Ất Dậu (975), Thái Bình năm thứ 6, Tống Khai Bảo năm thứ 8
Mùa xuân, hoàng đế phong Trịnh Tú (鄭琇) làm “
Đại Cồ Việt công thần sứ quân”, khởi hành đến đất Tống, lần thứ 2 thiết lập quan hệ ngoại giao với cường quốc phương bắc. Trịnh sứ giả mang theo rất nhiều vàng lụa, sừng tê, ngà voi nhưng tuyệt đối không mang vũ nữ. Theo lời ông nói thì: “Trong nước mỹ nhân không thiếu nhưng so với vàng bạc thì con dân Đại Cồ Việt vẫn đáng giá hơn.” Ảnh hướng từ đợt cống binh “tỉnh phú” năm trước, cả triều đều nhất quyết đồng tình.
Mùa thu cùng năm, Trịnh Tú trở về, vua Tống sai Hồng lô tự khanh Cao Bảo Tự cùng với Vương Ngạn Phù đem chế sách sang gia phong cho Nam Việt Vương Đinh Liễn làm
Khai phủ nghi đồng tam ty,
Kiểm hiệu thái sư,
Giao Chỉ Quận Vương. Sự kiện này làm vương gia rất cao hứng. Kể từ đây, các cuộc đi sứ ngoại giao đều lấy Đinh Liễn làm chủ. Xét cho cùng đây cũng không phải chuyện quá lớn, nhưng nó tạo một cơn sóng ngầm trong nội bộ triều Đinh mà vẻ bề ngoài nhìn giống một gợn nước lăn tăn vô hại.
Động thái này của nhà Tống ám chỉ việc ủng hộ Đinh Liễn làm thái tử nối ngôi, xem ra chuyến đi sứ một năm trước của Nam Việt Vương còn có nhiều tác dụng khó ai biết. Một cơ hội tốt như vậy, vương gia không lý nào lại bỏ qua. Ngài chắc hẳn đã tạo mối quan hệ với vài vị quan lớn, gây ấn tượng với Triệu Khuông Dẫn, nhằm tranh thủ sự ủng hộ từ Tống triều.
Mấy hôm trước hoàng đế nghỉ lại điện Vân Sàng. Trong lúc rót nước bưng trà, tôi đã nghe ông than phiền với hoàng hậu:
- Liễn Nhi xem ra rất tham vọng, nó muốn ngai vàng đến phát rồ rồi. Nhà Tống cũng chẳng tốt lành gì. Liễn Nhi không hiểu rằng Triệu hoàng đế có cái đầu cao hơn nó mấy bậc. So với trẫm, với Triệu Khuông Dẫn, thậm chí với Lê Hoàn, nó vẫn còn non lắm! Nay nó mượn sức ngoại bang mà lên ngôi vua, sau này cũng theo đà đó mà bị Tống triều ảnh hưởng. Nó kết bạn với kẻ thù, điều này làm trẫm rất giận. Hôm nay nhà Tống giúp đỡ nó cũng vì biết cách nắm bắt nó. Ngày sau nhà Tống trở mặt lung lay Đại Cồ Việt, Liễn Nhi sẽ khó lòng đối phó! Hoàng hậu… trẫm nghĩ nên tỏ rõ thái độ với toàn triều, phong Toàn Nhi làm thái tử, như vậy mới may ra dẹp đi tham vọng của Liễn nhi!
Vân Nga với chuyện này vô cùng buồn rầu, mấy đêm nay chị đều mất ngủ. Chị không muốn Đinh Toàn làm thái tử, như vậy không khác nào đưa thằng bé chưa đầy 2 tuổi ra đứng mũi chịu sào. Ai mà biết được Nam Việt Vương sẽ buông tha tham vọng hay vì tham vọng mà bất chấp tất cả. Dẫu sao chốn này cũng là hoàng cung, tranh chấp, đấu đá là chuyện cơm bữa.
Bính Tý (976), Thái Bình năm thứ 7, Tống Khai Bảo năm thứ 9
Mùa xuân, cây mai già trên núi Mã Yên vẫn nở hoa đẹp như mọi năm. Trẻ nhỏ mừng lớn thêm 1 tuổi, người lớn sầu vì già đi 1 tuổi.
Triều đình vẫn vậy, sáng sớm đều đặn những buổi chầu. Đông thành quan lớn quan nhỏ đi đi lại lại. Tây thành có tiếng cười nói của hai vị hoàng tử và tiểu công chúa Đinh Quế Nguyệt. Năm nay Nguyệt nhi và Toàn nhi đã 3 tuổi. Lang nhi lên 6. Có lẽ chúng là những đứa con cuối cùng của hoàng đế. Ông vừa thọ 48, vẻ ngoài còn rắn chắc tươi tỉnh lắm nhưng cũng không tránh khỏi vài dấu hiệu của tuổi già: những nếp nhăn, mái đầu bạc và gần đây nhất là bị cảm khi trời trở lạnh.
Vài ngày trước xảy ra một chuyện nói lớn không lớn, nói nhỏ không nhỏ. Đó là Nam Việt Vương bị đưa ra khỏi Tây thành. Hoàng đế lấy cớ sinh nhật thứ 33 của vương gia mà tặng một trang viên giàu có ở hướng tây bắc thành Hoa Lư. Chẳng rõ ngài cho xây dựng từ bao giờ. Hoàng đế nói rằng quy cũ vốn chỉ cho thái tử và các hoàng tử công chúa chưa trưởng thành được ở trong hoàng cung. Khi hoàng đế lên ngôi chỉ có duy đứa con này, vì thương mà không nỡ để nó đi xa. Nay có thêm Đinh Hạng Lang, Đinh Toàn, quy cũ cũng tới lúc phải tuân theo. Về sau tất cả hoàng tử sau khi được phong vương đều có phủ đệ riêng, dọn ra khỏi hoàng thành. Việc này nói vẻ vang thì giống như cha cấp cho con một “tiểu giang sơn”, tha hồ quậy, không phải kiêng kị các quy tắc ngặt nghèo nơi cung cấm. Nhưng nhìn về góc độ chính trị thì rõ ràng Đinh Tiên Hoàng đang nhắc nhở Đinh Liễn về thân phận của mình, lần nữa khẳng định ông không có ý để Đinh Liễn kế vị.
Nam Việt Vương cuốn gói về phủ đệ, mặt mày có vẻ hớn hở nhưng khó đoán lòng anh ta nghĩ gì. Đan gia hoàng hậu là biểu hiện rõ nhất, bà thường xuyên đến tìm hoàng đế, muốn thuyết phục ông để con trai ở lại với hàng tấn lý do.
Vụ việc xài xáo mấy ngày rồi cũng từ từ lắng xuống, không biết cái bình yên giả tạo này kéo dài được bao lâu.
Những buổi hẹn hò của tôi cũng không vì chuyện kia mà gián đoạn. Tối nào nàng Juliet cũng bí mật mở cửa sổ, khép cửa phòng rồi bắt đầu mấy phút mặc niệm chờ chàng Romeo. Romeo này giờ giấc hay thất thường, chủ yếu là dựa vào chu kì mặt trời mà đến. Tháng năm đêm ngắn ngày dài, tháng mười ngày ngắn đêm dài… dù thế nào cũng phải đợi lúc hoàng cung lên đèn mới dám đi gặp người yêu. Haizzz… yêu đương kiểu này thật khổ!
- Ngài lại muộn!
Tôi đưa đầu ra khỏi cửa sổ, câu kết tội thay cho lời chào. Lê Hoàn quá quen thuộc với cái cây này rồi, vài động tác đã ngồi xuống ngay ngắn.
- Ra khỏi thành, tìm hoa quỳnh cho nàng!
Lại còn giở trò lãng mạn. Tôi trề môi nhưng tay vẫn hớn hở nhận quà. Đan Gia hoàng hậu xem hoa quỳnh là loài hoa ma quỷ, cũng như Vân Nga bị dị hứng hoa xoan nên hai loài hoa này không tìm thấy một móng trong hoàng cung. Lê Hoàn phải ra bên ngoài tìm về, coi như có chút lòng thành. Tôi cắm hoa vào lọ, loài hoa chỉ khoe sắc một đêm, sau đêm nay nó cũng sẽ tàn…
Lê Hoàn thư thái ngồi trên
cây, nhìn qua cửa sổ xem tôi vân vê cánh hoa trắng mút, anh biết tôi thích hoa quỳnh.
Đem lọ hoa đặt lên bệ cửa, tôi bắt cái ghế đẩu, chuẩn bị chương trình trò chuyện đêm khuya như mọi khi.
- Gần đây ngài có gặp vương gia không?
- Có, cách đây mấy hôm.
- Vương gia chắc còn buồn bực nhỉ?
- Ừ, lần này quan hệ của ngài với bệ hạ khá căng. Hoàng thượng cũng thật là cố chấp…
Tôi nghe vậy liền mang những lời hoàng đế nói với Vân Nga kể cho anh nghe. Lê Hoàn có chút trầm ngâm rồi cười bảo:
- Vương gia so với ta lớn tuổi hơn, cùng sinh cùng tử mấy phen dĩ nhiên ta hiểu ngài. Kế này của vương gia quả thật không chính đáng. Mượn lực Tống triều là hành động rất cực đoan. Triệu gia có tham vọng lớn, đối với mảnh đất nhỏ phía nam này vẫn đêm ngày hăm he. Ta linh cảm không lâu nữa sẽ có xung đột… đến lúc đó… chỉ cần vương gia tính sai một nước, cả bàn cờ sẽ hỏng.
- Như vậy… ngài cũng cho rằng ngai vàng không thích hợp với Nam Việt Vương?
Lê Hoàn ngửa đầu nhìn trời, mỉm cười:
- Ta làm gì có tư cách mà nói đến chuyện đó? Bệ hạ không có lòng tin ở vương gia đã đành, hình như ngài cũng không có lòng tin ở ta… Bệ hạ cố chấp không để vương gia làm thái tử mà quên rằng vẫn còn có ta ở bên cạnh. Nam Việt Vương tuy có kiêu ngạo nhưng chưa bao giờ làm lơ ý kiến của ta. Với ngài ấy, ta giống một vị đệ đệ quan trọng. Nếu vương gia lên ngôi… ta tin mình có thể sống đủ lâu để phò tá ngài… chỉ cần ta còn minh mẫn thì sẽ không để vương gia làm bậy, cũng không để nhà Tống lăm le bờ cõi Cồ quốc.
Lê Hoàn như đang tưởng tượng về cái tương lai do anh nghĩ ra, tiếc là nó sẽ không diễn biến như thế. Nếu lịch sử đúng như anh nói thì sẽ mất hẳn một triều đại Tiền Lê, cũng mất hẳn một Lê Đại Hành vang danh hiển hách.
Mưu sự tại nhân, hành sự tại thiên. Có đôi lúc số phận định như thế, dù có cố thay đổi vẫn là đi một con đường khác tới cái đích ban đầu mà thôi. Tôi từng so sánh Đinh Liễn với Phạm Cự Lạng bởi hai người này có tính tình khá giống nhau, bề ngoài nham hiểm, giả dạng công tử ăn không ngồi rồi, có thời giờ lại phá chó ghẹo mèo, làm chuyện thị phi. Nhưng bây giờ tôi nhận ra họ hoàn toàn khác nhau. Đinh Liễn giả vờ để che giấu con người nhiều toan tính và tham muốn bên trong, khi anh lột lớp mặt nạ thì nó không còn mang dáng dấp ban đầu. Phạm Cự Lạng lại không diễn kịch mà anh định hình cho phong cách của mình như thế, lúc nhỏ đã thế, thời trai trẻ cũng thế và bây giờ vẫn vậy. Anh dùng vỏ bọc này để làm nhẹ nhàng bản chất nghiêm trang của một vị tướng, để người ngoài thấy dù rơi vào hiểm nguy cận kề, Cự Lạng cũng không lo sợ mà còn đùa giỡn được. Trong hai vị huynh đệ kết nghĩa của Lê Hoàn, tôi thích Phạm Cự Lạng hơn. Dù sao cũng suýt tí nữa lấy nhau.
Nhắc tới vụ này lại thấy hoài nghi cái người đang ngồi trên cây kia. Chẳng biết anh ta dùng cách gì mà lôi kéo được Khuông Việt Đại sư về phe mình. Một câu nói của vị hòa thượng “bát tự không hợp, mạng hỏa và thủy khắc nhau, phong thủy chẳng hài hòa, âm dương rất hỗn độn” thế là hoàng đế cùng hoàng hậu lập tức dẹp hết đồ cưới, còn xin lỗi Phạm Cự Lạng và an ủi tôi đừng buồn, duyên trời chưa đến cứ tiếp tục chờ.
Haizzz… mà đại sư cũng không cần nói quá lên như thế. Cái gì mà trên dưới trái phải đều khắc nhau, nghe như thể trời sinh đã là kẻ thù. Lúc đại sư phán câu rùng rợn này, hoàng đế và hoàng hậu xám mặt, Lê Hoàn ung dung cười, Phạm Cự Lạng giật mép liên tục, len lén nhìn anh một cách khinh bi không thôi.
Chuyện khó khăn như vậy mà giải quyết gọn gàng dứt điểm, đúng là Lê Hoàn có khác!
Trong lúc tôi đang nghĩ bâng quơ, tự nhiên nghe anh nói:
- Nga Nhi, đêm nay trời nhiều mây, không thấy trăng sao đâu cả!
Tôi mờ mịt nhìn anh:
- Thì sao?
- Nghĩa là rất tối!
Lê Hoàn lém lĩnh cười. Tôi vẫn chưa hiểu hỏi lại:
- Hở?
- Tắt nến nữa là không thấy gì hết…
- Ừ… rồi sao?
Hình như anh bắt đầu chịu hết nổi sự “thông minh” của tôi. Không thèm báo trước mà nhảy xuống, như con mèo theo cửa sổ len vào trong phòng, nhanh như chớp dập tắt ngọn nến nhỏ gần đó. Tôi còn chưa ngộ ra điều gì thì đã bị ôm lấy.
- Nga Nhi, sau này mỗi lần ta đề cập tới “trời tối” thì tức là muốn hôn nàng, biết chưa? Ngốc quá!
Khăn trên mặt rơi xuống, nụ hôn lại tới tấp…
Một buổi tối êm đềm cứ vậy mà trôi qua. Sau cái tĩnh lặng là rất nhiều giông bão chực chờ… dù vận đổi sao dời, dù ai chết ai sống, tôi vẫn chỉ có một mong ước là ở bên anh mãi mãi. Không cần phải danh chính ngôn thuận, lén lút cũng tạo nên chút ngọt ngào riêng. Hoàng đế sẽ đến lúc băng hà, Đại Cồ Việt sẽ chịu một phen loạn lạc, triều chính sẽ vì thế lung lây, giặc ngoại xâm tiến vào bờ cõi, máu sẽ đổ thành sông, đầu người chất cao như núi,…
Nhưng tất cả thảm họa ấy tôi đều không sợ, bởi vì Lê Hoàn vẫn sống và con người này có thể gánh lấy vạn dặm giang sơn. Lê Hoàn ở đây, bầu trời của tôi không thể sập!