Trong những năm qua, ở khúc sông thuộc Xuân Mộc giang bên rìa Xuân Huệ phủ, có một tin đồn được lan truyền giữa những người mưu sinh bên dòng nước.
Họ nói rằng, nếu ai đó gặp tai nạn rơi xuống nước, rất có thể sẽ được Giang thần của Xuân Mộc giang cứu mạng.
Không giống như nhiều người chỉ nghĩ lời đồn ấy là một câu chuyện cổ tích, người đàn ông trên thuyền tên Lý Kim Lai này biết rõ, có khả năng tin đồn ấy là sự thật.
Thế nên, gã đã đến thăm ba người từng gặp nạn té sông để chứng thực chuyện nói trên.
Một người là kẻ say rượu ngã xuống nước từ thuyền hoa; người thứ hai là một phụ nữ đang vo gạo rồi không may ngã xuống nước; người cuối cùng là một đứa trẻ ngoại thành đi cùng nhóm bạn đến bờ sông để thả hoa đăng tự làm.
Không ai trong ba người này biết bơi cả, hoặc vì lý do nào đó mà dù biết bơi cũng bơi không được.
Ai cũng khẳng định rằng, họ đều bị ngạt thở và rất khó chịu sau khi rơi xuống nước.
Nhưng trong lúc nguy cơ ấy, có một luồng sáng xanh mơ hồ lướt qua dưới nước, đưa họ sống sót lên bờ.
Trong số đó, chuyện về đứa bé bị té sông kia là kỳ lạ nhất.
Theo nhóc ấy kể lại, khi đi chơi ở bãi sông ngoài thôn, vào lúc mà nó thả chiếc hoa đăng tự làm xuống nước thì đồng thời trông thấy một chiếc hoa đăng vô cùng tinh xảo khác.
Chiếc hoa đăng đó trông cũng là hàng tự chạm khắc ra đấy, còn ngọn nến cắm bên trên cũng đã tắt ngấm rồi.
Bên cạnh đó, nếu so sánh chiếc hoa đăng tinh xảo kia với món đồ chơi mà bọn nhỏ tự làm, có thể ví như Phượng hoàng và Quạ đen vậy.
Lúc ấy, bọn trẻ lập tức tìm mọi biện pháp để vớt chiếc hoa đăng đang trôi xa xa trên mặt sông kia lên.
Thế là, chiếc hoa đăng trôi nhẹ dọc theo mặt sông, còn lũ trẻ vẫn cứ đuổi theo như thế.
Cuối cùng, khi đến một khúc sông ngay vị trí có mực nước rất cao, chiếc hoa đăng ấy vị vướng vào một khóm cỏ nước, khiến bọn trẻ bắt đầu định bụng vớt nó lên ngay vị trí này.
Kết quả là, một đứa nhóc giẫm lên hòn đất nhỏ nhô ra khỏi bờ, đồng thời nắm lấy tay của đồng bạn để cố định thân thể trước khi cúi xuống để chộp lấy chiếc hoa đăng kia.
Nhưng khi tóm được chiếc hoa đăng, chợt nó cảm giác thấy một lực kéo đột ngột xuất hiện rồi kéo nó xuống nước, suýt nữa là liên lụy luôn cậu bạn đứng trên bờ.
Sau đó đứa trẻ cảm thấy một đám cỏ nước quấn đầy chân mình, còn quấn rất chặt.
Vốn dĩ nó cũng biết bơi đấy, nhưng vì uống phải nhiều nước sông rồi bị sặc, vừa khi mở mắt còn trông thấy một bóng dáng với mái tóc trắng dài và cả người sưng vù, trông vô cùng khủng khiếp, nên lập tức thất kinh, chỉ còn có thể đập loạn hai tay, hai chân.
Cũng ngay lúc này, một vầng sáng màu xanh tiến gần đến đây dưới mặt nước, sau đó chợt chấn động một cái.
Đứa trẻ cảm giác như có ai đó đẩy vào mắt cá chân mình, còn bờ mông lại tựa như đang ngồi lên một vật gì đó để rồi nổi hẳn lên khỏi mặt nước.
Tiếp theo, nó được đưa đến cạnh bờ trước khi được nhóm bạn bè lôi kéo, vừa lăn vừa bò lên bờ.
Người dân trong thôn của mấy đứa trẻ đó, đặc biệt là người già, tin chắc bọn trẻ vừa gặp phải Thủy công, cũng chính là Thủy quỷ, còn vầng sáng màu xanh kia chính là Giang thần của Xuân Mộc giang đến cứu giúp.
May thay, ắt hẳn đó là do phụ mẫu của đứa nhỏ này ngày ngày vẫn luôn tôn kính Giang thần.
Sau đó, ba người trên vẫn tin rằng đây là do Giang thần của Xuân Mộc giang cứu họ, và thế là hoặc bản thân họ, hoặc phụ mẫu của họ dẫn họ cùng mang theo cống phẩm đến Giang Thần từ để tạ ơn.
Tất nhiên, Lý Kim Lai không chỉ hỏi mỗi ba người này, mà còn hỏi thêm những người bị rơi xuống sông khác nữa.
Rất nhiều người trong số đó đã may mắn sống sót hoặc được các người lái đò bơi giỏi cứu mạng.
Hàng năm, không biết bao nhiêu người đã rơi xuống Xuân Mộc giang.
Rốt cuộc, chỉ có một phần nhỏ những người còn sống nói rằng mình được Giang thần cứu.
Có một điểm chung nhất quán giữa ba người này, đó là họ đều nhìn thấy vầng sáng xanh dưới nước trong lúc mơ hồ.
Bên cạnh đó, cả ba người đều được cứu giúp trong hoàn cảnh xung quanh không có người, hoặc ít nhất là không ai thật sự đủ sức giúp đỡ họ.
Tuy nhiên, người đàn ông này gần như chắc chắn một điều rằng, kẻ cứu họ không phải là Giang thần của Xuân Mộc giang, hoặc ít nhất không phải là bản tôn của Giang thần, mà là một con cá thần.
Mùa thu năm ngoái, Lý Kim Lai đến dự tiệc cưới tại một gia đình thân thích khá giả mang họ Vệ ở huyện An Đạt, Thanh Lộ phủ.
Khi đó, gã trông thấy nhà bọn họ thờ cúng một bức tượng gỗ điêu khắc hình cá chép tại tổ tông đường (một dạng giống từ đường).
Sau khi hỏi kỹ mới rõ, đó không phải là cá chép, mà là một con thanh ngư, nhưng thân chủ cũng chẳng nói lý do vì sao thờ cúng loại động vật này.
Sau đó tại bàn rượu, một người trưởng bối ở thế hệ gần của Vệ gia mới kể cho gã nghe một câu chuyện, rằng Nhị gia nhà đã gặp một chuyện rất kỳ lạ cách đây khoảng mười hay hai mươi năm gì đó.
Lúc ấy, sau khi say rượu thì Nhị gia đã bị ngã xuống sông rồi được cá thần cứu mạng, sau đó còn gặp được tiên nhân giữa sương mù trong lúc đang đi đường.
Những người trưởng bối không nói gì về chi tiết gặp gỡ tiên nhân cả, hoặc cũng có thể là họ cũng không biết rõ cho lắm.
Chỉ là, gia đình này lại hiểu rất rõ về chuyện cá thần cứu người.
Sau đó, nghe bảo là do có tiên nhân chỉ điểm, thế nên Vệ gia mới thờ một con thanh ngư trong tổ tông đường như vậy.
Lý Kim Lai lại biết rất rõ rằng, Vệ gia của huyện An Đạt gần như là khá thuận buồm xuôi gió trong những năm gần đây, kể như gia sản sung túc.
Nghe xong việc này, gã suy đoán rằng, chuyện phát tài của Vệ gia ắt hẳn có liên quan đến vụ đó.
Tình cờ là lúc này Lý Kim Lai lại nghe nói đến việc những người té sông tại Xuân Mộc giang đã được ai đó cứu mạng, thế là bèn lưu ý ngay sự tình này.
Tiếp theo, gã tốn một khoảng thời gian khá vất vả để dần nghe ngóng chuyện này.
Càng ngày, gã càng chắc chắn, câu chuyện liên quan đến Vệ gia là sự thật.
Thế là, trong đầu Lý Kim Lai dần nảy sinh một số ý tưởng mới.
Gã biết đến một vị pháp sư rất lợi hại đang định cư ở Xuân Huệ phủ.
Người ta đồn rằng, ngay cả các quan lại quyền quý ở kinh thành cũng phải tôn kính vị pháp sư này vài phần.
Trước đây, Lý Kim Lai cũng từng đến gặp y để thỉnh pháp môn phát tài, chỉ là vị pháp sư kia tự xưng bản thân chỉ là một kẻ tu tiên, thế nên không thể giúp gã phát tài được.
Nhưng lần này, Lý Kim Lai lại đến viếng thăm vị pháp sư kia với một tấm “lòng thành.”