Thầy của cô – Từ Hoài, tuyệt đối không phải là người hay quan tâm đ ến cuộc sống cá nhân của các thành viên trong tổ, chỉ có yêu cầu cực kỳ khắt khe với bích họa, có lẽ chuyện thân thiện nhất có thể làm cũng chỉ là tặng trà cỏ tình nhân cho các thành viên trong tổ mà thôi. Trước đây trong tổ có một người lén lút sau lưng gọi ông ấy là “Từ dây thép”, không phải là dây thép theo nghĩa đen, mà là “thiết diện” trong thiết diện vô tư[1].Vậy mà hôm nay ông ấy lại đến thăm Đồ Canh Sơn, thật sự khiến cô vô cùng bất ngờ.
[1] Từ “dây thép” và “thiết diện” đồng âm
Đồ Nam ra khỏi khu phòng bệnh, sau một thời gian dài, cuối cùng cũng có dịp gọi điện cho ông ấy.
Lần trước gọi điện thoại cho ông ấy, là khi cô vẽ sai nét màu thạch thanh kia, không thể không gọi ông ấy vào hang để nhận lỗi, chớp mắt, vậy mà đã qua cả một quãng thời gian dài như vậy rồi.
Từ Hoài vẫn chưa đi xa, cũng không quá ngạc nhiên. Hai thầy trò hỏi thăm nhau mấy câu khách sáo, rồi ông ấy báo địa chỉ của một quán trà ở gần đây, bảo Đồ Nam đến tìm mình, rồi cúp điện thoại.
Lúc cất điện thoại, Đồ Nam ngẩng đầu lên nhìn trời, hôm nay trời xanh mây trắng, rất giống với cái ngày cô rời khỏi tổ chép tranh, đứng bên ngoài hang động ngẩng mặt lên ngắm khoảng không nơi biên thùy.
Cô men theo dọc đường, chầm chậm bước đi.
***
Từ Hoài đang rót trà.
Đây là cảnh tượng đầu tiên Đồ Nam nhìn thấy khi bước vào quán. Ông ấy mặc một chiếc áo Tôn Trung Sơn màu xám, ngồi ở chỗ gần cửa sổ, tại một bàn trà dài, cầm ấm rót trà vào cốc, nước trà chảy vào chiếc tách sứ trắng, tỏa từng làn khói mờ ảo quanh đầu vòi.
Bên trong quán trà vô cùng yên tĩnh, mấy bàn xung quanh đều còn trống, chỉ mỗi chỗ của ông ấy là có người, một người một bàn, nhìn ra rất giống cảnh tượng mang đầy chất bích họa.
Cô đi đến phía đối diện, rồi gọi ông ấy: “Thầy Từ.”, trừ một số đặc điểm nhỏ nhặt khang khác ra, trông ông chẳng thay đổi là mấy.
Từ Hoài nhìn cô, khẽ gật đầu, “Ngồi đi.”
Đồ Nam ngồi xuống, đặt tay lên đùi, dáng ngồi thẳng tắp.
Mấy năm cô vào tổ của Từ Hoài, chủ đề trò chuyện với người thầy này đều chỉ xoay quanh bích họa, ngồi trò chuyện riêng thế này là việc chưa từng có, nên bất giác tự vào dáng nghiêm túc, có gì nói nấy, không có gì thì ngậm miệng, đại loại là trạng thái như vậy. Huống hồ cô còn là người vì mắc lỗi nên phải rời tổ, lại chẳng có gì để biện hộ cho những chuyện cũ đã qua, Từ Hoài không mặt nặng mày nhẹ với cô đã xem như là tốt lắm rồi.
“Bố em thế nào rồi?”, Từ Hoài hỏi câu này đầu tiên, đẩy ấm trà cho cô, ra hiệu cho cô tự rót, nhưng cô lắc đầu, không có ý định uống trà.
“Tạm thời không sao rồi ạ.”, cô hỏi ông ấy: “Sao thầy lại đến thăm ông ấy?”
Từ Hoài đáp: “Bố em quyên tặng cho tổ một khoản tiền.”
Rời xa bích họa, chủ đề thảo luận chuyển sang Đồ Canh Sơn đang nằm trong phòng bệnh, dường như hai thầy trò đã quên hết chuyện xảy ra trong hang động hồi đó rồi.
Từ Hoài nói cho Đồ Nam biết, từ sau khi hỏi thăm chuyện cô rời tổ, Đồ Canh Sơn vẫn luôn giữ liên lạc với ông ấy. Dạo trước, Đồ Canh Sơn quyên tặng một khoản tiền cho tổ, ông ấy muốn cảm ơn, nhưng lại không liên lạc được, gần đây gọi điện đến chỗ làm của Đồ Canh Sơn để hỏi thăm, thì mới biết hóa ra ông lâm bệnh nặng, thế nên vội vàng chạy tới thăm.
Nói đến đây, có lẽ là để an ủi Đồ Nam, giọng điệu ông ấy ôn hòa hơn nhiều, “Không sao là tốt rồi.”
Thật ra Đồ Nam có nghĩ đến nguyên nhân này, chỉ là không dám chắc, trước đây bố cô từng nói tổ chép tranh của họ quá khổ, nhưng không ngờ cô đã rời đi rồi mà ông vẫn quyên tặng tiền.
Cô nhỏ giọng nói: “Không cần cảm ơn ông ấy đâu ạ, vì bích họa, ông ấy chẳng tiếc gì cả.”
Từ Hoài nhấp một ngụm trà, đặt tách xuống, “Chuyện của hai bố con em, tôi có nghe bố em nói qua loa, thấy ông ấy bảo, ngày trước em bị ông ấy thúc ép nên mới chọn nghiệp bích họa.”
Đồ Nam im lặng.
Ông ấy nói tiếp: “Có lẽ trong mắt em, ông ấy không được tính là một ông bố tốt, nhưng với bích họa mà nói, tôi lại phải cảm ơn người bố như ông ấy, mới không khiến cho ngành này không có người nối nghiệp.”
Ngành của họ là ngành tương đối ít người theo, rất nhiều người không chạm tới được, tự ắt sẽ không hiểu và không chú ý đến. Đại đa số những người học nghệ thuật đều chuộng hội họa phương Tây, sử dụng những kỹ thuật phổ biến mà thực dụng hơn, cũng có không gian phát triển rộng hơn, còn tranh truyền thống chỉ dựa vào niềm đam mê để duy trì, mà bích họa, chắc chỉ có thể dựa vào cảm xúc được nuôi dưỡng dần dần. Thế nên ông ấy nói vậy cũng chẳng có gì lạ.
Có lẽ vậy, Đồ Nam thầm nghĩ, chuyện trên đời này giống như hiệu ứng cánh bướm, một quyết định của bố cô năm ấy đã tạo nên cô, cũng khiến cho Từ Hoài ngồi trước mặt cô giờ này.
Cô lên tiếng, nói một câu khách sáo: “Có thầy rồi, đâu đến nỗi không có người nối nghiệp ạ.”
Từ Hoài lắc đầu, “Chắc em cảm thấy tôi đang tung hỏa mù, vậy thì nói luôn với em nhé, năm nay có ba người rời tổ, bao gồm cả em.”
Cô hơi bất ngờ, lại lập tức nói, “Có phải Tiêu Quân vẫn chưa về tổ không ạ? Có anh ta thì cũng không đến nỗi nào.”
Từ Hoài không phủ nhận, cũng không thừa nhận, “Tổ của tôi trước giờ luôn là vào bằng thực lực, đã đi rồi là không miễn cưỡng nữa, cậu ta muốn thế nào là quyền tự do của cậu ta. Tôi biết trong tổ vẫn ngầm nhận định Tiêu Quân là người được tôi chọn để nối nghiệp, xem ra em cũng nghĩ thế.”
Đồ Nam tiếp lời: “Vâng, mọi người đều nghĩ vậy.”
Từ Hoài cười lạnh, một tiếng cười này, khiến cô bỗng chốc nhớ lại dáng vẻ của ông ấy hôm đứng trong hang động, giống như là báo hiệu cho sự giận dữ.
Ông ấy chỉ tay vào cô, “Giữa hai đứa bọn em có chuyện gì, tưởng là tôi không biết à? Còn ngay trước mắt tôi nữa.”
Đồ Nam không còn lời nào để đáp, cô biết ông ấy đang nói đến cô và Tiêu Quân.
Từ Hoài không nói sâu thêm nữa, mà dừng lại đúng lúc, “Tiêu Quân thế nào cũng thôi không nói nữa, tôi đến đây chuyến này, cũng là để tìm em đấy Đồ Nam.”
Đồ Nam nhớ lại lúc người y tá đưa tấm danh thiếp cho mình có bảo rằng đối phương nhờ gửi giúp, vậy là đã kiểm chứng được lời ông ấy nói.
Đúng là Từ Hoài đặc biệt đến đây một chuyến, đến thăm Đồ Canh Sơn là mục đích, cũng là cái cớ, thật ra chủ yếu là để tìm Đồ Nam.
Đồ Nam có thành tựu rất tốt trong việc chép bích họa, cốt yếu là bởi năng khiếu trời ban, mà năng khiếu trời ban thì chẳng phải ai cũng có, nhưng cũng cần phải có sự mài giũa. Mà thầy, chính là người mài giũa ấy.
Ông ấy nói: “Em đừng quên, em là học trò cuối cùng của tôi.”
Cô trầm mặc lắng nghe, trong lời nói của ông còn có ẩn ý khác.
Từ Hoài nói rất nhiều, nói từ biểu hiện của cô khi mới vào tổ, trong mấy năm qua dường như chưa bao giờ nói với cô nhiều như vậy. Sau cùng, như hết hơi sức, chỉ còn lại một tiếng thở dài: “Em từng chép hàng bao nhiêu bức bích họa, vẽ lên hàng bao nhiêu câu chuyện thần Phật, để thành thần thành Phật phải lịch kiếp, con người chẳng lẽ lại không? Hồi trước em nói tâm tư em không đặt ở bích họa, em rời tổ lâu như thế, có phải là cũng nên nhận ra rồi không?”
Đồ Nam ngước mắt lên, gương mặt không hiện biểu cảm gì, nhưng trong lòng cô lại quá rõ ràng, “Nét màu thạch thanh kia, quả thật là khiến em lĩnh hội được rất nhiều điều.”
Trà trong tách đã nguội, Từ Hoài cũng không uống nữa, ông bảo: “Vậy vẫn chưa đủ. Em có từng nghĩ, tại sao trong cả tổ mà tôi lại nghiêm khắc với em nhất không? Tại sao khi em mắc lỗi, tôi lại mắng cho mất hết thể diện không? Bảo rời tổ là em rời tổ thật à?”
Ông ấy đẩy cái tách ra rồi