Vẫn là năm Qúy Dậu (973), Thái Bình năm thứ 4, Tống Khai Bảo năm thứ 6
Tháng ngày vô vị trôi qua. Năm nay cũng yên bình như năm trước. Tình hình trong triều chỉ xảy ra một sự kiện lớn: Nam Việt Vương Đinh Liễn từ Biện Kinh trở về.
Gần một năm mới lại nhìn thấy vị hoàng tử này. Da ngâm đi một chút, mặt già dặn một chút nhưng mắt thì sáng hơn rất nhiều. Nhìn vương gia áo lấm bụi đường, từ ngựa nhảy xuống quỳ dưới chân hoàng đế, tôi không khỏi cảm động. Lại nhớ tới lời của Đinh Tiên Hoàng: “
Liễn nhi… nó rất được. Thông minh, gan dạ và hiếu thuận, cái gì cũng tốt nhưng mà… tính nó trẫm rất hiểu, mỗi khi đứng trên đỉnh cao sẽ rất tự mãn, không biết đề phòng, đôi lúc lại tỏ ra thâm độc không cần thiết. Tính cách đó không thể làm vua!”Thật đáng tiếc. Người này là con trai trưởng, đúng hơn là con trai trưởng thành duy nhất của vua. Một người đã kề vai sát cánh, cùng Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn thống nhất giang sơn. Một ứng cử viên tốt như thế lại bị đánh giá “không thể làm vua”. Nếu Đinh Liễn mà biết, không biết anh ta sẽ phản ứng ra sao? Hiện tại Đinh Hạng Lang chỉ mới 3 tuổi, mà mẹ của bé là Phạm Kiều Oanh lại thiếu đi tố chất làm một nhà giáo dục ưu tú. Tôi không tin dưới sự nuôi nấng của ả ta, thằng bé sẽ cứng cáp, giỏi giang hay đơn giản là hiểu trái phải, đúng sai. Nghĩ tới đây, tôi lại nhìn Vân Nga. Hôm nay chị ăn mặc rất đẹp, áo phượng, trâm loan, đứng bên cạnh hoàng đế. Đinh Liễn lạy cha, lạy mẹ rồi nhìn Trinh Minh hoàng hậu, đôi mắt rõ ràng có chút chấn động sau đó cũng hành lễ với chị. Nói cũng phải, trong năm vị hoàng hậu chỉ có Vân Nga mặc phượng bào do Đinh Tiên Hoàng ban. Bốn vị kia cũng mặc áo đỏ, áo hồng – màu sắc của hoàng hậu nhưng thiếu đi con chim phượng rất lớn thêu trên tà váy.
Một năm không về đế đô, Đinh Liễn đã bỏ qua nhiều thay đổi, anh ta không biết bây giờ địa vị của Vân Nga trong hậu cung rất cao, đã ngang bằng với mẹ anh – Đan Gia hoàng hậu Đan Đỗ Linh. Hơn nữa, trong mắt quần thần chị ấy mới là hoàng hậu chân chính. Phạm Kiều Oanh có sắc thiếu tài, lòng hay ganh đua không được vua xem trọng. Dương Hân Nga tuổi đã về già, thường ốm đau không ra khỏi Cúc Băng cung. Trần Nương lại sống kín đáo, chỉ đam mê thêu thùa, ngoài may vá thì chẳng có thêm tài năng gì. Đan Đỗ Linh thì rất kín miệng, bà ta có Đinh Liễn, lại là vợ cả nên luôn tự nhận mình là chính cung, nói năng thường cao giọng để tỏ uy nghiêm, đi đứng rất có phong thái Mẫu nghi thiên hạ, trong sinh hoạt luôn có đòi hỏi rất cao về món ăn, áo mặc, nghiêm khắc với cung nhân và mọi quan thần. Vì lẽ đó mà không ai dám đắc tội bà, nhưng cũng không ai muốn gần gũi bà. Ngoài cái bộ dáng hoàng hậu ra thì bà ấy không có thêm biểu hiện nào, không như Vân Nga hòa nhã thân thiện, lo những gì vua lo, nghĩ những gì vua nghĩ, luôn dùng sự thông minh của mình giúp đỡ việc nước, san sẻ lo âu cho chồng. Ngày nay chị ấy trở thành chính cung trong mắt triều đình, các vị hoàng hậu cũng phai nhạt và ít được nhắc tới. Hôm nay chị mặc phượng bào, đứng ngay cạnh hoàng đế, đủ cho thấy thái độ của nhà vua trong địa vị của Vân Nga.
Đinh Liễn lạy xong thì đứng dậy, mắt nhìn Dương hậu rồi nhìn Đan hậu, dường như có quá nhiều ẩn tình trong cặp mắt đó.
Nam Việt Vương lúc đi chở theo nào là cống phẩm trân quý, đem về cũng có vài món quà hiếm của nhà Tống cùng với một vị Sứ quân. Gã này là quan Tống triều đầu tiên tôi gặp được. Mắt to bằng hạt tiêu, ria mép như con cá chép, người tròn như cái thúng và bụng phê như ông địa. Thứ lỗi cho sự miêu tả có thêm mắm muối tí xíu, nếu làm hoạt hình cho cái ông sứ thần này thì giống y như tôi kể. Lão nói tiếng Hán khó nghe, so với tiếng Việt-Mường ở Cồ quốc thì khác nhiều chỗ. Hoàng đế đón tiếp lão rất trang trọng và lão cũng làm ra vẻ cao ngạo như ông sếp lớn. Sau một tháng phè phởn ăn uống no say, du ngoạn Đại Cồ Việt, lão mới bắt đầu đem chiếu chỉ của Triệu Khuông Dẫn ra. Ngày đọc thánh chỉ tôi không có mặt, chỉ nghe Vân Nga kể lại với bộ mặt giận dữ và uất ức.
Hiện tại là thời kì Bắc Tống, đây là giai đoạn nhà Tống còn hưng thịnh, thống lĩnh cả Trung Hoa. Nói về nguồn gốc thì tôi được biết Triệu Khuông Dẫn – hoàng đế hiện tại là người sáng lập nhà Tống. Về mặt nào đó, ông là người cùng thời và có sự nghiệp giống Đinh Bộ Lĩnh. Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, non sông gom về một mối. Triệu Khuông Dẫn kết thúc thời kì Ngũ Đại Thập Quốc đem vùng đất Trung Nguyên đang bị xâu xé thành một bờ cõi, với một quốc kì, một triều đình và chỉ thờ một vua.
====================================
* Ngũ Đại Thập Quốc: Ngũ Đại: Nhà Hậu Lương (1 tháng 6 năm 907–923) Nhà Hậu Đường (923–936) Nhà Hậu Tấn (936–947) Nhà Hậu Hán (947–951 hoặc 979, tùy cách nhìn nhận đối với Bắc Hán) Nhà Hậu Chu (951–960) Thập Quốc: Ngô (907-937), Ngô Việt (907-978), Mân (909-945), Sở (907-951), Nam Hán(917-971), Tiền Thục (907-925), Hậu Thục (934-965), Kinh Nam (924-963), Nam Đường(937-975), Bắc Hán (951-979). ====================================== Tính tới nay thì nhà Tống là nhà nước quân chủ tập quyền tiến bộ nhất Trung Hoa. Mãi về sau đến thời Nam Tống thì rơi vào loạn lạc và nội chiến. Sau đó bị nhà Nguyên thay thế, Tống triều chỉ còn tồn tại trong sử sách. Và tôi – người sinh ra ở thế kỉ 21 đã may mắn đứng cùng vòm trời với vương triều huyền thoại này, chứng kiến những biến động mà nó gây ra cho Việt Nam, chứng kiến những cuộc xung đột vũ trang sắp diễn ra và cũng chứng kiến cuộc chiến Việt – Tống đầu tiên trong lịch sử. Dĩ nhiên, tất cả là dự định tương lai, nếu tôi vẫn còn toàn mạng tới ngày đó thì sẽ có cơ hội.
Lần đi sứ của Nam Việt
Vương đã thành công như nhà vua mong đợi. Chúng ta đã tìm ra giải pháp hòa hoãn chiến sự, kiếm thêm vài năm an bình cho nhân dân. Dù là kết quả tốt nhưng tôi cũng không khỏi giận sôi máu khi nghe Vân Nga kể lại tình hình.
Đinh Bộ Lĩnh đã xưng đế từ năm 968, lấy hiệu Đại Thắng Minh Hoàng Đế. Nay nhà Tống không công nhận mà đặt cho danh hiệu Giao Chỉ quận vương, nhắc nhở Đại Cồ Việt về 1000 năm đô hộ vừa qua, từ thời Hùng vương đã bị phương Bắc gọi là Bộ Giao Chỉ, là một vùng đất bé tí phía nam phụ thuộc Trung Hoa. Cái danh Giao Chỉ Quận Vương này chính là hạ bệ nhà vua thấp đi một bậc so với Triệu Khuông Dẫn. Tiếp theo là phong Đinh Liễn làm Kiểm hiệu thái sư Tỉnh Hải quân tiết độ sứ An Nam đô hộ. Cái danh “Nam Việt Vương” của anh ta cũng bị gạt phăng đi nốt. Hoàng đế cùng hoàng thất, triều đình cúi đầu nghe chỉ dụ nhưng ai cũng nghiến răng nghiến lợi. Nhất là khi nghe Đinh Liễn thuật lại “lời vàng ý ngọc” của vua Tống:
“[Họ Đinh] đời làm vọng tộc, gìn giữ được phương xa, chí hâm mộ phong hoá Trung Hoa, thường nghĩ đến việc nội phụ. Nay chín châu hợp một, miền Ngũ Lĩnh sạch quang (chỉ việc nhà Tống đã diệt Hán, lấy được miền Nam Trung Quốc), bèn trèo non vượt biển đến dâng đồ cống. Khen người làm con biết giữ lễ phiên thần, vậy ban cho cha ngươi theo lối cắt đất phong tước, xếp phẩm trật cho vào hạng được cầm quân, được hưởng mức “tỉnh phú”. Như thế là để khen thưởng đức tốt của người già, há chỉ hạn chế trong điển chương thường lệ đâu?”.Cái “tỉnh phú” nói trên chính là một chế độ quân sự mà địa phương phải góp 1/5 binh mã cho trung ương. Nói trắng ra là đem quân cống cho phương Bắc. Khi nghe đến hai chữ “tỉnh phú”, Lê Hoàn đã đập vỡ ấm trà. Quân là từ dân, đem cống quân chính là bán dân, ném mạng dân vào tay giặc, là khiến chồng xa vợ, cha xa con, và đó là chia ly không hẹn ngày gặp lại. Chưa nói đến quân do một tay Lê Hoàn đào tạo, lực lượng là do anh ta quản lý và phát triển, nói đem cống chẳng khác gì moi ruột đưa cho Tống triều.
Đêm đó Đinh Tiên Hoàng nghỉ lại Điện Vân Sàng, ngài và Vân Nga tâm sự cả đêm, cùng nhau sầu, cùng nhau lo. Và cũng đêm đó tên thị vệ chết tiệt dám ngồi vắt vẻo trên cành bạch đàng, hắn vẫn sống sờ ra sau khi bị tôi rủa xả tơi bời. Lần này hắn không chọn chỗ tối mà là nơi ánh trăng có thể soi rọi. Tôi ngước đầu nhìn từ khung cửa sổ, gương mặt như hư ảo bên tối bên sáng, sống mũi cao thẳng thật đẹp, cặp mắt sáng nhưng đầy phiền muộn. Không có chào hỏi, không có ngụy trang, hắn dùng giọng nói thật mà hỏi tôi:
- Tầng 18 của âm phủ có gì?
Ai mà biết chỗ đó có gì, tôi chỉ thuận miệng nói ra thôi. Tầng 18 là sâu nhất, có lẽ sẽ ghê gớm nhất. Tôi lại nghe hắn hỏi:
- Làm sao để đưa một người xuống đó?
Vẫn không biết trả lời. Đôi mắt ấy trong bóng tối có gì đó rất quen, mắt đang nhìn về nơi xa – phương Bắc.
- Đầu có thể cúi nhưng tâm thì không. Sẽ có một ngày ta đưa chúng về nơi nàng đã nói. Nhất định có một ngày…
Tôi đứng ở cửa sổ, nghe gió lùa vào tóc, đưa theo cả âm thanh nhẹ nhàng và đầy sức mạnh kia vào tai.
- Ừ. Có chứ. Ngài sẽ làm được.
Hắn lại đưa tầm mắt về phía tôi, môi cười
- Khẳng định à? Làm sao nàng biết?
Tôi muốn nói tôi đã đọc trong sách, đã nghe cô giáo giảng, đã xem phim,… nhưng ngẫm thấy lý do này quá khó tin, đành nói bừa:
- Vì tôi tin tưởng.
Hai mắt anh mở to, hơi sửng sốt rồi lại dịu dàng
- Kiều Nga.
Chỉ gọi tên, rồi im lặng, cứ như tên tôi có tất cả ẩn ý mà anh ta muốn nói. Lê Hoàn vươn vai, nhìn trăng rồi ngồi dậy, đứng thẳng trên cành cây
- Khoan!
Tôi kêu một tiếng trước khi anh ta rời đi
- Cái này trả ngài, cảm ơn rất nhiều.
Lê Hoàn nhìn Nguyệt Mao trên tay tôi, anh cúi người xuống, một tay đu cành cây giữ thăng bằng, tay kia chìa xuống nhận cái áo. Tự nhiên tôi nhớ tới cảnh Romeo và Juliet hẹn hò ở ban công. Nhìn vào đôi mắt đen ngày một gần, tự nhiên tôi muốn hỏi:
- Ngày đó… ở trước cung Phạm hậu, là ngài giúp tôi phải không?
Bàn tay cầm áo choàng khựng lại, rồi từ tốn đem áo khoác lên vai, anh không trả lời
- Còn có… ngài từng cho tôi cái áo đó, tôi cảm thấy lông rất mềm, rất giống cảm giác của đêm đó… Và mắt ngài cũng rất quen, Thâu nhi có cặp mắt giống cha!
Ôi, mình đang nói cái gì vậy? Lê Hoàn đã đứng trên kia, ánh trăng phủ lên áo choàng càng tăng thêm màu trắng của bộ lông bạch hổ, tán lá che mất một phần khuôn mặt, chỉ thấy làn môi cười và một lời nói loáng thoáng trong gió:
- Lần sau, nàng đeo Ẩn Dung cho ta xem thử, chắc sẽ rất đẹp.
Và rồi bóng anh cứ như ma quỷ biến mất trong màn đêm, trăng có sáng cũng không tài nào bắt được hình dáng ấy. Tôi thất thần đứng đó rất lâu, quên cả ngủ. Như vậy là sao? Họ Lê này không phải là… là… có ý gì với tôi chứ? Làm ơn đi, xin đừng khiến tôi rối trí, đừng làm sụp đỗ bức tường phòng bị của tôi và đừng khiến tôi yêu mến kẻ thù số một của mình.
Đêm đó, trăng và mây ghé đầu vào nhau ngủ, cỏ và hoa ôm nhau say giấc, gió và nến lưu luyến dập dìu, tôi và Lê Hoàn… đã ngấm ngầm xác lập một thứ quan hệ mờ ám mà ai cũng hiểu.
Lê Hoàn – Lê Đại Hành
Em từ nơi xa xôi đến đây là vì Dương Vân Nga, hay là vì anh?