấm biển treo trước cửa phủ một lúc, rồi mới quay sang trung niên văn sĩ, khẽ gật đầu.
Trung niên văn sĩ liền bước lên nắm lấy vòng đồng trên cánh cửa, gõ nhẹ ba tiếng, người kia tay chắp sau lưng ung dung đứng chờ.
Hồi lâu, không thấy có động tĩnh gì, trung niên văn sĩ trong lòng nóng nảy, lại cầm vòng đồng vận lực gõ thật mạnh. Thanh âm chắc chắn vang động đến tận hậu viện. Còn người kia vẫn ung dung nhàn nhã đứng chờ.
Hồi lâu sau nữa, cánh cổng mới từ từ hé mở, bên trong có thanh âm già nua nói vọng ra :
- Ai đó. Tệ phủ từ khách đã lâu rồi.
Trung niên văn sĩ bực bội nói :
- Lão Phúc. Có chuyện gì vậy. Tử Thanh huynh sao rồi. Ngay cả ta mà cũng không muốn gặp hay sao.
Bên trong cửa liền có một cái đầu thò ra nhìn ngó, vừa trông thấy trung niên văn sĩ thì vội mở rộng cửa, nói :
- Lão nô tưởng ai. Thì ra là Chu tiên sinh. Đã lâu rồi tiên sinh không đến chơi, chủ nhân của lão nô cứ nhắc tiên sinh mãi. Mời vào. Mời vào.
Văn sĩ trung niên chính là Chu Kỳ Xương, và người kia đương nhiên là Văn Đức Cung Ngoại Sự Tổng quản Bách Lý Hạc. Cả hai người họ đang đứng trước phủ đệ của Vưu Tử Thanh, một nhân vật trong số Võ lâm Tứ đại hiền nhân, là nhân vật mà Bách Lý Hạc nhắm tới trước tiên.
Nhìn lão bộc già, Chu Kỳ Xương mỉm cười hỏi :
- Tử Thanh huynh hiện có trong phủ hay không. Có chuyện chi mà lại đóng cửa từ khách thế.
Lão bộc già ngập ngừng đáp :
- Dạ. Chủ nhân của lão nô vẫn ở trong phủ, chỉ là có chút chuyện …
Đến lúc này thì lão đã nhìn thấy Bách Lý Hạc, liền hỏi :
- Vị này là …
Chu Kỳ Xương nói :
- Lão hãy vào thông báo với Tử Thanh huynh một tiếng là Chu mỗ đã mời đến cho Vưu phủ một vị quý khách.
Lão bộc ngần ngừ giây lát, rồi nói :
- Cảm phiền nhị vị tiên sinh hãy chờ một lát, lão nô xin vào bẩm báo với chủ nhân ngay đây.
Nói đoạn, lão quay người đi vào trong, để mặc hai vị quý khách đứng ngoài cửa. Chu Kỳ Xương quay sang Bách Lý Hạc phân trần :
- Trước nay Vưu Tử Thanh luôn xử sự hòa nhã với mọi người, tránh không để làm mất lòng ai. Không hiểu sao lần này lão ta lại để khách đứng ngoài cửa thế này. Và thái độ của lão bộc kia trông cũng lạ lắm.
Bách Lý Hạc chỉ mỉm cười chứ không nói gì. Đột nhiên, hai người nghe một tràng cười sang sảng từ trong nhà vọng ra, tiếp theo là tiếng nói :
- Chu huynh đệ. Hôm nay, ngọn gió nào lại đưa huynh đệ đến đây thế. Lão phu thật không ngờ …
Lời chưa dứt thì đã thấy một lão nhân tóc bạc hoa râm rảo bước đi ra. Người này tướng mạo thanh nhã, râu dài ba chòm, dáng vẻ thanh cao, niên kỹ đã ngoài ngũ tuần, mình vận lam bào trông rất hiền hậu nho nhã.
Chu Kỳ Xương thấy lão đi ra, liền cười nói :
- Tử Thanh huynh vẫn khỏe chứ.
Thì ra vị lão nhân này chính là Vưu Tử Thanh, một nhân vật trong số Võ lâm Tứ đại hiền nhân. Lão ta cười ha hả nói :
- Vẫn khỏe. Vẫn khỏe. Huynh đệ không thấy đây sao.
Lão lại ngó qua Bách Lý Hạc, nói :
- Hàn xá được tiên sinh ghé bước, lão phu thật lấy làm vinh hạnh. Chẳng hay tiên sinh xưng hô thế nào.
Bách Lý Hạc khẽ mỉm cười, nhưng vẫn chưa lên tiếng, mắt quan sát đối tượng, thầm đánh giá con người Vưu Tử Thanh. Trong khi đó, Chu Kỳ Xương có vẻ không hài lòng, cau mày nói :
- Tử Thanh huynh. Chúng ta vào trong rồi hãy nói được không.
Nghe y nhắc khéo, Vưu Tử Thanh lộ vẻ ngại ngùng, nói :
- Ồ. Lão phu thật là hồ đồ. Ai lại bảo khách nhân đứng ngoài cửa nói chuyện chứ. Nào. Nào. Xin mời nhị vị vào trong.
Bách Lý Hạc và Chu Kỳ Xương theo Vưu Tử Thanh vào trong đại sảnh. Sau khi phân ngôi chủ khách cùng ngồi xuống, có mấy thanh y tiểu tỳ dâng trà nước. Đợi khách uống vài ngụm trà rồi, họ Vưu mới hỏi :
- Chu huynh đệ. Vị tiên sinh đây phong thái đường bệ, nghi biểu phi phàm, đương nhiên phải là một nhân vật rất có lai lịch. Sao huynh đệ không mau giới thiệu cho lão phu được biết.
Chu Kỳ Xương nghiêm giọng nói :
- Tiên sinh đây là Hoài Giang Tú Sĩ Bách Lý đại hiệp, chắc Tử Thanh huynh cũng đã từng nghe qua.
Tuy đồng tuổi tác, nhưng Bách Lý Hạc là cao thủ lớp trước, khi lão ẩn cư thì họ Vưu còn chưa có mấy tiếng tăm trên chốn giang hồ, vì vậy nghiễm nhiên được xem là võ lâm tiền bối, địa vị rất cao. Họ Vưu vội đứng ngay dậy, hướng vào Bách Lý Hạc vòng tay vái chào, nói :
- Thì ra là Bách Lý đại hiệp. Uy danh của đại hiệp lão phu đã được nghe nhiều, tiếc là trước đây chưa từng được bái kiến. Nghe đâu hai mươi năm trước đại hiệp đã ẩn cư, không hỏi đến chuyện giang hồ. Đại hiệp rửa tay gác kiếm ngay giữa lúc danh vọng đang lừng lẫy chói ngời, lão phu kính phục vô cùng.
Bách Lý Hạc cười nói :
- Vưu huynh đệ không nên quá khách sáo. Lão phu xem trong lòng huynh đệ dường như có điều chi bất an.
Chu Kỳ Xương vội hỏi :
- Tử Thanh huynh. Ở đây đã xảy ra chuyện gì chăng.
Vưu Tử Thanh lắc đầu nói :
- Nhị vị chờ cho một lát.
Nói rồi lão quày quả đi vào phía hậu sảnh, thái độ xem ra hơi có vẻ kỳ lạ. Bách Lý Hạc đưa mắt nhìn Chu Kỳ Xương, thấy y có vẻ nôn nóng muốn biết chuyện gì, liền khẽ mỉm cười, nói :
- Lão đệ bất tất phải nôn nóng như vậy. Có chuyện gì thì chờ lát nữa, khi Vưu huynh đệ trở ra là sẽ biết ngay thôi mà.
Nhưng Chu Kỳ Xương vẫn nôn nóng nói :
- Dựa theo tính cách của Tử Thanh huynh mà luận thì chuyện xảy ra tất phải nghiêm trọng lắm.
Bách Lý Hạc chỉ mỉm cười, lặng lẽ nhấm nháp chung trà, mặc cho Chu Kỳ Xương lo nghĩ bồn chồn.
Lát sau, Vưu Tử Thanh đã quay trở lại đại sảnh. Đi theo phía sau lão ta còn có ba lão già dáng điệu cũng đầy vẻ văn nho, tính tình hòa nhã, vận y phục văn nhân giống như Vưu lão. Chỉ có đều sắc diện cả ba đều giống như Vưu lão, như đang có điều lo lắng. Cả ba chắc đã nghe họ Vưu nói lại nên khi vừa ra đến là đồng chắp tay thi lễ với Bách Lý Hạc và Chu Kỳ Xương, rồi phân ngôi chủ khách cùng ngồi. Vậy là Võ lâm Tứ đại hiền nhân đều tề tựu đông đủ tại Vưu phủ.
Đôi bên khách sáo vài câu. Nữ tỳ mang thêm trà nước. Sau đó, Vưu Tử Thanh đưa cho Bách Lý Hạc xem một lá thư. Bách Lý Hạc chỉ liếc mắt xem qua rồi trao lá thư lại cho Chu Kỳ Xương.
Đọc xong lá thư, như vẫn chưa tin vào mắt mình, Chu Kỳ Xương lại đọc lại lần nữa, rồi lần nữa. Lá thư là của Cửu Trùng Giáo gửi cho Vưu Tử Thanh, mời lão phải nhập bang và nhận chức Hộ pháp. Tuy dùng tiếng “mời”, song lời lẽ trong thư rất cứng rắn, có vẻ như bắt buộc đối tượng phải chấp thuận chứ không được phép từ chối. Chu Kỳ Xương quay sang Bách Lý Hạc, nói :
- Tổng quản. Chuyện này …
Bách Lý Hạc mỉm cười nói :
- Chuyện này cũng chẳng có chi là lạ. Bạch Cốt Hung Thần vì phạm tội đại nghịch mà bị xử tử. Kim Chỉ Thần Ma được gia phong thay quyền giáo chủ. Cũng vì thế là thực lực của Cửu Trùng Giáo cũng có phần yếu đi. Chuyện bọn họ tăng cường nhân số để củng cố thực lực là chuyện đương nhiên thôi.
Mấy lời này của Bách Lý Hạc đã làm bọn Vưu Tử Thanh choáng váng. Cái gì mà Bạch Cốt Hung Thần, rồi Kim Chỉ Thần Ma, mấy danh hiệu đó đều làm bọn họ rúng động, nghe như sấm động bên tai, khiến tất cả ngơ ngác bần thần. Nhưng Bách Lý Hạc vẫn an nhiên nói tiếp :
- Cửu Trùng Giáo tuy xưng hùng xưng bá trong võ lâm, nhưng thế lực so với các bang phái khác cũng chẳng có gì vượt trội. Muốn tăng cường thực lực đương nhiên cần phải thu nạp nhân tài.
Chu Kỳ Xương nói :
- Nhưng một khi Cửu Trùng Giáo tiến hành thu nạp nhân tài thì các bang phái khác lẽ nào lại chịu ngồi yên. Bọn họ tất nhiên cũng sẽ làm tương tự. Như thế há chẳng phải võ lâm sẽ thêm một phen náo động hay sao.
Bách Lý Hạc nói :
- Đúng ra thì chuyện này vẫn còn một nguyên nhân nữa, tuy không công khai nói ra, nhưng lại chính là nguyên nhân quyết định. Cửu Trùng Giáo với Thiên Âm Giáo vốn có mối hiềm khích vô cùng sâu nặng. Song phương như nước với lửa. Ngoài những lúc buộc phải giữ hòa khí khi cùng phụng sự chúa công, thời gian còn lại thì bọn họ đối với nhau như kẻ thù. Có khi chỉ vì những nguyên nhân nhỏ nhặt không đâu mà cũng sinh sự đánh nhau. Chúa công cũng đang rất buồn lòng về chuyện này.
Chu Kỳ Xương nói :
- Vậy sao chúa công không đứng ra hòa giải. Nếu để hai đại giáo phái này khởi sự đánh nhau thì hậu quả