Lão Đại Là Nữ Lang

Tài tử


trước sau

Sau buổi tiệc ngắm mai hôm ấy, Cẩm Y Vệ thực sự đã tới nhà lấy quà cảm tạ mà Phó tứ lão gia đã chuẩn bị cho Hoắc Minh Cẩm.

Lý Xương chẳng kiêng dè gì, nói với Phó Vân anh Hoắc Minh Cẩm không ở trong nội thành mà có một tòa nhà ở tận ngoại thành, bình thường công việc bận rộn thì thường nghỉ lại trong phòng làm việc, tới khi rảnh rỗi một chút mới về nhà ở ngoại ô.

Hoắc Minh Cẩm rất ít khi có lúc nào nhàn rỗi nên thường xuyên ở lại phòng làm việc.

"Nhị gia còn chưa lập gia đình, chỉ có thể ở tạm bợ như thế."

Do không biết gì về sở thích của Hoắc Minh Cẩm, Phó tứ lão gia chuẩn bị đủ loại đặc sản, xếp đầy cả một chiếc rương lớn, trước đây chàng từng nói thích rượu hoa quế của Hồ Quảng, nên ông đã chủ động dặn dò Phó Vân anh mang thêm mấy vò rượu ủ lâu năm mà ông vẫn luôn không nỡ uống.

Tối hôm đó Hoắc Minh Cẩm đích thân đưa Phó Vân anh về nhà, sau đó Lý Xương lại hay tới nhà nàng truyền lời, chỉ mấy ngày sau, người ở kinh sư đều đã biết Phó Vân anh được chỉ huy sứ chú ý.

Còn có người suy đoán Hoắc Minh Cẩm định nhận Phó Vân anh làm con nuôi. Nếu không thì tại sao lại phải mất công mất sức đưa "y" tới bên cạnh Thái tử cơ chứ?

Tuy chẳng có phẩm cấp gì nhưng đợi tới lúc Thái tử đăng cơ thì còn sợ Phó Vân không thăng quan được hay sao?

Hồi Hoàng thượng lên ngôi, đến người hầu hầu hạ ông ta từ nhỏ, thư đồng các kiểu đều thăng quan tiến chức, cho dù chưa từng thi đỗ tiến sĩ nhưng cuối cùng cũng được đặc cách phong làm quan lớn còn gì.

Những lời này truyền tới tai Diêu Văn Đạt, ông ta hoảng hốt, chống gậy, run run rẩy rẩy tìm tới tận phố Cao Pha ở phường Đông, hỏi Phó Vân Chương: "Thằng em của ngươi sao lại dính vào Cẩm Y Vệ thế kia?"

Diên Văn Đạt lại ngã bệnh, nhưng dù sao về mặt tinh thần vẫn cứ tốt như thế, nói oang oang như sấm.

Phó Vân Chương mời ông ta ngồi xuống uống trà trước đã, tôi tớ đi vào dâng trà.

Uống trà xong, Phó Vân Chương mới chậm rãi giải thích: "Hoắc chỉ huy sứ từng cứu người chú đã nuôi nấng đệ ấy."

Diêu Văn Đạt nhíu mày nói: "hiện giờ Thẩm thủ phụ và Hoắc chỉ huy sứ đang lao vào đấu nhau như gà chọi, quyết liệt chưa phân thắng bại, ngươi sắp ra làm quan tới nơi rồi, không nên để bị cuốn vào đó. Ân cứu mạng đương nhiên là phải báo nhưng cũng không cần thiết phải lui tới chặt chẽ như vậy, giờ người trong kinh đều đang bàn tán về chuyện này, sớm muộn gì cũng sẽ kéo cả ngươi vào. Ngươi còn chưa được phong quan đã bị coi như người của Hoắc chỉ huy sứ, đây không phải chuyện tốt."

Phó Vân Chương hơi mỉm cười, tỏ ra không mấy để ý, "Đệ ấy là đệ ấy, con là con. Thầy à, đệ ấy muốn làm gì, từ trước đến nay con chưa từng cấm cản. Đệ ấy cũng sẽ không bởi biết ơn Hoắc chỉ huy sứ mà tới khuyên con đầu quân dưới trướng Hoắc chỉ huy sứ đâu."

Thấy y nói nhẹ nhàng như thế, Diêu Văn Đạt trầm ngâm hồi lâu, "Ngươi không sợ sau này hai anh em ngươi bất đồng chính kiến rồi bất hòa sao?"

Phó Vân Chương nhìn những lá trà đang dần bung nở trong chén, khóe miệng khẽ cong lên, "Thầy đừng lo về chuyện này."

một lát sau, y lại nói: "Thầy ạ, con có thể phó thác tính mạng cả nhà mình cho đệ ấy."

Diêu Văn Đạt là người từng trải, không tin lời y lắm, vì tiền đồ của bản thân mình, đến cha con cũng có thể chĩa mũi đao vào nhau, huống hồ Phó Vân Chương và người em này của y chỉ là anh em họ xa. Giờ họ còn trẻ, còn cho rằng có tình cảm khăng khít thì sau này cho dù mỗi người có chính kiến riêng thì anh em vẫn có thể luôn hòa thuận, yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, tới khi họ thực sự trải qua sóng gió cuộc đời, ắt sẽ xuất hiện rạn nứt.

Nhưng mà bản thân Phó Vân Chương cũng chưa thực sự thiên về bất cứ phe phái nào, về quan điểm chính trị, y vẫn luôn kiên định với quan niệm của mình, về đối nhân xử thế, có vẻ giống với phái trung lập, nên hiện giờ nói chuyện này vẫn còn hơi sớm, nói không chừng hai anh em nhà này có thể cân bằng giữa việc công và việc tư cũng nên.

"Ngươi đã nói vậy, ta cũng không thể nói những lời khó nghe, ly gián anh em các ngươi. Ta thực sự rất thích thằng bé Phó Vân kia, không ngờ nó lại có thể lặng lẽ có liên hệ với Hoắc chỉ huy sứ mà chẳng ai hay. Ta vẫn chưa thấy Hoắc chỉ huy sứ quan tâm tới bất cứ người trẻ tuổi nào đến thế, vẫn luôn cho rằng hắn là kẻ điên..." Diêu Văn Đạt nói chuyện chưa bao giờ kiêng dè gì, "Nhưng cái kẻ điên này giờ lại giống người bình thường rồi, đại thần trong triều hoảng hốt, bên Thẩm đảng đã chú ý tới Phó Vân từ lâu, ngươi nhớ nhắc nhở nó để ý người Thẩm đảng đấy."

"Cảm tạ lão sư đã nhớ tới đệ ấy." Phó Vân Chương nói.

Nhưng mà người Thẩm đảng còn đang âm thầm quan sát, chưa vội chèn ép gì Phó Vân anh mà Thôi Nam Hiên đã ra tay trước rồi.

Sắp đến ngày trừ tịch (30 tháng Chạp âm lịch), Phó Vân Chương gạt sách vở sang một bên, đưa Phó Vân anh, Phó Vân Khải và Viên Tam đi dạo phố Bàn Cờ, chợ cạnh miếu Thành Hoàng. Trong thành buôn bán tấp nập, thương nhân từ khắp trời nam biển bắc tụ tập về đây, từ những đồ quý hiếm bằng châu ngọc cho tới đồ dùng hằng ngày, đồ cổ, thi họa, không gì không có, chợ họp hằng tháng vào một số ngày cố định, quy mô rất lớn, cũng rất đông người, từ phố lớn đến ngõ nhỏ đều chật ních, xe ngựa đi vào đây cũng không quay đầu được.

Tiền tiết kiệm của Viên Tam đã đưa hết cho Viên gia, gần đây hắn tập trung ôn thi nên không viết tiểu thuyết, trong túi thiếu tiền, nhìn thấy cái gì cũng muốn mua mà lại không nỡ.

Phó Vân anh đưa hắn năm trăm lượng bạc làm tiền tiêu vặt, nói: "Tiền mừng tuổi sớm của ngươi này."

hắn nhìn chằm chằm cửa hàng bán đồ điểm tâm mà thèm rỏ dãi, thèm đỏ cả mắt. Ngày nhỏ hắn từng đói khổ, chỉ một lòng một dạ yêu thương đồ ăn.

Phó Vân Khải đứng bên cạnh ôm bụng cười.

Viên Tam không hề xấu hổ, thoải mái nhận bạc vụn và ngân phiếu, chẳng ngượng ngùng gì, chắp tay thi lễ với Phó Vân anh rồi nháy mắt với Phó Vân Khải đầy đắc ý, "Lão đại thương ta, cho ta tiền mừng tuổi, ngươi cười cái gì?"

Dứt lời, hắn hào hứng chạy về phía cửa hàng của người Tô Châu kia, chì vào mấy giá gỗ đầy ắp bánh kẹo được sắp xếp ngăn nắp, chỉnh tề, oang oang: "Mỗi loại nửa cân!"

hắn mặt dày mày dạn như thế, Phó Vân Khải thấy người này thật chẳng ra gì, cười hắn trơ trẽn, nhưng cuối cùng lại nhìn Phó Vân anh ra vẻ đáng thương, "Có phần của huynh không?"

Phó Vân anh cười, "Cửu ca, muội còn chưa xin huynh đâu đấy."

Phó Vân Khải gãi đầu gãi tai, chạy đi một lát, lúc về cầm theo mấy xâu hồ lô ngào đường, nhét vào tay nàng, "Nào, Vân ca nhi ngoan, đây là tiền mừng tuổi ca ca cho đệ."

Phó Vân anh lườm hắn một cái, vừa lúc ấy Phó Vân Chương bước ra từ cửa hàng bán tranh chữ, đang đi về phía bọn họ, nàng chia cho y một xâu hồ lô ngào đường.

Phó Vân Chương đầu đội mũ rộng vành trang trọng, thân mặc một chiếc áo choàng nhung, người cao đĩnh đạc, mặt như ngọc tạc, tay cần một xâu hồ lô ngào đường, có vẻ dở khóc dở cười.

"Hồ lô ngào đường ở miếu Thành Hoàng ngon hơn ở chỗ khác." Phó Vân anh bảo y cứ thử nếm một miếng xem sao.

Phó Vân Chương chưa bao giờ ăn hồ lô ngào đường, đưa tranh chữ cho Liên Xác cầm giúp, lắc đầu bật cười, cắn thử một quả sơn tra, chua chua ngọt ngọt.

Viên Tam mua xong điểm tâm đã quay lại, có gói ôm trong tay, có gói treo ở cánh tay, có gói còn ngậm trong miệng, Vương Đại Lang vội vàng đỡ giúp hắn.

"Lão đại, ngươi thích món nào? Ta thấy có bán kẹo hạt thông, bánh ngàn lớp, bánh vừng với bánh hoa quế, mua hơi nhiều."

Bình thường Phó Vân anh vẫn thích mấy món này, Viên Tam bê một đống điểm tâm lên cho nàng chọn.

Nàng chọn mấy cái bánh vừng, lấy cho Phó Vân Chương mấy miếng bánh xốp, y thích ăn món này. Về phần Phó Vân Khải, hắn đã giật được cả một gói kẹo đường và kẹo hạt thông lớn.

Phó Vân Chương tay trái cầm một gói bánh, tay phải cầm một xâu hồ lô ngào đường, nhìn đầy vẻ lúng túng, không biết làm sao.

Cái hoàn cảnh này y nào đã trải qua bao giờ.

Thảo nào khi còn nhỏ các bạn cùng trường ai cũng thích Tết. Y còn nhớ khi còn nhỏ, còn chưa tới tháng Chạp, các bạn cùng trường đã vô cùng hưng phấn, chỉ ngóng trông Tết đến nhưng với y mà nói, ngày Tết và ngày thường chẳng có gì khác nhau cả, thậm chí còn quạnh quẽ hơn ngày thường. Nhìn thấy nhà người khác cả nhà được đoàn viên, mẹ y sẽ buồn, hơn nữa, nhiều người thường nhân dịp cuối năm tới nhà đòi nợ nên mẹ con họ chẳng có Tết nhất gì cả, cả tháng Giêng, cửa nhà đóng chặt, cuộc sống náo nhiệt bên ngoài dường như là chuyện của một thế giới khác.

Phó Vân anh đi theo đám đông chen chúc trước mắt, vừa đi vừa ngắm nghía. Nàng mua cho Phó Vân Chương và hai người kia mỗi người một đôi giày bằng da hươu, ngoài ra còn mua da thuộc, lụa Hàng Châu, vải thô, chén trà và nắp mới, mấy chiếc bình cắm hoa, giấy bút nghiên mực và mấy thứ văn phòng phẩm khác. Nghĩ tới giá đèn trong thư phòng bị đổ nên đã hỏng, nàng còn mua thêm mấy giá đèn mới, loại bằng kim loại, chịu va đập.

Tôi tớ trong nhà đi theo sau bê đồ, trong chốc lát mấy chiếc giỏ đã đầy ắp.

Chợ ở kinh thành vô cùng phồn hoa, các sạp hàng đủ loại màu sắc, những đồ vật quý hiếm kì lạ, chẳng có gì không có.

Mấy người đi dạo quanh chợ một vòng, thấy có người đang cao giọng rao bán đặc sản Hồ Quảng, nhớ nhà, không thể nào không lại gần ngó một cái.

Đồ bên đó bán cũng không có gì đặc biệt, đơn giản là cá muối thịt khô.

Đặc biệt chính là người đi mua đồ, hắn đội khăn phúc, mặc một chiếc áo bào màu ngọc viền lam, eo đeo thắt lưng to bản, chân đi giày thêu mây, tuấn tú nho nhã, khí độ vô cùng, nổi bật giữa những người xung quanh. Rất nhiều tiểu nương tử ăn mặc diễm lệ mượn cớ chọn đồ, đứng trước sạp hàng nhặt cái này, lựa cái kia, nhưng thực chất là đang nhìn lén hắn hết lần này đến lần khác.

Lại là Thôi Nam Hiên.

Phó Vân anh giật mình, người bên cạnh Thôi Nam Hiên đã nhận ra nàng, hơi mỉm cười với nàng.

Nàng cứng người, thanh niên đang đứng cạnh Thôi Nam Hiên chính là Thái tử điện hạ mà hôm ấy nàng đã gặp ở Tây Uyển.

Trong những người xung quanh không biết có bao nhiêu hộ vệ hoàng cung đang ẩn nấp.

Phó Vân anh thầm đoán được Thái tử cải trang ra ngoài, có vẻ là đi chơi, chắc chắn không muốn để những người khác biết, đang định ra khỏi đó, bỗng Thái tử lại vẫy tay với nàng, ý gọi nàng tới cạnh mình.

Nàng giật nhẹ ống tay áo của Phó Vân Chương, "Nhị ca, mọi người ở đây chờ muội."

Phó Vân Chương chưa từng gặp Thái tử, chỉ nhận ra Thôi Nam Hiên, thấy mặt nàng có vẻ khác thường, chỉ ừ một tiếng.

Nàng đi tới trước mặt Thái tử. Qua khóe mắt, quả nhiên nàng nhìn thấy trong đám đông có mấy người đàn ông vẫn luôn chăm chú quan sát sạp hàng, nàng chỉ hơi tới gần vài bước thôi đã cảm thấy vô số ánh mắt đang chĩa vào người nàng, sau lưng như có kim chích.

Thái tử vừa nói vừa cười với Thôi Nam Hiên, đợi nàng tới gần, tiếp tục cười nói: "Ta nghe Thôi thị lang nói ngươi cũng là người Hồ Quảng phải không? Hơn nữa lại còn từng là học sinh của Thôi thị lang?"

Nàng không nhìn Thôi Nam Hiên, gật đầu trả lời, "Thôi đại nhân từng dạy học ở Giang Thành thư viện."

Trong đáy mắt Thái tử hiện lên mấy kia sáng khác thường, mỉm cười, "Trùng hợp vậy sao, thảo nào học vấn của ngươi tốt như thế, Thôi thị lang vừa mới kể rất nhiều chuyện về ngươi ở thư viện."

Phó Vân anh hơi chột dạ, tạm thời không biểu hiện gì.

nói mấy câu không mặn không nhạt, Thái tử chuyển sang hỏi nàng về chuyện ở Hồ Quảng.

Nàng kể một chút về các danh lam thắng cảnh ở Hồ Quảng, thấy Thái tử có vẻ không có hứng thú, nghĩ ngợi một chút rồi chuyển sang các phong tục ngày Tết ở Hồ Quảng, "không giống như ở phương Bắc, dịp trừ tịch, người Hồ Quảng đón giao thừa nhưng không ăn sủi cảo, tới sáng mùng một mới làm sủi cảo để ăn."

Thái tử hằng ngày đều phải đọc sách, mỗi tháng còn có chín ngày nhất thiết phải ngồi nghiêm chỉnh nghe đại thần giảng kinh, suốt ngày phải nghe những đạo lý to tát về đạo trị quốc, có lẽ là rất ít khi được nghe người ta nói về phong tục chốn dân gian, nghe vậy bèn hứng thú, quay sang nhìn Thôi Nam Hiên, "Thực sự như thế sao?"

Thôi Nam Hiên nhìn Phó Vân anh, nói: "Mỗi địa phương lại có phong tục riêng, không hoàn toàn giống nhau, nhưng đại khái đúng là như vậy."

nói chuyện phiếm trong chốc lát, Thái tử thả Phó Vân anh đi, "Ngươi ra ngoài đi dạo với người nhà phải không? Thực ra đã làm phiền ngươi rồi."

Thái tử là con trai của Tôn quý phi, mẫu phi được sủng ái, Hoàng thượng rất thương yêu hắn, trong cung chỉ có mỗi mình hắn là hoàng tử khỏe mạnh tới lúc trưởng thành. Từ nhỏ hắn đã tôn sư trọng đạo, tính tình thiên về hướng ôn hòa.

Phó Vân anh cảm thấy hắn hơi giống Chu Hòa Sưởng, nhưng mà Chu Hòa Sưởng khờ khạo là thực sự khờ khạo, Thái tử bình dị, gần gũi nhưng luôn có ngăn cách, dù hắn có cố gắng biểu hiện ra sự hòa nhã, thân thiện như thế nào đi nữa cũng không giấu nổi sự cao ngạo và thái độ bề trên của của bản thân

Nàng nhìn theo bóng Thái tử và Thôi Nam Hiên đi khỏi đó.

Thôi Nam Hiên cố tình nhắc tới quan hệ thầy trò của hắn và nàng trước mặt Thái tử, ngoài ra lúc nói chuyện phiếm khi nãy còn nhiều lần biểu hiện ra sự tán thưởng đối với nàng. hắn muốn Thái tử hoài nghi nàng tham lam, hèn nhát, không có lập trường, hay là muốn ly gián quan hệ giữa nàng và Hoắc Minh Cẩm?

Nàng nhíu mày suy nghĩ.

Thấy mấy người Thôi Nam Hiên đã rời đi, Phó Vân Chương lập tức đi tới, khẽ hỏi nàng: "Người khi nãy nói chuyện với muội là Thái tử phải không?"

Phó Vân anh gật đầu.

...

Diêu Văn Đạt là một ông già góa vợ, ngày Tết trong nhà cũng chỉ có hai lão bộc ăn Tết cùng, Phó Vân Chương mời ông ta tới Phó gia ăn Tết.

Ông ta từ chối, nói: "Trong cung mở tiệc, ta đi cho vui."

Kết quả là ông trời không muốn cho ông ta đi, trên đường vào cung ông ta bị ngã một cái, bò không dậy nổi, bị thái giám trong cung đưa về nhà, Hoàng thượng trong cung nghe nói vậy, cho rằng ông ta bệnh cũ tái phát, ban thưởng rất nhiều đồ.

Thực ra lão bộc vô cùng vui vẻ, thế này không những đại quan nhân không cần ngày nào cũng phải ra ngoài xã giao mà còn được ban cho một đống dược liệu đắt đỏ, cái ngã này đúng là có giá!

Ngày mùng ba tháng Giêng, Phó Vân Chương đưa Phó Vân anh tới Diêu gia thăm Diêu Văn Đạt.

Diêu Văn Đạt giữ họ lại ăn cơm, lão bộc vui vẻ bưng một bát tô cháo chân giò hầm nhừ vào phòng, cười nói: "Đây là chân giò được trong cung thưởng cho, hai vị thiếu gia ăn nhiều một chút."

Đồ ăn được trong cung thưởng cho không nhất định là ăn sẽ ngon, quan trọng là mát cái mặt.

Nhưng đối với cái món ăn không biết đã để bao nhiêu ngày này, Phó Vân Chương và Phó Vân anh thực sự không dám động đũa.

Lão bộc vẫn đứng bên cạnh nhiệt tình mời mọc họ ăn, Phó Vân anh nghĩ ngợi một lúc rồi đem chân giò đẩy về phía Diêu Văn Đạt, "Thịt này hầm nhừ, răng Diêu ông không tốt, ăn nhiều một chút."

Phó Vân Chương cúi đầu mỉm cười.

Lão bộc cảm động tới mức rưng rưng nước mắt, đồ Vạn tuế gia thưởng cho, quý giá biết bao! Các vị thiếu gia không nỡ ăn, nhường hết cho đại quan nhân, đúng là những học trò ngoan có hiếu có lễ!

Vừa cơm nước xong xuôi, đã có người lục tục tới chúc Tết Diêu Văn Đạt, đa phần bọn họ đều xuất thân từ Hàn Lâm Viện, thuộc phe Vương các lão, có quen biết với Phó Vân Chương.

Cơ mà vừa nhìn thấy Phó Vân anh cũng ở đó, họ dường như có chút kiêng dè, lúc nói chuyện rõ ràng có chút gì đó gờn gợn.

Phó Vân anh liền đứng dậy xin phép ra về, Phó Vân Chương cũng định đi, nàng mỉm cười, "Nhị ca, huynh ở lại đi, muội tiện đường tới Nhuận Cổ Trai lấy bức họa đã bồi."

Giờ đúng là thời cơ tốt để y mở rộng quan hệ, y mà đi chẳng phải là đáng tiếc hay sao?

Phó Vân Chương nhìn ra ngoài cửa sổ, trời đã không còn tuyết rơi, bầu trời xanh ngắt, "Về sớm một chút."

Nàng đồng ý rồi dẫn theo Kiều Gia đi ra khỏi đó.

Nhuận Cổ Trai ở phía tây kinh thành, trời tuyết không phù hợp cưỡi ngựa, nhà họ Diêu ngay gần Phó gia, nàng hôm nay đi bộ tới đây.

trên phố thường xuyên có tiếng pháo nổ vang, người đi người đến ai cũng cười tươi roi rói, trẻ con là vui vẻ hoạt bát nhất, kéo nhau chạy đi chạy lại, cười khanh khách. Những người trên đường, dù có quen biết nhau hay không, khi gặp mặt cũng sẽ cười với nhau, nói với nhau lời chúc mừng năm mới.

Dù là Tết, Nhuận Cổ Trai cũng không đóng cửa, bức tranh của Phó Vân anh vốn được đưa tới để bồi từ năm trước, tiểu nhị nhìn chiếc thẻ của nàng, lấy bức tranh đã được bồi ra đưa cho nàng, cười nói: "Hôm qua có một vị đại nhân tới đây mua lụa, vừa hay nhìn thấy bức tranh này, rất thích."

Thấy Phó Vân anh vẫn tỉnh bơ, tiểu nhị nói ra họ của vị đại nhân kia, "Vị kia chính là tài tử tiếng tăm lừng lẫy, làm chức quan gì đó ở Hàn Lâm Viện, đại loại là rất có tiếng."

Phó Vân anh chỉ cười không nói, bảo Kiều Gia cầm tranh, trả tiền rồi ra khỏi Nhuận Cổ Trai.

thật trùng hợp, đi ngang qua một quán trà tự nhiên lại gặp được người quen.

Trước cửa quán trà rất đông người, hộ vệ đứng hai bên, chắn đường đi về phía quán trà, không cho những người khác đi qua, mấy chiếc kiệu quan từ xa đi tới, đi qua chỗ họ, dừng lại trước cửa quán trà, người trong quán trà vội vàng đi ra, cười nói đon đả chào đón.

Vài người đi từ trong những chiếc kiệu phía trước bước ra, đó đều là những quan viên mặc áo bào lam [1], họ xuống kiệu, không lên gác luôn mà tất cả đều đứng chờ một bên.

[1] Truyện có đề cập tới chuyện màu sắc quan phục, quan lại triều Minh, quan lớn (tứ phẩm trở lên) mặc quan bào màu đỏ, để ý sẽ thấy Thôi Nam Hiên, Hoắc Minh Cẩm và các đại thần trong Nội Các sẽ mặc quan bào đỏ thẫm. Quan ngũ phẩm tới thất phẩm mặc màu xanh lam, thấp hơn nữa mặc quan bào màu lục.

Chiếc kiệu cuối cùng được vén mành lên, người bên trong đi ra, áo bào đỏ thẫm, đầu đội kim quan, thắt lưng to bản đính vàng, uy nghi hiển hách nhưng cũng không làm mất đi sự phong nhã của người đọc sách.

Là Thôi Nam Hiên.

Những quan viên khác vội vàng đi tới đón, vây quanh hắn đi lên tầng.

Chờ những quan viên này đi hết vào trong quán trà, hộ vệ mới thu đội hình, để dân chúng đi ngang qua cửa trà lâu.

trên tầng, các quan viên chào hỏi nhau, lần lượt bước lên tầng, tới tầng hai, thiếu khanh ở Đại Lý Tự đang nói chuyện phiếm với Thôi Nam Hiên, thấy hắn nhìn về phía đám đông bên ngoài, bèn ngừng câu chuyện, hỏi: "Vừa rồi lúc kiệu dừng lại, ta thấy Thôi đại nhân vén rèm nhìn về phía đám đông một lúc, nhìn thấy người quen nào hay sao?"

Thôi Nam Hiên không nhìn về phía đó nữa, "Có lẽ là Thẩm thiếu khanh nhìn lầm rồi, ta không để ý."

"Vậy sao?" Thẩm thiếu khanh nhướn mày, "Ta lại thấy một người trông có vẻ quen, đã phái người xuống mời, hắn cũng là người Hồ Quảng, có lẽ Thôi đại nhân có quen đấy."

Thôi Nam Hiên không đáp.

Dưới tầng, con đường bị chặn rốt cuộc cũng thông, Phó Vân anh và Kiều Gia cùng đi tiếp, mới đi được vài bước, mấy hộ vệ đeo đao đã đứng chắn trước mặt nàng, chắp tay nói: "Đại nhân nhà chúng ta là Đại Lý Tự thiếu khanh, mời Phó công tử tới nói chuyện mấy câu."

hắn chỉ về hướng tầng hai của quán trà.

Phó Vân anh nhíu mày, nàng vẫn nhớ Đại Lý Tự thiếu khanh hình như là thân thích của Thẩm Giới Khê.

Thôi Nam Hiên ở trên tầng, Thẩm thiếu khanh cũng ở trên tầng, mà mấy năm trở lại đây Thôi Nam Hiên đã trở mặt với Thẩm Giới Khê, chuyện này ai cũng biết.

Phó Vân anh vừa cân nhắc vừa bước theo hộ vệ đi vào quán trà.

Ở đây có rất nhiều người mà nàng là thị độc đã được Đông Cung Thái tử điểm mặt chỉ tên, Thẩm thiếu khanh không dám làm gì nàng, cùng lắm cũng chỉ chế nhạo vào câu mà thôi.

Bước lên cầu thang lên tầng, nàng bước vào tầng hai. Bữa tiệc hôm nay mời rất nhiều người, bình phong ngăn cách đã bị gỡ xuống hoàn toàn, mấy gian nhã gian mở ra thông lại với nhau, tổng cộng có sáu bàn tiệc. Nhìn xung quanh một lượt, ai cũng đội mũ ô sa của quan viên ngoài ra có nhiều màu sắc quan phục khác nhau.

Thôi Nam Hiên ngồi ở bàn đầu tiên, bên cạnh hắn là một người đàn ông trung niên tầm bốn mươi mấy tuổi, râu dài, mặt trắng, vẻ mặt ôn hòa, đó chính là Đại Lý Tự thiếu khanh.

Những quan viên này nếu chỉ nhìn qua thì ai cũng giống người tốt cả.

Phó Vân anh thầm mắng một câu như vậy trong lòng. Hộ vệ dẫn nàng tới trước mặt Thẩm Thiếu khanh.

Thẩm Thiếu khanh đang nói chuyện với Thôi Nam Hiên, ngẩng lên nhìn nàng, nói: "Hôm qua ta nghe Thái tử điện hạ nhắc tới ngươi, ngươi là học sinh của Triệu gia lão tam sao?"

Triệu sư gia là chú vợ của Thẩm thủ phụ, Thẩm thiếu khanh là một người cháu trong tộc của Thẩm thủ phụ, bối phận thấp hơn Triệu sư gia, vậy mà gọi thẳng Triệu sư gia là Triệu lão tam, những người bên cạnh không có phản ứng gì, đó là bởi vì Triệu gia không có người đảm nhiệm chức vị quan trọng trong triều, hơn nữa gia thế vẫn luôn không bằng Thẩm gia. Năm đó Triệu thị cũng là gả cao.

Phó Vân anh hơi nhíu mày, nhìn về phía Thôi Nam Hiên, cố tình tỏ ra kinh ngạc, hành lễ với hắn trước, nói: "không biết thầy cũng ở đây."

Nếu Thôi Nam Hiên đã cố tình nhắc tới chuyện ở Giang Thành thư viện trước mặt Thái tử, khiến Thái tử nghi ngờ nàng thì nàng cứ theo thế mà làm. Gậy ông đập lưng ông, ăn miếng trả miếng.

Những người trong bữa tiệc đều kinh ngạc, nhìn nhau đầy ẩn ý.

Thôi Nam Hiên nhìn về phía Phó Vân anh.

Người này vốn là học sinh Hồ Quảng, không chỉ không chủ động sẵn sàng góp sức cho hắn, bình thường suốt ngày trốn tránh hắn, còn có liên quan tới cái tên vũ phu Hoắc Minh Cẩm kia, giờ còn biết gọi hắn là thầy cơ đấy.

Nhưng hắn vẫn rất nhanh chóng nhận ra, tiếng gọi thầy này một khi đã ra khỏi miệng, bản thân hắn nhất thiết phải che chờ cho "y". Nếu không lời đồn về chuyện Đại Lý Tự thiếu khanh chèn ép học sinh của Lại Bộ thị lang ngay trước mặt hắn bị truyền ra ngoài, về sau hắn làm sao thu nhận thủ hạ được nữa?

Tất cả mọi người đều đang nhìn lén hắn, Thôi Nam Hiên đặt chén rượu trong tay xuống.

Phủ nhận chắc chắn là không thể được, mấy ngày trước hắn đã từng nói mình là thầy của Phó Vân trước mặt Thái tử.

Dù sao hắn cũng không định giảng hòa với Thẩm Giới Khê, hoài nghi thì cứ hoài nghi đi.

hắn nhanh chóng đưa ra quyết định, hỏi Phó Vân anh: "Sau mùng tám sẽ phải đi Đông Cung nhận việc, mấy ngày tới nghiêm túc ôn tập bài vở, không được chểnh mảng việc học."

Phó Vân anh cúi đầu nói: "Vâng, học sinh không dám lơ là."

Thôi Nam Hiên lại tiếp: "Viên Văn là người có tài, sau này ở Đông Cung làm việc với hắn, phải học tập nhiều ở hắn."

Phó Vân anh thưa vâng.

Sắc mặt Thẩm thiếu khanh tối dần.

Ông ta gọi Phó Vân lên đây căn bản là muốn xem thái độ của Thôi Nam Hiên đối với tên học sinh Hồ Quảng này như thế nào. Ông ta tỏ rõ thái độ kinh thường đối với Phó Vân, Thôi Nam Hiên lại ăn nói nhẹ nhàng, rõ ràng tỏ ý che chở.

Thôi Nam Hiên đúng là không khiến ông ta thất vọng. Vị Lại Bộ thị lang này, quả đúng như lời những người khác nói, là người lạnh lùng, ý chí sắt đá. Chú của ông ta là Thẩm thủ phụ năm đó một tay đề bạt hắn, trọng dụng hắn, giờ hắn thăng quan tiến chức, cánh cứng rồi, không muốn gắn bó với Thẩm đảng nữa, định tự lập phe phái riêng.

Chuyện mâu thuẫn giữa các vị quan lớn tạm thời không liên quan gì đến Phó Vân anh, nàng chỉ là mồi như để Thẩm thiếu khanh thử thái độ của Thôi Nam Hiên mà thôi.

nói xong mấy câu nhạt nhẽo, Thẩm thiếu khanh nôn nóng, xua tay ra hiệu cho nàng rời khỏi đó.

...

Danh tiếng của Phó Vân anh ở kinh sư ngày càng vang dội, giờ đây theo lời mọi người, nàng đã trở thành kẻ trục lợi chu toàn mọi bề.

Hoắc Minh Cẩm là ân công của nàng, Thôi Nam Hiên là thầy nàng, Phó Vân Chương là anh nàng, nàng sắp vào Đông Cung học tập... Ngoại trừ Thẩm đảng, những nhân vật trung tâm của mấy phe phái trong triều đình khác, ai cũng có thể có chút liên quan tới nàng.

Sau chuyện ở quán trà, Thẩm thiếu khanh đích thân nói ra nàng là học sinh của Triệu sư gia, thế là mọi người đều đã biết nàng có thể được coi như đồng môn với các lão phu nhân Triệu thị.

Lần này đến người Thẩm đảng cũng phải nhìn nàng bằng ánh mắt phức tạp.

Quan viên trong triều nhất định phải có lập trường rõ ràng, hơn nữa tuyệt không thể dễ dàng dao động, nếu không sẽ mất lòng tất cả mọi người.

Phó Vân anh cuối cùng cũng được yên bình.

Dù là người phe nào đi chăng nữa cũng cảm thấy thân phận của nàng quá phức tạp, không đáng tin, dẫu có lôi kéo về phe mình cũng vô dụng.

không ai tạo áp lực cho nàng, cũng không ai chèn ép nàng bởi phía sau nàng liên quan tới quá nhiều người, không ai muốn làm phức tạp hóa vấn đề.

Giữa lúc gió yên biển lặng, cuối cùng cũng tới ngày nàng đi Đông Cung.

Lý Xương đích thân tới đón nàng.

Hoắc Minh Câm bận rộn, năm trước đi phủ Bình Dương, Sơn Tây, đến giờ còn chưa về.

Xe ngựa vừa mới ra ngoài đường cái, người Chu gia đã tìm tới, Chu Thiên Lộc mời Phó Vân anh đi cùng với hắn.

Phó Vân anh cảm tạ ý tốt của hắn, uyển chuyển từ chối.

Chu Thiên Lộc có tiếng là ăn chơi trác táng ở chốn kinh sư, suốt ngày chơi bời lêu lổng, không làm gì đàng hoàng. Hơn nữa ai cũng biết hắn có một đam mê - thích thiếu niên tuổi trẻ tuấn tú.

Bị nàng từ chối, Chu Thiên Lộc không hề tức giận, cười ha hả đi trước.

Những cung điện phía nam hoàng cung phần lớn được xây cao, ban công cao ngất, sân rộng trống trải, uy nghi đồ sộ, càng đi về phía bắc, cung điện càng dày đặc. Đông Cung của Thái tử tọa lạc ở phía đông hoàng cung.

Phó Vân anh, Chu Thiên Lộc và Viên Văn lần lượt tới nơi, tiểu thái giám bảo họ ngồi chờ dưới mái hiên trước đã.

Thái tử đang học, mấy vị các lão đều từng làm thầy dạy của hắn. Chiêm sự, viện sự, phó chiêm sự, chiêm sự thừa của Chiêm sự Phủ và các môn khách của Thái tử đều do đại thần trong triều đảm nhiệm.

Trong điện im phăng phắc, đám thái giám nín thinh, canh giữ trước hành lang, tới một tiếng ho khan cũng không nghe thấy.

Chu Thiên Lộc không chịu ngồi yên, ngồi đó một lúc đã tìm tiểu thái giám nói chuyện. Hai người nói nói cười cười, vô cùng vui vẻ.

Viên Văn lườm hắn trắng mắt.

Trước đó thái giám của Đông Cung từng mang cho Phó Vân anh mấy cuốn sách, bảo nàng nghiền ngẫm thật nghiêm túc, hôm nay nàng cũng mang sách tới nên ngồi cạnh cửa sổ đọc.

Viên Văn bực mình Chu Thiên Lộc quá ồn ào, thấy nàng mang theo mấy cuốn sách, định mượn nàng một cuốn để đọc nhưng lại ngại không dám mở miệng. Mấy hôm trước hắn còn từng cười nhạo nàng.

Phó Vân anh thấy hắn nhiều lần muốn nói lại thôi, mặt đỏ bừng, lẩm bẩm mấy câu vẫn không ra tiếng, nàng nhướn mày.

Kệ cho cái vị Viên tài tử này bối rối một mình đi, dù sao đi nữa thì người khó chịu cũng có phải nàng đâu.

một canh giờ sau, tiểu thái giám bảo họ vào trong điện.

Còn chưa tới tết hoa đăng, coi như chưa hết Tết, dưới hành lang trong điện treo rất nhiều đèn lồng, đủ loại hình dạng khác nhau, phía dưới có treo rất nhiều tua rua nhiều màu. Gió thổi qua, đèn kêu leng keng.

Viên Văn đi đầu, Chu Thiên Lộc đi giữa, Phó Vân anh đi cuối cùng. Vào trong điện, đầu tiên họ hành lễ thỉnh an Thái tử đang ngồi trước bàn sách.

Thái tử ngẩng đầu, thần sắc có vẻ mệt mỏi, bảo bọn họ về chỗ ngồi.

Chỗ ngồi của họ ngay gần bàn của Thái tử, thấp hơn Thái
tử một chút.

Phó Vân anh sắp xếp lại đống sách lộn xộn trên bàn cho ngăn nắp, tiểu thái giám mang giấy bút tới, yêu cầu nàng chép một chương sách.

Thái tử muốn nhìn chữ của họ xem thế nào trước đã.

Phó Vân anh tập trung tinh thần, đặt bút viết chữ. Tiểu thái giám thấy nàng đã viết xong, thu lại tập giấy đã khô mực.

Nhìn chữ của ba người xong, Thái tử nói: "Chữ ta viết không đẹp."

Đúng là Thái tử viết không đẹp thật, hắn đã lớn thế này rồi, mặt nào cũng chỉ thường thường mà thôi. Thực ra cũng chẳng sao cả, hắn là hoàng tử, hắn không cần phải đào sâu học hành. Nhưng thầy dạy xung quanh toàn là thiên tài, xuất thân tiến sĩ, yêu cầu của Hoàng thượng lại nghiêm khắc, Thái tử có cố gắng đến thế nào cũng không thể khiến họ đánh giá cao, từng nhiều lần nản lòng vì mình quá bình thường.

Chu Thiên Lộc và Phó Vân anh chưa nói gì, Viên Văn đã gật đầu, bắt đầu nghiêm túc đưa ra ý kiến góp ý cho Thái tử.

Các tiểu thái giám bên cạnh mặt mày biến sắc.

Thái tử nghe Viên Văn truyền thụ vài bí quyết xong tâm trạng càng trở nên nặng nề, xua tay, đi gian bên cạnh nghỉ ngơi.

Đám thái giám vội vàng đi vào hầu hạ.

Chu Thiên Lộc chặc lưỡi, bảo Viên Văn: "Thái tử viết như thế là khá rồi, lần sau ngươi tinh ý chút, đừng làm liên lụy tới ta và Phó Vân."

Viên Văn lườm hắn.

Thái tử nghe đám thái giám tâng bốc mấy câu, tâm trạng mới tốt hơn một chút, định đưa mấy người Phó Vân anh đi giáo trường chơi.

Giáo trường có bia bắn để người bên trong luyện tập cưỡi ngựa bắn cung.

Nghe thấy tiếng mũi tên nhọn xé tan không khí, Phó Vân anh nhíu mày, mặt trắng bệch.

Chu Thiên Lộc thấy nàng không muốn tới gần bia bắn, cười ha hả.

Ngày đầu tiên cũng không có gì đặc biệt, luyện chữ, đọc sách, trò chuyện với Thái tử sau đó ai lại về nhà đấy.

Thái tử rất thích Chu Thiên Lộc. Thứ nhất Chu Thiên Lộc có một đôi mắt đào hoa rất cuốn hút, nói chuyện hài hước, thường xuyên tâng bốc Thái tử. Thứ hai loại công tử nhà giàu như Chu Thiên Lộc có thể không biết làm những cái khác nhưng hắn biết chơi. hắn dạy cho Thái tử mấy trò vui mới, Thái tử lập tức đã đắm chìm trong đó.

Việc chỉ có một vị hoàng tử trưởng thành có nghĩa là Thái tử đã lớn lên trong sự chú ý của tất cả mọi người, Hoàng thượng kì vọng rất cao ở hắn nhưng tư chất của hắn lại chỉ bình thường mà thôi nên rất ít khi được thả lỏng.

Viên Văn bất mãn chuyện Thái tử thiên vị, còn cảm thấy Chu Thiên Lộc có thể sẽ dạy hư Thái tử.

Hôm nay mấy người ra khỏi cung cùng với nhau, Viên Văn cảnh cáo Chu Thiên Lộc đừng có suốt ngày đưa những thứ vớ vẩn ngoài cung vào đây nhằm lấy lòng Thái tử, Thái tử là người thừa kế của cả một quốc gia, không thể mê muội tới mức mất cả ý chí.

Chu Thiên Lộc lườm hắn, hừ một tiếng, "Sao nào, ngươi ghen tỵ vì Thái tử điện hạ thích ta chứ gì? Để ta dạy cho ngươi nhé, về sau chỉ cần ngươi ít khuyên Thái tử một chút, Thái tử cũng sẽ thích ngươi thôi."

Viên Văn nghe vậy vô cùng chán nản.

Phó Vân anh không xen vào chuyện tranh cãi giữa hai người họ. Kì thi mùa xuân sắp tới, sau đó chính là thi đình, Phó Vân Chương đã bắt đầu đóng cửa đọc sách, ban ngày nàng tới Đông Cung làm việc, đến tối giúp Phó Vân Chương và Viên Tam ôn thi, bận tới mức chẳng có thời gian mà vẽ tranh nữa.

Thời tiết dần trở nên ấm áp, hoa mai trong cung nở rồi lại tàn, cung nhân đã thay những bộ quần áo dày cộp mùa đông thành những bộ áo mỏng mùa xuân.

Hôm đó nàng tới Đông Cung làm việc như thường lệ liền thấy Thái tử mặc đồ chơi bóng, trong tay cầm một cây gậy đánh bóng, cười nói: "Trời đang đẹp, chi bằng đi đánh chủy hoàn."

Chu Thiên Lộc lập tức hưởng ứng.

Viên Văn chau mày.

Phó Vân anh thì sao cũng được. Thái tử căn bản không xấu, nhưng mà dù sao cũng còn trẻ, bề ngoài thì có vẻ ôn hòa nhưng thực ra không thích người bên cạnh tỏ ra giỏi giang hơn mình, họ cùng học với Thái tử, không cần thiết phải thể hiện tài năng, chỉ cần thi thoảng khen Thái tử mấy câu, khiến Thái tử vui là được rồi.

Sân chơi bóng được đặt ngay trong đình viện.

Thái tử cầm gậy, Phó Vân anh, Chu Thiên Lộc, Viên Văn và mấy tiểu thái giám cùng đánh.

Cuối cùng đương nhiên Thái tử thắng.

Cuộc chơi kết thúc, thái giám tiến vào thông báo, nói tu soạn ở Hàn Lâm Viện Uông Mân tới.

Nghe thấy tên của Uông Mân, Chu Thiên Lộc bật cười thành tiếng, Viên Văn đứng bên cạnh tức giận nhìn hắn trừng trừng.

Uông Mân là người có danh tiếng chấn động kinh sư, là thần đồng ở Nam Trực Lệ. Uông các lão, người trước đây từng đỗ cử nhân năm mười ba tuổi, chính là chú của ông ta. Uông gia có truyền thống học tập, một nhà ba chú cháu ai cũng là nhân tài kiệt xuất. Cái người tên Uông Mân này cũng không hổ là con cháu Uông gia, từ khi biết nói đã biểu hiện ra thiên phú hơn người. Năm chín tuổi ông ta thi đỗ tú tài, mọi người đều cho rằng ông ta là Uông các lão thứ hai.

Nhưng mà có thể Uông Mân được đặt một cái tên không hay, hoặc dính phải vận rủi gì đó, thành ra vận mệnh nhấp nhô, khúc chiết. Lúc ông ta chuẩn bị thi hương, ông ngoại bệnh nặng qua đời. Về lý mà nói, ông ta không cần phải chịu tang cho ông ngoại nhưng từ nhỏ ông ta đã được ông ngoại nuôi lớn, ông ngoại chính là thầy dạy vỡ lòng của ông ta, khi ấy ông ta còn nhỏ nên lần thi hương năm đó ông ta không đi thi. Mấy năm sau, Uông Mân lại đi thi hương, lần này ông nội ông ta qua đời, ông ta phải theo quy củ, giữ đạo hiếu. Mấy năm lại qua đi, Uông Mân hoàn toàn chắc chắn, vừa bước chân vào trường thi, người trong nhà đã vội vàng giữ ông ta lại, nói bà nội ông ta đang nguy kịch. Cứ thế, hết ba năm này tới ba năm khác, Uông Mân từ thần đồng nổi danh khắp thiên hạ nay đã trở thành thanh niên, cưới vợ sinh con, có trai có gái nhưng vẫn chưa đỗ nổi cử nhân. Những người trước kia học hành không bằng ông ta đã thăng tới quan tứ phẩm rồi mà ông ta mới chỉ là tú tài. Lại tới lúc thi hương, người Uông gia như lâm đại địch, cha mẹ Uông Mân thậm chí không bước chân ra khỏi nhà, sợ làm liên lụy tới tiền đồ của con trai. Cũng may lần này người Uông gia không ai ốm đau gì, nhưng sắp tới ngày thi, trời tự nhiên có gió lốc! Nước sông chảy ngược vào trong thành, toàn bộ trường thi bị ngập, Uông Mân kiên định, nước ngập tới tận eo mà vẫn kiên trì ngồi đó, ra khỏi trường thi lập tức ngã bệnh.

Ai cũng cho là lần này ông ta sẽ không gặp phải chuyện gì bất thường thì giám khảo tới nhà, khuyên Uông Mân nghĩ thoáng một chút, bài thi của ông ta bị nước lũ cuốn đi, lần thi này coi như hỏng bét.

Uông Mân nôn ra máu mấy lần.

Mấy năm trước, cuối cùng Uông Mân cũng thi đỗ thi hương, thi hội rồi phục thí và thi đình, hơn nữa thi đỗ Bảng nhãn, ai cũng cho cho rằng ông ta đã khổ tận cam lai, nhưng mẹ ông ta lại bệnh nặng qua đời.

Uông Mân chỉ còn cách về nhà giữ đạo hiếu cho mẹ.

Đợi ông ta giữ đạo hiếu xong quay lại, các đại thần thương cho ông ta, không đành lòng khiến ông ta lại lãng phí thời gian, lập tức đưa ông ta vào Hàn Lâm Viện, nghe nói ông ta không cần phải đi đâu lấy kinh nghiệm cả, cứ thế mà làm thôi.

Uông Mân trắng trẻo mập mạp, cũng may khung xương nhỏ nên không tới mức béo phục phịch, mặc quan phục, đội mũ ô sa, đi vào trong viện, thấy Thái tử đang đánh chủy hoàn, nhìn về phía Phó Vân anh, vẫy tay với nàng.

Ông ta cười tủm tỉm, nhìn qua thấy tựa như Phật Di Lặc trong chùa miếu. Ông ta xui xẻo nhiều năm như vậy mà còn có thể nở nụ cười như thế, hẳn là người rộng lượng.

Phó Vân anh đi về phía ông ta, "Uông đại nhân có việc vì ạ?"

Uông Mân cười nói: "Mấy hôm trước ta tới chỗ Thái tử tẩy mã tìm một cuốn sách, nhìn thấy sách vở trong các được sắp xếp gọn gàng ngăn nắp, nghe Thái tử tẩy mã nói dạo gần đây đều là ngươi giúp đỡ cho ông ta."

Thái tử tẩy mã là chức quan văn của Chiêm sự Phủ, đảm nhiệm việc theo dõi, sắp xếp, biên soạn sách vở thuộc đủ loại sách bao gồm kinh, sử, tử, tập. Sách Thái tử muốn đọc đều phải qua tay Thái tử tẩy mã.

Phó Vân anh thường đi kho sách tìm sách cho Thái tử, nàng từng quản lý Tàng Kinh Các ở thư viện, thấy sách trữ ở Đông Cung tuy được sắp xếp chỉnh tề nhưng lại không phù hợp với thói quen đọc sách hằng ngày của Thái tử nên đã thử sắp xếp lại những sách Thái tử mới đọc gần đây lại. Thái tử tẩy mã nhìn thấy vậy, bảo nàng giúp việc mấy lần, thấy nàng làm việc nhanh nhẹn, hơn nữa còn chịu được vất vả nên sau này mỗi khi có quá nhiều việc lại bảo nàng giúp lấy sách cho Thái tử.

"Hàn Lâm Viện thiếu người, vừa lúc này lại gặp được ngươi, ta sẽ xin Thái tử đem ngươi cho ta mượn, trở thành trợ thủ của ta, được không?" Uông Mân cười hỏi.

Phó Vân anh ngạc nhiên một hồi.

không đợi nàng trả lời, Uông Mân đã tìm thẳng tới Thái tử.

Thái tử thấy ông ta tới, dừng cuộc đấu lại, cười nói với ông ta mấy câu. Phó Vân anh nhìn thấy Thái tử đưa mắt về phía nàng, vội cúi đầu.

Chỉ chốc lát sau, Uông Mân đã đi về phía nàng, "Được rồi, Thái tử đồng ý."

Sau đó, Thái tử gọi Phó Vân anh tới, cười nói: "Khi còn nhỏ Uông Mân đã là thần đồng ở Nam Trực Lệ, ông ta tìm cô bảo muốn ngươi sang giúp, cô đồng ý rồi, ngươi sang chỗ ông ta giúp đỡ mấy ngày."

Phó Vân anh thưa vâng.

Về nhà nói chuyện này với Phó Vân Chương, Phó Vân Chương cười nói: "Uông Mân là người hào sảng, thanh danh luôn rất tốt, hơn nữa thực sự có tài. Nhưng mà lúc làm việc lại hay nông nóng, thường xuyên mắng đám tiểu lại tới phát khóc. Thầy kể dạo này vì chuyện biên soạn sách, ông ta xích mích với đồng liêu, cơn tức bốc lên đầu bèn nói muốn soạn sách một mình, muội qua đó giúp ông ta, có khi căn bản là làm mấy chuyện tốn sức như chép sách, giờ không ai chịu giúp đỡ ông ta nữa."

Y dặn dò nàng, "Chuẩn bị sẵn tâm lý đi, dù Uông Mân có mắng muội thế nào đi chăng nữa, muội cũng đừng để trong lòng. Nếu thực sự không chịu nổi, ta sẽ nhờ thầy nói giúp."

Phó Vân anh nghĩ ngợi hồi lâu, soạn sách với Uông Mân cũng không phải chuyện xấu, nàng đã từng làm việc này, những việc buồn tẻ nàng cũng có thể kiên trì mà làm tới cùng, không sợ khó, không sợ khổ, về chuyện Uông Mân thích mắng chửi người, cứ kệ ông ta đi, mắng thì mắng, nàng vào tai này ra tai kia là được.

...

Hôm sau, nàng đứng trước cửa cung chờ Uông Mân.

Chu Thiên Lộc rất thương xót cho tình cảnh của nàng, lắc đầu liên tục, "thật đáng thương..."

Viên Văn lại rất ghen tỵ với Phó Vân anh, hắn rất sùng bái tài năng của Uông Mân nhưng đáng tiếc lại ngại, không dám gặp mặt bày tỏ sự ngưỡng mộ của bản thân nên tới giờ vẫn chưa nói được với Uông Mân câu nào.

Đúng giờ, xe ngựa của Uông Mân tới trước cửa cung, thấy Phó Vân anh đứng chờ bên cạnh, Uông Mân nói: "Ta lúc nào cũng đến đúng vào giờ này, sau này ngươi chỉ cần tới đúng giờ là được."

Thoạt nhìn thì có vẻ rất dễ tính.

Phó Vân anh đi vào cung với ông ta.

Sau khi vào cửa cung, đi vào một con đường thẳng xuyên qua sân rộng kéo dài từ nam tới bắc, hai bên trái phải có tầm hơn một trăm gian phòng, chia thành các phía đông, tây, trái phải, hành lang phía nam có tầm hơn ba mươi gian, đó là Thiên Bộ Lang. Hai bên của Thiên Bộ Lang là nơi làm việc của các bộ, quan văn ở phía đông Thiên Bộ Lang, quan võ ở phía tây Thiên Bộ Lang.

Thiên Bộ Lang khí phái nghiêm cẩn, Hàn Lâm Viện ở sau tường phía đông.

Các đại thần, thành viên Nội Các nhất định phải xuất thân từ Hàn Lâm Viện, đây là chuyện mà ai cũng biết.

Tuy nhiên Hàn Lâm Viện thực sự vắng vẻ, đi từ ngoài vào trong, không có một bóng người.

Tiến sĩ sau khi vào Hàn Lâm Viên, không cần phải ngày nào cũng tới làm việc bởi sau đó họ chỉ cần vượt qua kì kiểm tra là có thể lên chức. Do đó có rất nhiều tiến sĩ xin nghỉ ốm dài ngày, ngoài ra còn có những người quá đáng hơn, nhất định không tới.

Uông Mân đưa Phó Vân anh tơi nơi làm việc của ông ta, giới thiệu nàng với những trợ thủ khác của ông ta, sau đó chỉ vào một đống sách rách nát ở góc tường, nói: "Sửa chữa, sắp xếp lại rồi lên danh sách."

Phó Vân anh thưa vâng rồi bắt đầu sắp xếp.

không biết là do nàng vẫn còn nhỏ tuổi, hay nể nàng là người của Đông Cung, hay lại là lo ngày đầu tiên đã làm nàng sợ chạy mất, hôm ấy Uông Mân rất ôn hòa với nàng.

Buổi trưa, mọi người nghỉ tay ăn cơm, quan viên ở Thiên Bộ Lang ăn chung một kiểu với Hồng Lư Tự (nơi tiếp đón sứ thần nước ngoài), hương vị đồ ăn thật... một lời khó nói hết.

Đến chiều, Phó Vân anh tiếp tục sửa chữa, sắp xếp đống sách bị hư hại kia. Đây là những việc nàng đã quen làm từ lâu nên làm việc trôi chảy nhanh gọn.

Làm quần quật như thế năm ngày liền, Uông Mân thấy nàng chân tay nhanh nhẹn, thành thật kiên trì, không có biểu hiện chán nản bực bội.

Tới ngày thứ sáu, Uông Mân không bảo sửa chữa, sắp xếp sách vở nữa mà bảo nàng dọn sách.

Đây vốn là việc của tạp dịch.

Phó Vân anh không hỏi han nhiều, dọn thì dọn thôi, nàng có sức.

Lại năm ngày như thế, Uông Mân thay đổi công việc, bảo nàng chép sách.

Nàng vẫn không nói lời nào, cặm cụi chép. Mấy tháng đầu theo học Phó Vân Chương, ngày nào nàng chẳng chép sách.

Mài giũa nàng liên tục một tháng trời, cuối cùng Uông Mân cũng nói ra lý do đích thực khiến ông ta tìm Thái tử yêu cầu mượn nàng về làm trợ thủ, "Ngươi vẽ tranh rất tốt, cuốn sách ta muốn soạn cần có mấy bức tranh minh họa nhưng tranh của những người khác đều không đạt yêu cầu của ta, mấy họa sĩ cung đình đó lại không thèm làm việc này, ta định để ngươi thử xem sao, ngươi có đồng ý không?"

Hóa ra Uông đại nhân mà tiểu nhị ở Nhuận Cổ Trai nói tới chính là Uông Mân.

Phó Vân anh ngẫm nghĩ một chút rồi hỏi: "Đương nhiên là vãn bối đồng ý, tuy nhiên có một chuyện muốn hỏi Uông đại nhân."

Thấy nàng nhanh chóng đáp ứng, Uông Mân cười tươi roi rói, trông càng giống tượng Phật, "Ngươi cứ hỏi đi."

"Sau khi đại nhân soạn sách xong, liệu vãn bối có vinh hạnh được đề tên hay không?" Phó Vân anh nói, "Chỉ phần tranh vẽ thôi."

Uông Mân nhíu mày suy nghĩ, đáp: "Chuyện này thực ra cũng chẳng có gì khó, nhưng mà cũng chỉ đề tên ở chỗ có tranh vẽ mà thôi, không dễ thấy lắm."

"Thế là đủ rồi."

Phó Vân anh nói.

Thái tử nghe nói Uông Mân và Phó Vân anh làm việc rất hợp, vô cùng vui vẻ, dặn dò nàng, "Uông Mân có yêu cầu gì, phải cố gắng hết sức mà làm."

Nàng cung kính thưa vâng.

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện