Dương Vân Nga là cô gái đẹp. Tôi xin mô tả nét đẹp của nàng như sau: Nếu trong Truyện Kiều, nàng sẽ là Thúy Vân. Nếu trong Thần thoại Hy Lạp, nàng là nữ thần Athena [1]. Nếu trong Harry Potter, nàng là Hermione. Nếu trong hoạt hình Disney, nàng là Công chúa hạt đậu.
mynhantq127
Tóm lại, Dương Vân Nga mang nét đẹp dịu dàng như nước. Không quá mặn mà sắc sảo nhưng ôn hòa đáng yêu. Đường nét không hoành tráng nổi bật nhưng hài hòa hiếm có. Mái tóc nàng đen mềm như con suối giữa đêm. Đôi môi đỏ hồng làm người ta muốn cắn một cái. Sóng mắt tươi tắn và ngập tràn ý xuân. Chân mày uốn lượn như rồng bay phượng múa.
Tôi đang tả chị gái của mình, cũng chính là tả bản thân. Vì chị em tôi giống nhau như hai giọt nước. Khuôn mặt này khiến tôi vừa mừng vừa lo mỗi khi soi mình xuống mặt ao. Bộ dạng tôi ngày trước cũng tạm được nhưng chẳng có gì là xuất sắc. Tôi bây giờ có lẽ sẽ khiến chúng bạn trong lớp đau tim. Nếu tôi mang bộ dạng này về thời đại của mình, tôi sẽ lập tức đăng ký thi Hoa hậu. Không đoạt chức Hoa hậu thì chắc chắn là Á hậu 1. (tự tin =))
Nhưng mà đẹp đẽ cỡ nào cũng phải suốt ngày bịt mặt. Lâu rồi chẳng ai còn nhớ tôi cũng đẹp như tỉ tỉ của mình. Người trong làng thường khen ngợi Vân Nga mà không nhắc gì tới Kiều Nga. Thôi được, tôi không ghen tị, tôi chỉ may mắn hưởng một tí nhan sắc từ tỉ tỉ mà thôi. Lịch sử cũng đâu có nhắc ai tên là Dương Kiều Nga, chứng tỏ tôi không làm nên công trạng gì ở cái xứ này. Chỉ có tỉ tỉ là đại nhân vật lừng lẫy non sông thôi. Tôi chỉ việc an phận đi theo tỉ ấy, có lẽ sẽ được nhìn thấy Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, ở trong cung điện nguy nga và ăn sơn hào hải vị.
Ái chà, cuộc sống như vậy đúng là mơ!
Nghe có vẻ tôi đang vui mừng vì cuộc sống mới nhưng thật ra tôi đang ủ dột đau buồn đây! Hai tháng rồi, không biết cha mẹ có nhớ tôi không? Họ sẽ đi báo cảnh sát và cái mặt mốc của tôi sẽ xuất hiện trên trang đầu mỗi tờ báo, từ Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Pháp Luật tới báo Phụ Nữ, Tiếp Thị và Gia Đình, không chừng có cả Mực Tím và Hoa Học Trò… Ây da, tôi đang rất nổi tiếng nha!
Cả ngày đi theo Vân Nga tỉ, làm vườn, cắt cỏ, phơi thuốc, nấu cơm… mọi chuyện tôi phải học làm quen. Dưới cái nắng gây gắt, tôi nhớ những trưa hè cuộn mình trên giường, máy lạnh chạy mát rượi. Nghe kế mẫu la mắng, tôi nhớ mẹ mình hay cằn nhằn chuyện nọ chuyện kia, nhớ dáng mẹ đeo tạp dề loay hoay trong bếp, nhớ bóng hình ngồi dưới gốc cây chờ đón con tan học về. Phụ thân ít khi nói chuyện, mà mỗi lần mở miệng đều là dạy chị em tôi đạo làm vợ, làm mẹ. Ông có nét mặt hiền từ giống cha tôi. Khi ông cặm cụi viết chữ, tôi nhớ cha mình ngồi ở sân nhà chăm chú đánh cờ với các bác. Tôi nhớ cặp mắt đen híp híp sau tròng kính, nhớ khuôn mặt lấm tấm mồ hôi khi cha ôm con gấu bông về nhà trong sinh nhật 17 của tôi.
Tất cả chỉ có nỗi nhớ nhà da diết.
Tôi bắt đầu nghĩ ngợi tìm cách trở về. Mặc kệ thời buổi loạn lạc như thế nào, tôi đâu có hứng thú tìm hiểu lịch sử. Mặc kệ tỉ tỉ sẽ thành Hoàng hậu hay Thái hậu, người nổi tiếng đó đâu phải là tôi. Chẳng qua tôi chỉ là một nhân vật dư thừa, không đáng để Ngô Sĩ Liên chép vào sử sách. Nếu đã thế, vì sao ông trời lại kéo tôi đến đây?
Mỗi ngày tôi đều tới chỗ bờ sông, nơi mình “đáp xuống” trong chuyến du hành thời gian. Tôi từng nghe các bạn nói về lỗ hổng không gian, một hiện tượng chưa được khoa học chứng minh. Rất có thể tôi xui xẻo đi vào cái lỗ hổng đó, như vậy thì chỉ còn cách tìm nó để đi trở ra.
Tất cả chỉ là những giả thiết được suy luận từ cái đầu củ chuối của tôi. Nhưng dần dần tôi đã nhận ra mình là một thành phần trong câu chuyện này.
Lịch sử mà tôi được học đã xảy ra trước khi tôi đến đây hay là vì tôi đến đây nên nó như thế?
Tôi chỉ biết rằng mọi chuyện vẫn có kết quả như những gì sách viết, tỉ tỉ vẫn làm Hoàng hậu của Đinh Tiên Hoàng, các sự kiện vẫn xảy ra đúng thứ tự nhưng nguyên nhân và quá trình thì không như dự đoán của tôi chút nào.
Đầu tiên là vụ xem mắt của
cha con nhà họ Đặng.
Ngày hôm đó, họ đem theo 9 xấp lụa thượng hạng, 9 quan tiền, 9 con trâu tốt, để làm lễ vật. Vân Nga tỉ mặc đẹp hơn ngày thường, áo màu lam tươi, giày thêu hoa, đeo một cái kiềng bạc. Mái tóc dài xõa ra, tết một đường chéo công phu trên đầu. Chị bảo mình không muốn lấy phu quân nhưng vẫn ăn mặc tươm tất để phụ thân nở mày nở mặt.
Trong lúc người lớn nói chuyện, ánh mắt của Đặng Chân liếc nhìn tỉ tỉ một cách thèm thuồng. Bộ dạng của y không giống như bá bá nhà bên miêu tả chút nào. Người mập mạp, bụng phệ, mắt một mí ti hí. Khuôn mặt tròn bè nhìn ngu ngốc và háo sắc.
Cái gì? Loại người như vậy mà dám hỏi cưới Vân Nga tỉ tỉ sao?
Tôi hơi bực nhưng cũng không lo vì chắc chắn chuyện này sẽ chẳng thành. Chị ấy cuối cùng sẽ làm vợ hoàng đế!
Thế nhưng từ đầu đến cuối vẫn thuận buồm xuôi gió. Tới lúc người lớn bàn đến ngày tháng tổ chức rước dâu, mắt chị tôi đỏ hoe, tôi mới bắt đầu sốt ruột. Sao lại như vậy? Nói chuyện cả một canh giờ, sau đó Đặng lão gia đứng dậy cáo từ ra về. Hai ông bố tay bắt mặt mừng, xem như chuyện tốt đã bàn xong. Tên Đặng Chân còn cả gan gọi Dương Thế Hiển là “nhạc phụ”. Nhìn dáng họ chuẩn đi ra cửa tôi mới tá hỏa nhận ra mọi chuyện không đúng tí nào. Lễ vật nếu đã nhận rồi thì không thể trả lại. Phụ thân đã hứa gả thì chắc chắn tỉ tỉ sẽ thành con dâu nhà họ Đặng. Vào lúc sự tình rối ren như thế, tôi đột nhiên nảy ra ý tưởng: phải ngăn chặn hôn sự này.
Tôi vô thức rời vị trí nép sau cánh cửa, đi thẳng tới trước, chặn đứng hai cha con Đặng Bằng, Đặng Chân.
- Chuyện này không được!
Mọi người nhìn tôi kinh ngạc. Phụ thân giận tím mặt liền quát
- Kiều Nga, đi vào nhà sau ngay! Chuyện người lớn trẻ con biết gì má nói!
- Nhưng tỉ tỉ không ưng! Tỉ tỉ và công tử đây không xứng!
Phụ thân đập mạnh tay xuống bàn
- Hỗn láo! Cha mẹ đặt đâu con phải ngồi đấy. Xứng hay không phụ mẫu tự quyết, trẻ dại không biết điều lập tức lui xuống!
- Nhưng…
Tôi chưa kịp cãi thì tỉ tỉ đã chạy tới kéo tôi ra.
- Muội muội… đi ra sau kẻo phụ thân trách phạt!
Lúc này thật là nguy nan. Cha con nhà họ mà bước ra khỏi cửa thì mọi chuyện hỏng bét. Tôi bí đường liền chọn cách làm liều. Tôi vùng khỏi tay chị, nhảy ra trước mặt ông Đặng, trợn trừng hai mắt, giả giọng quỷ quyệt:
- Tên họ Đặng nghe đây! Tỉ tỉ nhà tôi được phượng hoàng bảo hộ. Muốn cưới gả chỉ có thiên long, hạng cóc nhái nhà người dám ăn thịt thiên nga thì trời đánh! Cưới về rồi tan gia bại sản, tận tiệt dòng dõi!
Lời tôi nói quả nhiên làm mọi người đứng hình. Ngày xưa người ta rất tin quỷ thần, một lời nói bóng gió cũng khiến họ nghĩ là lời nguyền. Nay tôi nói rõ ràng như vậy, chị Vân Nga là phượng hoàng tức sẽ làm Hoàng Hậu. Gả cho thiên long chỉ có thể là Hoàng đế.
Thử hỏi nhà họ làm sao dám rước con dâu này về?
Kết quả của vụ việc là cha con nhà kia vội vàng ôm sính lễ chạy mất dép, phụ thân nộ khí xung thiên kéo tôi ra đánh mấy chục roi, tỉ tỉ vừa khóc vừa van xin, còn đỡ giúp mấy đòn đau buốt, kế mẫu ở bên thêm dầu vào lửa, nào là “đứa con trời đánh”, nào là “đứa con quỷ ám”, nào là “gái ế chồng, gái sát chồng”. Cả nhà ngày hôm đó rất tưng bừng. Tôi bị đòn đau nhưng chẳng thể báo công an hay liên lạc với Hội phụ nữ.
Tối đó, Vân Nga tỉ luộc trứng gà lăn vết bầm cho tôi, chị trách tôi quá tùy hứng, ăn nói thiếu suy nghĩ nhưng trong ánh mắt, tôi nhận ra sự cảm ơn và vui mừng của chị.
Kể từ đó không ai đề cập tới chuyện cưới hỏi với chị em nhà tôi nữa.
[1] Athena: con gái thần Zeus, nữ thần trí tuệ