Edit/Beta: Chúi
“Cậu định học tiếng Đức à? Chăm chỉ thế.” Mấy ngày nay Tư Vũ Hàn thấy Tần Thanh đi ra đi vào đều cầm theo một quyển sổ tay viết đầy chữ, đầu thì cứ cúi gằm vào điện thoại tra từ đơn, vắt hết óc để phiên dịch, nhiều lúc còn hỏi chỗ này dịch có đúng ý không, hỏi mãi khiến Tư Vũ Hàn nhức cả đầu.
Tần Thanh nước mắt như mưa……
Cô cũng không muốn đâu nhưng giáo sư Đại kiến thức uyên thâm, sau mỗi câu chuyện đều được ông phân tích thêm khiến cô bị hấp dẫn không dừng được, chỉ là trong đó có nhiều đoạn đều là tiếng Đức.
Cô có thể đi hỏi giáo sư Thi nhưng ngay cả từ đơn cô cũng không thể đọc, chẳng lẽ từ nào cũng hỏi ông? Cô cũng không thể xem vị giáo sư già thành nhà phiên dịch trực tuyến được.
Nghĩ tới nghĩ lui, dựa vào người khác không bằng dựa vào chính mình, cô vẫn nên tự tìm hiểu trước, kết nối với đoạn trước đoạn sau rồi đoán nghĩa, chắc có lẽ hiểu được tám, chín phần mười.
Nếu chỗ nào không hiểu thì gộp lại rồi hỏi giáo sư Thi, đây cũng như một kiểu học tập thôi.
Cho nên hiện tại Tần Thanh đang liều mạng với tiếng Đức.
Cái gì? Bạn nói [Phong tục tập quán của làng Từ Gia] có hơn 1300 chương? Gió to quá cô nghe không rõ!
Lúc cô đi ngang qua toà nhà đã hoàn toàn thay đổi bộ dáng thì thấy có công nhân đang thi công.
Tần Thanh đến hỏi, e là trường học thấy toà nhà này quá cũ, định phá dỡ, may là công nhân nói chỉ đang sửa chữa, cửa chính, cửa sổ, tường và cả bên trong đều phải sửa lại hết.
Mấy tấm ván gỗ đóng trên cửa sổ đã bị gỡ bỏ, lộ ra mớ hoang tàn đổ nát bên trong.
Khung cửa sổ màu trắng đã gãy vụn, nước sơn cũng tróc hết, kính cửa sổ bị đập nát bấy.
Đứng từ bên ngoài nhìn vào những phiến cửa sổ kia trông giống như hốc mắt khô cạn của người già.
Tần Thanh thổn thức một hồi rồi đi, vừa đi không xa đã thấy giáo sư Thi đứng từ xa nhìn về phía này, chắc tâm trạng của ông cũng phức tạp lắm đây.
Nhìn thấy toà nhà này được mở ra thêm một lần nữa, Thi Vô Vi cảm thấy sợ hãi.
Đến bây giờ ông vẫn còn nhớ như in cái ngày cuối cùng nhìn thấy thầy Đại.
Ngày ấy, ông ngồi lẫn trong đám người bên dưới bục giảng, không có can đảm rời khỏi đám đông đến bên cạnh thầy.
Thầy Đại đã gầy đi rất nhiều, thân hình còng xuống, trên người mặc bộ quần áo cũ rộng thùng thình, thầy mang còng tay và xích chân chậm rãi đi tới, âm thanh xích sắt kéo lê trên mặt đất tựa như lưỡi dao lóc đi từng miếng thịt trong lòng Thi Vô Vi.
Giống như khi còn dạy học, thầy đứng bên trên còn cả lớp ngồi bên dưới.
Hôm nay thầy đứng đó nghe học sinh tuyên án tội trạng của mình.
Đại Ngọc Thư xuất thân bần nông, vốn là một thành viên của giai cấp vô sản vĩ đại, vậy mà lại thoát ly giai cấp vô sản từ khi còn nhỏ, gia nhập vào vòng vây của chủ nghĩa tư bản.
Ông ta đã nhận sự giúp đỡ của chủ nghĩa tư bản, đến đất nước tư bản học tập! Trở thành tên tay sai trung thành cho bọn chúng! Sau khi về nước còn truyền bá chủ nghĩa tư bản độc hại! Làm bẩn rất nhiều những thế hệ sau của giai cấp vô sản! Tội ác tày trời! Chứng cứ phạm tội vô cùng xác thực! Là kẻ địch của toàn dân! May mắn thay! Có đồng đội của chúng ta nhìn thấu bộ mặt hiểm ác này! Tố giác những hành vi ghê tởm của ông ta với tổ chức! Từ đầu đến chân ông ta đều là nọc độc của chủ nghĩa tư bản! Tên tội phạm Đại chó hùa! Ông có nhận tội hay không?
Thầy Đại như có chút mờ mịt, có chút khó hiểu.
Ông suy tư rất lâu mới bình tĩnh nói một cách chậm rãi: “Lúc tôi rời nhà, tuổi mụ là mười tuổi nhưng tuổi thật chỉ mới tám.
Nhưng tôi là đứa con trai lớn nhất trong nhà, vì muốn giảm bớt gánh nặng cho cha mẹ nên mới rời đi.
Tôi đã quyết tâm dù có đói chết cũng không trở về bởi vì chỉ cần tôi ăn ít đi một miếng, cha mẹ anh em tôi sẽ có thể ăn nhiều hơn một miếng.”
“Tôi lưu lạc suốt ba năm.
Lúc ấy thời thế bấp bênh, không mấy ai chịu mướn người vì nhà người ta còn ăn không đủ no.
Tôi không tìm được việc làm, chỉ có thể đi ăn mày.”
Thầy Đại như lại trở về lúc dạy học, ai ai lúc học lớp của thầy cũng không dám lơ là.
Trong phòng học vô cùng, vô cùng yên tĩnh, chỉ có giọng nói của thầy là văng vẳng bên tai.
“Xưởng ép dầu Từ gia đã nhặt tôi về, cậu chủ cho tôi có miếng cơm để ăn.
Lúc ấy tôi thật lòng thật dạ muốn bán mình cho Từ gia nhưng cậu chủ không chịu, cậu ấy cho phép tôi ăn cùng mâm với vợ con cậu, cho tôi được đi học cùng con cậu.
Con trai cậu chủ trở về tiếp nhận xưởng ép dầu còn tôi vì có thành tích tốt nên được cậu chủ gửi học trên huyện, vào thành phố, lên đại học…….”
Giọng nói của thầy Đại nhẹ vô cùng, vừa mềm mại vừa giàu tình cảm.
Thi Vô Vi biết lúc nào thầy Đại cũng luôn cảm kích cậu chủ xưởng ép dầu, thầy là thật lòng kính yêu bọn họ.
“Sau này Từ gia còn giúp đỡ cho tôi đi du học, năm nào tôi cũng nhận được tiền trợ cấp họ gửi cho tôi, mãi cho đến khi tôi mất liên lạc với họ.”
Thầy Đại nói một cách kiên định: “Những lúc sắp chết đói, khao khát được ăn một ngụm cơm trước khi chết, nghĩ đến cha mẹ thân nhân nơi quê nhà tôi mới có thể sống sót; khi đi học dù là trong nước hay nước ngoài thì trong lòng vẫn luôn ôm một niềm tin, niềm tin được giúp đỡ đất nước, giúp đỡ người dân tôi mới có thể kiên trì học tập; khi trở về nước, tôi cũng chỉ dựa vào niềm tin này.”
“Quân tử thà gãy chứ không cong.”
“Các người muốn tôi phủ nhận ân huệ của xưởng ép dầu Từ gia, phủ nhận sự đối đãi chân tình thật ý của họ, phủ nhận ước nguyện cầu học ban đầu, phủ nhận niềm tin tôi vẫn luôn ấp ủ trong lòng cho tới nay? Chỉ vì mong một cơ hội sống sót?”
Thầy Đại bật cười thật to: “Đại Ngọc Thư tôi đây không hề sợ chết.
Nếu yêu quý tính mạng, sống chui nhủi trên đời thì tôi đây xuất ngoại du học làm chi? Lại vì sao phải trở về?”
Đêm đó, thầy Đại đã tự sát.
Hiệu trưởng bị nhốt trong nhà vệ sinh nữ, vì ông từng nhận tiền của người Nhật, mở trường học cho người Nhật nên cũng bị ghép tội Hán gian.
Lúc Thi Vô Vi đến đưa cơm cho hiệu trưởng đã báo tin về cái chết của thầy Đại.
Hiệu trưởng hết khóc lại cười suốt một đêm, ngày hôm sau liền nhận tội, bị đưa đến nhà giam trong thành phố, sau này còn trở thành phạm nhân ưu tú ở nơi đó, nhận nhiệm vụ làm công tác tư tưởng cho phạm nhân mới nên tỉ lệ người sống sót nơi đó là cao nhất, cuối cùng bọn họ đều có được cuộc sống yên lành.
Thi Vô Vi rời đi hơn ba mươi năm, khi trở về nhờ có hiệu trưởng già đã về hưu nói giúp để được vào ngôi trường này dạy học.
Ông biết khúc mắc của Thi Vô Vi, bởi vì không dám đứng ra khi thầy Đại chịu khổ nên Thi Vô Vi đã tự tra tấn lương tâm trong suốt ba mươi năm.
Hiệu trưởng khuyên: “Tiểu Thi à, em phải hiểu một điều là trên đời này có hai loại người, một loại mạnh hơn em, một loại yếu hơn em.
Em lên mặt với loại người yếu hơn em, cúi đầu trước loại người mạnh hơn em, đó không có gì đáng xấu hổ.”
Thi Vô Vi: “…… Nhưng thầy Đại đã chết.”
Hiệu trưởng cười cười: “Chết nghĩa là mạnh sao? Không, chết là trốn tránh.
Thầy Đại là quân tử, một quân tử…… quá thanh cao, lòng không nhiễm bụi trần.
Bắt thầy ấy lăn một vòng trong đống phân chẳng thà giết thầy ấy đi còn hơn.
Thầy ấy không thể chấp nhận cả thế giới phủ định những nỗ lực của mình nên thà rằng từ chối ngắm nhìn thế giới này.
Nhưng nếu thầy ấy có thể sống đến bây giờ thì sao? Em cảm thấy thầy ấy sẽ không thích thế giới hiện tại?”
Thi Vô Vi không biết nên nói sao nhưng nghĩ rằng thầy Đại chắc sẽ thích thôi……..
Hiệu trưởng híp mắt nói: “Nếu biết thầy Đại có ngày như vậy, tôi thà cho thầy ấy uống thuốc câm rồi chặt tay thầy ấy, đám người kia cũng hết cách, thầy ấy cũng không cần bức tử chính mình, ít nhất hiện tại thầy ấy…… vẫn có thể ở trong toà nhà kia…….”
Thi Vô Vi không dám đến gần toà nhà kia nhìn mà chỉ có thể trốn tránh.
Ông cũng là kẻ yếu đuối, tâm hồn yếu đuối có khi còn khiến người ta chán nản hơn cả cơ thể yếu đuối.
Sau cái ngày hôm đó, ông đã từng nghĩ ngợi vô số lần rốt cuộc vì sao mình không dám cứu thầy Đại, ngay cả nói một câu cũng không? Chẳng vì nguyên nhân gì khác mà vì ông sợ hãi cái chết.
Ông khác với hiệu trưởng, hiệu trưởng chỉ muốn giữ mạng nhằm làm được thêm nhiều việc khác chứ không phải sợ chết.
Nếu thực sự có một ngày bị xử chết chắc có lẽ hiệu trưởng cũng sẽ cao giọng cười to như thầy Đại vậy!
Còn ông có làm được điều đó không…..
Thi Vô Vi nhìn lại đôi bàn tay già nua của mình, cười khổ lắc đầu.
Ông có