Bởi vì chiến sự vẫn chưa yên nên mọi nghi lễ ngày Tết đều được cắt giảm. Bữa cơm đoàn viên vốn nên quây quần cùng nhau nhưng do vương phi và Chuyển Chuyển bất hòa nên cũng bị hủy luôn, ai ở viện nấy đón giao thừa.
Mấy bà vợ thì không sao, chỉ khổ Tề vương. Đầu tiên, y phải đến chỗ vương phi Vi thị ăn mấy miếng, sau đó lại đến Tử Trúc Lâm với Chuyển Chuyển. Lúc ở cạnh vương phi, y phải lễ độ cung kính, bởi lẽ Vi phi xuất thân không tầm thường, dù sau này y có đăng cơ thì cô ta cũng là chọn lựa thỏa đáng cho ngôi hoàng hậu. Đến chỗ Chuyển Chuyển thì thoải mái hơn nhiều, Chuyển Chuyển là người không câu nệ tiểu tiết, đố số uống rượu trò gì cũng chơi, vậy nên đón giao thừa ở đây cũng vô cùng náo nhiệt.
Liên Đăng tựa ghế uống trà nghe hát, dàn kĩ nhạc đang khẽ ngân nga lời hát ở trong đình, cách một hồ nước nhỏ. Cô chống cằm lắng nghe, họ đang hát về non sông quốc gia và cả nỗi sầu nhớ quê. Thật ra đến giờ, cô nhớ nhớ quãng thời gian ở Đôn Hoàng. Dù bây giờ đã có cuộc sống yên ổn, có cơm ngon áo đẹp, cô vẫn hằng khắc ghi kí ức được lao băng băng trên cồn cát.
Nô tì dâng đĩa kem Tô Sơn lên, đĩa kem được làm thành hình hoa mẫu đơn rất độc đáo. Cô quay sang nhìn, là Tề vương cho người đưa tới, bèn gật đầu cảm ơn y. Tề vương hỏi: “Sao hôm nay Đàm Nô không có mặt thế?’
Chuyển Chuyển cười đáp: “Lang quân của cô ấy nhớ nhung da diết nên cố ý đón tới phủ tướng quân rồi.”
“Ồ. Chờ chiến trận qua đi, chắc chuyện vui cũng tới thôi. Đàm Nô và Liên Đăng đều định cư ở Trường An, nàng cũng không cần suốt ngày ầm ĩ đòi về Khâu Từ nữa.”
Mỗi lần nhắc đến vấn đề này, không biết vô tình hay cố ý đều phải nhắc đến Liên Đăng, cô nghe xong vẫn không có phản ứng gì, chỉ tập trung nghe nhạc. Đêm dần sâu, ngồi lâu cũng hơi mệt, cô che miệng ngáp: “Thực sự không trụ nổi nữa. Thứ cho em cáo từ trước.” Nói đoạn, cô đứng lên hành lễ bái chào, kéo dây lụa thướt tha rời đi.
Chỗ cô ở tên là Lộc Cảng, rất xứng với Cửu Sắc. Lúc cô đi, nó đang lững thững đi dạo trong rừng trúc. Trông thấy cô, nó lập tức nhảy đến trước mặt. Liên Đăng vỗ đầu nó, dẫn nó trở về. Trời đêm nay trăng mờ sao thưa*, đèn màu được đặt dọc đường đi khiến nền gạch xanh họa tiết hoa sen cũng nhuốm màu lấp lánh. Cô thở dài nói với Cửu Sắc: “Mày nói xem lúc về, Đàm Nô có nhắc đến chuyện thành thân với tao không nhỉ?”
(*gốc. 天上月淡星稀. Cá: Chắc 30 Tết vẫn có trăng khuyết nhỉ?)Cửu Sắc không hiểu lời cô, ánh mắt mờ mịt. Liên Đăng kiên nhẫn nói: “Mày đi ra với tao, chuyện cưới xin sau này tính sao đây? Hai ngày nữa chúng ta tới vườn hươu chọn một cô nương xinh đẹp làm vợ mày nhé?”
Lần này Cửu Sắc đã hiểu, nó chẳng hề giấu giếm, vui ra mặt nhảy tưng tưng lên. Liên Đăng bật cười: “Lấy vợ vui đến thế cơ à.” Đoạn, cô búng sừng nó: “Đồ kém tắm!”
Sắp đến giờ Tý, màn đêm dày đặc, sương mù mịt mờ giăng kín lối, tựa tầng sa che phủ gương mặt. Cô bảo nó đi nhanh lên, đến dưới thềm, cô cởi giày, chỉ đi tất lụa trên sàn nhà. Cô đến chỗ chiếc hộp cạnh cửa sổ, lấy hai miếng bánh bã đậu, nằm nhoài dưới thềm đút cho nó, khẽ nói: “Ăn xong rồi đi ngủ đi, đừng đi lung tung nữa, ngày mai gặp.”
Tai Cửu Sắc chợt rung lên, nó quay phắt sang nhìn chỗ cổng viện. Cô nhìn theo tầm mắt Cửu Sắc, một người chậm rãi bước ra khỏi bóng tối bên ngoài bức tường, người ấy bận áo lụa móc vàng vân bạc, eo thắt đai ngọc, tóc chàng ta dài hơn trước kia rất nhiều, gần chạm vạt áo. Có cơn gió thoảng qua, mái tóc bay phất phơ, bóng dáng ấy tựa ảo mộng, không giống vật hiện hữu trên thế gian.
Liên Đăng chống người đứng dậy, lui về sau hai bước, nhìn chàng ta với vẻ đề phòng. Chàng ta chậm rãi bước tới ánh sáng, gọi tên Cửu Sắc. Cửu Sắc tung tăng chạy tới, đi được một nửa lại nhớ ra gì đó, dừng bước nhìn sắc mặt Liên Đăng. Liên Đăng mặt mày lạnh tanh, quay người vào trong nhà, đóng sầm cửa lại.
Cô vẫn còn ghét chàng ta, không muốn trông thấy chàng ta. Nửa đêm nửa hôm không mời mà tới, giao tình giữa chàng ta và Tề vương tốt đến mức để mặc chàng ta tự do lui tới ư? Cô ngồi xuống trước bàn trang điểm, gỡ búi tóc, lòng hơi rối bời. Bóng chàng ta dần in lên giấy hoa đào, đèn lồng lắc lư, chiếc bóng cũng lung lay theo. Quốc sư gõ cửa: “Liên Đăng, hôm nay là giao thừa, nàng không muốn ở bên tôi sao?”
Cô ghét cái giọng điệu này của chàng ta, dường như mọi thứ trước đó chỉ là do cô trẻ con giận dỗi, muốn ầm ĩ với chàng ta. Quốc sư cứ hờ hững với hậu quả mà chàng ta đã tạo
ra, đến cuyện mất con cũng nói cho qua nhẹ tênh. Cô gằn giọng đáp: “Tôi đã nói rất nhiều lần rồi, tôi không muốn gặp quốc sư, tại sao quốc sư cứ bám rít tôi như âm hồn không tan thế?”
Quốc sư buồn bã nói, giọng điệu không nhanh không chậm: “Cuộc đời nàng trước giờ luôn buộc chặt với tôi, bây giờ muốn bứt ra đã không kịp nữa rồi.”
Liên Đăng tóm cây trâm bích ngọc lên, nói với vẻ bực tức: “Tôi không nợ nần quốc sư một xu một cắc nào, tôi cho rằng ngày ấy ở phường Nhân Đức, tôi đã nói rõ mọi thứ rồi. Quốc sư còn đến làm phiền nữa thì đừng trách tôi không khách sáo.”
Chàng ta lặng thinh, chiếc hình in trên giấy hoa đào cúi đầu xuống. Chàng ta ta khẽ nói: “Tôi không chấp nhận. Lời chấm dứt nàng nói không được tính. Đúng là nàng không nợ nần gì tôi nhưng tôi lại nợ nàng rất nhiều. Tôi còn nợ nàng, nên nàng không thể từ chối tôi được.”
Cô thực sự thấy rất phiền chán: “Tôi không cần quốc sư trả nợ. Chuyện giữa chúng ta đã qua rồi thì thôi, sau này không còn liên quan đến nhau nữa, được không? Quốc sư có thể tìm cô gái khác, thân phận quốc sư cao quý như thế, con gái chạy theo quốc sư xếp thành hàng dài, hà gì không phải tôi thì không được? Cầu xin quốc sư hãy buông tha cho tôi. Nếu còn niệm chút ân tình xưa kia thì xin quốc sư hãy nương tay, chừa cho tôi con đường sống!”
Quốc sư bấu chặt song cửa, lòng đau thắt lại. Chàng ta không dám nóng lòng giảng hòa quá, một lát sau mới nói: “Tôi không ước mong xa vời nàng sẽ yêu tôi, chỉ mong nàng tha thứ cho tôi. Chờ xử lí xong kẻ đã làm nhục nàng, tôi muốn ở bên cạnh nàng, không cần nàng làm gì hết, để tôi được thấy nàng là được rồi.”
Nhắc đến vị quốc sư kia, lòng cô lại ngập tràn nỗi ô nhục. Chẳng phải tất cả đắng cay nhục nhã mà cô phải chịu đều do chàng ta hại hay sao? Cô có thể cảm thông chuyện chàng ta triệu vong hồn để kéo dài tính mạng, cũng tán thành chàng ta làm thế. Nhưng chàng ta không nên bỏ mặc cô, vứt cô cho một người giống hệt chàng ta, khiến cô thương y chẳng chút ngần ngại, khiến cô làm nũng yêu kiều với y. Mặt mũi cô đã mất sạch, bây giờ chàng ta tới sám hối cũng còn tác dụng gì?
“Tại sao quốc sư lại trách người khác. Chẳng phải tất cả mọi thứ đều do chính quốc sư gây ra hay sao? Ân sư của quốc sư vốn lục căn thanh tịnh, do bị tôi quyến rũ nên mới lạc bước hồng trần, hết thảy đều do quốc sư mà ra. Quốc sư vứt tôi lại thì phải nghĩ đến có ngày hôm nay, uổng cho quốc sư tính được thiên cơ mà đến đạo lí đơn giản như vậy cũng không hiểu được. Đạo hạnh trăm năm của quốc sư cũng chỉ đến thế mà thôi.” Cô cười gằn: “Quốc sư về đi, tôi nói nhiều thành ra lại như vẫn còn tình cảm với quốc sư.”
Nỗi đau thương khiến lòng cô đã nguội lạnh, bây giờ cô nói chuyện chẳng hề để tâm đến cảm nhận của chàng ta, vậy nên cô đã thật sự hết hi vọng với chàng ta rồi. Nhưng còn chàng ta, chàng ta biết làm sao đây? Cô có thể toàn thân rút lui nhưng chàng ta lại không thể. Cô còn cuộc đời rất dài, chàng ta thì đã chẳng thể trông mong được yêu thêm lần nữa. Thế nên khi đi đến điểm cuối sinh mệnh, chàng ta cũng chỉ có mình cô thôi.
Chàng ta cố gắng không để cảm giác thất vọng đánh bại, vẫn ôm chút hi vọng cuối cùng, hạ mình van nài cô: “Để tôi vào đi, bên ngoài lạnh lắm.”
Trước kia chàng ta không sợ lạnh bởi vì cơ thể không có độ ấm, mùa đông giá rét hay ngày hè oi nực cũng chẳng khác gì nhau… Cô nhắm mắt lại, như thế thì sao, bây giờ, đúng sai đều đã không còn liên quan đến cô nữa. Cô quay mặt đi, không nhìn chàng ta nữa: “Quốc sư về đi, tôi phải đi ngủ rồi.” Cô nhấc váy đi tới thổi tắt ngọn nến trên bàn.
Quốc sư vẫn đứng yên, thức sự không còn cách nào khác, định xông vào: “Tôi vào nhé, cho tôi sưởi ấm một chút rồi sẽ đi.’
Đương nhiên là Liên Đăng không đồng ý, đang định từ chối thì thấy chốt cửa đã bị lỏng ra, chàng ta nhẹ nhàng đẩy cửa bước vào, quần buộc ống màu tím nhạt nổi bật trên tất lụa trắng như tuyết.
- -----oOo------