Dịch giả: Tô TriếtMùng Hai tháng Hai, Long Sĩ Đầu(*).
Lúc hoàng hôn, trong ngõ Nê Bình nằm trong một trấn nhỏ, có một thiếu niên gầy gò đang theo phong tục nơi này, một tay cầm nến, một tay cầm cành đào, vừa đi soi xà nhà, vách tường, khắp chỗ quanh giường, vừa dùng cành đào gõ gõ lên, mục đích là để xua đuổi rắn rết, miệng không ngừng lẩm bẩm những câu chú được thị trấn này truyền qua nhiều đời: Hai tháng Hai, chiếu xà nhà, đào đánh tường, xà trùng nhân gian không chỗ trốn.
Thiếu niên họ Trần, tên Bình An, mồ côi cha mẹ từ khi còn nhỏ. Đồ sứ của trấn Nê Bình rất nổi tiếng, vì vậy từ khi triều đại khai quốc tới nay, nó liền mang cái danh kèm trọng trách ‘Phụng chiếu trông coi việc đốt lò làm đố hiến tế lăng’, theo đó, triều đình còn phái cả quan viên tới đóng chốt quanh năm ở đây để giám sát công việc của các lò. Thiếu niên không nơi nương tựa như hắn từ bé tí đã trở thành thợ lò gốm sứ, lúc đâu chỉ có thể làm chút việc vặt nặng nhọc nhưng đơn giản, mất mấy năm theo chân lão sư phụ tính khí thất thường mới được học hỏi chút kỹ thuật làm gốm sứ, kết quả là thế sự vô thường, trấn nhỏ đột nhiên bị mất đi tấm bùa hộ mệnh mang chức năng làm đồ cho triều đỉnh, theo đó, hơn mười mấy hầm lò như rồng cuộn nằm khắp trấn chỉ trong một đêm đều bị quan phủ cưỡng chế bắt đóng cửa.
Trần Bình An buông cành đào mới bị gãy xuống, thổi tắt nến, ra khỏi phòng rồi ngồi trên bậc thềm, ngửa đầu nhìn lên trời đêm đầy sao sáng.
Cậu thiếu niên đến giờ vẫn nhớ rất rõ vị sư phụ già chỉ coi hắn là “đồ đệ một nửa” kia mang họ Diêu, vào cuối thu năm năm trước lúc trời vừa tảng sáng được người ta phát hiện đã nhắm mắt xuôi tay khi còn đang ngồi trên một cái ghế trúc nhỏ đặt ở chỗ đối diện hầm lò.
Có điều người cố chấp với nghề như lão Diêu cũng là rất ít.
Dù có gia đình đời truyền đời chuyên đốt lò làm gốm ở thị trấn này cũng không dám làm trái quy định của quan phủ về việc đốt lò làm vật tiến cống, càng không dám lén lét mang đồ trong kho mình đi bán ra ngoài, kết quả là chỉ có thể ra đi tìm cách khác kiếm cơm. Trần Bình An lúc mười bốn tuổi cũng bị đuổi ra khỏi cửa, sau khi trở về ngõ Nê Bình liền tiếp tục trông coi khu nhà tổ tiên để lại, thứ đã tường xiêu ngói đổ từ lâu. Nói thêm, cái nhà cũng chỉ có bốn bức tường không, trông ra rất thảm, thảm đến mức dù Trần Bình An có muốn làm kẻ phá gia chi tử thế nào thì cũng bó tay.
Qua một thời gian sống vất vưởng vô công rỗi nghề, thiếu niên này cũng chưa tìm được việc kiếm tiền, may mắn có chút tiền tích góp nên gắng gượng no được cái bụng. Mấy ngày trước, nghe được rằng có lão thợ rèn người xứ khác ở con phố ngoài ngõ Kỵ Long nói muốn tuyển tám học đồ rèn sắt, không trả tiền công nhưng bao nuôi cơm, Trần Bình An liền tranh thủ thời gian chạy tới thử vận may. Đáng tiếc, lão già kia chỉ mới ghé mắt trông ngang hắn một cái liền loại hắn ngay khi còn chưa qua cửa, khi ấy hắn bực lắm, không lẽ cái việc rèn sắt này không phải xem sức cánh tay khỏe ra sao mà là xem tướng mạo xấu thế nào à?
Phải biết rằng, Trần Bình An trông thân hình có vẻ nhỏ yếu như sức vóc lại không phải dạng vừa đâu. Sức vóc, thân thể này là kết quả của những năm kéo phôi làm gốm rèn luyện mà thành. Ngoài việc đó, Trần Bình Anh còn theo lão Diêu chạy khắp nơi trên núi dưới sống trong phương viên trăm dặm quanh trấn, nếm đủ loại mùi vị của các loại đất, không nề hà gian khổ, việc gì bẩn gì nặng hắn cũng không ngại, rất chủ động làm, không do dự dây dưa. Đang tiếc, lão Diêu trước sau vẫn không thích hắn, lão chịu không nổi cậu thiếu niên không có ngộ tính, hệt như gỗ mục không ra tấm ra thớ, thua xa đại đồ đệ Lưu Tiễn Dương. Điểm này cũng không trách lão đối xử thiên vị được, sư phụ dẫn lối còn việc tu luyện là của bản thân, như công việc kéo phôi nhàm chán kia chẳng hạn, Lưu Tiễn Dương chỉ mất nửa năm đã có trình độ vượt qua ba năm vất vả học hành của Trần Bình An.
Tuy đó giờ hắn chưa mấy lúc được dùng đến ngón nghề này, nhưng Trần Bình An vẫn đều đặn như cũ, nhắm mặt lại, tưởng tượng trước mắt có bàn xoay tạo phôi bằng đá xanh rồi bắt đầu luyện tập cho quen việc thuận tay.
Cứ khoảng mười lăm phút, cậu chàng sẽ nghỉ một chút, lắc lắc cổ tay, rồi lại tiếp tục lặp lại như thế nhiều lần, làm cho tới khi cả người sức cùng lực kiệt, lúc đó Trần An Bình mới đứng dậy, vừa đi tản bộ trong sân nhỏ vừa từ từ thư giãn gân cốt. Trước giờ chưa từng có ai dạy hắn những điều này, chính hắn mù mờ suy tính ra những kỹ thuật này.
Trong không gian trời đất yên tĩnh, Trần Bình Anh chợt nghe thấy tiếng cười mỉa mai chói tai. Hắn dừng bước lại, quả nhiên liền thấy một gã bạn cùng lứa với hắn đang ngồi xổm ở chỗ đầu tường, miệng nhếch lên biểu lộ sự khinh thường không chút che giấu.
Gã này là hàng xóm lâu năm của Trần Bình An, nghe đồn là con riêng của đại nhân giám sát khóa trước. Vị đại nhân sợ miệng đời chỉ trích y phong lưu phóng đãng, đồn tới quan trên mà mang tội nên cuối cùng, khi trở về kinh báo cáo công tác liền giao con mình cho vị quan viên tới tiếp nhiệm, kẻ vốn cũng có quan hệ thân thiết với y để người này trông nom hộ. Mà giờ triều đình loại bỏ tư cách chuyên chế đồ gốm sứ để tiến công của trấn, vị đại nhân giữ chức quan thay triều đình giám sát công sự liền như Nê Bồ Tát(**) sang sông, bản thân còn khó bảo toàn, nói gì tới việc lo cho con riêng của đồng liêu nữa. Kết quả là vị đại nhân này liền vứt lại chút bạc rồi tức tốc ôm tâm tình lo lắng chạy về kinh để sắp xếp quan hệ.
Gã thiếu niên hàng xóm này cứ thế bất tri bất giác rơi vào tình cảnh bị đem con bỏ chợ, có điều gã sống cũng nhàn nhã thoải mái, tối ngày dẫn theo nha hoàn của mình đi dạo chơi trong ngoài trấn, chưa bao giờ phải lo đến tiền bạc.
Những căn nhà trong ngõ Nê Bình đều là tường tranh vách đất, thấp lè tè nên thực ra chẳng cần phải kiễng chân, gã thiếu niên kia cũng có thể thấy rõ mọi việc bên này, tất nhiên là có thể đứng bên kia nói chuyện luôn, có điều gã hết lần này tới lần khác lại rất thích trò ngồi xổm trên tường nói chuyện.
So với cái tên Trần Bình An có phần thường thường dễ thấy, thiếu niên hàng có có cái tên tao nhã hơn rất nhiều, kêu là Tống Tập Tân. Thị nữ, người cùng gã sống nương tựa vào nhau cũng có cái tên kêu rất êm tai, Trĩ Khuê.
Thiếu nữ đó lúc này đang đứng bên kia tường
bao, nàng có đôi mắt hạnh, trông có phần ôn nhu yếu ớt.
“Ngươi có bán tì nữ này không?” Ở cửa sân bên kia bỗng có tiếng nói vang lên.
Tống Tập Tân ngẩn người, theo tiếng hỏi quay đầu nhìn lại, liền thấy có mỗi tên thiếu niên mặt mũi lạ hoắc, thân mặc áo gấm đang đứng ngoài sân.
Bên cạnh thiếu niên áo gấm là một vị lão giả thân hình cao lớn, da mặt troắng mịn, thần tình hòa ái đang hơi híp mắt đánh giá mấy đứa nhỏ ở hai khoảnh sân tiếp giáp nhau.
Lão giả này chỉ thoáng đưa mắt liếc qua Trần Bình An, không hề dừng lại mà khi thấy Tống Tập Tân và cô bé thị nữ thì lưu tâm nhiều hơn, nét vui vẻ càng lúc càng tăng.
Tống Tập Tân liếc mắt, đáp: “Bán! Hà cờ gì không bán chứ!”
Thiếu niên kia mỉm cười tiếp: “Vậy ngươi nói giá đi.”
Thiếu nữ trợn tròn mắt, mặt có vẻ rất sốc, trông như một con nai nhỏ bị dọa sợ vậy.
Tống Tập Tân liếc mắt xong duỗi một ngón tay, khua khua rồi đáp: “Một vạn lượng bạc trắng!”
Thiếu niên áo gấm thần sắc bình thản, gật đầu đáp: “Được!”
Tống Tập Tân thấy thiếu niên kia đáp không giống như đang đùa, vội vàng sửa lời: “Là vạn lượng vàng ròng!”
Thiếu niên áo gấm khẽ nhếch miệng, nói: “Ngươi đùa ta à.”
Tống Tập Tân sắc mặt âm trầm.
Thiếu niên áo gấm không thèm để tâm đến Tống Tập Tân nữa, đưa mắt nhìn về phía Trần Bình An, nói: “Hôm nay may mắn có người mà ta mới có thể mua được con cá chép kia, sau khi mua rồi ta càng nhìn càng vui mừng, bụng nghĩ nhất định phải gặp người để nói câu cảm ơn, vì thế Ngô gia gia mới suốt đêm dẫn ta đi tìm ngươi.”
Y lấy một cái túi thêu nặng trịch ra, vứt cho Trần Bình An xong, mặt mũi rạng rỡ tiếp: “Đây xem như tạ lễ, ta với ngươi coi như thanh toán xong.”
Trần Bình An còn đang định nói gì đó thì thiếu niên áo gấm kia đã xoay người rời đi.
Trần Bình An nhíu mày.
Ngày hôm qua, bản thân hắn trong lúc vô tình thấy có người đàn ông trung niên cầm theo cái sọt đựng cá trên đường cái, trong đó thấy có một con cá chép màu vàng óng dài cỡ bàn tay, con cá lúc đó còn đang nhảy loạn trong giỏ. Trần Bình An lúc đó xoay đầu thấy, cảm giác rất vui mừng nên mở miệng hỏi thăm xem có thể dùng mười văn tiền để mua nó không. Gã trung niên kia vốn chỉ định làm bữa tươi để cải thiện, giờ đột nhiên thấy có thể kiếm lời, tức thì giở công phu sư tử ngoạm, hét giá ba mươi văn tiền mới bán. Với kẻ xấu hổ vì rỗng ví như Trần Bình An, làm sao có sẵn ba mươi văn tiên để không, có điều lúc ấy quả là hắn không nỡ buông con cá chép vàng óng kia, thế là lẽo đẽo đi theo kì kèo mặc cả với gã trung niên, định bụng mặc cả xuống mười lăm văn tiền, thậm chí hai mươi cũng được. Thế nhưng đúng khi gã trung niên có vẻ xuôi xuôi, thiếu niên áo gấm và lão giả cao lớn kia lại vừa lúc đi ngang qua, cứ thế không chút do dự kì kèo, dùng luôn năm mươi văn tiền mua cả cá lẫn sọt. Trần Bình An chỉ có thể trơ mắt nhìn bọn họ rời đi mà chẳng biết phải làm thế nào.
Đưa mắt nhìn chằm chằm cho tới khi bóng hai ông cháu kia khuất hẳn, Tống Tập Tân mới thu ánh mắt giận dữ lại, nhảy xuống tường, đoạn lại như nhớ tới điều gì đó, nhìn Trần Bình An nói: “Ngươi còn nhớ cái thứ bốn chân trong tháng Giêng kia chứ?”
Trần Bình An khẽ gật đầu.
Làm sao không nhớ rõ chứ, ký ức đó quả thực hãy còn mới mẻ.
Theo phong tục lưu truyền đã mấy trăm năm ở trấn nhỏ này, nếu có con nào loài rắn mối chui vào phòng mình thì đó là điềm tốt, chủ nhân tuyệt đối không nên đánh đuổi hay giết nó. Tống Tập Tân lúc đầu tháng Giêng, khi đang ngồi bậu cửa phơi nắng thì có một con rắn mà dân gian gọi là thằn lằn Đồ Chơi Nhỏ chạy thẳng vào phòng. Tống Tập Tân tóm phát được ngay xong liền ném ra sân, ai mà ngờ con rắn mối bị ném đến thất điên bát đảo kia lại kiên cường bất khuất, gặp khó không lui, liên tục nhiều lần cố gắng làm cho Tống Tập Tân vốn không tin quỷ thần tức đến chịu hết nổi, cuối cùng là cáu quá ném luôn nó sang sân nhà Trần Bình An, nào có ngờ, hôm sau Tống Tập Tận lại thấy con rắn mối đó đang cuộn mình hoành tráng dưới giường mình.
Tống Tập Tân nhận ra thiếu nữ giật giật tay áo mình. Chủ tớ tâm ý tương thông, gã vô thức bấm bụng nuốt lại lời đã ra tới khóe miệng.
Cái gã định nói là, cái con rắn mối xấu đau đớn kia, gần đây trên trán nổi cục, trông như sắp mọc sừng.
Tống Tập Tân đổi chủ đề nói: “Ta với Trĩ Khuê có lẽ sang tháng là phải rời khỏi nơi này.”
Trần Bình An thở dài, đáp: “Đi đường cẩn thận.”
Tống Tập Tân nửa đùa nửa thật, tiếp: “Có vài thứ chắc chắn ta không mang đi, ngươi cũng chớ nhân lúc chủ vắng nhà mà gan to đi trộm đồ đó.”
Trần Bình An lắc đầu.
Tống Tập Tân bỗng cười ha ha, đưa ngón tay chỉ Trần Bình An, tí tởn trêu: “Nhát như chuột, chẳng trách nghèo khó không giàu nổi, đừng nói là đời này nghèo hèn để người ta lừa gạt, nói chừng kiếp sau cũng chạy không thoát.”
Trần Bình An giữ im lặng.
Một mình vào phòng, Trần Bình An đóng cửa lại, ngả người nằm trên tấm ván gỗ cứng để trên giường. Thiếu niên nghèo khó nhắm mắt lại, nhỏ giọng thì thầm: “Vỡ vỡ bình, tháng tháng an, vỡ vỡ bình an, tháng tháng bình an…”
Chú giải:
(*)Ở bên TQ, ngày mùng 2 tháng Hai âm lịch còn được người dân gọi là Long Sĩ Đầu, là ngày lễ với mục đích chủ yếu là cầu cho mưa gió thuận hòa, cày cấy thuận lợi, một năm no đủ an bình.
(**) Nê Bồ Tát: Tượng bồ tát bùn, qua sông nữa thì khó mà yên lành được.