Nhạc Vân Hạc và Hạ Bình Tử lúc nhỏ ở cùng làng, lớn lên học cùng trường, chơi với nhau rất thân. Hạ thông minh từ nhỏ, mười tuổi đã nổi tiếng, Nhạc dốc lòng kính ái, Hạ cũng thường khuyên dạy cho không biết mỏi. Nhạc học hành ngày càng tấn tới nhờ vậy cũng nổi tiếng, nhưng khoa cử lận đận, cứ đi thi là rớt. Không bao lâu Hạ mắc bệnh dịch chết, nhà nghèo không chôn cất nổi, Nhạc khẳng khái đứng ra lo liệu, Hạ còn vợ góa con côi thì thường lui tới thăm hỏi, kiếm được chút ít gì cũng chia cho một nửa. Vợ con Hạ nhờ vậy mới sống được, các bậc sĩ đại phu vì thế càng khen Nhạc hiền. Nhà Nhạc không có của cải gì nhiều, lại còn chu cấp cho vợ con Hạ nên gia cảnh ngày càng sa sút, bèn than "Tài học như Bình Tử mà còn phải lận đận rồi chết, huống chi là ta? Sự giàu sang ở đời phải đúng lúc, nếu cứ lo lắng tròn năm thì e sẽ chết trước cả giống vật nơi ngòi rãnh, phí cả một đời, chẳng bằng lo liệu cho sớm".
Từ đó Nhạc bỏ học đi buôn, làm ăn nửa năm thì cảnh nhà hơi khá lên. Một hôm đi buôn tới Kim Lăng (tỉnh thành Giang Tô), vào nghỉ trong quán trọ thấy một người cao lớn, bắp thịt cuồn cuộn cứ quanh quẩn cạnh chỗ mình ngồi, sắc mặt ảm đạm, có vẻ lo buồn. Nhạc hỏi "Muốn ăn cơm không?", người ấy cũng im lặng. Nhạc đẩy mâm ra mời, y lấy tay bốc ăn, trong giây lát hết sạch. Nhạc lại gọi thêm một mâm mấy phần cơm, y lại ăn hết, Nhạc bèn bảo chủ quán cắt thịt heo, bóc bánh chưng đầy mâm, y lại ăn sạch mấy phần nữa mới no, cảm tạ nói "Ba năm nay chưa từng được bữa nào ăn no thế này". Nhạc hỏi "Ông là bậc tráng sĩ sao lại lưu lạc khổ cực tới mức này?”, y đáp “Ta mắc tội với trời, không thể nói ra được”. Nhạc hỏi quê quán nhà cửa, y đáp "Trên bộ không có nhà cửa, dưới nước không có ghe thuyền, chỉ sáng vào trong làng tối ra ngoàí ruộng thôi".
Nhạc sửa soạn hành lý ra đi, người ấy đi theo, bịn rịn không rời. Nhạc từ tạ, y nói "Ông sắp gặp nạn lớn, ta không nỡ quên cái ơn cho một bữa ăn”. Nhạc lấy làm lạ, bèn cho y đi cùng, trên đường kéo vào quán ăn cơm, y từ chối nói “Cả năm ta chỉ ăn vài bữa thôi", Nhạc càng lấy làm lạ. Hôm sau qua sông, chợt sóng gió nổi lên, ghe thuyền chở thuê đều đắm cả, Nhạc và người ấy cũng chìm xuống sông. Lát sau gió lặng sóng yên, y cõng Nhạc đạp sóng ngoi lên, đưa Nhạc lên một chiếc thuyền khách rồi lại rẽ nước đi. Giây lát kéo về một chiếc thuyền, đỡ Nhạc qua dặn ngồi đó giữ rồi nhảy xuống nước, trồi lên thì hai tay xách hàng hóa bị chìm ném vào thuyền rồi lại lặn xuống, mấy lần lên xuống thì hàng hóa bị chìm được vớt lên đầy cả thuyền.
Nhạc cảm tạ nói “Ông cứu sống ta là quá đủ rồi, đâu dám mong lấy lại được hàng hóa” Kiểm lại của cải thấy không bị mất gì, càng mừng rỡ kính phục y là thần, định dong thuyền đi thì y từ biệt, Nhạc cố giữ cùng qua sông. Kế cười nói “Cái nạn thế này mà chỉ mất có một chiếc trâm vàng”, người ấy muốn lại xuống nước tìm, Nhạc đang ngăn lại bảo thôi thì y đã nhảy xuống nước mất hút. Nhạc kinh ngạc hồi lâu, chợt thấy y tươi cười trồi lên đưa cho chiếc trâm, nói “May là cũng tìm thấy”, người trên sông ai cũng kinh lạ. Nhạc đưa người ấy về nhà, ăn cùng mâm nằm cùng chiếu. Cứ mười mấy ngày y mới ăn một bữa, mà ăn thì ăn rất nhiều.
Một hôm từ giã đi, Nhạc cố giữ lại, vừa lúc trời tối tăm như muốn mưa, nghe có tiếng sấm. Nhạc nói “Không biết quang cảnh trong mây ra sao, sấm sét là vật gì, làm sao lên được trên trời mà xem một lần mới hết thắc mắc”. Người ấy cười nói “ông muốn lên mây chơi à?”. Giây lát chợt Nhạc thấy trong người mỏi mệt quá, lăn ra giường thiu thiu ngủ, khi tỉnh thấy người đong đưa không giống như đang nằm trên giường. Mở mắt nhìn thì thấy đang trong mây, chung quanh trắng toát như bông, hoảng sợ vùng dậy thấy váng vất như đang đi thuyền, dưới chân thì mềm mại không phải là đất, ngẩng đầu thì thấy tinh tú ngay trước mắt, nghĩ rằng mình đang nằm mơ. Nhìn kỹ thấy các ngôi sao khảm vào bầu trời như
hạt sen trong gương sen, ngôi lớn bằng cái khạp, ngôi vừa bằng cái vò, ngôi nhỏ bằng cốc chén, lấy tay lắc thử thấy sao lớn bám chặt không nhúc nhích, sao nhỏ thì lung lay như có thể hái xuống. Liền hái lấy một ngôi cất vào tay áo rồi vén mây nhìn xuống thì bể bạc mênh mông, thấy thành quách nhỏ như hạt đậu, kinh ngạc tự nghĩ nếu lỡ hụt chân một cái thì còn gì là mạng.
Bỗng thấy hai con rồng uốn lượn kéo một chiếc xe căng màn chạy tới, đuôi ngoắt thành tiếng vun vút như roi trâu. Trong xe có cái bồn chu vi mấy trượng đựng đầy nước, có mấy mươi người cầm gáo múc nước tưới khắp trên mây. Họ thấy Nhạc đều lấy làm lạ, Nhạc nhìn kỹ thì thấy trong bọn có người tráng sĩ bạn mình. Y nói với mọi người "Đây là bạn ta", rồi đưa Nhạc một cái gáo bảo múc nước mà tưới. Lúc đó trời đang đại hạn, Nhạc đón lấy cái gáo, vén mây nhìn về phía quê chăm chỉ múc tưới. Lát sau người bạn nói với Nhạc "Ta vốn là thần sấm sét, vì trước đây làm mưa sai hẹn nên bị phạt đày ba năm, nay đã mãn hạn, từ đây xin vĩnh biệt". Rồi lấy sợi dây buộc xe dài cả vạn thước bảo Nhạc bám vào một đầu để thả xuống đất. Nhạc lo dây đứt, y cười nói không hề gì, Nhạc theo lời bám vào, thấy lơ lửng trong chớp mắt đã tới mặt đất, nhìn lại thì đang đứng ngoài làng, sợi dây thì thu dần vào trong mây không thấy đâu nữa.
Lúc ấy hạn hán đã lâu mới có trận mưa, nhưng ngoài mười dặm nước chỉ ngập ngón tay, chỉ có làng Nhạc thì hồ rạch tràn đầy. Về tới nhà Nhạc mò lại trong tay áo thì ngôi sao đã hái vẫn còn, đem đặt lên bàn thì đen như hòn đá, đến đêm thì long lanh sáng rực chiếu rọi khắp nhà. Nhạc càng quý báu gói lại cất kỹ, mỗi khi có khách quý thì mang ra thay đèn uống rượu ban đêm, nhìn thẳng vào thấy ánh sáng chói cả mắt. Một đêm, vợ Nhạc ngồi trước ngôi sao chải tóc chợt thấy ánh sáng thu nhỏ mờ dần chỉ còn như con đom đóm, lại động đậy bay lên, giật nảy mình định kêu lên thì ngôi sao đã chui tọt vào miệng, vừa khạc thì đã xuống tới cổ họng. Nàng sợ hãi chạy vào kể cho Nhạc, Nhạc cũng lấy làm lạ.
Kế nằm ngủ mơ thấy Hạ Bình Tử tới nói “Ta là sao Thiếu Vi những việc ông giúp cho ta vẫn nhớ không quên. Lại nhờ ông thương mến đem ta trên trời về, có thể nói là có duyên với nhau, nay xin làm người nối dõi cho ông để đền ơn lớn". Lúc ấy Nhạc đã ba mươi tuổi vẫn chưa có con, mơ thấy thế mừng lắm. Từ đó vợ có mang, khi lâm bồn có ánh sáng chiếu khắp nhà như lúc đặt ngôi sao trên bàn, nhân đó đặt tên con là Tinh Nhi. Tinh Nhi khôn ngoan lạ thường, năm mười sáu tuổi thi đỗ Tiến sĩ.
Dị Sử thị nói: Ông Nhạc nổi tiếng văn chương một thời, chợt thấy việc theo đuổi công danh đến già không hợp với mình liền vứt ngọn bút như cởi chiếc dép, có khác gì Ban Siêu ném bút*! Đến như thần sấm sét cảm ơn cho ăn, sao Thiếu Vi đáp tình bạn cũ, há phải là thần nhân đền đáp ơn riêng đâu mà là tạo vật báo đáp cho bậc hiền hào đấy.
*Ban Siêu ném bút: nguyên văn là "Yến hạm đầu bút". Hậu Hán thư, Ban Siêu truyện chép Ban Siêu thuở trẻ nhà nghèo phải làm việc chép thuê trong dinh quan để sống, gặp người thầy tướng nói "Ông hàm én đầu hổ (yến hạm hổ đầu), bay cao mà ăn thịt, đó là tướng được phong hầu ngoài vạn dặm", Siêu ném bút than “Đại trượng phu phải lập công nơi đất lạ để được phong hầu, chứ sao có thể theo việc bút nghiên mãi được”. Sau đi sứ Tây Vực có công được phong tước Định Viễn hầu. Đây tác giả có ý nói ngược lại.