“Bà ấy cũng như tôi, sẽ không buông tha cô đâu” Diệp Hinh nghe câu này, cô lại rợn người, thì ra chị mặt sẹo đã đứng sau lưng cô tự lúc nào, khoái trá buông ra một câu. Hinh định nói mấy câu để tỏ ra cứng cỏi nhưng lại thấy làm như thế là dối mình và dối người. Cô mím chặt miệng, nước mắt trào ra. Chị mặt sẹo ngồi sà ngay vào ghế kê bên cạnh giường Hinh, lẩm bẩm nói: “Tôn Tĩnh Tĩnh, đã lâu không gặp cô ta! Cô biết không, đó chỉ là một trong vài chục vai của bà
Uông Lan San. Hình như bà San luôn sắm vai Tĩnh Tĩnh để làm quen với các nữ sinh trường cô vào đây ngày trước… Đây là hiện tượng phân tách nhân cách điển hình, cô là sinh viên y khoa, chắc cô không thể không biết?”
Hinh ghét cay ghét đắng chị ta, cô định ấn chuông xin trợ giúp nhưng lại nghĩ chị ta cũng chưa làm điều gì quá đáng, thì mặc xác chị ta vậy. Hinh bèn bỏ ra ngoài phòng. Ra hít thở không khí trong lành có lẽ sẽ dễ chịu hơn.
Chị mặt sẹo bám theo luôn: “Tôi biết mà, cô không có bệnh gì hết”
Hinh đứng lại ngay. Suốt bao ngày qua, đây là người đầu tiên nói thẳng với Hinh rằng cô chẳng có bệnh gì cả. Nhưng đáng buồn thay, người ấy lại là một bệnh nhân tâm thần!
“Thực ra so với các loại bệnh ở cơ quan khác, tỷ lệ chẩn đoán sai bệnh thần kinh cao hơn nhiều” Câu nói này hoàn toàn không giống như của một bệnh nhân tâm thần. Hinh ngạc nhiên nhìn chị ta.
“Chị rốt cuộc là người thế nào? Tại sao chị biết tôi không có bệnh?” Hinh cuối cùng cũng mở miệng nói.
Chị mặt sẹo bình thản nói: “Tôi vốn là bác sĩ mà. Cô có cảm giác gì tôi là một bệnh nhân hay không?”
“Nhưng tối qua chị lại giống như một con dã thú!” Hinh hậm hực nói.
“Sao lại có thể trách tôi gì được? Phòng này toàn là nữ, tôi có nhu cầu bản năng của tôi”.
“Chị bảo rằng chị không có bệnh, vậy tại sao chị phải ở đây bao năm trời?”. Chẳng hiểu ai xui khiến, thế là Hinh bắt chuyện với chị ta. Hai người cùng ra khỏi phòng, đi dọc theo hành lang.
“Bởi vì xã hội chẳng chấp nhận tôi. Cô biết tại sao mặt tôi trở thành thế này không? Cô im lặng nhưng tôi biết lòng cô vẫn thầm hỏi, đúng không?”
Hinh gật đầu và càng cảm nhận ra rằng người phụ nữ này không như các bệnh nhân bình thường khác
“Sau khi tốt nghiệp đại học Y, tôi được cử đến làm việc ở một bệnh viện cấp thành phố. Ở khoa có một bác sĩ chính có chuyên môn rất cao, con người cũng rất phong độ, đám nữ y tá nữ bác sĩ trẻ đều rất say mê ông. Chỉ riêng tôi vì miệt mài với công việc nên ít khi cười đùa với ông. Nhưng ông ta hoàn toàn không như Liễu Hạ Huệ (tên thật là Triển Hoạch, người nước Lỗ thời Đông Chu, đức cao vọng trọng), tuy đã có vợ con nhưng lối sống vẫn rất tùy tiện, các nữ đồng nghiệp xán đến thì ông ấy “chiều” tất, lại vẫn thường xuyên “đánh tín hiệu” với tôi nữa. Tôi không muốn bị sa vào chốn rắc rối ấy, và cũng coi khinh nhân cách của ông ta nên tôi nhất quyết giữ một khoảng cách với ông ta.
Một hôm chúng tôi được sắp xếp vào cùng một ca trực, tôi đang ở trong phòng trực ban ngồi viết bệnh án thì ông ta vào, toàn nói những chuyện trời ơi đất hỡi và “đụng chạm” vào tôi. Tôi phản đối nhưng ông ta không chịu dừng lại, rồi ôm chặt… xoa người hôn hít. Khi tôi đang gắng chống cự thì cửa phòng bỗng mở toang. Thì ra là vợ ông ta vẫn nghe đồn đại biết chuyện trăng hoa của chồng, nên bất thình lình tìm đến bệnh viện và bắt gặp ngay cảnh tượng này. Chị ta cho rằng chúng tôi đang vụng trộm, nên giận dữ chửi rủa một hồi, rồi quay ra. Vài phút sau chị ta quay vào, cầm một lọ axit sun-phua-ric tạt vào người tôi”
Hai người bước vào vườn hoa trong sân bệnh viện. Đi dưới ánh nắng mà Hinh thấy rùng mình sởn gáy. Chị mặt sẹo nói mỗi lúc một gấp như là chị lại trải qua cái cảnh này.
“Vì thế mà khuôn mặt tôi thành ra như hiện nay. Sau chuyện đó tôi rất đau khổ, âu cũng là lẽ đương nhiên. Nhưng áng chừng họ sợ tôi sẽ có hành động trả thù gì đó, cho nên sau khi chữa lành vết thương cho tôi, họ tống tôi vào đây”. Chị mặt sẹo phẫn uất, tay bưng lấy mặt không dám nhớ lại thêm nữa.
Diệp Hinh bắt đầu thấy cảm thông với chị.
“Nhưng ít lâu sau các bác sĩ nhận ra rằng tôi không có vấn đề gì cả, bèn cho tôi ra viện, trở lại làm việc. Khi gặp lại người đàn ông kia, tôi không sao nén nổi, bèn xông vào bóp cổ hắn…”
Hinh định kêu lên nhưng không thành tiếng vì chị mặt sẹo đã bóp ngay cổ cô, gằn giọng: “Tại sao, tại sao mặt ta thành ra thế này ngươi mới chịu nhìn ta?”. Thì ra chị ta nói năng toàn “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, nhưng Hinh không nghĩ gì khá, cô vung tay đấm vào người chị ta, nhưng vì cổ đang bị nghẹt thở nên nắm đấm cũng chẳng có chút sức lực nào.
Tuy gọi là vào giờ “tự do hoạt động” nhưng vẫn có các y tá theo dõi các khu vườn hoa, chỉ hiềm chị chị mặt sẹo đã cố ý dụ Hinh đến sau ngọn giả sơn để thoát khỏi tầm nhìn của các y tá. Cho đến lúc có vài bệnh nhân đi đến nhìn thấy cảnh bạo lực này, các y tá mới chạy đến kéo chị mặt sẹo ra.
“Cứ yên tâm, chúng tôi sẽ đưa chị ta sang khu bệnh nhân nặng… Chị ta rất hay lừa gạt người khác, cũng đã bình ổn được một thời gian dài, nhưng hễ trông thấy các cô gái xinh xắn thì chị ta lại giở chứng quái ác ra ngay… Chị ta mắc chứng hoang tưởng, trước kia đã từng yêu một anh có vợ, bị anh ta phớt lờ. Nhưng chị ta lại nghĩ trái khoáy, cho rằng vợ anh ta muốn hại mình! Thế là chị ta tự hủy hoại nhan sắc…” Chị y tá an ủi Diệp Hinh vẫn còn đang thấy sợ, nên đã kể cho cô nghe câu chuyện mà hầu hết các bệnh nhân ở đây đều đã biết.
Nhưng Hinh lại không nghe thấy gì cả, cô nằm ngay đơ trên giường của mình, nhìn lên trần nhà cao, một câu hỏi lặp đi lặp lại mãi trong đầu cô: chẳng lẽ cuộc sống của mình cứ tiếp diễn mãi như thế này ư? Có phải mấy cô sinh viên trước kia nằm viện tâm thần đều vì trải qua cảnh ngộ này nên mới mất hết niềm tin để tiếp tục sống?
Cơn đau đầu dữ dội bỗng lại ập đến.
Về khuya các phòng trực ban y tá xung quanh chỉ bật đèn lờ mờ, Hinh bất đắc dĩ chìm dần vào giấc ngủ. Biết đến bao giờ mới có một giấc mơ đẹp?
Dường như đêm nay cô có cảm giác rất tốt đẹp, vì nghe thấy tiếng piano dịu ngọt cùng một giọng nữ tuyệt hay:
Ánh trăng sáng trong, nỗi sầu não lòng
Tóc mai điểm bạc, em nhớ người thương
Ánh trăng lạnh lẽo, khó nhòa nỗi buồn
Lòng trống vắng, sao đêm mãi chưa tàn?
Bước đi trong cô quạnh, nỗi sầu bi xé lòng
Nhớ nhung da diết, tựa cửa sổ thư phòng
Mong đuổi theo trăng tà, cùng chàng đi muôn phương.
Giọng hát và tiếng đàn piano sao nghe quen quen, hình như từng nghe thấy trong những giấc mơ…
Hinh biết đó là giai điệu của bản nhạc “Ánh trăng” của Bet-tô-ven.
Chẳng lẽ trong các cơn ác mộng trước kia mình nghe thấy cũng là nó? Nhưng tại sao mình lại không nhận ra? Có phải là tại vì đang ở trong giấc mơ? Nhưng lúc này chẳng phải đang mơ là gì? Sao lại nghe thấy rõ như thế này?
Tiếng hát và tiếng đàn này cũng thật lạ lùng, dường như nó đến từ nơi chân trời xa thẳm, nhưng lại như đang dìu dặt ở ngay căn buồng này. Hinh trở dậy, bước đi về phía có tiếng hát, đi đến bên cửa sổ ở một góc căn buồng. Dưới ánh sáng mờ mờ, thấy một bóng người mặc đồ trắng, tóc buông dài dưới vai đang tựa cửa sổ cất tiếng hát.
Chất giọng này như một thứ âm thanh của thiên nhiên.
Chắc là mình đang mơ? Nhưng Hinh không nghĩ gì nữa, tiếng hát tuyệt vời thế này dù đang là trong mơ thì vẫn khiến cô thấy rất dễ chịu – chỉ cần không nhìn thấy khuôn mặt nát bươm kia là được!
Tiếng hát bỗng im bặt. Người mặc đồ trắng vừa hát bỗng quay đầu lại, đập vào mắt Hinh sau bức rèm cửa sổ là một khuôn mặt nát bươm.
Tiếng kêu thét xen lẫn tiếng khóc vang khắp cả khu buồng bệnh nhân.
Người phụ nữ áo trắng khẽ cười, đưa tay lên bóc gỡ mặt mình, khuôn mặt rách nát bỗng biến mất, chỉ còn lại khuôn mặt của bà già Uông Lan San. Thì ra khuôn mặt nát bươm kia chỉ là chiếc mặt nạ được vẽ cực khéo giống y như thật. Thấy có tiếng ồn, hai y tá trực ban vội chạy đến, nhìn cảnh trước mắt một cô y tá mắng gay gắt: “Lại là bà San! Bà đừng quấy nhiễu cô Hinh nữa được không?”. Còn cô kia thì bước đến giật bộ tóc giả khá dài của bà San xuống: “Bà lại kiếm đâu ra mấy cái của nợ này? Trong buồng bệnh nhân cấm dùng các vật dụng nguy hiểm kia mà!”
Bà San lúc nãy đang có “eo thon”, bây giờ lại thẳng đơ đơ, vẻ mặt vô cảm: “Tôi hát là việc của tôi, tự cô ta ra nghe kia mà, sao lại nói là tôi quấy nhiễu?” Phát âm tròn trịa mềm mại đầy đặn như giọng một cô gái.
Lúc này nỗi kinh hãi bất ngờ đến với Hinh đã bắt đầu chùng lại, cô nhìn thẳng vào mắt của bà San, đôi mắt ấy vừa có phần u uẩn vừa có vẻ phóng túng, hình như cô đã từng thấy ở đâu đó.
Vậy bà San là một bệnh nhân như thế nào? Dường như bà ta đã tái hiện giấc mơ của Hinh. Bà ta biết được bao nhiêu đầu mối liên quan đến “vụ mưu sát 405”?
Cô y tá đưa bà San về giường. Hinh bước theo hỏi: “Bà là ai?”
Bà San ngoái lại, cười tươi rói nhưng trả lời “lạc đề”: “Tôi hát có hay không?”
Một nụ cười khiến người ta phải rung động, một bà lão ở tuổi thất thập sao có thể có nụ cười như thế này?
“Rất hay. Không ngờ bà lại luyện được giọng hát hay đến thế!”
“Vậy là tôi đã chẳng sống phí hoài hơn hai chục năm trời! Nhưng nói cho cùng tôi vẫn là một kẻ bỏ đi, chỉ biết chơi đàn, ca hát mà thôi”. Bà San rầu rĩ thở dài.
“Này, thực ra bà là ai?”
Một cô y tá nói: “Thôi nào, cô Hinh vào ngủ đi! Cái vai mà bà ta sắm đêm nay, hình như… bà ta rất ít dùng. Tôi cũng không sao nhớ ra được nữa!”
Cô y tá tuổi trung niên cười nói: “Thế thì phải phê bình cô vì tội chưa chịu trau dồi nghiệp vụ mới được! Đây là vai Trang Ái Vân, bà ta ít khi dùng. Tôi là ở đây lâu, đã chứng kiến vài lần, hình như chỉ diễn trước các cô sinh viên mà thôi!”
Trang Ái Vân là ai? Tại sao lại giống cô gái áo trắng mà mình vẫn mơ thấy? Cô ta có liên quan gì đến khuôn mặt nát bươm? Bà San thực chất là người như thế nào? Các vai nhân cách khác nhau mà bà ta sắm, nảy sinh ra từ đâu? Nghe nói đa số người mắc bệnh
nhân cách phân liệt thường chỉ sắm hai vai, nhưng tại sao bà San lại “biến tướng” nhiều như thế? Liệu có còn sắm thêm các vai quái dị khác nữa không?
Hinh trở về giường mình, lòng đầy nghi hoặc băn khoăn, trằn trọc mãi vẫn không ngủ được. Cái tên Trang Ái Vân này hoàn toàn xa lạ. Hinh lần lượt điểm lại tên các cô sinh viên trong vụ “405”: Tưởng Dục Hồng, Du Tĩnh, Lý Thục Nham, Hạ Tiểu Nhã, Nghê Na, Trương Thiên Lộ, Thẩm Vệ Thanh… không hề thấy có tên Trang Ái Vân. Phải chăng cô ta là nhân vật mở đầu trong sê-ri nạn nhân này?
Hinh phát triển hướng suy nghĩ của mình: lạ thật, nạn nhân đầu tiên là Du Tĩnh thì chưa hề đi viện tâm thần, Dục Hồng là bạn thân của Du Tĩnh. Theo điều tra của anh Bành thì lúc Du Tĩnh nhảy lầu thì Dục Hồng đang nằm viện – tức là vì nằm viện cho nên Dục Hồng mới tránh được cái chết thuộc về năm thứ nhất. Nhưng có cái âm khí lạnh lẽo đã bao phủ lên phòng 405 để đến nỗi năm sau Dục Hồng cũng lại nhảy lầu? Để rồi nhà trường không những phải đóng cửa căn phòng mà còn đưa ra quy định “luân lưu đến ở”. Tức là học xong năm thứ nhất thì các nữ sinh phải chuyển đến ký túc xá của các chị sinh viên năm cuối vừa tốt nghiệp, “đẩy” mối chết chóc cho sinh viên mới vào trường.
Suy luận từ sự việc của Dục Hồng, nếu ngày 16 tháng 6 sắp đến mình vẫn đang nằm viện, liệu mình có thể thoát nạn hay không?
“Tiếc rằng cô cũng như tôi, phải chết là cái chắc!” Lời một cô gái vẳng đến tai Hinh, đậm chất giọng miền Giang Nam nói tiếng phổ thông.
Hinh thót tim định kêu lên. Cô căng mắt nhìn trong bóng tối mờ mờ thấy một cô gái ngồi trên chiếc ghế đặt cạnh giường cô, mái tóc buông lửng phủ che kín mặt nên không thể nhìn rõ.
“Chị là ai?” Hinh thấy quá lạ lùng, cô bỗng trở nên can đảm, cô không bấm chuông xin gọi trợ giúp.
“Là Tưởng Dục Hồng”
Từng đợt giá lạnh đang dần bủa vây lấy cô, không phải vì Dục Hồng đã chết từ lâu mà là vì người con gái đang đứng bên đã nhìn thấu tư tưởng của cô. Cái khả năng này quá đủ để người ta cảm thấy nghẹt thở. Nhưng nỗi sợ hãi cũng tựa như thuốc phiện, có thể gây nghiện.
Lúc này Hinh hoàn toàn có thể kêu lên hoặc bấm chuông cầu cứu, nhưng cô chỉ hơi thẳng người lên và quyết định phải hỏi xem sao, tuy thế nỗi sợ hãi vẫn xen trong giọng Hinh run run: “Tưởng Dục Hồng… đã chết 16 năm trước, vậy chị là người… hay là ma?”
“Cô tin rằng trên đời này có ma thật không?”
“Trước đây tôi không tin… nhưng bây giờ cũng không rõ nữa. Đã có quá nhiều sự việc không sao giải thích nổi xảy ra với tôi, tôi chẳng biết có nên tin ở đôi mắt đôi tai của mình nữa hay không…”
“Trước kia tôi đã về đội sản xuất ở vùng núi Quý Châu, bên ngoài bản là một vách núi hoang vu, trên đó có treo mấy cỗ quan tài (tập quán Phong Táng của một số dân tộc ít người ở TQ: không chôn mà chỉ đặt quan tài lên đó, thậm chí có nơi còn không đặt quan tài). Dân bản đều nói rằng trên vách núi và dưới vực sâu đều có ma, nhưng mấy thanh niên học sinh chúng tôi vì buồn tẻ, lại muốn xóa bỏ mê tín dị đoan nên rủ nhau ra đó vào lúc nửa đêm. Lại còn cá với nhau rằng ai thấy sợ phải bật đèn pin thì người đó phải khao cả bọn một chầu. Cứ thế chúng tôi ra đó vài đêm, chẳng thấy chuyện gì xảy ra cả. Sau này chúng tôi lần lượt trở về thành phố, ai cũng vẫn khỏe mạnh như bình thường”
“Các chuyện ấy toàn là mê tín, làm gì có ma, đúng không? Người khác nói với tôi điều này tôi còn tin, nữa là chị nói”.
“Cô đang suy luận, chứ tôi chưa nói với cô điều gì cả”. Dục Hồng bỗng hơi dựa người ra phía trước, chỉ tay vào thái dương của mình và nói: “Tất cả, tất cả đều nằm ở đây! Có là ở đây, không có cũng là ở đây!”
“Vậy thì mùa xuân năm ấy đã xảy ra chuyện gì?”
“Bạn thân nhất của tôi là Du Tĩnh chết”
“Tại sao chị lại phải vào nằm viện này?”
“Họ bảo rằng tôi mắc phải chứng tâm thần phân liệt. Mùa xuân năm đó tôi bỗng nhiên nghe thấy những tiếng nói mà người khác không nghe thấy, nhìn thấy những thứ mà những người khác không nhìn thấy gì. Tôi thường nghe thấy có người nói bên tai tôi “Ánh trăng”, nhưng tôi chẳng hiểu là gì, thường mơ thấy các hình ảnh thời cách mạng văn hóa ở Đại học Y số 2 Giang Kinh. Nên tôi bèn hỏi khắp mọi người xung quanh “Ánh trăng là gì? Nó có liên quan gì đến Đại học Y Giang Kinh” Nhưng chẳng ai trả lời tôi, trái lại họ đưa tôi vào viện này”.
“Chị Du Tĩnh đã chết như thế nào? Có liên quan gì đến bệnh của chị không?”
“Không liên quan gì đến tôi. Nhưng cô ấy phải ra đi là cái chắc”. Từ bình tĩnh, Dục Hồng chuyển sang bất an
“Tại sao chị lại nói thế?”
“Cái tiếng nói kia, ngoài từ “ánh trăng” ra còn hay nhắc với tôi về ngày 16 tháng 6. Tôi còn một giấc mơ mà chưa dám kể với ai…”
“Đó là về một cô gái áo trắng, một thứ âm nhạc rất hay, và một khuôn mặt nát bươm, phải không ạ?”
“Đại loại là thế, nhưng còn có một bóng người nhảy lầu, một chiếc đồng hồ tây treo tường thường đổ chuông đúng 12h đêm”.
“Thật khủng khiếp” Hình ảnh người nhảy lầu và chiếc đồng hồ tây không xuất hiện trong những giấc mơ của Hinh thì Hinh có nên thở phào không?
“Tôi đã có linh cảm, thấy rằng ngày 16 tháng 6 có thể xảy ra chuyện. Khi Du Tĩnh vào thăm hỏi, tôi đã dặn bạn ấy rằng đêm ấy không được ngủ ở phòng 405 mà phải tìm cách đi ngủ nhờ ở tầng 1. Tôi còn dặn bạn ấy đừng nói chuyện này với bất cứ ai, nếu không cơ hội ra viện của tôi sẽ càng xa vời. Ý nghĩ này thật hão huyền, nhất là với một bệnh nhân tâm thần! Nhưng tôi thật sự lo lắng cho Du Tĩnh, người bạn rất thân của tôi. Đúng là bạn ấy tuy đã giữ kín chuyện nhưng bạn ấy đã không chịu nghe lời khuyên của tôi”.
“Chị đã có linh cảm, tại sao năm sau chị lại cũng đi vào ngõ cụt như thế? Chị tự sát hay sao?”
“Tôi chẳng biết nữa, có lẽ là thế cũng nên. Trước khi chết, tôi mắc chứng trầm cảm rất nặng nề, chắc là vì cái chết của Tĩnh đã khiến tôi suy sụp chán nản. Tôi đang đi tìm hiểu xuất xứ của “ánh trăng” nhưng vẫn không có chút tiến triển nào. Tôi cũng rất nản lòng. Tháng 4 tháng 5 năm đó tôi đã nằm viện, đến cuối tháng 5 thì ra viện. Các sự việc tiếp theo thì cô đã biết rồi”.
“Tại sao lại có thể không biết về chuyện của mình? Tại sao chị lại kể với tôi những điều này?”
“Mọi chuyện mà số phận đã sắp đặt thì ta không thể nào làm thay đổi được”.
“Uông Lan San tại sao tôi phải tin bà nhỉ?” Hinh bỗng đưa tay ra ấn nút chuông xin trợ giúp, nhưng tay cô cứ bất động giữa khoảng không và dừng lại ở đó. Cô thở dài: “Bà San hãy về mà ngủ đi, tôi thấy mệt rồi”.
“Tôi là Tưởng Dục Hồng”.
“Được! Dục Hồng, chị là người hiểu biết, tôi mệt, tôi muốn đi ngủ”. Thì ra là lúc Dục Hồng giơ tay chỉ vào đầu mình, Hinh đã nhận ra bàn tay khẳng khiu ấy không thể là tay của một cô gái trẻ, nên đoán ra là bà San đang giở trò quái dị. Chị mặt sẹo tuy ác độc nhưng cái câu kia chị đã nói không sai, dường như bà San nhất định không chịu buông tha Hinh. Tại sao bà ta cứ phải làm thế? Chẳng lẽ đó chỉ là các trò quái quỷ ngẫu hứng của một bệnh nhân tâm thần? Hinh chợt nảy ra ý nghĩ, mình không nên đánh động đến một người mắc chứng nhân cách phân liệt đang chìm đắm trong một vai khác, chưa biết chừng có thể thông qua bà ta để tìm hiểu rõ bối cảnh của “vụ án mưu sát 405” cũng nên.
Nhưng liệu có phải là “đùa với lửa tự thiêu mình”, để rồi sẽ bị rơi vào nguy hiểm còn dữ dội hơn không?
Bà San giơ tay che miệng ngáp dài, lúc này đã lộ rõ vẻ mệt mỏi, không quấy nhiễu thêm nữa đứng dậy rồi quay đi. Đi được mấy bước bỗng ngoảnh lại nói: “Tôi còn quên chưa nói với cô, mấy thanh niên học sinh chúng tôi năm xưa nghịch ngợm ở vực sâu bên vách núi, đến năm 1978 chỉ mình tôi còn sống”.
Tiếng bước chân xa dần, Diệp Hinh mãi vẫn không sao ngủ được, hễ nhắm mắt là lại hiện ra bóng mấy cô thanh niên học sinh – như những hồn ma đang vật vờ ở vực sâu bên núi. Bà San nói là có ý gì vậy? Bà ta mắc chứng nhân cách phân liệt, có thể mô phỏng rất giống ngôn ngữ cử chỉ của một ai đó, điều này không có gì lạ, điều kỳ lạ là tại sao bà ta biết rõ mọi sự việc về Tưởng Dục Hồng, các bí ẩn sâu kín của Dục Hồng cũng được bà ta miêu tả rất thật?
Đương nhiên, tất cả có thể chỉ là những chuyện bịa đặt cực khéo!
Rất nhiều ý nghĩ vụt lướt qua trong óc Diệp Hinh, cô lại thấy râm ran nhức đầu. Đúng là thân làm tội đời. Từ sáng đến tối ở bên những nhân vật như chị mặt sẹo và bà San, mình chưa phát điên đã là may rồi chứ còn có thể giải mã được điều bí hiểm gì nữa? Nên nhân lúc này nghỉ ngơi một chút thì hơn, đúng là vừa rồi thần kinh đã quá căng, cứ như là đang đi bên bờ vực thẳm, có thể sảy chân rơi xuống bất cứ lúc nào.