Lộ vương ở Hoài Khánh (tỉnh Hà Nam) có đức tối, cứ dạo chơi ra dân gian thấy con gái đẹp là bắt về. Có vợ Vương sinh bị vương nhìn thấy, sai xe ngựa vào tới tận nhà bắt đi. Cô gái khóc lóc kêu gào, bị bắt lên kiệu khiêng ra. Vương bỏ chạy, núp sau mộ Nhiếp Chính chờ vợ đi qua để vĩnh biệt. Không bao lâu vợ tới, nhìn thấy chồng khóc lớn gieo mình xuống đất. Vương trong lòng đau đớn bất giác khóc thất thanh, bọn gia nhân của vương biết là Vương sinh bèn túm lấy đánh đập túi bụi. Chợt trong mộ có người đàn ông bước ra, tay cầm đao sắc, khí thế rất oai mãnh, lớn tiếng quát “Ta là Nhiếp Chính đây, sao các ngươi dám bắt ép con gái nhà lương dân. Nghĩ bọn ngươi chỉ là kẻ thừa lệnh nên tạm tha cho lần này, về nhắn với ông chủ vô đạo của các ngươi rằng nếu không sửa nết xấu thì có ngày ta sẽ lấy đầu đấy”. Đám gia nhân nhà vương hoảng sợ bỏ xe kiệu chạy, người đàn ông lại bước thẳng vào mộ biến mất. Vợ chồng Vương tới lạy trước mộ rồi về, vẫn còn sợ là vương lại tới nhưng hơn mười ngày cũng không thấy gì mới yên lòng. Từ đó vương cũng bớt dâm đãng hống hách.
Dị Sử thị nói: Ta thường đọc Truyện Thích khách chỉ khâm phục có người ở làng Thâm Tỉnh đất Chỉ* mà thôi. Xả thân để báo đáp tri kỷ thì nghĩa khí như Dự Nhượng** giữa ban ngày giết chết khanh tướng thì vũ dũng như Chuyên Chư*** bằng đầu gối tới trước mặt Liêu, lấy tay xé đôi con cá ra, rút ngọn chủy thủ giấu sẵn trong bụng cá đâm chết Liêu, lột da mặt hủy hình dung tự tử để không làm liên lụy tới người thân thì mưu trí như Tào Mạt (4*). Còn như Kinh Kha không đủ sức để ám sát vua Tần mà lại dứt áo ra đi, tự chuốc lấy diệt vong, khinh suất mượn cái đầu của Phàn tướng quân (5*) gặp Tần Thủy Hoàng nhưng đâm không trúng, bị giết chết, biết ngày nào mới trả lại được, đó là mối hận của ngàn đời, chắc bị Nhiếp Chính chê cười. Đọc dã sử thấy nói mộ Kinh Kha bị hồn ma của Dương Giác Ai, Tả Bá Đào quật lên (6*) nếu quả thế thì Kinh Kha sống không thành danh, chết còn mất nghĩa, so với Nhiếp Chính ôm lòng nghĩa mà trừng trị kẻ hoang dâm thì hay dở khác nhau ra sao? Ôi, Nhiếp Chính là người hiền, xem chuyện này lại càng tin là đúng.
* Người ở làng Thâm Tỉnh đất Chỉ: tức Nhiếp Chính, người nước Hàn thời Chiến quốc, giết người nên dắt mẹ và chị qua trốn tránh ở nước Tề. Quan khanh nước Hàn là Nghiêm Trọng Tử có thù oán với Tướng quốc Hiệp Lũy nên tìm người báo thù, tới Tề nghe tiếng Chính là người dũng cảm bèn đem lễ vật rất hậu tới ra mắt, nhưng Chính không nhận. Sau bà mẹ chết, Chính chôn cất xong bèn tới gặp Trọng Tử hỏi han rồi không nhận xe ngựa tráng sĩ giúp đỡ, một mình lên đường vào thẳng phủ Tướng quốc lên tận thềm giết chết Hiệp Lũy, kế tự lột da mặt khoét tròng mắt, mổ bụng móc ruột tự tử để khỏi liên lụy tới người chị.
**Dự Nhượng: người nước Tấn thời Xuân thu, theo họ Phạm Trung Hàng nhưng không được biết tới, bèn bỏ theo Trí Bá, rất được Trí Bá coi trọng. Sau Trí Bá bị Triệu Tương Tử diệt, Nhượng trốn vào núi, nói “Kẻ sĩ xả thân cho người biết mình, đàn bà điểm trang
cho người yêu mình, nay Trí Bá biết ta, nếu vì báo thù cho Trí Bá mà chết thì hồn phách ta cũng không thẹn", bèn đổi tên họ cải trang để ám sát Tương Tử nhưng bị bắt, Tương Tử khen là nghĩa khí nên tha cho. Nhượng lại sơn mặt nuốt than thay đổi diện mạo thanh âm núp dưới cầu chờ Tương Tử đi qua mà đâm nhưng lại bị bắt, bèn xin cái áo của Tương Tử tuốt kiếm nhảy lên đâm vào ba lần rồi tự sát.
*** Chuyên Chư người nước Ngô thời Xuân thu, có tiếng là dũng sĩ, được Ngữ Tử Tư tiến cử cho Công tử Quang (tức vua Ngô Hạp Lư). Lúc ấy Quang muốn giết Ngô vương Liêu là anh con bác để giành ngôi, dò biết Liêu thích ăn chả cá bèn sai Chư tới Thái Hồ học làm món chả cá. Kế mở tiệc mời Liêu, nửa chừng giả đau chân vào nhà trong băng lại sai Chư đem chả cá lên dâng. Giáp sĩ của Liêu lục soát trong người Chư không thấy gì lạ bèn cho vào, Chư bưng mâm chả cá đi...
4* Tào Mạt: người nước Lỗ thời Xuân thu, tướng của Lỗ Trang công. Tề Hoàn công đánh Lỗ, nước Lỗ thua liền mấy trận bèn xin giảng hòa. Tề Hoàn công buộc Lỗ Trang công phải tới hội minh, cắt đất cho Tề. Tào Mạt theo Lỗ Trang công tới hội minh, sấn lên đài rút chủy thủ uy hiếp bắt Tề Hoàn công phải trả hết những đất đai của nước Lỗ, Hoàn công sợ hãi ưng thuận, Mạt buông chủy thủ lui xuống đứng lại vào chỗ các quan nước Lỗ, sắc mặt vẫn không thay đổi.
5* Kinh Kha... Phàn tướng quân: Kinh Kha là người đất Vệ thời Chiến quốc nổi tiếng can đảm, kiếm thuật tuyệt luân, được thái tử Đan nước Yên mời về làm thượng khách, nhờ đi ám sát Tần Thủy hoàng. Lúc bấy giờ có Phàn Ư Kỳ là phản tướng nước Tần chạy qua nước Yên, gia quyến đều bị Tần Thủy Hoàng giết, Kinh Kha tới gặp Ư Kỳ nói nếu có được đầu Ư Kỳ thì có thể tới gần vua Tần để nhân cơ hội ám sát báo thù cho Ư Kỳ. Ư Kỳ khảng khái tự chặt đầu đưa cho Kinh Kha. Sau Kinh Kha qua Tần, vào điện...
6*Mộ Kinh Kha... quật lên: Quan Trung lưu ngụ chí chép Tả Bá Đào ở Tây Khương nghe tiếng Sở Nguyên vương hiền bèn cùng bạn là Dương Giác Ai tìm tới. Tới núi Lương Sơn gặp tuyết lớn, không đủ lương thực áo rét cho cả hai người, Bá Đào bèn cởi áo trút lương cho Giác Ai đi tiếp còn mình thì vào rừng chịu chết. Giác Ai tới Sở, được phong làm Trung Đại phu, sau về quê mơ thấy Bá Đào nói "Mộ ta gần mộ Kinh Kha, cùng với y có thù hằn, ông nên bó cỏ làm hình người cho cầm binh khí đốt trước mộ ta". Giác Ai theo lời, hôm sau mơ thấy Bá Đào tới nói "Đám quân sĩ ông đốt cho đều vô dụng, Kinh Kha rất hung hãn, lại có Cao Tiệm Ly giúp đỡ, không bao lâu nữa ta sẽ bị họ quật mộ". Giác Ai bèn tự sát, người làng chôn cạnh mộ Bá Đào. Đêm hôm sau trời nổi mưa to gió lớn, sấm sét vang dội, ở khu mộ Bá Đào có tiếng đánh nhau vang xa mấy mươi dặm. Đến sáng người làng ra xem, thấy mộ Kinh Kha bị quật lên, xương trắng rải khắp mặt đất.