Lấy Vợ Lấy Phải Thái Thượng Hoàng

Ngự giá thân chinh


trước sau

Bùi Thanh Hoằng không những là trọng thần trên triều đình mà còn là hồng nhân của tiểu Hoàng đế và Thái thượng hoàng. Lời này của hắn khiến không ít người phải lảo đảo choáng váng. Bùi Thanh Hoằng lại bình thản đứng đó như thể những ánh mắt thăm dò và hoài nghi kia không hề tồn tại.

Trước đó hắn chưa từng bàn việc này với cha mình, vì vậy Bùi Diên cũng là một trong số những người đang kinh hoảng. Nếu không phải Bùi Thanh Hoằng luôn lý trí lại có chủ kiến, là trọng thần có địa vị không thua kém gì mình thì Bùi Diên đã xông lên nói với Hoàng đế chỉ là nhi tử nhà mình nhất thời hồ đồ, ngàn vạn lần đừng coi lời hắn vừa nói là chuyện to tát.

Bùi Thanh Hoằng cho Bùi Diên một ánh mắt trấn an rồi quay mặt lại, ngẩng đầu nhìn Thái Thúc Lan đang ngồi trên đài cao làm bằng cẩm thạch.

Mấy ngày nay vết sẹo nhàn nhạt nơi khóe mắt của y đã tiêu tan sạch sẽ. Lúc trước Lan Mân từng nói y luôn dùng dung mạo thật sự khi ở cùng hắn, có lẽ lời này là thật.

Không hiểu vì sao đột nhiên lại nhớ đến câu nói ấy, Bùi Thanh Hoằng lập tức lắc đầu đập tan hình ảnh của ký ức trong tâm trí. Khi ánh mắt chạm phải đôi mắt phượng hẹp dài của thanh niên kia hắn liền vội vàng dời đi, dừng trên gương mặt của tiểu Hoàng đế - người không nói lời nào từ khi lên triều.

Bờ môi của Thái Thúc Việt mím lại cực chặt, sắc mặt cũng trắng bệch. Công công trẻ tuổi đứng sau cậu tuy mang dáng vẻ phục tùng sụp mi thuận mắt nhưng thần thái trên mặt lại cực kỳ thản nhiên, không nhìn ra nửa điểm khác thường.

Triểu đình trở nên an tĩnh trong nháy mắt, thời gian như trôi chậm lại vì bầu không khí im lặng ngột ngạt này. Dù mới chỉ vài phút trôi qua nhưng quần thần trên Kim Loan điện lại có cảm giác như đã qua cả thế kỷ.

Thái Thúc Lan nhìn hắn nửa ngày mới lên tiếng: "Bùi ái khanh có lòng, nhưng nếu ngươi hành quân đánh trận thì công việc của bộ Công phải làm thế nào? Cô gia ghi nhận tấm lòng vì nước vì dân của Bùi ái khanh, nhưng trên chiến trường đao thương không có mắt, mỗi tính mệnh của một binh sĩ đều mười phần quý giá, cô gia không thể để ngươi làm càn. Còn Việt nhi thấy thế nào?"

Thấy thúc phụ nhìn về phía mình, Thái Thúc Việt vội đáp lời tỏ thái độ: "Hoàng thúc nói rất đúng. Bùi thái phó là rường cột của nước ta, phần tâm ý này là may mắn của bách tính Đại Lam. Nhưng việc hành quân đánh trận không phải trò đùa, nếu Thái phó có lòng xin hãy an tọa trên triều đình, chăm chỉ làm việc để tướng sĩ tam quân có hậu phương vững chắc. Điều này hữu dụng hơn nhiều so với việc ra chiến trường làm một tiểu binh tầm thường."

Hai vị quân vương đều nói như vậy, cho dù thầm ước Bùi Thanh Hoằng đến chiến trường chịu chết cũng phải cắn răng mà phụ họa liên thanh. Tiếng phụ họa vang dội nhất, chân thành nhất trong số này không phải ai khác mà chính là Bùi Diên và Bùi Thanh Dật.

Bùi Thanh Hoằng lại không có ý định cứ như vậy mà từ bỏ. Hắn lần nữa bước lên trước một bước, đã nghĩ xong lời muốn nói nhưng lại bị binh sĩ thứ hai đến báo cáo chen ngang. Lại là tin khẩn tám trăm dặm, sau khi người kia báo cáo xong tình hình chiến đấu mới nhất liền nằm vật ra ngay tại triều đình.

Chiến báo lần này vẫn không phải tin tức gì tốt lành. Lại một thành bị công phá, vẫn là quan viên thủ thành tự mình mở cửa cho quân địch tiến vào. Triều đình lại bắt đầu tranh cãi kịch liệt, có người nói sau khi bắt được quan viên thủ thành nhất định phải xử tử, theo quan điểm của một phe khác thì trong thành đã hết gạo sạch đạn, quan viên mở cửa thực chất cũng chỉ vì dân chúng, tội không đáng chết.

Nhưng tất cả những gì còn gây tranh cãi chỉ là vấn đề nhỏ. Đại thể triều thần vẫn đạt được một sự thống nhất đáng kinh ngạc, đó chính là nhất định phải bắt được phản tặc, hơn nữa phải dốc hết sức lực mà bắt. Hoàng cung là ưu tiên hàng đầu của Đại Lam, chắc chắn không thể phái toàn bộ quân đội bảo vệ kinh thành đi đánh giặc. Lực luợng nòng cốt được phái đi là Tinh Vệ quân gồm năm vạn lính trú đóng bên ngoài kinh thành.

Quan viên trong triều đình cãi tới cãi lui, Bùi Thanh Hoằng đành cao giọng để át đi tiếng ồn, lặp lại thỉnh cầu của mình một lần nữa: "Vi thần thỉnh cầu đuợc cùng đại quân đến chiến trường, trợ giúp binh mã Đại nguyên soái và Phó nguyên soái bắt giữ quân địch."

"Bùi ái khanh cố chấp muốn chiến đấu với phản tặc như thế là vì cái gì?"

Điều Thái thượng hoàng hỏi cũng là điều mà bá quan văn võ muốn hỏi. Tuy Bùi Thanh Hoằng rất trẻ nhưng có biết bao nhiêu người mất mấy chục năm thanh xuân mà vẫn không leo lên nổi vị trí hiện tại của hắn. Dù có lên chiến trường, trừ phi lập được đại công, không phải cứ liều sống liều chết giết địch là sẽ được ban thưởng chức vụ quan võ chính ngũ phẩm.

Những quan viên trẻ tuổi nhiệt huyết, địa vị không cao lắm muốn liều mạng thì có thể hiểu được, nhưng việc Bùi Thanh Hoằng khăng khăng muốn lên chiến trường, bỏ ngoài tai lời của Hoàng đế và Thái thượng hoàng thì bọn họ không tài nào hiểu nổi. Ngay cả khi Bùi Thanh Hoằng không phải tự mình ra trận, khổ cực trong quân đội không phải thứ người bình thường có thể chịu đựng được.

Bùi Thanh Hoằng nhìn binh sĩ báo tin đuợc thị vệ kéo qua một bên để nghỉ ngơi: "Luận đánh trận, vi thần đương nhiên không thể so bì với các vị đại tướng. Luận công phu, vi thần có thể tự vệ, có điều cũng chỉ là khoa chân múa tay. Ở hai điểm này, vi thần tự thấy hổ thẹn. Nhưng có một điều, đó là thuở thiếu thời vi thần từng ở mười hai thành Tấn Vân một thời gian. Vi thần không dám nhận mình biết tường tận địa hình và văn hóa ở đó đến từng chi tiết nhỏ nhất, nhưng tuyệt đối không thua kém gì bách tính nơi ấy. Vả lại, vi thần cũng từng đọc qua về cách bày binh bố trận."

Trước khi vào triều, cuộc sống của Bùi Thanh Hoằng không phải một đường thẳng chỉ đi qua ba điểm, quanh đi quẩn lại giữa triều đình, trong nhà và ra đường. Hắn từng dùng mấy năm để chân chính thể nghiệm vạn dặm đường, đọc vạn quyển sách. Mỗi khi đến một địa phương hắn đều sẽ ghi chép lại toàn bộ địa hình và cảnh vật nơi đó, hơn nữa Bùi Thanh Hoằng trời sinh có trí nhớ xuất chúng hơn người, vì vậy dù những ghi chép kia có thất lạc thì vẫn khắc sâu trong đầu hắn.

Bùi Diên đã từng mời tiên sinh dạy cho hắn tri thức của tất cả các khóa trình. Bùi Thanh Hoằng từng đọc không ít về nghệ thuật hành binh bày trận ngũ hành bát quái, có thể nói trừ ngâm thơ đối câu, viết văn chương hoa mỹ hay vẽ tranh non nước hữu tình thì những phương diện khác hắn đều không tệ.


Cho nên, dù không có thiên phú phi thường về mảng võ thuật thì Bùi Thanh Hoằng vẫn có thể làm được rất nhiều điều nếu hắn tham chiến. Hắn kiên trì muốn đi như vậy, bất luận là Thái thượng hoàng hay tiểu Hoàng đế đều không có lý do gì để từ chối. Nhưng nếu Thái thượng thật sự không muốn để Bùi Thanh Hoằng đi, chiến trường này chắc chắn hắn không thể đi.

Bàn tay Bùi Thanh Hoằng nắm chặt thành nằm đấm dưới lớp triều phục rộng rãi, gương mặt cực kỳ nghiêm túc, hắn nhìn về phía trước không chớp mắt, chờ đợi đáp án cuối cùng. Ngoài dự đoán của một số người, ban nãy Thái Thúc Lan là người đầu tiên phản đối Bùi Thanh Hoằng, lúc này lại đổi ý: "Vì tấm lòng chân thành của Bùi ái khanh, hơn nữa có thể trợ lực phần nào cho đại quân bình định, cô gia đồng ý với thỉnh cầu của ái khanh."

Trái tim đang treo lơ lửng của Bùi Thanh Hoằng hạ xuống. Nhận được cái liếc mắt của Bùi Diên, hắn vô cùng bất đắc dĩ giật giật khóe miệng, tâm tình vẫn chưa hoàn toàn bình tĩnh lại.

Đột nhiên thanh niên trên đài cao lại ném xuống một quả mìn kinh thiên động địa.

"Thấy các vị ái khanh có lòng với việc chống lại phản quân như vậy, cô gia rất vui mừng. Để cổ vũ quân tâm, chinh phạt phản quân, cô gia quyết định ngự giá thân chinh!"

"Không thể được thưa bệ hạ!" "Bệ hạ oai hùng, vạn tuế vạn tuế vạn vạn tuế!"

Hai âm thanh hoàn toàn bất đồng vang lên cùng lúc. Một phe cho rằng long thể Thái thượng hoàng quý giá, Hoàng đế lại còn nhỏ tuổi, nếu Thái thượng đi chuyến này thì triều đình sẽ mất đi trụ cột. Nếu hậu phương bất ổn, phản quân cố ý lợi dụng lỗ hổng này thì hậu quả thật sự là không thể tưởng tượng nổi.

Trong những người đồng ý với Thái thượng hoàng, một phần là quan viên tuân theo Thái thượng hoàng, bất kể y nói gì bọn họ đều giơ hai tay hai chân tán thành. Phần còn lại thì tương đối lẫn lộn, có người là thân quyến của tiểu Hoàng đế, có người chỉ đơn giản cho rằng việc Thái thượng hoàng lên chiến trường có thể cổ vũ quân tâm.

Bùi Thanh Hoằng đương nhiên nằm ở phe phản đối: "Chỉ cần bệ hạ bày mưu tính kế chúng thần đã có thể quyết thắng dù cách hơn ngàn dặm. Bệ hạ hà tất phải tự thân lên chiến trường, vạn nhất phản tặc làm tổn hại đến long thể của bệ hạ..."

Hắn còn chưa kịp nói hết câu đã bị Thái thượng hoàng cắt ngang: "Bùi ái khanh đang nói gì vậy? Lúc trước người muốn đích thân lên chiến trường là ngươi, hiện tại người ngăn cản cô gia cũng là ngươi. Nói cách khác, lời Thượng thư đại nhân vừa nói ban nãy là giả?" Trước khi trở thành Thái thượng hoàng y đã từng chém đứt không ít đầu tướng lĩnh quân địch, danh hiệu "sát thần giấu mặt" cũng không phải gọi không.

Cho dù đã ngồi vào hoàng vị, đại quyền trong tay, không cần lo lắng nếu mình khải hoàn trở về sẽ được "ban thưởng" thánh chỉ giáng chức --- y vẫn chưa bao giờ buông lỏng quyền kiểm soát trực tiếp của mình với quân đội.

Bùi Thanh Hoằng nào có thể tự vả mặt mình: "Vi thần đương nhiên thật lòng muốn giành lại thành trì đã bị phản tặc chiếm lĩnh." Kỳ thật một trong những nguyên nhân lớn nhất hắn muốn lên chiến trường là vì hắn muốn rời khỏi kinh thành một thời gian. Bùi Thanh Hoằng không muốn tiếp tục như thế này, cả ngày ngẩng đầu gặp cúi đầu cũng gặp Lan Mân.

Đơn hòa ly đã bị Lan Mân xé mất, trước mắt hắn vẫn chưa tìm được biện pháp tốt nhất để giải quyết cục diện bế tắc hiện tại, việc này lại không thể nói cho Diệp thị. Cả ngày coi Lan Mân như không khí cũng không phải cách giải quyết, nếu gia nhập đại quân hắn sẽ có cơ hội hợp lý để tránh xa Lan Mân một chút. Bất kể là lý do gì, Bùi Thanh Hoằng đều không hy vọng Thái thượng hoàng ngự giá thân chinh.

Thái Thúc Lan một lời đã định: "Vậy Bùi ái khanh đừng nhiều lời nữa. Ý cô gia đã quyết, ngày mai khao quân sĩ, bắt giữ phản tặc Đường Minh Uy!"

Quan viên phía dưới lập tức quỳ rạp xuống, những người phản đối ban nãy không dám kêu tiếng nào, âm thanh tán dương lấy lòng liên tiếp vang lên: "Thánh thượng anh minh, quả là phúc của trời!" "Bệ hạ tự thân xuất mã, phản tặc nhất định phải quăng mũ cởi giáp, bị đánh đến mức quỳ xuống cầu xin tha thứ! Ngô Hoàng thánh minh, vạn tuế vạn tuế vạn vạn tuế!"...

Sau khi khích lệ tinh thần tướng sĩ tam quân, Bùi Thanh Hoằng được an bài ngồi chung xe ngựa với Thái thượng hoàng dưới tư cách là tham tướng. Binh mã Đại nguyên soái ban đầu nay đã bị giáng cấp thành binh mã Phó nguyên soái, sẵn sàng hỗ trợ Thái thượng hoàng chinh phạt phản tặc bất cứ lúc nào.

Còn nhạc phụ của tiểu Hoàng đế - vốn dĩ là binh mã Phó nguyên soái - cũng bị giáng một cấp, trên đường đi lại bị giáng chức nhiều lần vì vi phạm kỷ luật của quân đội. Chức quan tiểu Hoàng đế dốc lòng dốc sức lấy cho ông bị hạ một bậc rồi lại một bậc, hiện tại thậm chí còn kém cỏi hơn nhiều lúc tiểu Hoàng đế vẫn chưa ban cho ông thứ gì.

Bùi Thanh Hoằng không có tâm trí để mà nhọc lòng chuyện tiểu Hoàng đế có tức đến mức ngất đi ngay không. Từ cuộc đi săn mùa thu, hắn đã sớm từ bỏ vị học trò này rồi. Toàn bộ sự chú ý của hắn lúc này đang tập trung trên một người khác trong xe ngựa. Đây là lần đầu tiên đối phương ở một mình một phòng cùng hắn với thân phận Thái thượng hoàng.

Lúc này Bùi Thanh Hoằng cố hết sức để ngồi càng xa đối phương càng tốt, có điều Thái thượng hoàng lại không có ý định cứ như vậy mà buông tha cho hắn. Trong không gian nhỏ hẹp của xe ngựa còn đặt một bộ áo giáp băng lãnh, Thái Thúc Lan chỉ tay vào nó: "Nếu Mộc Chi không nguyện dùng thân phận phu quân để đối xử với Lan Mân, vậy thì thỉnh ái khanh tự tay giúp cô gia mặc nó vào."

Hai chữ "tự tay" kia, Thái Thúc Lan nhấn đặc biệt nặng.

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện