Liêu Trai Chí Dị II

Chương 176: Vân Thúy Tiên


trước sau

Lương Hữu Tài vốn là người đất Tấn (tỉnh Sơn Tây), lưu lạc tới đất Tế (tỉnh Sơn Đông) làm nghề bán hàng rong, không có vợ con điền sản, theo người trong thôn lên Thái Sơn chơi. Lúc ấy đang tháng tư, người ta lên núi dâng hương rất đông, lại có nhiều tăng ni dắt hàng chục hàng trăm đệ tử quỳ la liệt trước bàn thờ thần, cứ theo nén hương cháy làm cỡ, gọi là quỳ hương. Tài thấy trong đó có một nữ lang xinh đẹp khoảng mười bảy mười tám tuổi, thích lắm bèn giả làm khách dâng hương tới quỳ bên cạnh. Lại làm ra vẻ quỳ lâu mỏi gối, vịn tay vào chân nàng. Cô gái giận dữ quay nhìn rồi xích ra. Tài lại xích tới gần, lát sau lại làm như trước. Cô gái đứng phắt lên không quỳ nữa bỏ ra, Tài cũng đứng lên theo chân nhưng không biết nàng đi đàng nào, thất vọng buồn bực ra về. Dọc đường thấy cô gái đi theo một bà già, hình như là mẹ, vội rảo bước theo. Mẹ con vừa đi vừa nói chuyện, bà già nói "Con đi lễ Bà là hay lắm. Con không có em trai em gái, chỉ cần Bà phù hộ cho lấy được người chồng tốt miễn hiếu thuận là được, chẳng cần gì phải là con vua cháu chúa". Tài mừng thầm, mon men bắt chuyện hỏi thăm, bà già nói mình họ Vân, cô gái là con ruột, tên Thúy Tiên, nhà ở phía tây núi, cách bốn mươi dặm. Tài nói "Đường núi gập ghềnh mà bác thì già yếu, em thì ẻo lả thế này làm sao về kịp?", bà đáp "Trời đã xế, mẹ con ta định ghé nhà cậu cháu ngủ nhờ". Tài nói “Lúc nãy nghe bác nói kén rể không kể nghèo hèn, vậy cháu chưa có vợ, bác thấy được không?". Bà hỏi cô gái, nàng im lặng, hỏi mấy lần mới nói "Y ít phúc, lại phóng đãng vô hạnh, tâm tính khinh bạc mà hay tráo trở, con không thể làm vợ một gã vô lại được". Tài nghe thế vội tỏ ra chân thành, chỉ trời thề thốt. 

Bà già mừng rỡ nhận lời, cô gái thì không thích, tỏ vẻ vùng vằng, bà mẹ phải cố làm cho nàng vui lên. Tài ân cần xách hộ hành lý, tìm hai chiếc kiệu núi cho hai mẹ con, mình thì đi bộ theo như người hầu, cứ tới đoạn đường nào gập ghềnh lại quát tháo bọn phu kiệu bảo phải cẩn thận không được lắc mạnh, lo lắng ân cần lắm. Không bao lâu tới một xóm, bà già bảo Tài cùng vào. Có ông bà già ra đón, là anh trai và chị dâu bà Vân, bà nói Tài là con rể, vừa đúng ngày tốt không cần chọn lựa nữa, cho làm lễ cưới luôn đêm nay. ông cậu cũng vui vẻ, dọn cơm rượu mời Tài, kế cho Thúy Tiên ăn mặc đẹp đẽ ra làm lễ rồi dọn giường giục đi ngủ. Cô gái nói "Ta vốn biết ngươi bất nghĩa, nhưng bị mẹ ép buộc nên phải theo, nếu ngươi ăn ở tử tế thì chẳng lo gì đói rét", Tài vâng dạ. Sáng hôm sau thức dậy, bà mẹ bảo Tài cứ về trước, mình và con gái sẽ tới ngay. Tài về quét dọn nhà cửa xong thì bà già đưa con gái tới. Vào nhà thấy trống trơn bèn nói “Thế này thì lấy gì mà sống? Ta sẽ trở lại ngay, giúp thêm chút ít cho đỡ khổ", rồi ra đi. 

Hôm sau có mấy người gia nhân trai gái mang dủ thứ áo quần chén bát tới xếp đầy nhà rồi đi ngay không ở lại ăn cơm, chỉ lưu lại một người tỳ nữ hầu hạ. Tài từ đó chỉ ngồi không ăn sẵn, hàng ngày cứ theo bọn vô lại rượu chè cờ bạc, dần dà ăn cắp cả nữ trang của vợ để chơi bời. Cô gái khuyên nhiều lần không được, hết cách chỉ còn biết giữ kỹ lưỡng hòm như đề phòng giặc cướp. Một hôm đám cờ bạc tới thăm Tài, nhìn thấy cô gái đều kinh ngạc tấm tắc khen ngợi, nói đùa với Tài "Ông giàu có lớn, lo gì nghèo khó?", Tài hỏi sao nói thế, chúng đáp “Mới rồi thấy mặt phu nhân, thật là người tiên, lại gặp lúc gia đình không hòa thuận, nếu đem bán làm vợ lẽ phải được trăm lượng vàng còn bán cho nhà chứa phải được ngàn lượng, có ngàn lượng vàng trong nhà thì lo gì không tiền uống rượu đánh bạc?”. Tài không đáp nhưng thầm cho là đúng. Về nhà cứ nhìn vợ thở dài, lúc lúc lại than nghèo quá không biết làm sao sống. Cô gái làm như không nghe, Tài cau có đập bàn ném bát, chửi mắng tỳ nữ, làm đủ trò gây gổ. Một đêm cô gái mua rượu cùng uống, chợt nói "Chàng vì nghèo túng mà lo nghĩ ngày đêm, thiếp cũng chẳng có cách gì lo toan để chia sẻ, há không hổ thẹn, nhưng không có vật gì đáng giá, chỉ có con hầu này, đem bán đi cũng đủ vốn buôn bán lặt vặt”. Tài lắc đầu nói "Nó thì đáng bao nhiêu!". Uống thêm một lúc, nàng nói! Thiếp có tiếc gì với chàng đâu, khổ cái là đã kiệt lực rồi. Nghĩ lại thấy cứ nghèo túng thế này, cho dù theo nhau tới chết chẳng qua cũng chỉ là khổ sở suốt đời, làm sao mở mày mở mặt được. Không bằng cứ đem thiếp bán cho nhà giàu thì hai người đều có lợi, chắc được giá hơn con hầu nhiều”. 

Tài làm ra vẻ kinh ngạc, nói làm gì phải tới nỗi như vậy nhưng nàng cứ nói mãi, vẻ mặt rất nghiêm trang. Tài mừng nói "Để ta tính lại". Liền đánh tiếng với một vị quan lớn đang mua ca kỹ làm con hát, vị quan đích thân tới nhà Tài, thấy cô gái rất thích, sợ không mua được ngay, bèn làm giao kèo mua tám trăm quan, việc thế là xong. Cô gái nói “Mẹ thường ngày thấy nhà rể nghèo vẫn lo lắng cho, nay đã dứt hết tình nghĩa, thiếp phải về thăm một lần. Vả lại chàng đoạn tuyệt với thiếp thì cũng phải nói cho mẹ biết chứ". Tài lo bà mẹ cản trở, nàng nói "Đây vốn là do thiếp muốn, cam đoan không có việc gì đâu”, Tài bèn theo nàng đi. Gần nửa đêm
mới tới nhà mẹ vợ, gõ cổng vào thấy lầu gác hoa lệ, đầy tớ đi lại tấp nập. Tài thường ngày ở với vợ vẫn muốn tới thăm mẹ nhưng cô gái cứ ngăn cản nên làm rể hơn một năm vẫn chưa lần nào tới nhà bà nhạc, lúc ấy cả sợ nghĩ rằng con gái nhà giàu có như thế này ắt không chịu làm nàng hầu con hát. Cô gái dẫn Tài lên lầu, bà già kinh ngạc hỏi "Sao vợ chồng lại tới đây?”, nàng oán hờn nói "Con vẫn nói y bất nghĩa, nay quả đúng". Rồi lấy trong túi ra hai nén vàng đặt lên bàn, nói "May mà không bị đứa tiểu nhân lừa lấy, nay xin trả cho mẹ". 

Mẹ kinh ngạc hỏi duyên cớ, nàng đáp "Y muốn bán con đi, có giữ vàng cũng vô dụng”, rồi chỉ mặt Tài mắng “Đồ chó, ngày trước ngươi gánh hàng bán rong, mặt mũi lem luốc như ma, lúc đầu gần ta mồ hôi còn chua loét, cáu ghét rơi ra muốn sập giường, tay chân thì chai cộm cả tấc khiến người ta suốt đêm lợm mửa, từ khi lấy ta chỉ ngồi ăn không mới lột được lớp da quỷ sứ đi. Có mẹ ở đây, ta có đặt chuyện cho ngươi không?". Tài cúi đầu không dám hó hé, nàng lại nói “Ta biết mình không có nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành để làm vợ bậc quý nhân, chứ với hạng đàn ông như ngươi thì dám nói là xứng đôi vừa lứa, mà ta không làm gì lầm lỗi sao ngươi nỡ dứt cả nghĩa vợ chồng không nghĩ tới chút tình hương lửa. Ta há không đủ sức làm nhà lầu mua ruộng tốt sao, chỉ vì thấy ngươi là kẻ ít phúc phận, có tướng ăn mày, không thể sống với nhau trọn đời được thôi”. Nàng nói xong, bọn tớ gái kéo tới vây đặc chung quanh thóa mạ, đều nói cứ giết đi, cần gì phải nói này nọ. Tài khiếp sợ quỳ mọp dưới đất, nói đã ăn năn rồi. 

Cô gái càng tức giận, nói "Bán vợ con đã là đại ác, sao ngươi còn nỡ lòng coi rẻ người bạn đầu gối tay ấp đem bán đi làm đĩ chứ?”. Nàng chưa dứt câu, mọi người đều sôi máu, kẻ rút trâm tóc, người vớ kéo may xúm vào đâm túi bụi. Tài kêu la xin tha mạng, cô gái ngăn mọi người lại, nói "Thôi tạm tha cho hắn, y bất nhân nhưng ta không nỡ thấy y khiếp sợ như thế", rồi dắt mọi người xuống lầu. Tài ngồi nghe ngóng một lúc, thấy không có tiếng người, toan bỏ trốn. Chợt ngẩng nhìn trời thấy sao đêm lặn hết, phương đông đã hừng sáng, trời đất mênh mang. Kế đèn lửa cũng tắt hết, nhìn lại thấy không có nhà cửa gì cả mà mình thì đang ngồi trên vách đá cheo leo, cúi xuống thấy ở dưới là vực sâu thăm thẳm, khiếp đảm sợ rơi xuống. Vừa nhúc nhích thì ầm một tiếng, tảng đá đang ngồi lở ra rơi luôn xuống vực. May vách núi có cây khô đâm ngang nên Tài vướng lại không rơi xuống, nằm vắt bụng trên thân cây, tay chân chẳng có chỗ nào bấu víu, nhìn xương vực thấy mờ mịt không biết sâu bao nhiêu trượng, không dám động đậy. Sợ muốn tắt thở, toàn thân đẫm máu, kiệt sức mê mụ ngất đi luôn. Mặt trời lên cao mới có người tiều phu nhìn thấy, tìm dây dòng xuống cứu lên, đặt trên sườn núi, thấy hơi thở thoi thóp bèn khiêng cho về nhà. 

Về tới thấy cửa mở toang, trong nhà trống trơn như ngôi chùa nát, giường chiếu vật dùng đều biến mất, chỉ còn chiếc võng rách và cái bàn mục là vật cũ của mình, lê lết lên nằm, hàng ngày đói bụng lại qua các nhà láng giềng xin ăn. Kế mắc bệnh lở loét, toàn thân máu mủ bê bết, người làng ghét tính nết khinh bạc đều khạc nhổ đuổi đi. Tài hết cách sống, bán nhà vào ở trong hang núi, hàng ngày ra đường xin ăn, luôn giắt theo lưỡi dao trong mình. Có người bảo đổi dao lấy thức ăn, Tài không chịu, nói "Ở trong núi phòng hùm beo, phải có dao để tự vệ". Sau gặp kẻ khuyên mình bán vợ trên đường, bèn tới gần kể lể rồi rút dao đâm chết. Quan xét biết rõ sự tình nên cũng không nỡ cùm kẹp tra tấn, chỉ giam lại trong ngục, kế đói rét mà chết. 

Dị Sử thị nói: Được người đẹp ở núi xa về ở cùng, khác gì được làm vua? Mình đã không ra gì lại oán thù thằng bạn xấu, kẻ làm bạn không thể không biết điều đó để làm răn. Phàm kẻ xấu xa rủ rê người ta rượu chè cờ bạc, làm điều bất nghĩa thì dẫu cho việc thành không bị oán cũng không được biết ơn, nói gì tới cảnh họ thân không quần, vợ không khố, ngàn người đàm tiếu, không bệnh mà chết. Cái đau bần cùng lúc nào cũng day dứt, cái hận bần cùng lúc nào cũng sục sôi, đêm lạnh ổ rơm trằn trọc không ngủ. Kế nhớ tới tình cảnh lúc mình chưa nghèo, nhớ tới tình cảnh khi mình đã nghèo, rồi nghĩ tới nông nỗi vì sao mình nghèo, rồi lại nghĩ tới người gây ra nông nỗi ấy, thì kẻ hiền lành vùng dậy khoác chăn rách ngồi rủa, kẻ hung dữ chịu rét xoay trần ra thắp lửa tìm dao mài xoèn xoẹt không chờ trời sáng. Cho nên lấy điều lành khuyên người như tặng quả trám, đắng trước mà ngọt sau, còn lấy điều xấu dụ người như biếu thịt thiu, ăn xong là mắc bệnh, người nghe vốn nên tự xét, mà kẻ nói lại dám không sợ sao!

_________________

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện