Chuyển ngữ: Khu rừng đom đóm
Triệu Liệt Húc và Trần Ký gọi hai món ở một nhà hàng nhỏ gần đó, lúc đang tính tiền chợt nhận được điện thoại từ Cố Dung.
Bà hỏi qua về vụ án, dặn dò đôi câu, cuối cùng làm như lơ đễnh nhắc: “Thanh Hà tổ chức triển lãm tranh trên phố Quan Sơn, quy mô khá lớn, gần đó lại không an toàn. Nếu con không bận thì đi xem thử, con bé… cũng không thể lại bị… Ôi, chắc chắn sẽ tổ chức đến đêm muộn, con đến đón nó về, để ý con bé một chút cho mẹ yên tâm.”
Triệu Liệt Húc nhận tiền thừa rồi ra ngoài cùng Trần Ký.
“Vâng, con sẽ đi.”
Cố Dung à lên rồi nói: “Con bé ở đây một thân một mình, không quen ai cả. Chẳng phải dạo này con hay đến khu vực gần đó sao? Nếu con bé có việc, con hãy giúp nó một tay.”
Triệu Liệt Húc mỉm cười, không đáp.
Rõ ràng bà và cô cùng học và làm tại một trường, hẳn phải là bà tiện chăm sóc cô hơn mới phải.
Cố Dung: “Con nói xem, những chuyện thế này cứ liên tiếp xảy ra, mẹ lo lắm. Dù gì thi thể ấy là tìm thấy trong phòng do Thanh Hà đặt trước. Con bé là con gái chân yếu tay mềm, chắc chắn là rất sợ hãi.”
Triệu Liệt Húc: “Con biết rồi, con phải lái xe đây, con cúp máy trước, lát nữa ta nói chuyện sau.”
“Mẹ biết rồi.”
“Vâng.”
Trần Ký mở cửa xe và ngồi vào, thuận miệng hỏi: “Sao tôi lại nghe thấy tiếng phụ nữ… E là… Dì lại tìm đối tượng cho cậu à?”
“Không phải vậy.”
“À, nói thế tôi mới nhớ ra, cậu có còn số liên lạc với cô gái do phó phòng Lưu giới thiệu trước đây không?”
Triệu Liệt Húc khởi động xe: “Không.”
“Nghe nói cô gái đó rất thích cậu, cũng xem là duyên số mà giữa chừng bị chị dâu của chúng ta cắt đứt mất tiêu.”
“Cậu gọi chị dâu lưu loát nhỉ?”
“Đúng rồi đấy! Chị dâu nhỏ, chị dâu nhỏ, chị dâu nhỏ.”
Triệu Liệt Húc nhếch mép, đạp chân ga phóng như bay, để lại bụi bay mù mịt trên đường.
Khi đi ngang qua mấy cửa hàng hoa, Trần Ký chợt vỗ mạnh đùi: “Cậu đã chuẩn bị quà gì cho chị dâu nhỏ chưa?”
“Rồi.”
“Người ta mời cậu đi xem triển lãm tranh. Mấy thiệp mời kiểu này chỉ dành cho những nơi cao cấp. Cậu không mua chút hoa tươi gì sao?”
Triệu Liệt Húc: “Đã đặt trước rồi.”
“Hả, cái gì?”
“Đã đặt một lẵng hoa để tặng rồi.”
Trần Ký: “Ối giời ơi, chỉ có thể là đội trưởng Triệu, khá lắm.”
Mấy năm trước, anh đã từng theo Triệu Thế Khang tham gia vài buổi đấu giá và triển lãm, đây cũng coi như một phép lễ nghi cơ bản.
Nếu nhất định phải nói có hàm ý gì khác, anh thật sự mừng cho cô từ tận đáy lòng.
Trần Ký nhắn tin với vợ một lúc, bỗng bàng quang căng lên, chỉ vào quán KFC trước mặt nói: “Dừng xe lại một chút, tôi vào nhà vệ sinh cái đã, vừa rồi tôi uống nhiều quá.”
Xe vừa đỗ, Trần Ký đã lao nhanh như chớp, biến mất không thấy tăm hơi.
Triệu Liệt Húc chống tay trên cửa sổ xe, ngắm khung cảnh bên ngoài.
Ven đường có một cửa hàng búp bê mới mơ, một con búp bê hình người đứng trước cửa hàng, làm tư thế vò đầu và phát tờ rơi.
Anh hơi nhíu mày, không hiểu sao cảm thấy quen quen.
Con gấu… màu đen… và hai bức ảnh cao nguyên màu đỏ…
Con gấu kia thấy anh nhìn mình mãi, bèn xoay người đi tới và đưa cho anh một tờ rơi. Triệu Liệt Húc toan nhận lấy, con gấu đã lấy lại nó.
Triệu Liệt Húc mỉm cười.
Con gấu xoa eo, ném tờ rơi vào trong xe và lắc mông đi về.
Trên tủ kính của cửa hàng trưng bày một hàng gấu đen.
Triệu Liệt Húc gõ ngón tay lên mép cửa kính xe, bất giác nghĩ đến điều gì mà nhếch miệng cười, ngay sau đó bước xuống xe đi về phía cửa hàng.
Lát sau, Trần Ký vội vã quay về, thắt dây an toàn rồi ngẩng đầu lên, lập tức thấy một đôi mắt to tròn qua gương chiếu hậu, anh ta vội quay đầu lại nhìn.
Ở hàng ghế sau có một con búp bê màu đen ngồi ngay ngắn ở chính giữa, đầu đội nóc xe, chiếm gần hết không gian phía sau.
Trần Ký: “Cậu mua cái này ư?”
“Đúng vậy.”
“Mua con to thế?”
Triệu Liệt Húc: “Bình thường, cao có một mét sáu thôi.”
“Con này còn to hơn cả vợ tôi nữa, cậu mua thứ này làm gì? Ồ, chẳng lẽ cậu định…” Trần Ký bật cười: “Xem cái điệu tán tỉnh kìa, chất chơi đấy. Hahaha, có phải chị dâu thích cái này không?”
Triệu Liệt Húc lười giải thích dài dòng, chỉ ậm ừ.
Trần Ký huýt sáo: “Cậu tiêu rồi, thật sự tiêu rồi.”
Quen nhau bao năm qua, anh ta chưa từng thấy Triệu Liệt Húc làm chuyện lãng mạn như vậy bao giờ.
Nói thế nào nhỉ?
Như trở về năm hai mươi tuổi, dùng những món quà như vậy để khiến em xao xuyến. Mặc dù chỉ là những thứ bình thường, song lại chứa chan tình cảm ngây ngô và chân thành.
……
Buổi đấu giá kết thúc vào buổi chiều, tất cả các bức tranh trong triển lãm đều được dán nhãn dù đã được bán đấu giá hay chưa. Tổng cộng có 57 bức tranh và bốn mươi tám bức đã được bán.
Triển lãm tranh được chia thành hai tầng, mượn bảo tàng nghệ thuật chuyên tổ chức triển lãm làm hội trường.
Lối vào đầy ắp những lẵng hoa và lời chúc mừng.
Mấy lẵng hoa không cầu kỳ như bình thường mà đều là những bông hồng trắng mới chớm nở, thanh khiết và sang trọng.
Bên cạnh là những đóa hoa bách hợp tô điểm.
Triệu Liệt Húc thấy cách bày trí như vậy, không nhịn được bật cười.
Nếu cô mà biết những bông hồng trắng này là do anh tặng, có khi sẽ cố ý đặt chúng vào chính giữa.
Bây giờ đã là ban đêm, trong đại sảnh ít người hơn ban ngày, hàng người theo thứ tự đến thưởng thức tranh.
Có nhân viên phụ trách đứng tại cửa, giới thiệu qua về tác phẩm và danh mục.
Triệu Liệt Húc và Trần Ký ký tên và đi vào phòng triển lãm.
Tông màu chủ đạo của toàn bộ căn phòng là màu trắng tinh khôi. Trên trần nhà có chiếc đèn chùm hình chim bồ câu đang rủ xuống. Cầu thang trắng xoắn ốc tựa như cơ thể một chú cá voi đang bơi lội với những đường cong mượt mà, tuyệt đẹp.
Cứ như đây là một thế giới khác vậy.
Trần Ký trầm trồ: “Cô bé này giỏi thật, còn trẻ mà đã đầy triển vọng.”
Triệu Liệt Húc lật đi lật lại danh mục trong tay, đi tới trước bức tranh đầu tiên: “Bọn Tưởng Bình không đến sao?”
“Triển lãm này không phải kéo dài một tuần à? Cuối tuần họ sẽ đi.”
“Vậy sao cậu không đợi đến cuối tuần rồi tới?”
“Cậu chê tôi tới làm kỳ đà cản mũi cậu à.” Trần Ký nhìn quanh một vòng: “Sao tôi không thấy chị dâu nhỏ đâu nhỉ, cô ấy không có ở đây.”
“Cậu đến xem tranh hay là đến xem người?”
Trần Ký: “Vậy cậu mua búp bê tặng cho tranh hay là tặng cho ai đó?”
Triệu Liệt Húc nguýt anh ta một cái, không nói gì.
Trần Ký: “Cậu đi xem trước đi, tôi đi vệ sinh cái đã, e là ăn phải đồ linh tinh gì rồi.”
“Đi đi.”
Mỗi tác phẩm đều được ghi đề mục và tên tác giả ở góc dưới cùng bên phải, còn có một dòng giới thiệu vắn tắt.
Các bức tranh được chia thành năm chủ đề về bốn mùa xuân, hạ, thu,