Mấy chiếc xe buýt cỡ lớn đậu trước tòa lầu văn phòng cơ quan, nơi mà chưa tới một tháng nay đã có năm người nhảy từ trên gác ô cửa sổ xuống đất quyên sinh. Hơn một trăm nhân viên đợt đầu tiên đi nông thôn, đội ngũ chỉnh tề để nghe đại diện ủy ban quân quản huấn thị, dặn dò trước khi lên đường, mỗi người cài trên ngực một đóa hoa đỏ làm bằng giấy rõ to, đây là chỉ thị của đại diện Trương, yêu cầu văn phòng phải làm gấp cho kịp ngày giờ xuất phát. Trong đội ngũ hôm nay hơn một nửa là nhân viên đã có tuổi, cả phụ nữ, người đủ tiêu chuẩn về hưu nhưng chưa làm thủ tục, một vài bệnh nhân cao huyết áp bấy lâu nay ở nhà nghỉ dưỡng, bao gồm lão cán bộ thời căn cứ Diên An và đội viên du kích quân từng tham gia trận địa đạo chiến ở bình nguyên Ký Trung[11]. Họ thuộc diện “chỉ thị 5.7” mới nhất của ông Mao vừa ban bố, về nông thôn cày ruộng, cài hoa đỏ lên ngực để chứng tỏ lao động cải tạo là vinh quang.
Đại diện Trương từ trên lầu bước xuống, trong tư thế sĩ quan quân đội, cất tay chào mọi người theo nghi thức nhà binh, đoạn nói:
- Các đồng chí, kể từ hôm nay các đồng chí đã trở thành chiến sĩ “5.7” quang vinh, các đồng chí là đội tiên phong nhận lãnh sứ mạng quan trọng xây dựng trường đại học cộng sản chủ nghĩa theo lời kêu gọi của lãnh tụ Mao Chủ tịch, tôi xin chúc tất cả có nhiều gặt hái, bội thu, được mùa trên cả hai lĩnh vực, lao động và tư tưởng.
Thật không hổ danh là một quân nhân chính quy, lời huấn thị của đại diện Trương không thừa không thiếu một chữ, nói xong ông giơ tay ra hiệu, vừa mời, vừa đuổi mọi người lên xe. Gia đình, đồng nghiệp lưu luyến tiễn đưa, hầu như trên tất cả mọi ô cửa tòa lầu đều thấy nhân viên thò đầu, vẫy tay. Ba năm nay chia phe chia phái, đấu đá nhau như vậy cũng đủ lắm rồi, giờ đây kẻ ở người đi, bỗng trở thành đồng chí, quay về với thuở ban đầu, chưa có cách mạng, chưa có phong trào; nhiều phụ nữ cảm động không cầm nổi nước mắt, nhưng nói chung là phấn khởi, hân hoan.
Bản thân anh thì thực sự hả lòng, nhân dịp này mà tìm cách sổ lồng, hăm hở chuẩn bị mọi thứ, đến như cái bô sứ tiểu tiện cũng kỳ cọ sạch sẽ, bao gói cẩn thận xếp vào két gỗ cơ quan cấp miễn phí, tiêu chuẩn mỗi học viên trường cán bộ “5.7” được hai két, ai nhiều đồ đạc, sách vở muốn mua thêm thì tự trả tiền. Đây là nội dung công văn do Văn phòng chuyên trách công tác “5.7” vừa được thành lập theo quyết định của Quốc vụ viện phát xuống tận cơ sở để thực hiện, chứ có phải chuyện đùa đâu. Anh xếp tất cả các cuốn sách vào một trong hai két, chẳng rõ đến lúc nào mới có thể giở ra đọc lại, nhưng anh cứ vẫn mang theo bên mình, như một sự ký thác tinh thần cuối cùng mà anh cần bấu víu.
Đại diện Trương nhận tờ đơn xin hạ phóng về nông thôn của anh và tỏ vẻ lưỡng lự, ông nói:
- Công tác thanh tra vẫn chưa kết thúc cơ mà, nhiệm vụ sau này còn gian nan lắm, sao đồng chí lại...
Không đợi đại diện Trương dứt lời, anh liền tuôn ra một tràng về sự cần thiết và quyết tâm tiếp thu lao động cải tạo, anh còn nói:
- Báo cáo đại diện Trương, bạn gái của tôi cũng vừa tốt nghiệp đại học và được phân công về nông thôn công tác, trường cán bộ “5.7” xây dựng xong, có lẽ tôi sẽ đón cô
ta cùng đến đó an cư lạc nghiệp, lập tổ ấm gia đình, nguyện một đời ở nông thôn làm cách mạng!
Anh nói khá rõ ràng, không mập mờ trốn tránh, suy nghĩ rất thực tế và đại diện Trương gật đầu, đoạn lúng liếng con mắt, ấy là lúc ông quyết định số phận sinh tử của anh. Cuối cùng Trương hét lớn:
- Hảo! Tôi đồng ý - Trương hỷ hả, anh thở phào, duy chỉ có một người can ngăn “cậu không nên đi”, đó là Đại Lý.
Anh như nghe thấy ý trách móc của Đại Lý. Đồng chí Vương Kỳ, người được anh bảo vệ đã đến tiễn chân, mắt bà đỏ mọng, vội quay mặt, che giấu nỗi buồn chia ly. Đại Lý cầm tay anh và khóc thực sự, khóc một cách chất phác hồn nhiên, dẫu vậy hai người cuối cùng cũng không kết thành bạn bè, anh cảm thấy Đại Lý rất cô đơn. Phái tạo phản bị đánh bại, tan rã, anh chỉ có chiến hữu chứ chẳng có bằng hữu và rốt cuộc anh đã bỏ rơi họ, những người từng chung một chiến hào. Trước khi xuống lầu tập hợp đội ngũ, anh đến chia tay với lão Lưu. Lão nắm chặt tay anh, như nắm lấy một cọng rơm cứu mệnh mà giờ đây cọng rơm đó cũng lẳng lặng tuột mất, hai người không nói nên lời, lão Lưu đành thả tay cho anh đi, cho anh thoát khỏi cái tổ ong điên rồ, thoát khỏi tòa lầu luôn chế tạo ra chết chóc.
Nhà ga Tiền Môn Ngoại nhân sơn nhân hải, trên bậc thềm, trong toa xe, toàn người là người. Người đi kẻ tiễn chen nhau, phần lớn là công nhân viên chức, cán bộ và học sinh trung học thuộc diện hạ phóng về nông thôn lao động cải tạo, an cư lạc nghiệp. Cũng may sinh viên đại học đã bị tống đi biên giới từ lâu rồi, nếu không, chắc sẽ còn đông đúc hơn nữa. Lũ trẻ lên tàu chẹt cứng ở mỗi cửa toa, vẫy tay chào cha mẹ, lắng nghe lời căn dặn cuối cùng của người lớn trong giờ phút sinh ly tử biệt này. Lại thêm tiếng trống, tiếng chiêng của đội tuyên truyền công nhân gõ và đánh hết cỡ, tống tiễn những “chiến sĩ” đi đầu thực hiện chỉ thị của lãnh tụ tối cao, càng làm cho cảnh tượng huyên náo vô cùng.
Nhân viên nhà ga mặc đồng phục màu xanh thổi còi liên hồi, yêu cầu người đưa tiễn không vượt quá vạch an toàn, rồi bỗng nháo nhác vì quân cảnh xuất hiện dẹp đường cho một toán phạm nhân cạo trọc đầu, tay cầm bát sắt tráng men, đi theo hàng tuần tự lên tàu, vừa bước vừa “hát” khẩu hiệu theo tiết tấu hành khúc. “Thật thà, thật thà, trở lại làm người, chống cự cải tạo, là tìm đường chết!” Ca từ chỉ mười sáu chữ, lặp đi lặp lại đến não lòng, nghe như một khúc an hồn.
Đoàn tàu lăn bánh rời ga, thế là anh đã thoát được cảnh khủng bố ở thủ đô. Anh thở phào nhẹ nhõm, phía trước là cày ruộng, chăn bò, không hề gì, anh sẽ làm được tất, miễn là “tự do hai chữ ngọt ngào”, anh trẻ khỏe, không bận bịu thế nhi, vả lại thời đại học nông thôn nào có lạ lẫm gì, cực nhọc một tý, nhưng tinh thần thoải mái. Anh định hát, hát cho vỡ tung lồng ngực mà bấy lâu bị nghẹn uất, nghĩ mãi chẳng tìm ra bài nào cả, tốt nhất là im lặng, hát trong lòng vậy.