Kỳ Sử Dương Hậu

Quyển 2 - Chương 5


trước sau

Hiểu biết về lịch sử của tôi từ khi xuyên không đã có nhiều cải thiện nhưng nhìn chung vẫn là loại “ba mứa”. Kiến thức có thể dùng miếng vải rách mà hình dung: nham nhở, loan lỗ lung tung. Thông thường thì chỉ biết 1 mà không biết 10 hoặc thích lấy râu ông này cắm cằm bà kia. Vì lẽ đó mà tôi hoàn toàn chưng hửng khi biết tin Chiêm Thành sắp đánh Đại Cồ Việt.

Thế này là sao? Không phải nhà Tống mà là nhà Chiêm??? Theo tôi nhớ thì trước giờ nước mình chỉ bị phương Bắc đánh. Từ thời An Dương Vương bị Triệu Đà dùng kế thông hôn, “lòi” ra sự tích Trọng Thủy – Mỵ Châu. Vua An Dương Vương mất nước, khiến lãnh thổ Âu Lạc bị biến thành Giao Châu, thuộc bộ Giao Chỉ. Qua hết triều Hán, đến triều Đường ròng rã cả nghìn năm. Khó khăn lắm Khúc Thừa Dụ mới dựng được nền tự chủ đầu tiên, xưng Tiết Độ sứ. Rồi đến đời Dương Đình Nghệ và chàng rễ quý hóa Ngô Quyền làm nên huyền thoại Bạch Đằng 938. Hòa bình chẳng bao lâu thì họ Ngô suy, 12 sứ quân tha hồ nhảy lên sân khấu làm trò. Kẻ lắc mông, người múa lửa, còn có tên nhảy cha cha cha và trình diễn nâng cử tạ!? Tôi hình dung thời loạn lạc đó theo lối phim hoạt hình, ví như mèo Tom gân cổ hét “Đại Cồ Việt là của Tom ta!”. Chó mặt xệ nhà hàng xóm không chịu lép vế cũng sủa ầm lên “Nói bậy, đất này ta đã dùng cách thức của họ cẩu mà đánh dấu, nó phải thuộc về ta!” Thêm một con chuột chít “nhỏ mà có võ” chen vào cãi bướng: “Địa đạo dưới lòng đất đều do ta đào, ta nắm địa hình rõ như lòng bàn tay, làm sao là của các ngươi được!?”

Và thế là đám dở hơi đuổi bắt nhau, hết sức sôi động. Mãi cho tới khi sư tử Simba từ giả rừng rú mà leo lên đấu trường chính trị. Ông gầm một tiếng, cả đám loi nhoi liền sợ hãi im re, thế là đất này hợp nhất, chỉ có một chủ: Đinh Bộ Lĩnh – Đinh Tiên Hoàng.

Cũng trong cái giai đoạn vừa hòa bình ấy, có một con ngốc chẳng biết đắt tội với thần linh nào, nó bị quăng từ thế kỉ 21, bay cái vèo, rồi lọt tũm xuống đây. Tới bây giờ vẫn bì bõm bơi qua bơi lại, không biết làm sao để lên bờ. Và con ngốc đó là tôi!

Tôi đang mơ màng đi từ điện Thiên Long về nhà. Các bạn đừng hỏi vì sao chương này mở đầu xàm thế. Hiện tại tôi đang rất stress, không hiểu mình đã bị lún vào cái vũng bùn sâu cỡ nào. Bây giờ là ngày mùng 1 tết, năm Canh Thìn 980 và hàng xóm nhà Chiêm đang chuẩn bị dao thớt xoong nồi qua mần thịt nhà mình. Quái lạ, tôi không hề biết có vụ này cơ đấy, cứ nghĩ sắp tới ngày đánh Tống rồi mà tự nhiên lòi ra một nghìn thuyền chiến đang viễn chinh từ phương Nam lên.

Chiêm Thành là cái xứ nào? Không phải là nước Champa của dân tộc Chăm sao? Một vương triều xa xưa trong lịch sử, về sau đã hoàn toàn biến mất trên hành tinh vì bị Đại Việt thôn tính trọn vẹn. Cứ tưởng tượng thế này: sau mỗi triều đại Ngô – Đinh – Tiền Lê – Lý –Trần – Hồ – Hậu Lê – Nguyễn, thì vương quốc Champa (còn gọi là Chiêm Thành) lại bé đi chút ít, bị đẩy lùi về miền Nam một ít rồi cuối cùng bị Đại Việt nuốt chửng.

Chúng ta học sử trên trường lớp, luôn nghe nhắc tới những cuộc chiến chống ngoại xâm từ phương Bắc, mang theo niềm tự hào dân tộc và kiêu hãnh vì một quốc gia “thiện lương”, hay bị “ăn hiếp” nhưng không hề khuất phục. Việt Nam thời cổ đại xa xưa không hề “hiền lành” đâu các bạn! Quy luật chính trị muôn đời là Cá lớn nuốt cá bé. Đại Việt – Đại Cồ Việt bị phương Bắc xâm chiếm chẳng qua dân họ đông, tài nguyên nhiều, lãnh thổ lớn, hình thành lâu đời và có đủ sức mạnh uy hiếp tiểu vương quốc. Cũng tương tự thế, đối với Chiêm Thành, ta lại là kẻ thù giống như các triều đình phương bắc. Khác ở chỗ xuyên suốt chiều dài lịch sử ta vẫn giữ được giang sơn, còn họ thì không.

Vào thế kỉ 10, “bạn bè gần nhà” của Đại Cồ Việt chỉ bao gồm nước Tống phía Đông Bắc, Đại Lý phía Tây Bắc (nước của nhân vật Đoàn Dự trong tiểu thuyết Kim Dung), Cao Miên của tộc Khmer phía Tây Nam và Chiêm Thành Phía Nam. Hướng Đông là biển cả. Về sau Cao Miên trãi qua phân hóa lãnh thổ, là 3 quốc gia Thái, Lào và Campuchia sau này. Vì lẽ đó mà họ có nền văn hóa rất giống nhau, đều từ một gốc mà ra.

Đại Lý tồn tại không lâu, đến thế kỉ 13 đã biến mất, trở thành một phần của Trung Hoa ngày nay. Thời gian là nguồn cội của mọi đổi thay. Mỗi thế kỉ, mỗi giai đoạn lịch sử, ranh giới các quốc gia đều ít nhiều thay đổi, có nơi di chuyển dần về một phương vì bị cường quốc lấn ép, có nước nhỏ mãi rồi biến mất, cũng có nước cứ phình to ra, chiếm cả một vùng trời bao la và bề thế cho tới bây giờ.

Hưng thịnh và suy tàn của các cộng đồng dân tộc diễn tả sự trầm luân của lịch sử, mỗi một quốc gia đều có vô số mảnh ghép mà cha ông dùng xương máu để gìn giữ hoặc chiếm đoạt. Lịch sử là như thế! Không ai có thể nói chắc mình là người Kinh, người Hoa, người Chăm, hay người Khmer. Bởi vì dòng máu của mỗi chúng ta là kết quả của sự hòa hợp nhiều dân tộc, là hệ quả của bề dày văn hóa ngàn năm. Hòa hợp nhưng không để hòa tan, chính nhờ chân lý này mà trên bản đồ thế giới ngày nay có một lãnh thổ chữ S mang tên Việt Nam, tuy nó bé nhưng nó vẫn luôn tồn tại và sẽ không biến mất.

Những điều này là suy nghĩ rút ra của tôi rất rất lâu về sau, sau khi trãi hết kiếp đời lạ kì này, sau khi được sống cùng lịch sử và được chết trong vòng tay của người tôi yêu nhất. Khó có cách nào khiến tôi thấm thía mùi vị cuộc đời và trưởng thành hơn. Hãy xem như tất cả như một giấc mơ tôi kể cho các bạn, vì sẽ có một ngày tôi thức giấc… đó là khi câu chuyện này kết thúc và đời người lại trở về vạch xuất phát ban đầu.

Lại lan man rồi. Quay về năm Canh Thìn ngày đầu tháng Giêng, lúc tôi trở về điện Vân Sàng thì Nguyệt nhi đã mặc váy mới xúng xính, con bé có vẻ nôn nóng chờ mong. Đinh Quế Nguyệt – đứa con gái út và cũng là đứa con cuối cùng của Đinh Tiên Hoàng, từ khi Phạm Kiều Oanh rời cung, con bé đã sang ở với tôi. Nó gọi tôi là “mẫu hậu” hết sức tự nhiên, gần như quên hẳn ai là mẹ ruột. Tôi mới hai mươi mấy tuổi thôi, vẫn còn là “gái nguyên tem” mà đã có tới 2 đứa con mọn, haizzz…

Nguyệt nhi thấy tôi từ xa, đã cười toét miệng, xốc váy chạy ra

- Mẫu hậu! Hoàng nhi tưởng người bỏ con đi chơi một mình rồi…

Tôi cười cười, nựng nịu đôi gò má xinh xắn, mắt con bé rất giống mẹ, đều sáng và tròn như thế.

- Nguyệt nhi ngoan… hôm nay để Tiểu An dẫn con đi chúc tết nhé! Ai gia có việc gấp phải làm rồi, xin lỗi công chúa!

Con bé chu môi, lắc lắc đầu

- Con đi chung với mẫu hậu, người đi đâu, Nguyệt nhi đi đó!

Tôi biết nó sẽ không buông tha cho mình đành thở dài dắt tay nó vào trong. Tôi gọi A Mẫn – tên nô tài làm việc ở đây lâu nhất:

- Trong cung muốn xem bản đồ, sổ sách về binh pháp, trị quốc và ngoại bang thì phải tới đâu?

Tên hạ nhân gãi gãi đầu

- Bẩm Thái hậu, phải vào Nam thành, hình như trong phòng hậu sảnh của phủ Thống soái.

Chỗ đó tôi đến một lần, đúng là có nhiều thứ tài liệu nhưng lấy thân phận Thái hậu hiện tại không thể đi lung tung

- Không còn nơi nào khác?

- Bẩm… vẫn còn Tàng thư tháp ở Đông thành, chỗ đó lưu trữ các công văn, các thư từ, bản án này nọ… nô tài cũng không rõ lắm.

- Được, vậy thì đi Tàng thư tháp.

Tôi dắt theo Nguyệt nhi đi vào thành Đông. Ngày thường nơi này có rất nhiều quan văn tới lui, là nơi diễn ra các thủ tục hành chính trong nước. Hôm nay là ngày đầu năm, mọi người đều được nghỉ ở nhà, cung điện lại trở nên yên ắng quá mức. Đại Cồ Việt lập ra không lâu, hệ thống chính trị sơ sài, luật pháp thì tùy hứng, nói chung là không đâu vào đâu nhưng ít nhất cũng mang dáng dấp một bộ máy cai trị phong kiến cơ bản. Vân Nga ngày trước hiểu biết rất nhiều, chị có thể thoải mái nói chuyện chính
sự với hoàng đế, có lẽ cũng bỏ không ít thời giờ tìm tòi sách vở. Còn Vân Nga bây giờ đầu óc rỗng không, phải bắt đầu từ cơ bản nhất.

Tôi theo chỉ dẫn của A Mẫn đi tới cái nơi gọi là “Tàng thư tháp”. Đây đích thị là cái nhà kho, nói khó nghe một chút thì giống như bãi rác của bá quan văn võ. Giấy cuộn ống đứng ống nằm ống lăn lóc, sách thẻ tre có quyển bó lại, có quyển xổ ra, có quyển đã bị rơi từng phiến gỗ. Tôi nghĩ nơi này gọi là “tháp” bởi vì công văn chất cao như ngọn núi, Kim Tự Tháp của Ai Cập còn phải ngước nhìn mà ngưỡng mộ. Đi dọc chiều dài căn phòng, tôi cảm tưởng như chơi trò Hugo thám hiểm rừng sâu. Phải bước qua các chướng ngại vật, nhảy qua mấy đống sách, thụt đầu tránh kệ sách hoặc nép mình chui qua các khe tủ hẹp. Càng vào sâu, “rừng” càng hoang sơ, dăng đầy mạng nhện, bụi đóng thành lớp, không khí ẩm thấp. Trời ạ, muốn tìm sách trong cái bãi rác này thì phải làm cách nào?

Nguyệt nhi đối với chỗ này vô cùng thích thú, nó sờ qua sờ lại, không biết chữ mà bầy đặt xem tới xem lui

- Nguyệt nhi, con đừng làm đóng công văn đó thêm lộn xộn, biết cái gì mà nhìn!

- Đâu đó đâu, sách này viết rất dễ hiểu!

- Dễ hiểu gì chứ, con vẫn chưa học chữ mà!

- Nguyệt nhi nói thật! Trong này không có chữ, chỉ vẽ hình thôi. Sách nói có hai bạn đang chơi trò cưỡi ngựa, họ rất vui vẻ… còn có… hai bạn kia đang tập múa, động tác thật dẻo dai…

- Hả???

Ở đây cũng có sách viết về các loại hình giải trí nhân gian hay sao? Tôi ráng chen qua tìm để tới chỗ Nguyệt nhi.

- Đâu đâu? Cho ai gia xem.

Con bé ngoan ngoãn chìa quyển sách cho tôi, còn mình thì quay sang tìm một cuốn khác

- Ở trong rương còn rất nhiều này!

Tôi nhận cuốn sách giấy bìa xanh, nương theo ánh sáng yếu ớt trong phòng mà ngó thử… OÀNH!!! Đây… đây…. đây là cái gì??? Trong Tàng thư tháp còn lưu trữ cả mấy thứ đồi bại này sao? Trời đất ơi, Xuân cung đồ trong truyền thuyết đây mà! Tôi vội vàng nhìn qua Nguyệt nhi, thấy con bé đang hỳ hục lôi ra một cuốn “sách hình vẽ” khác. Hoảng quá, tôi giật cả cái rương, ôm vào người:

- Cái… cái này con không thể xem được. Là sách dành cho U30 có hiểu không? Con đi chỗ khác, tìm sách khác xem đi!!!

Nguyệt nhi rất bất bình, giật giật tóc

- Sao lại thế? Sách này rất hay mà…

Tôi trừng mắt cảnh cáo nó, thế rồi con bé yểu xìu đi ra ngoài, bắt đầu tìm bút lông và nghiêng mực vẽ vời. Thấy con bé không chú ý nữa, tôi mới từ từ bỏ rương xuống. Sách này phải giấu đi, để bậy bạ có người xem thì chết! Thật là, mấy lão quan văn đều tóc bạc da mồi hết rồi mà còn xem thứ này. Phải để cho người trẻ, chưa đủ kinh nghiệm học hỏi mới đúng chứ! Như tôi chẳng hạn…

Nghĩ tới đây, tôi cảm thấy mình rất có “nhu cầu thiết thực” để học hỏi chút kiến thức sinh học. Chỗ này cũng không có ai, giở ra xem vài trang có sao đâu… Thế là vị Thái hậu đương triều gòng lưng ôm chồng sách tìm chỗ khuất. Chọn khoảng trống được che chắn giữa một kệ sách và một bàn gỗ tôi mặc kệ bụi bậm, ngồi bẹp xuống. Hà hà… coi cuốn nào trước đây?

Tôi đã quên mất ý định ban đầu khi bước vào chỗ này. Thứ nào đó quá sức hấp dẫn, cả đời tôi chỉ được nghe mà chưa được thấy. Tôi cần mẫn xem từng trang một. Ồ hố, không chỉ có hình mà còn chú thích tên gọi hẳn hoi. Gì mà Cự long uốn khúc, Vượn núi leo cây, Hồng hạc gác cổ… hí hí hí… cái này còn “đặc sắc” nữa, Quan âm tư tọa!!! Tôi cứ chụm đầu vào trang giấy, hi hi rồi ha ha tiếp đến hô hô, khà khà, hé hé… giọng cười ngày một “rùng rợn”.

Đang lúc cao hứng thì cuốn sách vừa mới xem xong bị Nguyệt nhi lấy lên, tôi biết con bé xem không hiểu nhưng đề phòng vẫn hơn. Tôi một tay cầm sách, tay kia lật giấy, miệng lười biếng nói:

- Nguyệt nhi ngoan… mẫu hậu đã nói là con không được xem, sách này phải có trình độ như ta mới có thể hiểu…

1 giây, 2 giây,… con bé này lì quá, vẫn không chịu bỏ xuống. Tôi đang lăn lê bò lếch trên sàn nhà, phải cực nhọc ngồi dậy, quay ra sau nhìn. Bất ngờ ghê, không phải Nguyệt nhi mà là một đôi chân rất dài, còn mang ủng đen nữa chứ. Có thứ linh cảm chẳng lành dội vào đầu, tôi hoang mang nhìn dọc theo mép áo, từ từ ngước lên. Ở góc độ này có thể thấy khuôn mặt đăm chiêu của ai kia kế bên trang sách.

Hít một hơi lạnh. Đứng hình.

Hôm nay là ngày gì mà xui quá vậy? Kiểu này thì chỉ có hố đen vũ trụ mới đủ cho tôi trốn? Thái hậu nương nương xem sách cấm, thôi xong đời rồi!!!

Người kia chưa vội lên tiếng, còn giơ tay lật lật mấy trang, lát lâu sau thì ngồi xổm xuống, đổi một cuốn khác, tiếp tục nhìn. Suốt quá trình tôi vẫn giả vờ làm nàng Mona lisa với nụ cười thánh mẫu.

- Loại sách này…

Anh ta dừng một chút, bộ nhớ đang search từ vựng

- … không tệ!

- Hả?

Nụ cười nàng Mona hóa thành kiểu Lady Gaga. Anh ta nói là “không tệ”? Có phải muốn thử mình không?

- Nhím… à không, nhiếp chính vương, ai gia trong lúc tìm ít tài liệu đã rất phẫn nộ khi nhìn thấy thứ này. Bọn quan văn trong triều thật bất chính, dám dùng Tàng thư tháp – nơi thiêng liêng và cao quý (mặc dù nhiều bụi) để giấu giếm sách quốc cấm. Ta nghĩ mình nên thay trời hành đạo, vạch mặt tội ác kinh hoàng này trước bá quan, răng đe hậu thế lấy đó làm gương, không được lưu truyền mấy thứ XO này nữa!

Chẳng biết Lê Hoàn có nghe thấy không vì anh vẫn đang đọc, khá là “say sưa”. Đang chờ anh nói gì đó, thì tôi nghe câu phát biểu như sau:

- Có kiểu này nữa sao? Khó quá, làm được không đây??

Cái gì khó? Cái gì khó? Mắt tôi sáng rỡ, rướn người nhìn ké qua. À, khó thiệt, kiểu này chắc đau eo lắm. Chặc chặc… Tôi lại nhìn qua Lê Hoàn, vai rộng, người vạm vỡ, triển vọng ghê!

- Không sao, cái này ngài chắc chắn làm được, thể hình tốt thế mà!

Bấy giờ Lê Hoàn mới quay đầu nhìn tôi, cặp mắt đen âm u. Tôi thấy gió thổi vi vu, hai lỗ tai ù ù, lòng thầm khóc hu hu… phen này phải xuống tóc đi tu!?

- Thái. Hậu. Nương. Nương.

- Ờ?

- Đây là Xuân. Cung. Đồ

- Biết.

- Người trốn trong Tàng. Thư. Tháp xem Xuân. Cung. Đồ!

Gã họ Lê gằn từng chữ. Tóc của tôi dựng hết lên, cứ y như vừa đu dây điện xong

- Nhưng… nhưng… nhiếp chính vương cũng xem mà!

Tôi vô cùng ấm ức, rưng rưng nước mắt nhìn anh khẩn khiết. Anh dám tố giác tôi, tôi sẽ lôi cả anh xuống hố. Cảnh tượng lúc đó có vẻ nực mùi thuốc súng nhưng nhìn dưới góc độ của tiểu thuyết gia thì rất ư “tiềm năng”. Tàng thư tháp sổ sách trùng điệp, mảng sáng và tối đan xen, bụi bay theo các luồng sáng cứ như tinh vân lấp lánh. Tôi ngồi giữa những chồng công văn, váy đỏ rực xòe ra trên đất. Hình tượng Thái hậu không thấy đâu mà chỉ là một con ngốc vừa chui từ củi chó ra, tóc rối, trâm lệch, vài lọn tơ đen mềm bay phất phơ… Lê Hoàn lại cung trang chỉnh tề, đầu đội ngọc quan rồng bằng bạc. Anh ngồi xổm, nét mặt mơ hồ, đôi mắt anh sâu hut hút xoáy thẳng vào tôi.

Một khoảng trống thôi, vừa đủ cho hai hơi thở. Vào lúc này, tôi không biết người ấy đang nghĩ gì, riêng tôi thì chỉ muốn hôn anh…

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện