Nơi biên thùy, mùa hạ.
Lại là một mùa du lịch sôi động.
Con đường cổ Tây Bắc mịt mù, ẩn trong một vách núi là chằng chịt hơn chục di tích hang động lớn nhỏ. Mấy năm trước chẳng có ai ngó ngàng đến, vậy mà mấy năm nay lại nổi lên theo trào lưu, hiện giờ đã đông kín du khách.
Các thuyết minh viên trong khu đều bận rộn đến mức cổ họng khô ran, vừa tiễn một đoàn khách đi, còn chưa kịp uống ngụm nước nào thì một đoàn mới lại đến, đành phải đeo tai nghe lên đi làm việc.
“Trong hang khá tối, mọi người cẩn thận nhìn dưới chân nhé.”
Mấy chục du khách theo chỉ dẫn đi vào hang, cả một hàng dài nhích chầm chậm vào trong.
Thuyết minh viên bật đèn pin, rọi ra luồng sáng trông như giáo viên cầm thước lên lớp, chỉ đến đâu là mọi người nhìn theo đến đó.
“Hiện giờ chúng ta đang đứng ở khu thứ sáu, thuộc tầng thứ hai của cả khu di tích, bắt đầu xây dựng từ thời Bắc Lương trong thời kỳ Ngũ Hồ thập lục quốc, là hang động có trần vuông phẳng điển hình vào thời Bắc Triều, có lịch sử cách nay tới một ngàn sáu trăm năm, là một trong số những hang động Phật giáo đầu tiên của đất nước chúng ta.”… Những lời thuyết minh này một ngày phải nói biết bao nhiêu lần, thuyết minh viên đã thuộc làu làu, đôi môi khép mở một cách máy móc, giọng điệu không thấy chút trầm bổng nào.
Hết nói về những bức tượng tạc trong hang lại đến những chi tiết lịch sử đằng sau nó, thậm chí ngay cả một viên gạch dưới đất cũng có thể đem ra để thuyết minh một hồi, không vấp váp một từ nào.
Nói hết một tràng, tiếp theo mới đến phần quan trọng.
“Nào, mọi người chú ý nhìn về hướng bên này, đây là bức bích họa có giá trị nhất ở đây.”
Tầm mắt của đoàn du khách đuổi theo ánh đèn pin, khi lời nói cuối cùng vừa dứt, một tràng những tiếng xuýt xoa vang lên.
Trên vách đá, trên đỉnh đầu, hình ảnh những làn khói xanh đen như đang trôi lơ lửng, cuồn cuộn, vấn vít.
Xem không hiểu, nhưng vẫn thấy đẹp một cách thần kỳ, hùng vĩ.
Phản ứng đầu tiên của họ là lập tức giơ điện thoại lên, ống kính máy ảnh treo trên cổ cũng đã chuẩn bị sẵn sàng.
Du lịch mà, chẳng phải là đi đến đâu thì chụp ảnh tới đó hay sao, bằng không làm thế nào chứng minh được mình đã đến đây? Sau đó về nhà đăng ảnh lên trang cá nhân, thêm mấy câu văn vẻ, thu về được mấy lượt like, như vậy mới xem như một dấu chấm trọn vẹn cho một chuyến du ngoạn.
“Ấy ấy ấy, đừng chụp, đừng chụp!”, vừa thấy có người định chụp ảnh, người thuyết minh viên vội vàng lao tới chắn trước màn hình của một du khách, “Đèn flash sẽ gây ảnh hưởng đến bích họa, bức bích họa này cả ngàn năm tuổi rồi, hư hại một chút thôi cũng không cứu được đâu.”
“Tôi không bật flash là được chứ gì?”
Ngày nào cũng gặp vài vị khách như thế này, mà lần nào thuyết minh viên cũng phải kiên nhẫn giải thích, “Không gian trong hang nhỏ hẹp, mỗi ngày đều có rất nhiều du khách, cứ cho là không bật flash, nhưng anh một tấm tôi một tấm, chụp xong hết là sẽ mất rất nhiều thời gian, hô hấp và nhiệt độ cơ thể đều có thể sinh ra lượng lớn carbon diocid, độ ẩm và nhiệt độ thay đổi, bích họa sẽ bị phai màu, có khi qua mấy chục năm là sẽ phai hết sạch, đến lúc ấy mọi người muốn ngắm cũng không ngắm được nữa, nên giờ chúng ta tranh thủ giữ gìn di sản được không ạ?”
“…”
Dù sao cũng có đến mấy chục ánh mắt nhòm ngó, chẳng ai lại muốn tỏ ra mình thiếu văn minh trước mặt mọi người, nên đành cất điện thoại và máy ảnh đi.
Bị gián đoạn mất một lúc, thuyết minh viên không thể không đẩy nhanh tốc độ, như cưỡi ngựa xem hoa, chỉ mười phút đã tham quan xong một hang động.
Đoàn du khách lại đi dọc theo đường cũ mà ra, ngoài cửa chính có biển hướng dẫn, di chuyển theo đúng một đường, mà ở phía bên kia rõ ràng còn có một hang khác, nhưng ở ngoài lại bị che chắn kín bưng.
“Sao không cho xem hang bên kia thế?”
Thuyết minh viên đang vội sang hang kế tiếp, chỉ có thể giải thích qua loa: “Xin lỗi, mấy tháng nay trong đó có chuyên gia đang chép bích họa, tạm thời không đón khách tham quan.”
“À…”
Đoàn khách đi khỏi, trong hang trở lại không khí yên tĩnh.
Nhưng chưa được vài giây, từ sau tấm chắn trước cửa hang bỗng vọng ra một tiếng nói cao vút: “Cô nói cái gì?”
***
Đó là một hang nhỏ, chừng bốn mét vuông, cao không đến mười mét, vốn dĩ ánh sáng ban ngày cũng khó lọt vào được, hiện giờ lại có ba bốn người ở bên trong, đã tối lại càng thêm tối, bức bích họa xung quanh rơi vào khoảng trầm mịt mờ, chẳng phân biệt được rõ ràng.
Tổ trưởng dự án vẽ bích họa Từ Hoài trợn trừng hai mắt, nhìn vào bên trong, rồi hỏi lại một lần nữa: “Đồ Nam, tôi hỏi cô trả lời, cô đang đùa với tôi đấy à?”, có điều, giọng điệu đã hạ thấp hơn rất nhiều so với lần trước.
Đồ Nam đứng ở trong cùng, ngay bên cạnh giá vẽ cao hơn cô hẳn một cái đầu, trong khoảng tranh tối tranh sáng kéo dài ra một cái bóng gầy guộc.
“Em không đùa thầy ạ.”, cô thở dài, “Hủy bỏ bức bích họa này đi.”
“Tại sao?”
“Em vẽ sai rồi.”
Từ Hoài nhìn cô với ánh mắt không thể tin nổi, “Triển lãm đã bố trí xong xuôi cả rồi, chỉ chờ bức bích họa này của cô thôi, kết quả là giờ cô lại nói với tôi là cô vẽ sai à?”
“…”, Đồ Nam im lặng.
Sao chép bích họa là một công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, trình tự phức tạp, có lúc chỉ riêng bước đầu tiên thôi cũng phải chuẩn bị mất hơn một tháng, mỗi một bước đều không được phép có sai sót.
Và cô không chỉ có sai sót, mà còn sai ở bước gần kết thúc.
Một sự sai sót này, khiến gần bảy tháng vất vả trước đó đều như đổ sông đổ biển.
Mấy thành viên có mặt cũng trợn mắt há miệng, họ có nhiệm vụ khác, nhưng hôm nay đặc biệt theo Từ Hoài lặn lội mấy ngàn cây số đến đây, còn tưởng Đồ Nam đã sắp xong việc rồi, ai ngờ lại xảy ra chuyện lớn tới vậy.
Thấy sắc mặt Từ Hoài thay đổi, một thành viên trong tổ vội vàng nói đỡ cho Đồ Nam: “Tiểu Đồ, cô nói thử xem vẽ sai chỗ nào trước đi đã, có khi vẫn sửa được thì sao?”
“Một nếp gấp áo trước ngực Đế Thích, đáng ra phải dùng màu Nhị Thanh, em lại dùng màu Đầu Thanh.”, giọng Đồ Nam nhẹ bẫng, như thể hồn đã bay đến một nơi xa.
Ngừng hai giây, cô nói tiếp: “Em định sẽ chép lại.”
“…”, thì ra là không định sửa.
Một luồng sáng lóe lên, Từ Hoài bước ra hẳn một bước lớn, soi đèn l3n đỉnh đầu, lại soi sang giá vẽ đặt dưới đất.
Đây là hang động được bảo tổn hoàn hảo nhất trong cả quần thể di tích, bức bích họa “Lương Vương lễ bái Phật pháp đồ” trên đỉnh đầu cũng vô cùng hoàn chỉnh, trên đó không miêu tả hình thượng Phật Tổ, Bồ Tát hay thần tiên thông thường, mà là Hộ Pháp, Đế Thích Thiên và Đại Phạm Thiên trong giáo lý Phật giáo Ấn Độ cổ đại.
Vị trí của hang nằm ở hành lang Hà Tây, một nơi khắc nghiệt thuộc tuyến đường quan trọng trong việc truyền bá Phật giáo sang phương Đông, đóng vai trò hiểm yếu tại phía Tây của con đường tơ lụa. Bức bích họa này diễn tả hình thái giao thoa khi Phật giáo được truyền bá vào Trung Nguyên, độc đáo, tuyệt đẹp, ý nghĩa sâu sắc.
Chính bởi quá trân quý, nên không thể công khai rộng rãi ra bên ngoài, vì thế trong tổ cân nhắc rất lâu mới quyết định cử Đồ Nam đến chép.
Trong vầng sáng, hình ảnh Đế Thích trên đỉnh đầu nhìn xuống và Đế Thích dựng nghiêng trên mặt đất rực rỡ mà uy nghiêm y hệt nhau. Chỉ riêng một điểm, từ cổ xuống mấy tấc, tại một nếp gấp vạt áo trước ngực, màu sắc không hề giống nhau.
Chi tiết này không dễ thấy, nhưng lại phân ra được nét xưa và nay, thật và giả.
Tay Từ Hoài run lên, ông chỉ về phía Đồ Nam, đèn pin còn chưa tắt, chùm sáng cứ thế rọi thẳng lên gương mặt trắng nõn của cô.
Cô nhắm hai mắt, trông giống như một bức tượng Phật khác.
“Được lắm, hóa ra cô lại coi việc sao chép thành sáng tác, tôi dạy cô phí công vô ích rồi.”
“…”, Đồ Nam lặng thinh.
Cổ nhân họa tranh tường, hậu thế chép lại, tuy rằng phương pháp qua bao đời là khác nhau, nhưng những quy tắc cần lưu ý