Khi Lăng Độ Vũ trở về nhà, chiếc đồng hồ quả lắc cổ kính treo giữa đại sảnh đã gõ đến nhịp thứ mười hai, báo hiệu giờ kết thúc của một ngày.
Tiếng côn trùng trong rừng núi râm ran, xuyên qua lớp cửa lan man vọng tới, căn townhouse kiểu phương Tây hiện đại của Lăng Độ Vũ nằm trên đỉnh một ngọn đồi cao. Trước nhà, tầm nhìn trải rộng, dưới chân núi, hải cảng và cảnh đêm mê đắm của thành phố nằm ở bờ bên kia thu hết vào tầm mắt.
Ánh đèn lấp lánh dọc hai bờ hải cảng rực rỡ soi bóng xuống nước, mờ ảo xa xôi, chập chờn như mộng.
Lăng Độ Vũ khẽ khàng thở ra, ngồi xuống bộ sofa ở góc đại sảnh. Ngả mình vào chiếc ghế bành êm ái nhịp nhàng, cảm giác thoải mái thấm dần vào từng dây thần kinh.
Chuyện lạ lùng lúc ban ngày, vẫn còn vương vất quanh hắn.
Lăng Độ Vũ lấy trong túi ra một cuốn sổ nhỏ bọc da xanh, bìa in mấy chữ DIARY thếp vàng, viết theo lối rồng bay phượng múa, chắc người thiết kế đã bỏ không ít tâm tư.
Có điều hứng thú của Lăng Độ Vũ không nằm ở phần thiết kế đó, mà nằm ở nội dung bên trong. Khi hắn phát hiện ra thi thể Tạ giáo sư, thì cuốn sổ này đang được nắm chặt trong bàn tay gầy xác của ông. Trên bìa hiện giờ vẫn có thể nhìn thấy lờ mờ dấu móng tay hằn xuống, bên trong nhất định là có một bí mật kinh nhân, khiến ông ta đến lúc chết vẫn không chịu buông.
Lúc đó Lăng Độ Vũ không dám mạo nhiên nạy những ngón tay của Tạ giáo sư ra.
Trước khi chết, ông ta vận sức nắm quá chặt, khiến cho cơ bắp căng cứng, trừ phi bẻ gãy khớp ngón, bằng không đừng nghĩ đến chuyện lấy được quyển nhật ký. Cũng may là Lăng Độ Vũ thường mang ngân châm theo bên mình, hắn dùng nó chích vào mấy huyệt vị ở khủyu tay và bả vai của Tạ giáo sư, đồng thời ấn lên những kinh mạch điều chuyển cử động nơi cánh tay ông ta, khiến các ngón tay nới lỏng ra, từ đó mới lấy được quyển nhật ký, hồi nhỏ hắn đã học được rất nhiều phương cách ứng phó với người chết từ một bậc thầy về thiên táng (1) ở Tây Tạng.
Hắn còn chưa có cả cơ hội và thời gian để lật xem các trang bên trong.
Khoảng một giờ trưa hôm nay, Lăng Độ Vũ nhận được điện thoại đường dài của Trần Ngọ Bằng từ Mỹ gọi về.
Trong giọng nói luống cuống của Trần Ngọ Bằng, lộ ra một sự kinh hoàng khủng khiếp, y yêu cầu hắn lập tức mau đến nhà ông cậu là Tạ giáo sư, nhưng lại không chịu nói rõ lý do.
Với tính cách của Lăng Độ Vũ, cho dù là người lạ mặt không hề quen biết nhờ giúp đỡ, hắn cũng chẳng chối từ, huống hồ Trần Ngọ Bằng và hắn là người thuộc cùng một tổ chức bí mật, lại từng chung hoạn nạn, kể như có mối sinh tử chi giao.
Hắn lái chiếc Porsche màu trắng ngọc trai, lao đi với tốc độ 80 dặm/h, vượt năm lần đèn đỏ, chạy thoát ít nhất ba chiếc mô tô của cảnh sát giao thông, lúc đến căn nhà ngoại ô của Tạ giáo sư, mới kinh hãi phát hiện ra ông ta đã chết! Có điều lồng ngực còn ấm, ước chừng mới ngộ hại độ nửa tiếng đồng hồ.
Tình trạng tử nạn cũng hết sức kỳ quặc.
Theo sự quan sát của hắn, Tạ giáo sư chết vì nghẹt thở.
Xương lồng ngực của ông hầu như không còn cái nào nguyên vẹn, nhưng kỳ lạ là phần da thịt lại không có lấy một vết thương, hay thậm chí một dấu hiệu sang chấn nhỏ.
Thế là thế nào? Phải là vật nặng đến một nghìn pound, mới có thể tạo nên sự nứt gãy xương cốt như vậy. Hắn xem xét kỹ lưỡng từng ngóc ngách trong nhà, nhưng hoàn toàn không tìm thấy hung khí gì khả dĩ gây nên thương thế ấy.
Trong nhà gọn gàng ngăn nắp, không có dấu vết của sự đánh lộn. Cửa lớn cửa sổ nguyên vẹn không sứt mẻ. Lăng Độ Vũ đã dùng hai sợi dây thép nhỏ mảnh vẫn thường đem bên mình, thành thạo xỏ nó vào ổ khóa, cửa mở, hắn đột nhập một cách êm ả.
Đôi mắt Tạ giáo sư trợn trừng, con ngươi gần như lọt ra khỏi tròng, bộc lộ nỗi sợ hãi cùng cực trước khi chết. Sắc diện thất thần đó, cho thấy đến chết ông ta cũng không tin được những gì đang diễn ra trước mặt.
Lăng Độ Vũ vốn gan dạ can đảm, nhưng nhìn thấy tình cảnh ấy, người bỗng không rét mà run.
Thi thể ngã ngửa trên ghế, miệng há to, như chưa kịp hít nốt hơi thở cuối cùng, gương mặt xám ngoét nghểnh về phía sau theo một góc độ trái khoáy, cặp kính lão mắc ở tai phải, đung đưa tựa hồ sắp rơi. Hình như có bàn tay ma vô hình to lớn, đã xọc vào cổ họng yếu ớt của ông ta.
Trong cuộc đời đầy những truyền kì của Lăng Độ Vũ, đây mới là lần đầu hắn gặp phải tình trạng xác chết như thế. Hắn đã từng trông thấy tử thi bị lột sạch da hay bị chặt đứt cả tứ chi, tuy hết sức tàn nhẫn, nhưng cũng không thể so sánh được với tình trạng ngụy dị khó hiểu, khiến người ta phát run như cái chết của Tạ giáo sư.
Tay trái ông rủ oặt xuống đất, tay phải đặt lên ngực, năm ngón gầy bấu chặt vào quyển nhật ký bìa da xanh mà Lăng Độ Vũ đang cầm đây.
Lăng Độ Vũ xóa sạch mọi dấu vết chứng tỏ hắn đã lén vào nhà, rồi mới thong thả đi báo cảnh sát. Nhật ký thì chẳng phải nói, hắn cất biến đi, một là vì xưa nay hắn chỉ tin tưởng vào mỗi năng lực của mình, hai là vì hắn lờ mờ cảm thấy quyển nhật ký này là đầu mối của vấn đề, hy vọng có thể giữ gìn nó cho tới lúc Trần Ngọ Bằng trở về.
Khi cảnh sát đến, hắn giả bộ như không hay biết một chút gì, kiên nhẫn trả lời những câu tra hỏi triền miên.
Đến hoàng hôn, hắn lén cảnh sát gọi một cú điện thoại, tìm Trần Ngọ Bằng đang ở Mỹ, kể lại cái chết của Tạ giáo sư. Trần Ngọ Bằng xưa nay tính tình vẫn hay xúc động nóng nảy, nhưng nghe tin buồn về ông cậu, phản ứng của y lại rất kỳ lạ, không hề thương cảm bi ai như Lăng Độ Vũ tưởng, mà chỉ lầm bầm: "Ông ấy chết rồi, chết thật rồi...".
Lăng Độ Vũ lập tức hỏi: "Ngọ Bằng, rốt cục là chuyện gì?".
Đầu dây bên kia, Trần Ngọ Bằng hình như hoàn toàn không nghe thấy lời y nói, chỉ lẩm bẩm: "Cuối cùng cũng thành sự thật, ta là người duy nhất biết...", tiếp theo đó y hét lên cuồng loạn: "Thật đáng sợ quá!".
Lăng Độ Vũ trong lòng khiếp đảm, Trần Ngọ Bằng cũng là một người đã trải qua bao sóng to gió lớn, chuyện gì đáng sợ đến mức làm y trở nên thất thường. Ít nhất năm phút thở hồng hộc gấp rút, Trần Ngọ Bằng mới bình tĩnh lại một chút. Lăng Độ Vũ cảm thấy hắn đang phải vận sức kiềm chế ghê gớm mới thốt được ra: "Tất cả đợi tôi về hãy hay." Rồi "cộc" một tiếng, điện thoại ngắt.
Nói chuyện với Trần Ngọ Bằng xong, không những không phá giải được chút bí ẩn nào, mà còn làm lòng hằn nảy thêm những nghi hoặc. Cũng may là, Trần Ngọ Bằng đang trên đường trở về Hong Kong.
Lăng Độ Vũ hít một hơi thật sâu, lật trang đầu tiên của nhật ký, ngày tháng đề
15/3/1984, tức là ghi chuyện bốn năm trước. Nội dung như sau:
"Sáng nay quay về phòng nghiên cứu của đại học. Tình cờ gặp ông Hứa. Nghe nói tiến sỹ Trịnh Vân Lâm từ trần, không nén nổi nghẹn ngào. Nhân sinh như xuân mộng thu vân, danh lợi không ngoài vòng tuần hoàn ấy, cổ triết học vẫn than giao du tàn lụi, con người sao có thể là ngoại lệ".
Lăng Độ Vũ lại lật vài trang, nhật ký không liên tục, có khi mấy tháng chẳng thấy một chữ, nên gọi nó là sổ ghi chép thì hợp lý hơn.
Giáo sư Tạ Ninh là một nhà khảo cổ nổi tiếng. Năm ba mươi lăm tuổi, bài "Khảo cứu về sự di cư của các dân tộc miền duyên hải châu Phi" đã giúp ông dương danh trong giới khảo cổ thế giới, gây dựng được uy tín lớn về phương diện này. Mấy chục năm tiếp theo ông tinh nghiên văn hóa và ngôn ngữ cổ Ai Cập, trở thành một nhân vật siêu việt trong giới khảo cổ. Bên cạnh đó ông còn là một lữ hành gia trứ danh, có thể coi như một Từ Hà Khách(2) của thời hiện đại. Nhà bác học hiển hách như vậy, lại chết một cách li kỳ, không minh không bạch, nhất định là một tổn thất to lớn không gì bù đắp được cho giới khảo cổ.
Giáo sư năm nay sáu mươi lăm tuổi, năm năm trước đã về nghỉ hưu, sinh sống bằng việc dạy học. Theo lời Trần Ngọ Bằng, hai mươi năm nay giáo sư say mê nghiên cứu các nền văn minh cổ, ông tin rằng trước nền văn minh hiện nay, trên trái đất đã từng xuất hiện những nền văn hoá văn minh cao hơn nhiều, có thể là tồn tại trước cả
⬘người vượn Bắc Kinh⬙ và ⬘người vượn Lam Điền⬙, khoảng thời kỳ bốn mươi đến năm mươi vạn năm trước. Trong ngành khảo cổ, bất kỳ chứng cứ đáng tin cậy nào được tìm ra được ở những dải đất không có người trú ngụ, đều là những sự việc gây chấn động.
Dòng suy nghĩ dồn dập, Lăng Độ Vũ tiếp tục giở đọc bút ký của nhân vật khổng lồ trong giới khảo cổ này, nội dung xoay quanh những cảm tưởng về cuộc sống hàng ngày, những tâm đắc trong khoa học, hoặc những kiến giải tinh túy về chuyên môn.
Lăng Độ Vũ lướt qua thế giới tư tưởng khoáng hoạt vô biên của nhà học giả trứ danh, cảm thán trí thông tuệ thực sự của ông. Cái quyền uy học thuật thuộc cấp đại sư, sức tưởng tượng táo bạo phong phú này, khác xa những người được gọi là học giả mà đầu óc đong đầy thành kiến.
"Nhân loại đã quen nhốt mình trong cái không gian hạn hẹp trước mắt, sống như con đà điểu rúc đầu vào cát, liệu họ có đủ dũng khí và nghị lực để tìm hiểu và giải đáp được vô số những câu đố bí hiểm trong lịch sử không?
Ví dụ, trong lịch sử lâu dài miên viễn của mỗi dân tộc, đều có ghi chép về nạn hồng thủy đã nhấn chìm cả một vùng đất lớn. Ngay Trung Quốc của chúng ta, cũng từng nhắc đến Đại Vũ trị thủy(3). Ban đầu phụ thân của Đại Vũ áp dụng phương cách làm tường bao, thất bại rồi tới Đại Vũ áp dụng phương pháp nạo vét, mới giải trừ được nạn lũ lụt. Đây là một trận thủy tai vô cùng kinh khiếp, phải trải qua thời gian hai đời mấy chục năm, hồng thủy mới bị đẩy lui.
Dù không được ghi chép cặn kẽ, dân tộc Do Thái cũng có chuyện về con thuyền vuông của ông Nô-ê. Thánh kinh kể Nô-ê được chỉ dẫn của Thượng đế, trước khi hồng thủy xảy ra ông đóng một chiếc thuyền vuông khổng lồ, chọn từ mỗi loài động vật ra một trống một mái. Những cặp động vật này trở thành sinh mệnh tồn tại duy nhất sau cơn hồng thủy, làm sự sống được tiếp tục kéo dài, hiện nay vẫn có người còn truy tìm tông tích chiếc thuyền vuông đó.
Những nước khác như Hy Lạp, Ấn Độ, không nước nào là không nhắc đến một lần đại hồng thủy khiến con người khiếp đảm. Đây là chứng cứ không thể nghi ngờ, cho thấy vào khoảng một niên đại trước khi nền văn minh hiện nay bắt đầu, đã xảy ra một trường đại thủy tai có tính toàn cầu, kéo dài mãi không dứt, do đó các dân tộc khác nhau trên trái đất đã lần lượt đem những tai nạn có tính hủy diệt khủng khiếp ấy ghi lại trong cổ sử của họ. Những đại họa đó, nhiều khả năng là đã hủy diệt triệt để những nền văn minh dĩ vãng. Nền văn minh hiện nay, chỉ là một nền văn minh khác mới trỗi dậy. Nhưng điều đang làm chúng ta lo lắng là thủy tai có thể tái diễn trong tương lai, vấn đề ấy hết sức bức thiết".
Lăng Độ Vũ đờ người ra, giáo sư lập luận đơn giản nhưng rất rõ ràng, hồng thủy là một nạn kiếp đáng sợ, cũng có thể là những ngày sắp đến của nhân loại.
Quyển ghi chép lại tiếp tục:
"Năm 1976, trong thủy tầng ở Siberia đã phát hiện ra một đàn voi mamút. Đây là loại voi mamút chỉ sống ở vùng nhiệt đới. Chúng có ba đặc điểm, thứ nhất là cơ thể vẫn hoàn hảo vô khuyết, có thể xả thịt ăn được; thứ hai là trong miệng và dạ dày còn cỏ xanh chưa tiêu hóa; thứ ba, dạ dày căng phồng, cho thấy chúng tắc thở mà chết.
Cách giải thích hợp lý duy nhất là đang khi ăn cỏ xanh ở vùng nhiệt đới, đột nhiên nhiệt đới biến thành vùng cực hàn, khiến chúng chỉ trong giây lát là bị đông cứng lại.
Đây có lẽ là một chứng cứ quan trọng nhất về sự biến đổi của trục trái đất. Bởi vì lâu nay, giới khoa học đều nhận định rằng, khi trái đất quay, theo định lý về lực li tâm, những nơi xoay chuyển ở vòng ngoài là những nơi rộng nhất trên trái đất. Vì vậy vòng xích đạo cũng chính là nơi đường kính trái đất lớn nhất. Căn cứ theo kết quả điều tra, thủy tầng của Bắc Cực và Nam Cực đều đang không ngừng dày thêm và nặng thêm, khi băng tuyết ở hai cực này tích tụ đến mức nặng hơn vùng xích đạo, thì sẽ phá vỡ sự cân bằng, khiến cả quả đất quay ngược lại, hai cực biến thành xích đạo, còn xích đạo ban đầu, sẽ biến thành hai cực.
Điều này giải đáp xác hợp nhất về tình trạng của đàn voi mamút. Voi mamút ở xích đạo, khi ăn cỏ trên vùng thảo nguyên rộng lớn, trục trái đất đột nhiên chuyển biến, nháy mắt đã đưa chúng từ vùng thảo nguyên nhiệt đới đến vùng Siberia băng phơi tuyết phủ, khiến chúng đông cứng ngay lại.
Băng tuyết ở hai cực, chuyển đến được vị trí của xích đạo rồi, thì mau chóng tan chảy, tạo thành cơn hồng thủy kinh nhân, nhấn chìm toàn bộ địa cầu. Theo ước tính của các nhà khoa học, băng tuyết trên hai cực nếu cùng tan chảy, mực nước trên toàn cầu có thể cao thêm hơn 50m. Đây nhất định là nguyên nhân khiến Nô-ê phải đóng chiếc thuyền để thoát chết, cũng chính là cơn hồng thủy khiến Đại Vũ trở thành vĩ đại.
Khi trục trái đất thay đổi, tất cả những tai họa bất khả kháng nhất như động đất, sóng thần, đều có thể đột ngột xảy ra, bất kỳ một nền văn minh nào cũng có thể tiêu tan như mây khói. Tai họa lớn như vậy nhiều khả năng là vòng tuần hoàn có tính chu kỳ, một nền văn minh bị hủy diệt, lại một nền văn minh khác ra đời".
Lăng Độ Vũ hít sâu một hơi, hô hấp bất giác trở nên nặng nề. Sự thay đổi của trục trái đất có thể diễn ra bất cứ lúc nào! Hắn lật trang kế, thời gian ghi chép là sau đó một tuần:
"Rất nhiều người đem những điều bí ẩn chưa được giải đáp trên trái đất đổ diệt cho những vị khách ngoài vũ trụ, tôi lại nghiêng theo hướng tin rằng trước chúng ta, đã từng tồn tại những vị khách của nền văn minh cao độ, họ thậm chí có thể là một loại sinh vật phi nhân loại. Hồi còn trẻ, có một vấn đề cứ mãi theo đuổi tôi, đó là, một số dân tộc nguyên thủy của châu Phi, từ khi có ý thức là bắt đầu sùng bái sao Thiên Lang(4).
Họ nói sao Thiên Lang có một người bạn hắc ám , người bạn này chứa một dạng vật chất quan trọng nhất trong vũ trụ. Điều này khiến bao nhiêu người kinh ngạc. Thiên văn học hiện đại, sau khi bước vào thế kỷ này, mới từ quỹ đạo dị thường của sao Thiên Lang, phán đoán ra sao Thiên Lang là một trong hệ thống song tinh. Ngôi sao còn lại có lẽ là một sao nơtron không phát sáng. Đây có phải là người bạn hắc ám không?
Mật độ vật chất trong một mét khối trên sao nơtron còn cao hơn bất kỳ dạng vật chất nào trên trái đất đến hàng triệu lần, vật chất dày đặc trên sao nơtron này có thể còn nặng hơn cả trái đất. Đây chẳng phải là loại vật chất tối quan trọng trong vũ trụ ư? Kết luận đó chúng ta có được, là nhờ chế tạo ra kính viễn vọng tiên tiến, còn những dân tộc nguyên thủy kia, họ nhờ vào cái gì mà có được kiến thức không thể tưởng tượng nổi ấy? Đây phải chăng là một mảnh ký ức sót lại từ thời kỳ văn minh trình độ cao xa xưa???".
Giáo sư kết thúc đoạn viết bằng ba dấu chấm hỏi, hiển nhiên là một nghi hoặc của ông về phương diện này.
Lăng Độ Vũ cảm thấy thú vị, đọc một mạch mười trang, đều là những ghi chép từ năm 1985 đến tháng Bảy năm 1986, lật đi lật lại, xoay quanh vấn đề văn minh thời tiền sử.
Giở một mạch đến ngày 8/8/1986, trang đó kể chuyện rất lạ lùng, không đầu không cuối, nội dung như sau:
"Hôm kia rốt cục cũng liên lạc được với M, cho y xem qua tư liệu mình chép lấy, y hỏi mình tại sao không chụp ảnh, y không biết mình khó khăn lắm mới đút lót được, mới có thể đột nhập vào tàng thư các của thần điện trong một tối, chép lại tư liệu trên thạch bản. Trải qua vô số thời kỳ chiến loạn, thạch bản có thể bảo tồn đến mức độ này, quả thực cũng rất hiếm có rồi.
M nói thẳng y hoàn toàn không tin vào các ghi chép trên thạch bản, y bảo những thứ đó là của các nhân vật trong truyền thuyết, khó tránh khỏi sự khoa trương sai lạc sự thật. Thực ra thạch bản đã có niên đại rất lâu đời, tư liệu ghi chép trên đó dù sai sự thật đi nữa, cũng có thể phản ánh đến một mức nhất định những gì đã xảy ra ở thời cổ đại, huống hồ những điều ghi chép trên thạch bản, lại là hiện vật đặt trong bảo tàng Cairo. Nếu M chịu tự mình đi xem một lần, trải qua những sự kỳ lạ mà mình đã trải qua, chắc chắn y sẽ tin lời mình nói.
Ôi! Nó làm mình loay hoay suốt ba tháng ở Ai Cập! Mình nhất định phải lấy được nó, tiếp cận với những chỉ dẫn trên thạch bản, làm cho nó khởi động. Họ thật ngô nghê, tại sao không dám động vào nó kia chứ, đến người khác nghiên cứu nó, họ cũng cấm tuyệt".
Lăng