Gian phía tây không châm đèn, chỉ đốt một ngọn đèn dầu bằng gốm men trắng.
Tuy Hà gia có nhà máy điện nhưng mỗi khi ở một mình, cô vẫn thích châm đèn dầu soi sáng, đây là thói quen từ nhỏ.
Ngọn lửa đung đưa trên bấc đèn, vàng vọt bao lấy chút xanh trắng.
Màu xanh ấy khiến cô nhớ đến ngày đêm ở Nam Dương, như ngửi được mùi vị ẩm ướt, oi bức của gió biển thổi vào mặt.
Hòn đảo nơi anh trai gặp nạn từng là lãnh địa của Tây Ban Nha, vị trí gần biển nên không khác gì nhà tù dưới nước.
Khi thuỷ triều dâng cao, dòng sông Pasig cũng theo con nước dâng lên, tràn vào nhà tù, khiến người trong ngục đứng chìm trong làn nước.
Tất cả những thứ liên quan đến nhà tù dưới nước kia đều do sau này cô vô tình nói chuyện với nhóm khách quý từ Nam Dương mới biết.
Bọn họ nghẹn ngào vì nhóm Hoa kiều năm đó bị nhốt trong ngục, nhắc đến quan ngoại giao từng bỏ mạng tại nơi này.
Cô ngừng thở lắng nghe, chuyện năm xưa Triệu Ứng Khác chưa từng nói đến.
Trong tiếng thở dài thườn thượt của nhóm khách quý công ty vận tải đường thuỷ, cảnh tượng mang màu sắc chân thật nhất trước lúc anh cô qua đời đã được tái hiện.
“Trước lúc anh ấy bị bắt đã nhận được tin tức, giữa trưa gọi điện thoại cho Triệu Ứng Khác ở chung cư, sau đó đưa em lên một chiếc tàu nhỏ rời khỏi cảng biển”, Hà Vị thì thầm, “Anh ấy nói mình sẽ lên con tàu kế tiếp, chỉ chậm hơn em một chuyến mà thôi”.
Cô lúc nhỏ không hiểu một khi sinh ly chính là tử biệt.
Mặt trời chói chang thiêu đốt, bãi cát trắng chạy dài đến cuối bến tàu, tấm ván gỗ trên cảng bị sóng biển vỗ ướt sũng.
Một trận mưa vừa xong, nước mưa mang theo mùi tanh ngọt của biển cả, cô ngồi xổm trên ván gỗ lục lọi tập giấy trong túi vải, bị anh sờ đầu hỏi: “Tìm gì vậy?” Cô không buồn quay đầu, chỉ nôn nóng nói có một quyển ghi chép hoá học không thấy nữa.
Lập tức một quyển sổ xuất hiện.
Hà Nhữ Tiên đưa lưng về phía ánh mặt trời, đôi mắt sáng quắc dưới gọng kính màu vàng, anh cười bảo: “Tối qua anh giúp em bổ sung mấy chỗ”.
—
Trong vở kịch, cảnh chia tay luôn diễn ra vào đêm khuya, ai ngờ được dưới ánh sáng chói chang của mặt trời chính là lần cuối cùng anh em họ gặp mặt.
Trên linh đường của anh trai ngày ấy, chú Hai đặt toàn bộ ảnh chụp của anh từ lúc mới biết đọc sách đến khi tốt nghiệp.
Người đến phúng viếng đều là khách hàng giao thiệp với Hà nhị gia và công ty vận tải đường thuỷ, sau đó có mấy người trí thức.
Trước khi bọn họ rời đi, một trong số đó đưa phong bì màu trắng gấp đôi cho Hà Vị đứng tiễn khách khứa.
Cô mở phong bì ra, bên trong là một tấm thiệp đỏ thẫm viết dòng chữ “Hà Nhữ Tiên tiên sinh”.
Cách một lớp giấy, cô chạm vào tấm ảnh.
Rút ra mới biết là cảnh giảng đường nhỏ của trường đại học.
Hà Nhữ Tiên đặt tây trang trên lưng ghế sau bục giảng, hình như anh đang nói đến chỗ quan trọng, giày da giẫm lên mép bục… Đó là lần hiếm hoi cậu cả Hà gia cam tâm tình nguyện xuất đầu lộ diện, trước mặt mọi người giảng về tiền đồ quốc gia, gọng kính kim loại vàng trên ảnh chụp không có màu sắc, nhưng giống như đang khúc xạ ánh sáng.
Tối hôm đó, cô đặt ảnh chụp vào khung hình, đưa cho chú Hai xem.
Hai tay chú Hai nắm chặt khung hình, nước mắt cố nén suốt cả ngày từng giọt lăn dài, ông khẽ thở dài nói: “Đây là lần duy nhất Nhữ Tiên tự làm theo ý mình”.
—
“Anh ấy… Vì bên kia xảy ra bạo động nên không thể đi.
Anh ấy là quan ngoại giao, phải bảo vệ người Hoa cùng Hoa kiều”.
Hà Vị rơi vào trầm mặc, giống như bị thuỷ triều bao phủ, dù cố gắng hít thở thế nào cũng không ra hơi.
“Anh trai em”, Tạ Vụ Thanh thấp giọng nói, “Từng gửi điện báo cho anh”.
Đèn dầu như bị làm ngã, ngọn lửa thiêu đốt khuôn mặt cô.
Cô cố gắng trấn định, giương mắt quan sát Tạ Vụ Thanh.
Cô rất muốn hỏi khi nào, ở đâu, tình thế lúc đó ra sao.
Những câu hỏi liên tiếp như sắp bật ra nhưng trong nhà vẫn im lìm đến mức không tiếng động.
Cô không thốt nên lời, chỉ nhìn anh.
“Sau đợt bạo động”, Anh đáp, “Lúc anh ở phương nam từng nhận được một bức điện báo, là thư cầu cứu gửi từ Nam Dương”.
Tạ Vụ Thanh sợ lần này tiến về phía bắc Trường Thành sẽ không thể quay về, càng không muốn giữ chặt đoạn ký ức đã đóng bụi.
Những cấp dưới biết chuyện, từng cùng anh đến cứu viện Hoa kiều ở Nam Dương đã không còn ai, nếu lần này anh không nói, chỉ sợ chẳng người hay biết.
“Điện báo gửi cho Tạ Sơn Hải”, Tạ Vụ Thanh nhìn cô trong ánh lửa lập loè, “Bức điện báo đầu tiên anh em gửi rất ngắn gọn, chỉ lấy danh vận tải đường thuỷ Hà gia xin giúp đỡ, cái tên Tạ Sơn Hải từng hợp tác với Hà gia, tất nhiên cũng rất tin tưởng.
Có điều Nam Dương là chỗ nào, mấy người từng đến đó, anh chỉ đành đích thân đi một chuyến mới có thể yên tâm”.
Lúc bấy giờ Tạ Vụ Thanh vừa quay về Vân Quý để che giấu hành tung, lẩn trốn ám sát, quân đội trong tay Lâm Đông không lúc nào không đảo quanh giám sát Vân Quý, nếu muốn cải trang rời đi bằng đường biển là vô cùng khó khăn.
Bức điện báo của Hà Nhữ Tiên trở thành vấn đề nan giải.
Trên đó đề hai địa chỉ, chia thành hai đảo nhỏ.
May mắn Tạ Vụ Thanh từng đến Nam Dương dưỡng thương một năm nên cũng xem như hiểu rõ địa thế.
Anh gửi điện báo cho vị quan ngoại giao họ Hà này, nói rõ phương nam lâm vào thế hỗn chiến quân phiệt, muốn ra biển cứu người vô cùng khó khăn.
Trước tiên yêu cầu hắn phải tìm cách gom Hoa kiều ở hai hòn đảo đến một nơi an toàn mới có cách giải cứu toàn vẹn.
Đêm xuống, Hà Nhữ Tiên gửi điện báo đến, xoá mất một địa chỉ.
“Sau 2 bức điện báo đó, chúng ta không còn liên lạc.
Cho tới lúc đến Nam Dương, trông thấy nhóm Hoa kiều ẩn nấp nhiều ngày mới biết thì ra ở bức điện báo thứ hai, anh trai em đã giữ lại nơi lẩn trốn của Hoa kiều, xoá mất địa chỉ công tác của mình”.
“Anh bảo cấp dưới hộ tống những người Hoa và Hoa kiều đang lẩn trốn lên thuyền an toàn.
Sau đó mới dẫn theo hai người khác đi tìm anh em.
Khi đến nơi đã không thấy ai.
Hỏi thăm người dân bản xứ mới biết người bạo động ở đây đều bị trói đi hết, nhốt vào trong nhà tù dưới nước, nếu không lấy được tiền chuộc thì sẽ… xử tử”.
Cô đối diện Tạ Vụ Thanh.
Địa chỉ công tác kia đích thực là nơi cô sống với anh trai.
Lúc đó chú Hai lấy thuyền là vì đám người trói họ đi chỉ muốn tiền chuộc của Hoa kiều, nếu không nhận được tiền thì sẽ giết người.
Chú Hai