Lại một năm nữa sắp qua.
Ngày Đông Chí, công chúa Phất Kim và Minh Châu không hẹn cùng đến thỉnh an Dương hậu. Thật là sự trùng hợp thú vị!
Trời giữa đông se lạnh, lúc nào cũng có sương mù mờ như khói. Hoa Lư vốn là vùng đồi núi phía bắc, địa hình cao… nên quanh năm khí hậu giống như cao nguyên Lâm Đồng vùng phía Nam. Bốn chúng tôi đều mặc áo thật ấm, choàng khăn. Sức khỏe tôi vốn kém nên tỉ tỉ còn bắt trùm thêm một chiếc khăn len trên đầu. Nhìn qua đã thấy kín mít mặt mũi khiến Phất Kim cứ nhìn tôi trêu cười.
Ở góc vườn cạnh ao sen đặt một cái bàn gỗ lùn, bên dưới trãi tấm thảm da hổ, còn có thêm gối êm tựa lưng. Bốn người ngồi ở bốn cạnh bàn, vừa cắn hạt sen vừa trò chuyện… thật là một kiểu hưởng thụ!
Thỉnh thoáng có vài cung nô đi ngang, kiềm lòng không đặng mà dừng lại vài giây nhìn về phía này.
Sương bay lờ mờ, hồ nước trong vắt, sen nở rực một sắc hồng, điểm xuyến thêm vài đóa cúc kim ẩn hiện dưới thảm cỏ…
Thoang thoảng trong gió là tiếng nói cười thánh thoát của bốn thiếu nữ…
Đây chính là tiên cảnh!
Vân Nga váy xanh lam dịu dàng đang chơi một đoạn sáo. Khuôn mặt chị hoàn hảo như tượng khắc. Tóc tơ đen bóng rũ xuống bên vai, bám đầy sương trắng li ti lấp lánh.
Minh Châu váy tím hoa xoan, ngón tay điệu nghệ gãy đàn bầu. Tôi vẫn không tài nào hiểu nổi cây đàn duy nhất một sợi dây kia làm sao phát ra âm thanh mềm mại, réo rắc như thế. Minh Châu có vẻ đẹp của Thúy Vân, mặt tròn như vầng trăng, nét ngài thanh mảnh nhẹ nhàng. Sau khi sinh bé Trần Vi, cô ấy dường như nở nang hơn, cả người tròn trịa đáng yêu. Đúng là “gái một con trông mòn con mắt”!
Cạnh đó là Phất Kim đang vô tư cắn lê. Công chúa ăn hết một đĩa lựu, một đĩa táo và hiện tại đang xơi miếng lê cuối cùng. Phất Kim mập lên trông thấy, chả là cô ấy đang có thai, vừa được bốn tháng rưỡi. Ôi chao, sao gần đây có nhiều bà bầu vậy không biết? Thấy tôi đang nhìn, Phất Kim quay mặt híp mắt cười. Dường như lúc nào nàng ấy cũng vui vẻ yêu đời.
Tôi ngồi nghe khúc đàn sào du dương, bàn tay cũng phối hợp gõ phách. Cái gọi là gõ phách đơn giản là dùng hai cái chung trà chồng lên, cụng vào nhau. Tiếng keng keng đều đều làm hài hòa cho giai điệu.
Khi bản nhạc kết thúc cũng là lúc Phất Kim vừa ăn hết đĩa quýt trên bàn.
- Ối trời ơi! Hoàng tỉ… một mình tỉ ăn hết chỗ này sao?
Lúc này Minh Châu mới nhận thức được tình trạng mất tích của các món hoa quả. Cô trợn mắt nhìn nhị công chúa. Phất Kim gật gật đầu, đưa tay vuốt bụng
- Trái cây ở chỗ Dương hậu thật là ngon!
Minh Châu trề môi
- Bộ ở Ngô phủ phò mã bỏ đói tỉ tỉ sao?
Phất Kim vớ lấy một miếng bánh nếp, ra vẻ oan ức
- Tại người ta thèm ăn mà lại!
- Hồi có thai, muội đâu có ăn nhiều như hoàng tỉ đâu!
- Xì! Bởi vì em bé của ta to hơn, béo hơn, đáng yêu hơn Tiểu Vi nhà muội!
Cái lý luận hết thuốc chữa của Phất Kim khiến Minh Châu không còn gì để nói. Chị em tôi nhìn nhau lén cười. Tỉ tỉ rót trà sen đưa cho nhị công chúa
- Phất Kim, công chúa thử trà này xem, đây là do bổn cung tự tay ướp… hương vị cũng không tệ!
Nói ra thì giữa bốn người chúng tôi tình bạn phát triển hơn cả quan hệ gia đình. Chị em tôi 20, Minh Châu 19, Phất Kim 21. Mọi người đều đồng trang lứa, nhưng khổ nổi địa vị lại quá khác biệt. Đinh Tiên Hoàng xem trọng danh phận, ông thường yêu cầu Đinh Liễn, Phất Kim, Minh Châu gọi tỉ tỉ là “Dương mẫu phi”. Trước mặt nhiều người, họ vẫn gọi như thế nhưng khi ở riêng, các công chúa chỉ gọi chị là hoàng hậu.
Sau khi uống hết tách trà và dùng hết từ vựng để khen trà ngon, Phất Kim mới đột ngột hỏi
- Dương hậu, khi nào thì người sinh quý tử cho phụ hoàng ta?
Tỉ tỉ cười kém tự nhiên
- Chuyện đó là sao bổn cung biết được? Có lẽ sức khỏe ta không tốt nên đến giờ vẫn chưa hoài thai…
Minh Châu nắm tay chị một cách thân thiết
- Hoàng hậu đừng lo, rồi cũng sẽ có thôi! Con của người và phụ hoàng nhất định là rất xinh đẹp thông minh.
Vân Nga gật đầu, mắt đã ngân ngấn nước. Hai công chúa cười cười an ủi chị. Lát sau Minh Châu lấy ra một túi thơm đưa cho Phất Kim và một sợi bùa đưa cho Dương hậu
- Túi thơm này rất tốt cho phụ nữ mang thai, chỉ cần đặt ở dưới gối là có thể ngủ ngon giấc. Còn sợi dây này là bùa bình an, hoàng hậu đeo vào sẽ tích phúc khí, sớm mang long chủng!
Phất Kim nhận quà, đưa lên mũi ngửi rồi cười hớn hở
- Thật là thơm quá đi! Hoàng muội ở đâu có thể?
Minh Châu hơi ngượng ngùng bảo:
- Hai thứ này… là của một vị đạo sĩ ở Trung Nguyên. Phu quân muội lặng lội đường xa đem về…
Thế là Phất Kim chặc lưỡi, bắt đầu chọc ghẹo
- Hóa ra là do Phò mã đô úy vì nương tử mà không quản khó nhọc. Tỉ còn nghe nói có ai đó giữa tháng ba mà đòi ăn vải thiều, khiến người ta chạy đôn chạy đáo, lùng sục khắp Cồ quốc tìm cho được một cây vải trái mùa…
Chuyện lần đó tôi còn nhớ rõ. Khi Minh Châu có thai 7 tháng, bỗng dưng thèm ăn vải. Mùa vải đã qua từ lâu nên muốn tìm được quả vải ngọt khó như lên trời. Phò mã đô úy Trần Thăng treo giải thưởng hai vạn lạng bạc cho ai đem về một chùm vải chín ngon. Chuyện Trần Thăng chiều vợ khắp kinh thành ai ai cũng biết. Anh chàng đó quả là một trượng phu tốt, lúc nào cũng quan tâm chăm sóc, thiếu điều muốn giấu Minh Châu công chúa vào tay áo mang theo.
Nhắc tới chuyện cũ, tam công chúa đỏ ửng mặt, đánh yêu chị mình một cái
- Hoàng tỉ này! Người ta có thai nên mới nhõng nhẽo một chút… tỉ tỉ ghen tị rồi chọc ghẹo muội!
Cứ tưởng Phất Kim không dễ gì buông tha, ai ngờ cô ấy lại cười buồn, nói một cách trách cứ
- Ừ thì đúng là ta ghen tị với nhà ngươi! Sao mà ngươi tốt số vậy không biết?
Nói tới đây, mọi người lại nhớ tới Ngô Nhật Khánh. Minh Châu ngồi sát lại, choàng tay ôm Phất Kim. Tuy hai vị công chúa không cùng một mẹ nhưng từng lớn lên bên nhau, tình cảm khăng khiết không thua gì Vân Nga và tôi.
Trong hai chị em, Minh Châu may mắn hạnh phúc bao nhiêu thì Phất Kim lại bất hạnh đáng thương bấy nhiêu. Nàng làm tôi nhớ tới công chúa Huyền Trân (玄珍) đời nhà Trần. Huyền Trân lấy vua Chiêm Thành là Chế Mân (Jaya Sinhavarman III), phong làm hoàng hậu Paramecvari để đổi lấy hai châu Ô, Lý mà về sau chính là vùng miền Trung, Tây Nguyên Việt Nam. Sự kiện này là một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Hoàng Cao Khải (黃高啟) đã từng viết bài thơ ca ngợi công lao của Huyền Trân như sau:
“
Đổi chác khôn ngoan khéo nực cười,Vốn đà không mất lại thêm lời,Hai châu Ô Lý vuông ngàn dặm,Một gái Huyền Trân của mấy mươi… !”
Khi hoàng đế Chế Mân băng hà là lúc công chúa đang thời xuân sắc. Theo tục lệ nước Chiêm, hoàng hậu phải tuẫn tang thiêu theo chồng. Lúc này anh trai của công chúa, tức vua Trần Anh Tông biết tin, sai Trần Khắc Chung (陳克終) lấy cớ viếng tang mà cứu nàng về. Trở lại quê hương nhưng Huyền Trân công chúa cũng coi như đời đã hết. Nàng xuống tóc quy y cửa Phật rồi đến già lặng lẽ qua đời. Số phận những vị công chúa hy sinh vì đại cuộc thường đáng thương như vậy!
Đinh Phất Kim triều nhà Đinh cũng không ngoại lệ. Đinh Bộ Lĩnh muốn thu phục vùng Đường Lâm của sứ quân Ngô Nhật Khánh mà không phải đầu rơi máu đồ nên sai Phất Kim dùng mỹ nhân kế. Năm đó nàng chỉ 15 tuổi, rất xinh đẹp và vô cùng thông minh sáng dạ. Làm con phải biết báo hiếu, nàng nghe lời cha mà tiếp cận Ngô Nhật Khánh. Nghe nói ban đầu cũng rất được yêu thương. Đến khi Khánh biết mình bị lừa thì quay sang thù hận thê tử. Sự lạnh nhạt bạc tình của y cho
tới giờ vẫn không suy giảm. Đáng thương cho Phất Kim, cuộc đời của nàng rồi cũng sẽ có ngày vì Khánh kia mà chết.
Sau bao năm cuối cùng Phất Kim cũng có con với y. Vừa biết tin công chúa mang thai, Nhật Khánh lập tức nạp thêm 3 tì thiếp. Ai nhìn vào cũng biết là hắn cố ý. Phất Kim công chúa chưa bao giờ trách móc. Trước mặt mọi người, nàng là một cô gái vui vẻ có nụ cười sáng lạn. Không biết khi ở bên cạnh Khánh, cô có cười nổi hay không?
Tiếng nói của Phất Kim xua đi sự tĩnh lặng thâm trầm, kéo mọi người về lại thực tại:
- Ah, bỗng nhiên quên mất! Dương quyến nữ, bổn công chúa thực xin lỗi vì đã thất hứa với nàng.
Tôi ngơ ngác hỏi
- Nhị công chúa nói gì, tiểu nữ không hiểu?
Phất Kim bỏ quả nho vào miệng, vừa nhai vừa nói
- Thì là chiếc khăn Ẩn Dung mà ta từng hứa sẽ xin mẫu hậu tặng cho ngươi đó!
- À tiểu nữ nhớ rồi… chắc là lâu ngày nên Trần hậu không nhớ đã để ở đâu?
Công chúa lắc đầu xua tay
- Làm gì có! Trước giờ đồ mẫu hậu thêu đều cất giữ kĩ càng. Mấy hôm trước đến Tỏa Liên cung vấn an người, ta có mở lời hỏi thứ. Ai ngờ mẫu hậu nói đã cho người khác từ mấy tháng trước!
- Vậy thì tiếc quá!
- Ừ ừ tiếc thật! Cái khăn đó đẹp lắm nhé. Màu đỏ thắm rất tươi. Nhất là đóa bạch cúc ở bên trái. Khi đeo lên mặt sẽ thấy y như một bông hoa thật… Ta còn nhớ mẫu hậu làm nó rất nhọc công. Mất hơn nửa năm!
Lúc này Vân Nga mới ngạc nhiên hỏi
- Qúy giá như vậy mà Trần hậu đem cho. Người này chắc là hoàng thân quốc thích?
Phất Kim bật cười ra vẻ bí ẩn
- Ta đố mọi người, có biết ai đã mở lời xin Ẩn Dung từ tay mẫu hậu không?
Minh Châu nghĩ ngợi
- Chẳng lẽ là mẫu hậu ta?
- Không phải, Đan hậu đâu có hứng thú với mấy thứ đó!
Vân Nga cũng đoán thử:
- Có khi nào là bệ hạ?
- Phụ hoàng còn không biết đến sự tồn tại của nó!
Minh Châu tỏ ra bế tắc
- Vậy là ai? Có mặt mũi xin của quý từ tay Trần hậu, khẳng định không phải nhân vật tầm thường…
Phất Kim gật đầu, cười bí hiểm:
- Không đoán ra phải không? Là Điện tiền chỉ huy sứ!
- CÁI GÌ?
Cả ba người chúng tôi đều đồng thanh. Từ khi nào mà gã họ Lê kia có hứng thú với vật phẩm của nữ nhân nhỉ?
Phất Kim bắt đầu hào sảng kể tườm tận
- Nghe nói một lần Lê Hoàn tới vấn an mẫu hậu ta. Người đang ngồi bên khung thêu dở một bức tranh. Hoàng hậu sai cung nữ đi lấy thêm chỉ. Không ngờ a hoàn kia bất cẩn lấy nhầm hộp gấm đựng Ẩn Dung. Lê Hoàn trông thấy và lập tức kết ngay. Nhất quyết thuyết phục hoàng hậu tặng cho hắn ta!
Minh Châu công chúa vỗ tay lên bàn
- Chắc chắn là đem về cho nhị phu nhân!
Phất Kim lắc đầu
- Ai nói? Chắc chắn là tặng cho đại phu nhân! Lý Ngọc Lâm rất mê mấy món đồ do mẫu hậu tỉ làm!
Minh Châu không chịu thua
- Nào phải! So với Lý Ngọc Lâm, Tướng quân yêu mến Đỗ Nghi Lan hơn, nàng cũng vừa sinh con trai. Muội nhớ ngày nàng ta gã cho Lê Hoàn, đích thân hắn đã đem hỷ phục tới nhờ Trần hậu thêu đôi long phụng.
Phất Kim cũng ngẩn ngơ nhớ lại
- Uhm… đúng thế… trước giờ chưa có ai dám yêu cầu mẫu hậu ta bỏ công thêu long phụng cho hỷ phục. Bộ đồ đó có một không hai! Lê Hoàn thật khéo chọn thợ…
Thế là cuộc trò chuyện bắt đầu quay sang hai vị phu nhân nhà họ Lê. Công chúa Minh Châu và Phất Kim cãi nhau xem ai là người được Lê Hoàn sủng hạnh tặng cho thứ quý giá như thế. Suốt cuộc cãi cọ tôi chỉ im lặng lắng nghe. Vân Nga thì lại tò mò cái khăn kia đẹp tới dường nào. Phất Kim hứng thủ tả thật tỉ mỉ. Nào là chọn ra một con tằm trong 100 con, kéo ra sợi tơ vàng óng chất lượng nhất rồi được dệt cẩn thận công phu ra sao, nhuộm bằng thứ màu thượng hạng thế nào. Đến cuối cùng là do một tay Cồ quốc hoàng hậu thêu từng mũi chỉ. Ẩn Dung kia hoàn hảo đến từng thớ vải, từng sợi tơ. Nghe nói cách đây không lâu, một vị hào phú nước Tống từng ra giá một trăm vạn lượng để mua Ẩn Dung, vị tiểu thư danh giá nào đó vùng Trung Nguyên cũng cất công tới tận Cồ quốc để nhìn qua một cái.
Trần hậu nhất quyết không bán, nói là “của quý chỉ tặng chứ không buôn”. Bây giờ bà ấy đã tặng cho Lê Hoàn, đủ thấy anh ta xảo trá tới chừng nào, lừa được cả Cồ quốc hoàng hậu!!??
Đến khi Phất Kim tả cụ thể hơn về hình dáng chiếc khăn tôi mới phát hiện có điểm bất thường. Nghe nói nó có viền một vòng chỉ bạc dọc theo cánh hoa, giữa đêm sẽ sáng lên lấp lánh. Còn nghe nói đóa hoa cúc kia gồm một bông to và hai nụ nhỏ bên dưới. Sao càng nghe càng thấy quen vậy nhỉ?
- Hoàng hậu, công chúa, tiểu nữ thấy không được khỏe, muốn vào trong điện nghỉ ngơi chốc lát. Mọi người ở lại nói chuyện tiếp nhé!
Tỉ tỉ lo lắng dặn dò tôi mặc thêm áo kẻo bị cảm. Tôi hành lễ quy cách rồi vội vã trở về phòng. Trong ngăn kéo thứ hai bên trái là một tấm vải đỏ rực rỡ. Tôi run run cầm nó lên xem. Lần đầu tiên nhìn thấy chiếc khăn này chính là gói xung quanh nhánh quỳnh đêm hôm đó. Vì trời tối nên không nhìn rõ, cứ ngỡ chỉ là vải bảo vệ nhánh hoa. Hóa ra món quà chính không phải bông hoa quỳnh mà là cái khăn này: Ẩn Dung trong truyền thuyết!!??
Làm sao có thể?
Nhìn kĩ lại thì đúng là một tấm nạm che mặt. Tôi vừa kinh hoàng, vừa sửng sốt vừa mừng rỡ tháo khăn hiện tại ra. Bàn tay run rẫy đeo Ẩn Dung vào.
Trước tấm gương đồng, đúng là không lời nào để nói!
Chiếc khăn cực phẩm, mang theo nét huyền bí vô biên. Tôi thấy mắt mình như đẹp hơn, làn da như trắng sáng hơn. Đóa bạch cúc vừa dịu dàng vừa mê hoặc. Đeo cái này mà bước ra ngoài đảm bảo ai cũng phải ngoái nhìn. Kẻ to gan không chừng sẽ nhào tới cướp đi mất!
Tôi chớp chớp hai mắt, sup sụp chống tay ngồi xuống giường.
Tiêu rồi tiêu rồi…. Chắc chắn là tên lính vệ đêm đó đã trộm đồ của Lê Hoàn, đem tới đây muốn vu oan giáng họa cho tôi đây mà!
Không được không được… ngày mai nhất định phải đem đi trả. Tôi còn rất trẻ không muốn vì tội trộm cắp mà phải đi nhà lao đếm lịch!!!
OH MY GOD! Sao chuyện gì liên quan tới Lê Hoàn cũng trở nên rắc rối và nguy hiểm thế này?