Ta thấy rõ ràng động tác của Tiểu Lục, thầm nghĩ chẳng lẽ tính tình phong lưu của con cháu Lý gia lại tái phát, chắc hẳn hắn cũng là một công tử tao nhã, bất đắc dĩ phải thay thân đổi phận ở ẩn bên ta, đến mức rất lâu thành chứng nào tật nấy.
May mà ta có mặt nên hắn chỉ sờ soạng tay Giang Tử Sơ vài phát mà thôi, không còn hành động gì khác. Giang Tử Sơ bị hắn quấy rối thì không chịu nổi nữa, miễn cưỡng trò truyện vài câu bèn cáo từ.
Khi ra ngoài, sắc mặt vẫn còn đỏ hồng.
Sau khi Giang Tử Sơ đi, Tiểu Lục mất hồn mất vía, Tiểu Thất nhìn không lọt mắt bèn thủ thỉ nói với ta: “Giờ còn đang ở hang sói mà hắn đã nghĩ tới chuyện phong hoa tuyết nguyệt rồi!”.
Tiểu Lục nghe thấy câu này liền gườm gườm trừng mắt nhìn Tiểu Thất, nói: “Ta mà là người như thế sao?”.
Ta thấy hắn khẽ nhíu mày, hình như có chuyện phiền muộn nào đó không thể giải thích được, bèn bảo thị tỳ trong nhà lui ra. Tiểu Thất thấy ta có lời hỏi hắn, lấy cớ đi ninh chè hạt sen. Lúc này ta mới hỏi hắn: “Ngươi phát hiện ra điều gì à?”.
Tiểu Lục đáp: “Tướng quân còn nhớ vì sao Lý gia tôi bị định tội không?”.
Đương nhiên ta nhớ, năm đó khi Lý gia lụn bại, tội ác ngập trời. Tội trạng đầu tiên đưa ra lại là độc chiếm mỏ vàng. Năm đó Lý Sĩ Nguyên trông coi mỏ vàng nhưng lén biển thủ nên bị tố giác, lúc này mới dẫn tới bao lời buộc tội liên tiếp. Hơn nữa Lý Sĩ Nguyên tuổi già quyền thế ngút trời, không khỏi làm việc hung hăng càn quấy, đắc tội không ít người. Lúc bấy giờ mới gộp mấy tội vào xử, phát quyết xử trảm, nhưng không ngờ còn chưa kịp xử phạt ông đã bị bệnh chết rồi, người nhà ông cũng bị lưu đày tới biên cương.
Ta nói: “Chẳng lẽ có ẩn tình khác?”.
“Tôi nhớ năm hoạch tội ấy, ông nội tiếp quản mỏ vàng, giới chính trị Tây Di như hổ rình mồi, quốc khố cần bạc; ông tự biết mình gây chuyện lớn, hằng ngày đều cẩn trọng, đêm hôm khuya khoắt còn suy nghĩ chuyện vận chuyển khai thác tinh chế, thường thường đến nửa đêm còn có khách tới chơi. Nhưng tôi nhớ năm ấy sau khi có một người tới thăm hỏi, ông có vẻ vui mừng cực kỳ, vốn không uống rượu mà đêm đó lại uống mấy chén. Khi đó tôi còn trẻ hồ đồ, thường xuyên xung đột với người khác. Hôm ấy tôi vào kinh thành đánh Thế tử Tương Vương một trận gãy xương sườn người ta, vốn tưởng rằng phải bị ông nội trách phạt nhưng không ngờ ông lại bỏ qua dễ dàng. Thế nên, tôi nhớ rất rõ ngày đó”.
Ta nói: “Vậy ngươi cũng đã biết, người ngày ấy tới thăm hỏi là ai ư?”.
Hắn nhìn ta không đáp, ta giật mình: “Chẳng lẽ là ông ấy?”.
“Đúng vậy, ông ta vào kinh thành lĩnh thưởng, rất ít qua lại với quan viên khác, nhưng nửa đêm tới chơi với ông nội… Tôi còn nhớ rõ, ngày đó ông ta thay quân phục, chỉ mặc thường phục, lúc tạm biệt ông ta còn nhìn tôi chăm chú, cười nói:
Đây là cháu của lão Lý à? Lớn hơn con trai ta mấy tuổi đấy! Ông nội liền nói:
Cháu ta đây sao có thể so với con ngài, nếu nó có thể trở thành anh hùng thiếu niên giống Quân tướng quân, ta đã thỏa mãn rồi. Khi đó tôi luôn cho rằng chuyện tôi đánh nhau đã truyền rõ mười mươi đến tai ông nội, bèn ngoan ngoãn đứng bên cạnh nghe ông nội chê bai, sau khi họ nói mấy câu khiêm tốn, ông nội mới nói:
Chuyện này phải làm phiền tướng quân rồi, nếu có thể tìm được người luyện khoáng thạch, lo gì không đánh được Tây Di?”.
Tuy ta không hiểu cha nhưng ta còn chưa ngợ ra, hình như có rất nhiều chuyện liên quan tới ông thì phải. Ngay cả chuyện lụi bại của Lý gia năm đó cũng có liên quan đến ông ấy ư? Ta không khỏi nghĩ đến chuyện năm xưa khi ông tưởng chừng như vô ý nói bóng gió để ta đi cứu người Lý gia, xem ra mỗi một bước đi của ông đều đã có kế hoạch rồi. Ông biết rõ ông thoáng nhắc đến thì ta cũng sẽ dốc toàn lực hoàn thành, thế nên mới nói chuyện như không thèm để ý?
“Tôi nhớ một tháng trước khi bị tịch biên tài sản, ông nội từng nhận được thư của ông ta, đọc xong liền cười to:
Thì ra là như vậy, không ngờ gần trong gang tấc, chuyện ta báo cáo với Hoàng thượng đã được rồi? Thế nên đọc xong thì quay về phòng viết thư. Không ngờ mười mấy ngày sau, Lý phủ liền bị đội vệ binh hoàng gia bao vây, tội danh là ông nội phản quốc… Có điều khi ấy đã có
điềm báo cho chuyện này rồi.
Tôi nhớ mấy ngày trước khi bị tịch biên tài sản, ngày nào cũng phải tới nửa đêm ông nội mới về phủ, vừa về phủ là vào thư phòng nghị sự cùng ai đó. Người chứng kiến đến từ khắp mọi nơi, chỉ không có người triều đình, vừa ra ngoài cửa sắc mặt đã vô cùng nặng nề u ám.
Trước ngày trước khi bị tịch biên tài sản, khuôn mặt ông mỏi mệt vô cùng, gọi cha tôi tới thư phòng nói chuyện hồi lâu, ra khỏi phòng sắc mặt của ai cũng nặng nề. Đến cuối cùng ông cũng gọi tôi vào, dặn dò tôi sau này phải chăm sóc cha mẹ, đệ muội cẩn thận, dứt khoát không được chơi đùa lêu lổng nữa. Tôi thấy không khí nặng nề bèn nói đùa:
Ông nội yên tâm đi, con ắt lấy Quân thiếu tướng làm gương, không phụ người dạy bảo. Ông nghe tôi nói xong, trên mặt lại không có vẻ dễ chịu mà là vẻ phức tạp, hồi lâu mới nói:
Giống kiểu người kia cũng chưa chắc là chuyện tốt. Tôi lơ đễnh bước tới bàn sách liền nhìn thấy trên bàn có bức vẽ đôi tay, ngón tay cái hơi cong vào trong, đầu ngón tay thon dài mượt mà cực kì, hình như bẩm sinh vốn không thẳng, nhưng lại có nét đẹp đặc biệt. Tôi không khỏi hỏi ông:
Ông nội, đôi tay này là của ai? Ông nội nắm lấy tờ giấy kia, vo thành một nắm:
Con đừng can thiệp vào chuyện này”.
“Đôi tay ấy? Ngươi nói đôi tay ấy giống Giang Tử Sơ…?”.
“Đúng, tuy đôi tay kia không phải là tay của cùng một người nhưng hình dáng lại rất giống. Thế nên, tôi vừa nhìn thấy đôi tay kia liền nhớ đến tờ giấy ông nội vo thành một cục. Mặc dù tôi không rõ nguyên nhân thực sự Lý gia bị hoạch tội năm ấy nhưng tôi biết, chuyện này ắt hẳn có liên quan đến đôi tay kia. Tôi lấy thân phận Mặc Tử Hàn làm sủng thần một thời gian dài, cũng đã nhiều lần làm chuyện hoang đường, hơn nữa còn cố ý loan truyền không ít tiếng xấu, nhưng bất kể kiểu gì cũng không sao tra được chân tướng năm đó, chỉ biết là hồi ấy có một lượng lớn quặng vàng biến mất từ tay ông nội, hơn nữa còn có liên quan chút đỉnh đến Tây Di, lúc này mới định tội ông nội biển thủ.
Tuy tôi không tin ông nội là hạng người như thế nhưng đầy đủ chứng cứ lại không khỏi khiến người khác không tin. Hơn nữa, trong mắt tôi, đương kim Hoàng thượng tuy có phần không quyết đoán nhưng có thể coi là một Hoàng đế tốt, không kinh khủng như lời đồn bên ngoài. Ông ta đối xử với tôi cũng không giống lời rêu rao ngoài kia… Chẳng qua vì dung mạo của tôi nên thường gọi tôi tới hầu rượu mà thôi… Thế nên, có nhiều lần tôi cũng muốn trút mọi oán trách năm đó lên ông ta nhưng vẫn không thể buông bỏ mối nghi ngờ trong lòng, tôi thậm chí còn không biết phải hận thù kẻ nào”.
Ta khẽ nói: “Thật ra thì ta với ngươi giống nhau, mối thù Quân gia thôn bị diệt năm đó, không biết phải nhắm vào kẻ nào”.
Ta và hắn đồng thời im lặng, đều không muốn nói ra tên của người hẳn là kẻ thù thực sự. Khi chân tướng từng bước được vạch trần, hết thảy sự thật năm đó đều rõ ràng. Đáng tiếc, lúc này ta lại có phần không muốn chân tướng này lộ rõ.
Dung mạo? Hắn nói đến dung mạo, dường như có thứ gì đó chợt chui vào đầu ta, liên kết hai chuyện. Nhưng khi suy nghĩ cẩn thận thì không sao nghĩ nổi, tựa như phải mà là không phải, mơ hồ không rõ.
Ta đành phải tạm thời không nghĩ đến chuyện này nữa, hỏi: “Xem ra trên người Giang Tử Sơ quả thật có thứ gì đó chúng ta không biết, nhưng không biết bản thân nàng ta có rõ hay chăng…”.
“Thuộc hạ thấy dáng vẻ nàng ta không giống giả trang”.
Ta mỉm cười: “Không hẳn đâu, phụ nữ không bao giờ thoát nổi chữ tình”.