Búa máy “phình, phình” từng tiếng từng tiếng nện xuống, không nhanh không chậm, cứ ba bốn giây lại “phình, phình”. Đảng vĩ đại, Đảng quang vinh, Đảng chính xác còn hơn cả hoàng đế thuở xưa, hay nói đúng hơn, vĩ đại, quang vinh, chính xác một cách vĩnh viễn.
- Các đồng chí, tôi thay mặt Mao Chủ tịch, Trung ương Đảng đến thăm các đồng chí!
Thủ trưởng người tầm thước, khuôn mặt to bạnh, khí sắc hồng hào, giọng nói Tứ Xuyên, nhác trông cũng có thể nhận ra, ông là người đã cầm quân đánh trận. Hồi Văn cách vừa khởi binh, các thủ trưởng còn yên vị chưa bị phế truất, từ Chủ tịch phu nhân Giang Thanh, cho đến Thủ tướng Quốc vụ viện Chu Ân Lai và ngay cả chủ soái Mao Trạch Đông đều vận quân phục màu xanh lá cây. Bí thư đảng ủy cơ quan tháp tùng thủ trưởng lên bục chủ tịch đoàn có trải vải đỏ. Anh nhìn thấy tất cả cửa ra vào của hội trường đều có lính và cán bộ chính trị canh gác.
Gần đến nửa đêm thì từng tốp từng tốp công nhân viên toàn cơ quan lũ lượt tập trung vào hội trường, hơn ngàn chỗ ngồi đều kín mít, ngay cả lối đi cũng không thể chen chân. Một cán bộ chính trị từ quân đội chuyển về cơ quan, tất nhiên là mặc quân phục chỉ huy mọi người hát bài “Ra khơi nhờ tay lái vững”, đây là ca khúc mà binh lính phải hát suốt ngày, âm vực cao đến nỗi cán bộ cơ quan và các văn nhân thời thượng không thể nào theo được. Ngay như bài “Đông phương hồng, mặt trời lên, Trung Quốc xuất hiện Mao Trạch Đông” dùng nhạc điệu dân ca, bách tính mà khi cất lên cũng lổ đổ, không đều.
- Tôi ủng hộ các đồng chí nã pháo, khai hỏa vào bọn đen chống Đảng, chống chủ nghĩa xã hội, chống Mao Chủ tịch!
Cả hội trường cùng một lúc bật lên, hô khẩu hiệu, chẳng rõ ai là người lĩnh xướng, anh chưa kịp chuẩn bị, nhưng vẫn giơ tay một cách vô ý thức. Tiếng hô khẩu hiệu không đều, chỉ có giọng thủ trưởng phát ra từ loa phóng thanh là to nhất và lập tức trùm lên cả hội trường đang râm ran kiểu rang ngô, bụp bụp xòe xòe.
- Tôi ủng hộ các đồng chí nã pháo, khai hỏa vào tất cả lũ đầu trâu mặt ngựa, các đồng chí chú ý, tôi nói “tất cả”, nghĩa là không bỏ sót bất kì một ai có biểu hiện phản động dưới bất kì hình thức nào, đang ẩn nấp trong mọi xó xỉnh nội bộ chúng ta. Thời cơ đến một cái là bọn nó sẽ nhảy ra, điên cuồng chống phá. Mao Chủ tịch nói rất chí lí, bọn phản động vô cùng ngoan cố, nếu đồng chí không đánh, thì chúng cứ thế trơ trơ.
Đằng trước, đằng sau, bên trái, bên phải anh đã có nhiều người cảm kích đứng dậy giơ tay và hò hét:
- Đả đảo tất cả bọn đầu trâu mặt ngựa!
- Mao Chủ tịch muôn năm!
- Muôn năm!
- Muôn muôn năm!
Tiếng hô khẩu hiệu lúc này đã có vẻ đều hơn, hết đợt này tới đợt khác, nối đuôi nhau như sóng cuộn, cả hội trường trở thành biển sóng, không đầu không đuôi, không sức nào hay vật gì cản nổi, anh cảm thấy trong người như có gai, - không dám nhìn xung quanh và lần đầu tiên ngộ ra rằng, những khẩu hiệu thường ngày vẫn hô, vẫn nghe mà giờ này sao uy lực, rùng rợn đến thế. Mao Chủ tịch nào có ở xa xôi nơi chân trời góc biển, nào có phải đấng thần linh dữ tợn gì cho cam mà sức mạnh lại phi thường đến thế. Anh không thể không hô theo mọi người, anh không thể không hét thật to cho rõ lời rõ tiếng, càng không thể không mở mồm nhanh nhất.
- Tôi không tin - diễn giả tiếp tục - tất cả mọi người ngồi đây, ở một nơi mà trí thức các anh tập trung thành đàn thành đống như thế này, lại đều là cách mạng. Tôi không nói trí thức là không tốt, tôi nhấn mạnh, tôi không nói như vậy đâu nhé. Tôi chỉ nói cái bọn múa bút, hô khẩu hiệu với chúng ta, giương cờ đỏ nhưng chống hồng kì, phát biểu. Thế này mà suy nghĩ thế kia, hoàn toàn khác biệt, cái lũ người hai mặt, công khai nhảy ra phản cách mạng thì non gan không dám. Thử hỏi trong hội trường này có bọn nó hay không, ai, ai dám vỗ ngực chống Đảng Cộng sản, chống tư tưởng Mao Trạch Đông, chống chủ nghĩa xã hội, tôi xin mời lên đây, mời, mời...
Cả hội trường im thin thít, như ngưng thở, như chết cứng, một cái kim rơi xuống, chắc chắn là có thể nghe thấy!
- Dưới bầu trời của vô sản chuyên chính, bọn chúng phải hóa trang, trà trộn, nhân khi Mao Chủ tịch, Trung ương Đảng phát động Văn cách, bọn chúng xách động, bày trò, kết bè kéo mảng, hòng đánh vào tổ chức đảng, hòng biến chúng ta trở thành hắc bang, âm mưu thật nham hiểm. Các đồng chí, hãy mở mắt ra mà nhìn cho rõ, đằng trước, đằng sau, bên trái, bên phải mình thằng nào, con nào là kẻ thù, là quân địch, là bọn dã tâm, là phường sâu mọt, dù trà trộn ở đâu, trong hay ngoài đảng đều lôi ra đấu cho một trận!
Thủ trưởng rời khỏi bục chủ tịch đoàn, và sau đó cả hội trường cũng im lặng, tuần tự rút lui, không ai dám nhìn ai, sợ ánh mắt của mình sẽ lộ rõ nỗi khiếp đảm trong lòng. Mọi người trở về phòng làm việc, ở đó đèn đã sáng trưng, nhìn nhau, cúi đầu, kiểm thảo, sám hối, không nói gì khác, chỉ tự phê bình với Đảng, khóc lóc sụt sùi. Lạ thật, con người sao mềm yếu vậy, còn rời rã hơn cả bột mì, nhưng để tỏ ra thanh sạch, cần tố cáo kẻ khác thì chao ôi hung ác vô cùng. Một đêm não nùng, tưởng đã có thể ngả mình chớp mắt, ai ngờ thẩm vấn, khảo cung, tra tấn nhau đến tận sáng, bình minh.
Mấy tiếng đồng hồ trước đấy, hết giờ làm việc nhưng theo quy định tới buổi học chính trị, mỗi người một cuốn “Mao tuyển” đặt ngay ngắn trên bàn, ai nấy đều giả bộ lật qua lật lại, đào sâu nghiên cứu cho đủ thời gian quy định là hỉ hả ra về, chưa nghĩ đến cuộc cách mạng như thế này, vì nghe nói chỉ vừa tiến hành với các cán bộ cấp cao trên trung ương, còn lâu mới rơi xuống quần chúng cỡ anh. Nhưng cán sự chính trị bỗng thông báo toàn cơ quan ở lại tham dự đại hội công nhân viên chức, lúc ấy đã tám giờ tối, phải chờ hai tiếng nữa, may ra sẽ có lệnh tập trung. Lão Lưu trưởng phòng ngậm tẩm thuốc lá, lâu lâu lại nhồi sợi thuốc vào tẩu, đồng nghiệp hỏi, còn được hút mấy cối nữa, thủ trưởng, lão cười chứ chẳng dám trả lời, nhưng xem ra lão rất lo âu suy nghĩ. Thường ngày lão Lưu không hề quan cách, cũng dán đại tự phê bình đảng ủy, vì vậy đồng nghiệp gần gũi lão hơn. Đã có người nói, ái với lão Lưu là nhất định không sai, - lão liền giơ cao tẩu thuốc lá, lên tiếng cải chính “phải nói là, đi với Mao Chủ tịch!”, ai nấy đều cười rộ lên. Cho tới giờ phút đó đồng nghiệp của lão chẳng ai mong rằng một cuộc đấu tranh giai cấp sẽ bùng nổ ngay trong phòng làm việc của họ. Vả lại lão Lưu là đảng viên tiền bối thời kì kháng chiến chống Nhật, vì vậy luận bàn tư cách, sắp xếp thâm niên, không phải ai cũng dễ dàng ngồi vào cái ghế bọc vải giả da có tay vịn đặt ở giữa phòng kia đâu. Mùi thơm của khói thuốc từ cái tẩu ngậm trên miệng lão Lưu tỏa ngát căn phòng đã phần nào làm cho không khí trong chốc lát đỡ căng thẳng.
Khoảng nửa đêm thì số cán sự chính trị và bí thư chi bộ được phân công về trấn giữ các phòng làm việc, họ tỏ ra rất trầm ổn không lộ rõ thái độ gì, mỗi người phụ trách một nhóm. Phần kiểm thảo, sám hối, tự phê bình, sụt sùi khóc lóc đều đã qua, bây giờ là giai đoạn vạch mặt, phát giác, tố cáo lẫn nhau. Ngồi trước anh là chị cả Hoàng, nhân viên văn thư, thu phát công văn, tài liệu, báo chí... bắt đầu lên tiếng.
Chồng của bà già này từng làm công sai trong chính phủ Quốc dân đảng, đã bỏ bà ta, cùng cô vợ bé chạy ra Đài Loan. Chị cả Hoàng nói, tôi được Đảng cho cuộc đời mới, vẫn cảm động, rút khăn lau nước mắt, khóc òa. Anh không khóc, nhưng lạnh toát xương sống, vì chỉ có mình anh mới rõ tất cả.
Năm mới vào đại học, anh vừa mười bảy tuổi, đại khái còn như đứa trẻ con, thế mà đã một lần tham gia đấu tranh với các phần tử hữu phái trong học sinh. Số sinh viên “tân binh” như anh được ưu tiên ngồi hàng trước để thực sự lĩnh hội lễ rửa bước vào thời kì giáo dục chính trị. Người ta điểm danh các học sinh hữu phái, đến tên ai, kẻ đó đứng lên, đoạn cúi mặt cong lưng bước ra quay lại trước tập thể, chẳng rõ những phần tử hữu phái kia tội tình gì mà thân tàn ma dại, nước mắt nước mũi đầm đìa, trông tội nghiệp như con chó trôi sông. Sau đó, không ai khác, vẫn là sinh viên, từng người từng người nhảy lên một cái bục, chất vấn, vạch mặt họ vì hành vi chống Đảng. Đấu tố xong xuôi, người tố cáo xông vào nhà ăn ăn bằng hết các suất cơm của kẻ bị tố, rồi hòa cả làng như thể không tồn tại vấn đề gì tất. Đó có lẽ là trò chơi tập dượt để bây giờ diễn thật sự, thật trăm phần trăm, nhưng riêng cụm từ “lao động cải tạo” thì mãi đến khi tốt nghiệp đại học anh vẫn chưa nghe tới, hình như nó là những chữ húy kị, không được phép đề cập. Anh không rõ, cha anh bị kiểm tra như thế nào mà sau đó phải về nông thôn lao động cải tạo, và cũng từ mẹ anh úp úp mở mở nói ra một câu. Lúc ấy anh lên Bắc Kinh học đại học, trong thư mẹ viết, bà dùng từ “rèn luyện lao động”. Một năm sau anh về nhà nghỉ hè thì cha anh đã mãn hạn, được làm việc trở lại, xóa tên hữu phái. Tình thực thì ông bà đã một mực giấu anh, cho tới thời Văn cách anh hỏi cha và mới biết, nhờ ông bác họ đi cách mạng can thiệp nên cha anh không phải đội mũ hữu phái, chỉ bị hạ lương, ghi vào lí lịch. Vấn đề của cha anh là ông đã nghe Đảng kêu gọi “trăm hoa đua nở, trăm nhà tranh tiếng” giúp Đảng cải tiến tác phong công tác, “nếu biết là không thể không nói, mà đã nói là không thể bảo lưu”, nên cuối cùng ông đành viết một bài trên báo bảng dài hơn trăm chữ, thế nhưng cuối cùng đắc tội, thời ấy có ai hiểu chủ trương “dụ rắn ra khỏi hang” là gì và không ít người đã trúng kế.
Anh giống như cha anh chín năm về trước, cũng lọt vào vòng, cũng rơi xuống bẫy, kí tên trên một tờ đại tự báo, và nghe theo lời kêu gọi của Mao Chủ tịch “Hãy quan tâm đến quốc gia đại sự” đăng trên Nhân Dân nhật báo với dòng tít chữ to, đen kịt. Lúc đi làm ngang qua tiền sảnh, thấy người dán tờ báo đó đang trưng cầu kí tên và anh cũng múa bút ngoáy lên danh tính của mình, nào ngờ đây là bài báo chống Đảng, và chẳng ai lường nổi dã tâm của người chấp bút. Anh không thể tố cáo ai cả, nhưng phải thừa nhận mũi giáo của bài báo này là chĩa vào đảng ủy, anh kí tên là vì mất phương hướng, vì vứt bỏ lập trường giai cấp. Kì thực anh cũng không rõ mình thuộc giai cấp nào, nhưng chắc chắn một điều là không thể quy về giai cấp vô sản, do đó sẽ không có lập trường rõ ràng, không kí tên trên bài này thì sẽ kí tên trên bài khác, đều là sai lầm, là bị kiểm tra, là phải ghi vào lí lịch và tóm lại lịch sử của đời anh không còn trong sạch nữa. Trước đấy anh chưa hề nghĩ đến chuyện chống Đảng, thậm chí chẳng muốn phản đối ai, anh chỉ mong người ta đừng chọc phá hay quấy rầy những mộng tưởng của mình. Còn nay, đêm ấy khiến anh vô cùng kinh hãi, vì nhìn thấy hoàn cảnh hiểm ác mà mình đang lâm vào. Trong bầu trời muôn ngàn rủi ro chính trị, muốn bảo vệ lời nói của mình, chỉ còn cách trà trộn với mọi điều dung tục, nói tiếng nói của quần chúng, mang bộ mặt của đa số, Đảng bảo gì làm nấy, hủy bỏ những hoài nghi, y như các khẩu hiệu thường hò hét. Anh phải liên danh với nhiều người viết một tờ đại tự báo biểu thị thái độ ủng hộ lời phát biểu của thủ trưởng vừa rồi, phủ định bài báo trước, thừa nhận sai lầm để khỏi bị người ta liệt vào hàng ngũ chống Đảng.
Cổ nhân dạy “thuận giả tồn, nghịch giả vong”, nghe thì sống, chống là chết, vì thế mới bảnh mắt mà tiền sảnh cơ quan đã hết chỗ dán đại tự báo, “hôm qua sai, ngày nay đúng”, chuyện thị phi cứ như lật bàn tay, không khí chính trị biến đổi như thế nào, thì người người cứ như vậy mà đuổi theo, mà thay sắc mặt. Điều khiến anh lo sợ là bài báo vừa dán lên của một cán bộ chính trị, nội dung:
“Tên phản bội họ Lưu kia, ta nói mày là phản bội vì mày đã vi phạm nguyên tắc tổ chức Đảng!
Tên phản bội họ Lưu kia, ta nói mày là phản bội vì mày đã bán đứng những cơ mật của Đảng!
Tên phản bội họ Lưu kia, ta nói mày là phản bội vì mày luôn luôn đầu cơ trục lợi, giấu giếm thân phận con nhà địa chủ, trà trộn vào hàng ngũ cách mạng!
Ta nói mày Lưu thị là phản bội vì cho tới bây giờ mày vẫn bao che thằng già phản động của mày ở nhà quê, chống phá chuyên chính vô sản.
Tên phản bội họ Lưu kia, mày không có bản chất giai cấp, mày lợi dụng phong trào, lẫn lộn đen trắng, lừa dối quần chúng.
Hãy nhảy ra đi Lưu thị, chĩa mũi giáo vào Trung ương Đảng đi và mày sẽ biết tay!”
Bài báo của bộ chỉ huy cách mạng viết thật rợn người, thế là lão Lưu - thủ trưởng trực tiếp của anh đã trở thành phần tử kì dị, bị cô lập. Ông rời khỏi đám đông chen nhau xem đại tự báo, trở về phòng làm việc, đóng chặt cánh cửa có hai chữ trưởng phòng, rồi lại đi ra, không ngậm tẩu thuốc lá, và chẳng ai dám chào hỏi vị cựu trưởng phòng này nữa.
Đấu tranh suốt đêm, ngoài song trời mờ sáng, anh tranh thủ ra nhà xí rửa mặt cho tỉnh táo, ngước nhìn xa xa bao căn nhà ngói đen, nơi ấy thiên hạ còn say giấc, chỉ có đỉnh tròn của Bạch Tháp Tự là hơi sáng sáng, lần đầu tiên anh nhận thấy, có lẽ mình cũng là kẻ thù tiềm ẩn, và phải mang lên một cái mặt nạ...
- Xin chú ý, cửa đóng, ga tiếp theo là Thái Tử. Một giọng nói tiếng Quảng Đông và ngay sau đó là Anh ngữ. Anh giật mình, thế là quá mất một ga. So với Paris, tàu điện ngầm ở Hương cảng sạch hơn nhiều, khách đi tàu lại rất trật tự chứ không như Đại lục. Đến ga sau, anh phải quay trở lại để về khách sạn, chẳng rõ cuộc rượu đêm nay sẽ như thế nào, chỉ biết là trên giường đã có một cô gái Tây bên cạnh. Anh chẳng muốn ham vui, vì có thể lát nữa sẽ trở thành kẻ thù bị tống xuống địa ngục, kí ức đối với anh đều đen tối như nơi đó vậy.