Cảnh Tinh Giả người huyện Văn Đăng (tỉnh Sơn Đông), lúc trẻ có tiếng tài giỏi, ở cạnh nhà Trần sinh, phòng sách chỉ cách nhau một bức tường ngắn. Một hôm vừa chập tối, Trần đi qua một bãi đất vắng nghe trong tiếng con gái khóc trong đám tùng bách, tới gần thấy trên cành cây mọc ngang có sợi dây vắt qua như sắp treo cổ tự tử. Trần hỏi han, cô gái gạt lệ nói "Mẹ đi xa gởi thiếp ở nhà người anh bên ngoại, không dè quân lang sói tàn ác nuôi nấng không ra sao, bơ vơ thế này thì chết đi còn hơn”, nói xong lại khóc. Trần cởi sợi dây khuyên nàng tìm người mà lấy, nàng lo không có ai để nương tựa, Trần mời về nhà mình ở tạm, cô gái bèn đi theo. Về tới nhà khêu đèn nhìn kỹ thấy phong tư xinh đẹp, Trần rất thích, muốn làm ẩu, cô gái lớn tiếng chống cự, cãi nhau ồn ào vang qua bên kia vách. Cảnh sinh leo tường qua xem, Trần mới buông nàng ra. Cô gái thấy Cảnh cứ nhìn không chớp mắt, hồi lâu bỏ chạy, hai người cùng đuổi theo nhưng không biết nàng chạy về hướng nào.
Cảnh về nhà đóng cửa định đi ngủ thì cô gái lững thững trong phòng bước ra, ngạc nhiên hỏi, nàng đáp "Y đức ít phúc mỏng, không thể nương tựa suốt đời". Cảnh mừng lắm gạn hỏi tên họ quê quán, nàng nói "Tổ tiên thiếp ở đất Tề (tỉnh Sơn Đông) nên lấy chữ Tề làm họ, tiểu tự là A Hà". Cảnh buông lời trêu ghẹo, nàng cười không có vẻ chống cự gì lắm, bèn cùng ăn ở với nhau. Nhà hay có đông bè bạn lui tới, cô gái thường núp kín trong phòng. Qua mấy hôm nói “Thiếp phải tạm đi, nơi này đông người ồn ào mệt quá. Từ nay xin hẹn nhau buổi tối thôi". Cảnh hỏi nhà ở đâu nàng đáp "Cũng không xa lắm", rồi đi sớm, buổi tối quả nhiên lại tới.
Mấy hôm sau nàng lại nói "Hai ta tuy thương yêu nhau nhưng rốt lại vẫn là tự ý chung chạ. Nay cha đi làm quan ở miền tây, sáng mai phải theo mẹ đi, định tìm dịp thưa rõ rồi sẽ theo chàng trọn đời". Cảnh hỏi chia tay bao lâu, nàng hẹn khoảng một tuần rồi đi. Cảnh nghĩ ở nhà học không tiện, mà dọn vào ở nhà trong thì lo vợ ghen, tính không gì bằng bỏ vợ, bèn quyết ý. Vợ tới cứ mắng chửi, vợ nhục nhã không chịu nổi, khóc lóc đòi chết. Cảnh nói với vợ “Cô chết sợ ta bị liên lụy, xin cứ về lại nhà cô", rồi giục đi mau. Vợ khóc lóc nói "Thiếp theo chàng mười năm chưa làm điều gì thất đức, sao quyết dứt tình như thế”. Cảnh không thèm nghe, càng đuổi đi gấp, vợ bèn ra cửa đi. Từ đó sơn phết tường vách, quét dọn nhà cửa, dài cổ trông ngóng A Hà, không ngờ tin tức vắng bặt như đá chìm xuống biển.
Vợ Cảnh bị đuổi rồi, mấy lần nhờ bạn thân nói giùm xin cho trở lại nhưng Cảnh không chịu, bèn lấy chồng họ Hạ Hầu. Làng Hạ Hầu gần nhà Cảnh, vì chuyện bờ ruộng nên nhiều đời có hiềm khích với nhau, Cảnh nghe tin ấy càng tức giận, nhưng còn đợi A Hà trở lại để tự an ủi lỗi lầm. Hơn một năm chẳng thấy tăm hơi, gặp ngày cúng Hải thần, trong ngoài đền trai gái tấp nập, Cảnh cũng tới đó. Xa xa thấy một cô gái rất giống Hà, Cảnh tới gần thì nàng chen vào
đám đông, theo ra tới ngoài cổng thì nàng đi rất nhanh, Cảnh đuổi theo không kịp tức tối bỏ về.
Nửa năm sau Cảnh đi trên đường thấy một nữ lang mặc áo đỏ cưỡi ngựa đen có đầy tớ dắt cương đi tới, nhìn ra thì là A Hà, bèn hỏi kẻ tùy tùng nương tử là ai, y đáp là vợ kế công tử họ Trịnh ở thôn Nam. Cảnh lại hỏi công tử cưới bao lâu rồi, y đáp "Nửa tháng nay thôi". Cảnh đang nghĩ hay mình lầm, thì nữ lang nghe tiếng trò chuyện quay lại, Cảnh nhìn thì đúng là Hà. Thấy nàng đã lấy người khác, trong lòng giận sôi lên, kêu lớn "Nàng Hà sao lại quên lời hứa cũ?". Bọn tùy tùng nghe gọi bà chủ mình xúm lại toan đánh, cô gái vội ngăn lại vén khăn che mặt nói với Cảnh "Gã phụ lòng còn dám nhìn mặt nhau à?". Cảnh nói "Tự nàng phụ ta chứ ta phụ nàng lúc nào?”. Nàng đáp “Phụ phu nhân còn tệ hơn phụ ta, với người kết tóc trăm năm còn thế huống hồ với kẻ khác? Trước đây nhờ âm đức ông bà nên ngươi được ghi tên vào bảng thi đỗ, ta mới đem thân theo ngươi. Nay vì việc bỏ vợ, âm ty đã phạt tước giảm lộc số của ngươi rồi. Khoa này người đỗ thứ hai là Vương Xương thay vào tên ngươi đấy. Nay ta đã theo Trịnh quân, ngươi đừng mơ tưởng nữa".
Cảnh gục đầu cụp tai không dám mở miệng, nhìn thấy cô gái thúc ngựa phóng như bay, chỉ còn biết não nề mà thôi. Khoa thi ấy Cảnh trượt, người đỗ thứ hai quả họ Vương tên Xương, Trịnh cũng đỗ. Từ đó Cảnh mang tiếng phụ bạc, bốn mươi tuổi không có vợ, nhà càng sa sút, thường tới ăn chực ở nhà bạn bè. Một hôm ngẫu nhiên tới nhà Trịnh, Trịnh khoản đãi giữ lại ngủ đêm. Cô gái lén ra nhìn khách, thấy Cảnh thương xót hỏi Trịnh "Người khách ở nhà trên có phải là Cảnh Khánh Vân không?”. Trịnh hỏi vì sao biết, nàng nói "Lúc chưa lấy chàng từng lánh nạn ở nhà y, được y nuôi nấng cũng tử tế. Tính nết y tuy hèn nhưng âm đức tổ tiên chưa dứt, vả lại còn là cố nhân của chàng, cũng nên giúp đỡ cho trọn nghĩa bạn bè". Trịnh cho là phải, đưa áo quần mới cho Cảnh thay, giữ lại khoản đãi mấy ngày.
Nửa đêm Cảnh sắp đi ngủ có người tỳ nữ cầm hơn hai mươi đồng vàng vào tặng, cô gái thì đứng ngoài của sổ nói "Đó là của riêng ta đền đáp nghĩa cũ, nên về tìm cưới một người vợ tốt. May là phúc đức tổ tiên còn lớn, cũng đủ giúp cho con cháu. Từ nay nên ráng giữ nết, đừng để tổn thọ", Cảnh cảm tạ. Trở về bỏ ra hơn mười đồng vàng mua một tỳ nữ nhà thân hào, vừa xấu vừa dữ, sinh được một con trai về sau liên tiếp đỗ thi hương rồi thi hội. Trịnh thì làm quan tới chức Lang trung bộ Lại, khi chết cô gái chôn cất xong trở về, vén rèm kiệu thì không có ai, bấy giờ mới biết nàng không phải là người. Ôi! kẻ vô lương được mới nới cũ, rốt lại tổ lật mà chim cũng bay, trời cao báo ứng cũng thảm độc lắm!