“Vậy em sẽ làm tiểu thần tiên.”
Minh Tiêu nằm trên giường nhẹ giọng nhẩm đọc dòng chữ trên bìa của cuốn tiểu thuyết Mắt Thấy. Cảm giác quen thuộc rất mơ hồ mà cũng rất xa xăm lúc chiều khi mới nhận sách lại nổi lên, có thể bởi vì trời đêm tĩnh lặng, phòng ngủ chỉ mở một ngọn đèn đầu giường ấm áp, loại cảm giác thân quen ấy bỗng dưng lại nhuộm thêm nhiều hơn một phần hoài niệm xa xăm.
Nhưng hoài niệm cái gì cơ chứ?
Là một ai đó trong quá khứ hay chuyện gì?
Minh Tiêu khép sách lại, nhắm mắt day day mi tâm, nỗ lực tìm kiếm nguyên nhân cảm giác hoài niệm trong trí nhớ phức tạp của mình.
Nếu quả thật từng nghe qua câu nói này ở nơi nào đó, vậy hẳn phải là thật lâu trước đây rồi. Thời niên thiếu? Hay là tuổi ấu thơ nhỉ?
Chợt nhớ tới cuộc sống khi mới khoảng mười tuổi, Minh Tiêu đột nhiên mở mắt ra, ánh mắt trống rỗng mà nhìn một điểm vô định trong không khí.
Đối với anh tuổi ấu thơ hay thời niên thiếu tựa hồ chẳng có bao nhiêu ký ức vui vẻ, càng không thể nói là hoài niệm.
Minh Tiêu sinh ra trong một gia đình thuộc tầng chót của thành phố, cha mẹ đều là công nhân viên chức bị cho nghỉ việc sau khi đất nước cải cách. Theo lý thuyết, anh sẽ hoàn thành chương trình giáo dục bắt buộc dưới sự chỉ dạy của thầy cô giáo, sau đó sẽ giống như rất nhiều người con trong các gia đình khác hoặc là đi học trường dạy nghề, hoặc là tới các thành thị vùng duyên hải dốc sức làm ăn. Thế nhưng cha mẹ anh lại là những người ham hư vinh, quyết đặt toàn bộ cuộc sống tương lai của gia đình đè lên đôi vai con trẻ của mình.
Mười mấy năm trước, giáo dục tư nhân phổ biến một thời, các bậc phụ huynh vì không muốn con cháu của mình thua ở đường xuất phát, hoặc nhiều hoặc ít đều sẽ bỏ tiền ép con học đủ loại lớp phụ đạo hoặc lớp năng khiếu. Thế nhưng bức ép con cái vào chỗ chết như nhà họ Minh thì lại không thường thấy.
Trong trí nhớ của Minh Tiêu, từ khi đi nhà trẻ cho đến khi bị đưa tới quốc học đường kín cổng cao tường trong núi thì anh chưa từng có một ngày vui vẻ nô đùa như những đứa trẻ khác.
Cha mẹ anh dốc hết sức lực tiền tài đăng ký đủ loại lớp học cho anh, mà cả nhà thì ngày qua ngày ăn dưa muối, cơm canh đạm bạc. Thứ mà Minh Tiêu phải học quá nhiều, toán, thư pháp, mĩ thuật, nhảy múa, văn học, thủ công, võ thuật và cả thổi sáo —— sở dĩ học sáo bởi vì đây là thứ nhạc cụ duy nhất cha mẹ anh có thể mua được.
Khi còn là một đứa bé Minh Tiêu từng khóc lóc kêu gào, đêm hôm khuya khoắt quỳ trên mặt đất cầu xin mẹ cho mình được ngủ, thế nhưng đổi lại đều chỉ là những cái tát xây xẩm mặt mày.
Người mẹ từ trước đến giờ luôn coi anh là niềm kiêu hãnh đỏ bừng hai mắt, liên tiếp dùng những lời miệt thị không hề thấu tình đạt lý mắng chửi anh, cho rằng anh không hiểu nổi khổ tâm và mong chờ của cha mẹ.
“Tao là mẹ của mày! Sao mày dám cãi tao? Mày ngoan ngoãn biết điều được không hả? Tao với ba mày thà rằng cả nhà đói bụng cũng phải mời thầy mời cô về dạy dỗ mày, giờ mày báo đáp cha mẹ mày thế à? Hả?”
“Mẹ không cho mày ngủ sao? Hiện tại là lúc mày nên ngủ à? Mẹ nói cho mày biết, hôm nay không vẽ xong thì đừng hòng ngủ! Mẹ thức với mày! Hai mẹ con ta khỏi ngủ!”
“Cục cưng ơi, con có thương mẹ không vậy? Con nhìn lại nhà mình xem, ba mẹ không có cái gì, chỉ có mỗi con thôi. Ba mẹ chẳng có học vấn, chẳng có gì cả mới cơ cực dưới đáy xã hội thế này. Con là toàn bộ hi vọng của ba mẹ! Sau này chúng ta phải dựa hết vào con đấy! Con không thể kém cỏi vậy được, nếu như con chẳng ra gì, ba mẹ già rồi thì biết làm sao đây?”
“Con phải có lòng hiếu tâm đấy, ba mẹ đã trả giá nhiều như vậy cho con rồi, bây giờ con chịu được khổ thì tương lai mới có thể trở thành người thành đạt đứng trên mọi người chứ!”
…
Ký ức một mạch xông lên đầu, kéo theo mùi ẩm mốc của gian nhà dành cho công nhân viên chức bị sa thải sau chế độ mới, sắc mặt người mẹ khổ sở điên cuồng và cả những bài tập dẫu không ăn không ngủ cũng chẳng thể hoàn thành, hay những môn năng khiếu gò bó chẳng thể thoát ra được. Minh Tiêu theo bản năng nắm chặt ra trải giường, hô hấp dần trở nên dồn dập.
Quá khứ của anh là cơn mưa dai dẳng tăm tối kéo dài suốt mười mấy năm.
Tới khi lên lớp 4, tâm tư của Minh Tiêu liền bị sự cố chấp của cha mẹ mài thành một cục đá mất hết đi nhiệt độ.
Khi ấy anh chỉ muốn sớm trưởng thành, sớm có thể tự lập, có thể rời đi rồi không bao giờ trở về nữa.
Nhưng mà, vào năm Minh Tiêu còn đang dang dở chương trình lớp 5, chuyện bết bát hơn lại xảy ra. Mẹ anh không biết từ nơi nào hỏi thăm được tỉnh kế bên có một quốc học đường chuyên môn bồi dưỡng “Tinh anh cho tương lai”, chỉ cần thông qua “cuộc xét tuyển” rồi nộp một khoản học phí đắt đỏ là có thể vào học.
Lúc đó rõ ràng cả nhà đã chẳng còn bao nhiêu tiền nhưng Minh Tiêu vẫn bị cha cưỡng ép mang tới phân hiệu của quốc học đường đặt ngay cùng thành phố, bị thầy giáo chiêu sinh “liếc mắt một cái liền ưng ý”.
Người thầy kia nói với cha Minh rằng: “Con trai của anh là thiên tài bẩm sinh, có điều tính cách nó quá cứng đầu, nếu như tỉ mỉ rèn giũa thì tương lai ắt sẽ thành công, nếu như ngó lơ không quan tâm thì sẽ dần tàn phai chìm trong đám người kém cỏi.”
Cha Minh vô cùng mừng rỡ, về nhà thuật lại chuyện này cho vợ, hai vợ chồng lập tức đi vay tiền khắp nơi, một tuần lễ sau dùng cớ chuyển trường đưa Minh Tiêu tới theo học tại quốc học đường trong vùng núi xa xôi.
Cuống họng Minh Tiêu chợt lạnh lẽo, phảng phất xuyên qua thời gian thấy được chính mình lòng tràn đầy oán hận lại cô đơn không nơi dựa vào.
Khi đó Minh Tiêu mới bao nhiêu tuổi?
Quốc học đường kia là nơi thế nào?
Địa ngục, phòng giam, không thấy ánh mặt trời. Thầy giáo chẳng phải thầy giáo, huấn luyện viên không phải huấn luyện viên, mà là kẻ ác, là cầm thú.
Những đứa trẻ bị đưa vào trong đó đều giống Minh Tiêu, cha mẹ là thành phần có thu nhập thấp, tầm nhìn hạn hẹp, tư tưởng ngu muội, ngóng trông mượn con cái của mình để có thể một bước lên trời, thế nhưng trong đấy cũng có không ít đứa trẻ đến từ gia đình giàu có. Chúng như một đám người mắc bệnh dịch bị ngăn cách với thế giới bên ngoài, bị cái danh nghĩa “Quốc học” giam cầm, bị mắng chửi, không được ăn cơm và đánh đập tập thể là chuyện thường, kinh khủng nhất chính là…
Minh Tiêu không muốn nhớ tới đám xấu xa đó nữa, chỉ cần nghĩ đến bản thân đã từng sống chung một mái hiên với những thầy giáo, những huấn luyện viên ác quỷ đội lốt người kia thì sẽ nhịn không được muốn ói.
May mắn vì từng được học võ, anh là số ít học sinh trong quốc học đường mà không bị huấn luyện viên bắt nạt. Lúc mới đầu anh không muốn dính líu chuyện của người khác, hoàn cảnh lớn lên đã khiến anh chẳng còn giống một đứa bé nữa. Mà ở trong quốc học đường lâu, chứng kiến những đứa bé trai xấp xỉ mình bị đánh, bị ném xuống đất bạo hành, thậm chí bị huấn luyện viên xâm phạm, rốt cục Minh Tiêu không thể nhịn được nữa.
Người đầu tiên mà anh cứu là một cô bé lớn hơn Minh Tiêu hai tuổi.
Nửa đêm, tiếng khóc sợ hãi thê lương và tuyệt vọng của bé gái vang khắp hành lang, Minh Tiêu từ trên giường nhảy lên một cái, đá văng cửa phòng huấn luyện viên kéo đứa bé gần như trần trụi kia ra.
Khi ấy anh bị thương, vỡ đầu chảy máu, nhưng tên huấn luyện viên không bằng cầm thú kia cũng chật vật không kém, gãy một cánh tay, nội tạng bị đạp vỡ.
Không lâu sau, cha mẹ của bé gái tới đón con đi, từ đó về sau không còn quay lại nữa, mà tất cả tin đồn gièm pha về quốc học đường lại bị ép xuống.
Thế gian rất nhiều người làm cha làm mẹ dịu dàng thấu hiểu, xứng đáng với hai từ thiêng liêng ấy; mà cũng có