Liêu Trai Chí Dị II

Quyển 2 - Chương 18: Anh Ninh


trước sau

Vương Tử Phục người đất La Điếm huyện Lữ (tỉnh Sơn Đông) mồ côi cha sớm, rất thông minh, mười bốn tuổi được vào học trường huyện. Mẹ rất thương yêu, bình thường không cho đi chơi ra ngoài đồng ruộng. Đã dạm hỏi Tiêu thị nhưng chưa cưới thì nàng chết sớm nên chưa thành gia thất. Gặp tiết Thượng nguyên có con trai ông cậu là Ngô sinh tới rủ đi chơi, vừa ra tới đầu làng thì đầy tớ nhà cậu tới gọi Ngô về, sinh thấy con gái đi chơi rất đông cũng cao hứng đi chơi một mình. Có một cô gái dắt tỳ nữ theo, cầm một cành hoa mai, dung mạo tuyệt thế, tươi cười rạng rỡ, sinh nhìn chằm chằm quên cả việc giữ ý. Cô gái đi vượt lên mấy bước, ngoảnh lại nói với tỳ nữ “Anh chàng này mắt nhìn chòng chọc cứ như giặc” rồi vứt cành hoa xuống đất, cười nói đi mất. 

Sinh nhặt cành hoa buồn bã, thần hồn ngơ ngẩn thẫn thờ quay về. Tới nhà cất cành hoa dưới gối, gối lên mà ngủ, không nói năng cũng không ăn uống. Mẹ lo lắng khấn vái cầu cúng nhưng bệnh sinh càng nặng, chỉ còn da bọc xương. Thầy thuốc thăm bệnh, cắt cho thang phát tán nhưng sinh cứ thất thần như người mê. Mẹ dỗ dành hỏi vì sao thì lặng im không đáp, gặp lúc Ngô sinh tới bà bèn nhờ kín đáo hỏi giùm. Ngô tới trước giường, sinh nhìn thấy thì rơi nước mắt, Ngô ngồi lên giường an ủi, lân la hỏi han. Sinh bèn kể thật rồi nhờ lo giùm, Ngô cười nói "Ông thật ngây quá, chuyện đó thì có gì là khó toại nguyện chứ, để ta hỏi giúp cho. Đi bộ trên đồng ắt không phải là con nhà thế gia, nếu chưa hứa gả cho ai thì thế nào cũng xong, còn nếu không cứ bỏ nhiều tiền ra thì muốn sao cũng được. Chỉ cốt là ông khỏi bệnh, ta sẽ lo cả cho". 

Sinh nghe thế bất giác tươi cười, Ngô ra nói với mẹ sinh tìm hỏi làng xóm của cô gái, nhưng hỏi han khẳp nơi vẫn không thấy tung tích. Mẹ lo lắm không biết tính sao, nhưng sau khi Ngô về thì sinh có vẻ tươi tỉnh, ăn uống khá hơn. Vài hôm sau Ngô lại tới, sinh hỏi đã lo giúp tới đâu, Ngô đáp bừa “Đã tìm ra rồi, tưởng ai hóa ra là con cô ta, tức là hàng em con dì của anh, hiện vẫn còn chờ người mai mối. Tuy là có họ hàng kết thông gia không tiện, nhưng cứ nói thật ra thì thế nào cũng xong". Sinh mừng rỡ tươi rói cả mặt mày, hỏi Ngô nàng ở đâu, Ngô bịa rằng "ở trong núi phía tây nam, cách đây hơn ba mươi dặm". Sinh lại dặn dò năm lần bảy lượt, Ngô sốt sắng nhận lời rồi về. 

Sinh từ đó ăn uống nhiều hơn, ngày càng khỏe lại, mò lấy cành hoa dưới gối ra xem thì hoa khô nhưng vẫn chưa rụng, cứ mân mê ngắm nghía như nhìn người đẹp. Lấy làm lạ vì Ngô không tới, viết thư mời thì Ngô tìm cớ lần lữa không qua. Sinh bực dọc không vui, mẹ lo con lại ngã bệnh vội bàn chuyện cưới vợ cho, nhưng cứ nói động tới là sinh lại lắc đầu không chịu, chỉ ngày ngày đợi Ngô. Lâu ngày Ngô vẫn bặt tăm, sinh càng bực tức, chợt nghĩ ba mươi dặm đường không phải là xa, cần gì nhờ vả người khác? Bèn giấu cành mai vào tay áo, giận dữ ra đi, người nhà không ai hay biết. Lủi thủi đi một mình không biết đâu mà hỏi đường, chỉ nhắm hướng núi Nam đi tới. 

Khoảng hơn ba mươi dặm thì thấy núi mọc ngổn ngang xanh biếc mát lạnh, vắng vẻ không một bóng người, chỉ có đường núi cheo leo. Nhìn xuống khe núi xa xa, trong chỗ cây hoa um tùm thấp thoáng như có một thôn nhỏ. Xuống núi vào thôn thấy nhà cửa thưa thớt, toàn là nhà tranh nhưng dáng cách rất thanh nhã. Có một gian nhà quay về hướng bắc, trước cổng tơ liễu buông mành, trong tường đào hạnh tươi tốt chen lẫn với tre trúc, chim rừng kêu ríu rít. 

Sinh cho là nơi vườn cảnh nên không dám đường đột bước vào, quay nhìn thấy trước cổng có tảng đá lớn trơn bóng sạch sẽ bèn ngồi xuống nghỉ. Giây lát nghe trong tường có tiếng con gái gọi "Tiểu Vinh” thanh âm nhẹ nhàng êm ái, đang lắng nghe thì có một nữ lang từ phía đông đi tới, tay cầm đóa hoa hạnh, cúi đầu cài lên tóc, vừa ngẩng đầu thấy sinh liền không cài nữa, mỉm cười cầm đóa hoa đi vào. Nhìn kỹ lại thì đúng là người đã gặp dọc đường hôm tiết Thượng nguyên, mừng rơn chỉ nghĩ không biết lấy cớ gì bước tới, muốn gọi cô em con dì nhưng trước nay chưa từng qua lại nên sợ lầm. 

Trong cửa lại không có ai để hỏi, đành quanh quẩn đứng ngồi đến tận trưa, đăm đăm trông ngóng quên cả đói khát. Lâu lâu lại thấy cô gái hé nửa mặt ra nhìn như lấy làm lạ sao không đi. Bỗng có một bà già chống gậy đi ra nhìn sinh hỏi “Chàng trai ở đâu, nghe như tới từ giờ Thìn đến giờ chưa đi là cần gì vậy, không đói bụng sao?". Sinh vội đứng dậy vái chào, đáp "Định tìm thăm người họ hàng". Bà già nghễnh ngãng nghe không rõ, sinh nói to lần nữa, bà bèn hỏi "Vậy quý thân thích họ gì?", sinh không đáp được. Bà già cười nói "Lạ thật, tên họ cũng không biết thì biết họ hàng nào mà hỏi? Ta thấy chàng cũng chỉ là con mọt sách thôi. Thôi vào trong này ăn ít cơm hẩm, nhà có chiếc giường con cũng ngả lưng đuợc, đợi sáng maì về hỏi lại tên họ rồi trở lại tìm cũng chưa muộn". 

Sinh đang lúc bụng đói muốn ăn, lại thấy sẽ được làm quen với người đẹp thì mừng quá bèn theo bà già vào. Thấy trong cổng lối đi lát đá trắng, hai bên lối đi hoa hồng từng cánh từng cánh rụng trên thềm, quanh co đi về phía tây lại mở một cánh cửa nữa, luống đậu giàn hoa đầy trong sân. Bà già kính cẩn dẫn khách vào nhà, tường quét vôi sáng như gương, hoa hải đường ngoài song thò cả vào phòng, đệm chiếu bàn ghế đều bóng loáng sạch sẽ. Vừa ngồi xuống đã thấy ngoài cửa sổ thấp thoáng có người nhìn trộm, bà già gọi “Tiểu Vinh làm cơm mau”, bên ngoài có tiếng tỳ nữ dạ lớn. 

Ngồi yên xong bèn nói rõ tên họ dòng dõi, bà già hỏi "Ông ngoại chàng họ Ngô phải không?", sinh đáp phải. Bà già ngạc nhiên nói "Thế thì chàng là cháu ta, mẹ chàng là em gái ta. Mấy năm nay ta vì nhà nghèo lại không có con trai nên bỏ bẵng việc thăm hỏi, cháu đã khôn lớn thế này mà vẫn không biết”. Sinh đáp “Lần này cháu tới đây là để thăm dì, mà lúc vội vàng quên mất cả họ”. Bà già nói “Lão thân người nhà họ Tần, không sinh nở lần nào, chỉ có một con gái cũng là vợ lẽ sinh ra. Mẹ nó đi bước nữa, để nó lại cho ta nuôi nấng, cũng không phải dần độn nhưng ít được dạy dỗ nên cứ cười đùa chẳng biết buồn lo gì, lát nữa sẽ gọi ra chào". 

Giây lát tỳ nữ dọn cơm lên, thức ăn đầy đĩa. Bà già ngồi tiếp sinh, ăn xong tỳ nữ lại ra dọn, bà già nói "Gọi cô Ninh ra đây!” Tỳ nữ dạ đi vào hồi lâu nghe ngoài cửa như có tiếng cười, bà già gọi "Anh Ninh, anh con dì ngươi đây này!". Ngoài cửa tiếng cười khúc khích vẫn không ngừng, tỳ nữ đẩy cô gái vào, nàng còn che miệng cười không nín được. Bà già trừng mắt nói "Đang có khách mà cứ khúc kha khúc khích là lối gì thế?”, nàng nín cười đứng yên. 

Sinh vái chào, bà già nói "Đây là Vương lang con dì của ngươi. Người nhà mà không biết nhau, có buồn cười không". Sinh hỏi "Em đây bao nhiêu tuổi?". Bà già chưa hiểu, sinh bèn nhắc lại cô gái lại rũ ra cười không ngẩng lên được nữa. Bà già nói với sinh “Ta vừa nói nó ít được dạy dỗ, giờ thì thấy rồi đấy. Tuổi đã mười sáu mà cứ ngu dại như trẻ con". Sinh nói "Kém cháu một tuổi". Bà già hỏi “Cháu mười bảy tuổi, là sinh năm Canh ngọ tuổi ngựa à?". Sinh gật đầu, bà lại hỏi vợ là ai, sinh đáp chưa có. Bà già nói “Tài mạo như cháu, sao mười bảy tuổi rồi còn chưa cưới vợ? Anh Ninh cũng chưa thành gia thất, kể sánh với nhau thật xứng đôi, tiếc là có chút họ hàng với nhau”. 

Sinh không đáp, mắt nhìn dán vào Anh Ninh không chớp, đứa tỳ nữ quay qua cô gái nói nhỏ "Con mắt nhìn chòng chọc như giặc vẫn chưa đổi". Cô gái lại cười lớn, quay qua nói với nó "Ra xem bích đào nở chưa đi!", rồi vụt đứng ngay dậy, lấy tay áo che miệng rón rén bước nhanh ra, khỏi cửa thì cười phá lên. Bà già cũng đứng dậy, gọi tỳ nữ mang chăn đệm xếp đặt chỗ nghỉ cho sinh, nói "Cháu tới đây không phải dễ, cứ ở chơi năm ba hôm, thong thả ta sẽ tiễn về. Nếu thấy vắng vẻ buồn chán thì sau nhà có mảnh vườn con cũng đủ tiêu khiển, cũng có sách để đọc". 

Hôm sau sinh ra sau nhà quả có mảnh vườn rộng nửa mẫu, cỏ mịn như trải thảm, hoa dương đầy lối đi, có ba gian nhà tranh cây hoa phủ kín bốn bề. Sinh đang lách trong đám cây hoa chợt nghe trên cây có tiếng khúc khích, ngẩng lên nhìn thì ra Anh Ninh đang ở trên cây, thấy sinh tới cười rộ muốn ngã. Sinh kêu "Đừng thế, ngã đấy”, cô gái vừa tụt xuống vừa cười không nhịn được, gần tới đất thì tuột tay ngã xuống mới thôi cười. Sinh đỡ dậy, lén nắm vào cổ tay, nàng lại bật tiếng cười, dựa vào thân cây không bước đi được, hồi lâu mới thôi. 

Sinh chờ nàng dứt tiếng cười bèn rút cành hoa trong tay áo ra cho xem. Cô gái cầm lấy nói “Khô rồi còn giữ làm gì?” Sinh nói "Đây là cành hoa em bỏ lại hôm tiết Thuợng nguyên, nên mới giữ," Nàng hỏi giữ làm gì, sinh đáp "Để tỏ rằng yêu nhau không quên được. Kể từ hôm tiết Thuợng nguyên được gặp gỡ, cứ tơ tưởng đến thành bệnh, cứ nghĩ là đã chết rồi, nào ngờ lại còn được thấy mặt, xin hãy rủ lòng thương xót". Cô gái đáp “Việc đó rất nhỏ, chỗ họ hàng thì có tiếc gì. Đợi hôm nào anh đi, các thứ hoa trong vườn sẽ gọi lão bộc bẻ một ôm lớn mang theo tiễn anh". Sinh nói "Em ngây đấy à?", nàng hỏi "Thế nào là ngây?", sinh đáp “Ta chẳng phải yêu hoa mà là yêu người cầm hoa thôi” Nàng nói "Họ hàng thân thiết thì thương yêu nhau cần gì phải nói”. Sinh nói “Ta nói yêu chẳng phải là tình họ hàng mà là tình vợ chồng kia!". Cô gái nói "Có gì khác nhau nào?", sinh đáp “Đêm thì cùng chung chăn chung gối”. Cô gái cúi đầu nghĩ ngợi hồi lâu rồi nói "Em không quen ngủ với người lạ”. 

Đang còn trò chuyện thì đứa tỳ nữ đã khẽ khàng đi tới, sinh hoảng sợ lẩn đi. Lát sau cùng
hội họp chỗ bà già, bà hỏi đi đâu, cô gái đáp nói chuyện với nhau trong vườn. Bà già nói “Cơm chín lâu rồi, có chuyện gì hay mà nói lâu thế ", nàng đáp "Anh muốn ngủ chung với con”. Sinh nghe chưa hết câu đã phát hoảng vội trợn mắt nhìn, nàng mỉm cười im bặt, may mà bà già không nghe rõ, còn khẽ khàng hỏi lại thì sinh vội nói lảng qua chuyện khác, nhân đó khẽ trách nàng. Cô gái hỏi "Thế chuyện ấy không nên nói ra à?”, sinh đáp “Đó là chuyện phải giấu người khác". Nàng nói “Giấu người khác chứ sao lại giấu mẹ già, vả lại ngủ chung là chuyện thường có gì phải sợ”. Sinh bực vì ngu ngơ nhưng không biết làm sao cho nàng hiểu được. 

Ăn vừa xong thì người nhà dắt hai con lừa tới tìm sinh. Trước là mẹ sinh đợi lâu không thấy con về sinh nghi, tìm kiếm khắp làng không thấy dấu vết bèn tìm tới Ngô. Ngô nhớ lại lời mình nói trước đây liền bảo tới núi phía tây nam tìm, qua mấy thôn mới tới. Sinh ra cửa thì vừa gặp bèn trở vào nói với bà già, lại xin đưa cô gái cùng về. Bà già mừng rỡ nói "Ta vẫn có ý ấy từ lâu, nhưng vì già yếu không đi xa nổi, được cháu dẫn em nó về nhận dì thì hay lắm”. Bèn gọi Anh Ninh, Ninh cười ra gặp, bà già nóỉ "Có gì vui mà cười mãi thế? Nếu không cười thì cũng ra dáng con người rồi đấy”, nhân trừng mắt nhìn rồi nói "Anh cả muốn ngươi đi cùng, vào sắp sửa hành trang đi!". 

Lại dọn cơm rượu thết đãi người gia nhân rồi đưa ra cổng, nói "Nhà dì có nhiều ruộng vườn, đủ sức nuôi người ăn không, tới đó thì đừng về, học lấy chút lễ nghĩa cho biết cách thờ phụng cha mẹ chồng, rồi sẽ nhờ dì tìm cho một tấm chồng tốt". Hai người bèn lên đường, tới dưới núi quay nhìn còn thấy rõ bóng dáng bà già dựa cửa nhìn theo. Tới nhà, mẹ sinh thấy có cô gái xinh đẹp ngạc nhiên hỏi là ai, sinh đáp là con bà dì. Mẹ nói "Lời Ngô lang nói với con trước đây là dối đấy. Mẹ chưa từng có chị, làm sao có cháu gọi bằng dì được?”. 

Hỏi cô gái, nàng đáp “Cháu không phải là do mẹ đẻ ra. Cha vốn họ Tần, mất lúc cháu còn trong tã nên cháu không nhớ gì”. Mẹ nói “Ta có một người chị lấy chồng họ Tần thật, nhưng mất đã lâu, làm sao còn sống được?". Nhân hỏi kỹ mặt mũi nốt ruồi, nhất nhất đều đúng, lại ngờ vực nói "Đúng rồi, nhưng chị ấy đã chết từ lâu, làm sao còn sống kia chứ?” Đang lúc suy nghĩ ngờ vực thì Ngô sinh tới, cô gái lánh vào nhà trong. Ngô hỏi biết chuyện ngẩn ra hồi lâu rồi chợt hỏi “Cô gái này tên Anh Ninh phải không?” sinh đáp phải. Ngô than thở là chuyện kỳ lạ, hỏi vì sao biết, Ngô đáp “Sau khi cô Tần mất thì dượng ở góa, bị hồ ám mang bệnh mà chết. Hồ sinh một gái tên là Anh Ninh, vẫn quấn tã đặt trên giường, người nhà đều nhìn thấy. Dượng mất rồi, thỉnh thoảng hồ vẫn tới, sau xin bùa của Thiên sư dán trên vách mới ôm con gái bỏ đi có lẽ là đây chăng?”. 

Người này người nọ bàn tán xôn xao, chỉ nghe trong phòng có tiếng khúc khích, đều là tiếng Anh Ninh cười. Mẹ sinh nói “Con bé này cũng ngớ ngẩn quá”. Ngô xin cho gặp mặt, mẹ vào phòng thì nàng còn rũ ra cười không ngoảnh lại, mẹ giục bảo ra nàng mới cố nín cười, lại quay mặt vào vách một lúc mới ra được. Vừa vái chào xong đã xoay mình trở vào rồi cười phá lên, đàn bà con gái trong phòng đều vui thích. 

Ngô xin đi dò xét sự lạ, nếu tiện thì làm mối luôn, nhưng tìm tới đó thì không thấy xóm làng nhà cửa gì cả, chỉ có hoa rừng rơi tả tơi mà thôi. Ngô ngờ ngợ nhớ lại nơi chôn bà cô cũng gần đó nhưng mộ cũ đã mất dấu không nhận ra được đành than thở quay về. Mẹ sinh ngờ bà là ma, vào kể lại lời Ngô cho nghe nhưng cô gái không hề tỏ vẻ sợ sệt lại thương cho nàng không có nhà cửa cũng không hề tỏ vẻ đau xót, cứ ngơ ngẩn cười khúc khích mà thôi, mọi người đều không hiểu ý tứ ra sao. Mẹ bảo cùng ngủ với con gái út, sáng sớm nàng đã tới vấn an. Việc nữ công thì nàng vô cùng khéo léo nhưng hay cười, có cấm cũng không nhịn được, có điều cười rất tươi, dù cười như phát điên cũng không mất vẻ xinh đẹp, ai thấy cũng vui thích, đàn bà con gái láng giềng cứ giành nhau mời đón. 

Mẹ chọn ngày tốt cho làm lễ hợp cẩn nhưng vẫn sợ là ma, rình lúc nàng đứng dưới bóng mặt trời nhìn thì thấy cũng có bóng không khác gì người thường. Đến ngày cưới bảo nàng trang sức đẹp đẽ làm lễ, nàng cười quá không thể vái lạy đành thôi. Sinh thấy nàng ngu ngơ sợ lại nói lộ chuyện kín trong phòng ra nhưng cô gái hết sức kín đáo, một câu cũng không nói. 

Mỗi khi mẹ có điều lo lắng tức giận, nàng tới cười một tiếng là lập tức nguôi hết, tôi tớ có lỗi sợ bị đòn cứ xin nàng tới nói chuyện với mẹ rồi vào ra mắt là được tha. Nhưng nàng có tật mê hoa, tìm kiếm trong khắp thân thích láng giềng, lén bán cả đồ trang sức để mua giống hoa đẹp, vài tháng thì bờ tường bậc thềm chuồng lợn nhà xí chỗ nào cũng đầy những hoa. 

Sân sau có một giàn mộc hương sát nhà láng giềng phía tây, cô gái vẫn vin cây trèo lên hái hoa cài đầu, mẹ bắt gặp là mắng nhưng nàng vẫn không chừa. Một hôm con trai nhà ấy trông thấy nàng, say mê nhìn sững. Cô gái không tránh mặt lại cười, y cho rằng nàng đã ưng thuận, lòng càng khao khát. Nàng chỉ vào chân tường cười rồi leo xuống. Y nghĩ rằng nàng chỉ nơi hò hẹn mừng lắm, đến tối mò ra, quả nhiên nàng đã ở đó, liền sấn tới hành dâm thì chỗ kín như bị dùi đâm, đau buốt tận tim gào lớn ngã lăn ra. Nhìn kỹ lại thì không phải cô gái mà là một cây khô nằm dưới tường, chỗ mình chọc vào là một cái hốc cây đọng nước. 

Cha y nghe tiếng vội chạy ra hỏi, y thì rên rĩ không nói, khi vợ tới mới thú thật. Đốt đuốc soi vào hốc cây thấy có một con bò cạp to bằng con cua con. Cha y chẻ cây ra bắt con bò cạp giết đi rồi vực con trai về, nửa đêm thì chết. Nhà ấy kiện sinh, tố cáo Anh Ninh là yêu quái. Quan huyện vốn nguỡng mộ tài học của sinh, lại biết sinh là kẻ sĩ đức hạnh nên cho rằng nhà láng giềng kiện bậy toan phạt đánh đòn, sinh xin cho mới được tha về. 

Mẹ sinh nói với cô gái “Cứ ngây dại thế mãi, ta lã biết trước là vui quá hóa lo mà. May là quan huyện thần minh nên mới không liên lụy, chứ gặp phải hạng quan hồ đồ ắt đã đòi đàn bà con gái lên công đường đối chất, thì con trai ta còn mặt mũi nào nhìn thấy họ hàng làng xóm nữa?". Cô gái nghiêm trang thề không cười nữa, mẹ nói "Người ta ai mà không cười nhưng phải có lúc", nhưng từ đó nàng quả không cười nữa, dù cố chọc ghẹo cũng không cười, có điều không lúc nào có vẻ mặt nhăn nhó. 

Một đêm nàng nhìn sinh ứa nước mắt, sinh lấy làm lạ thì nàng nghẹn ngào nói “Trước đây theo chàng chưa lâu, nói ra e sẽ hoảng sợ. Nay thấy mẹ và chàng đều yêu thương không có ý khác nên xin thưa thật, may ra không sao chăng? thiếp vốn do hồ sinh ra, lúc mẹ thiếp ra đi đem gởi cho bà mẹ ma, nương tựa nhau hơn mười năm mới có ngày nay. Thiếp lại không có anh em, chỉ trông cậy vào chàng. Mẹ già cô quạnh nơi góc núi, không ai thương xót hợp táng cho, dưới chín suối vẫn còn sầu tủi. Nếu chàng không tiếc công tiếc của giúp cho người nằm dưới đất tiêu tan được mối oán hận ấy thì ngõ hầu những kẻ sinh con gái sẽ không nỡ dìm nước vứt bỏ nữa". 

Sinh ưng thuận nhưng lo phần mộ bị lẫn trong cỏ rậm, cô gái chỉ nói đừng lo. Bèn định ngày rồi vợ chồng chở quan tài tới, cô gái chỉ mộ phần giữa đám gai góc khói mây, quả đào được thi thể bà già, da thịt vẫn còn. Nàng vỗ về khóc lóc thảm thiết, đưa về tìm mộ ông Tần hợp táng. Đêm ấy sinh mơ thấy bà già về tạ ơn, tỉnh dậy thuật lại. Cô gái nói "Đêm qua thiếp có gặp, nhưng mẹ dặn đừng làm chàng kinh động thôi”. Sinh ân hận không giữ bà lại, nàng nói "Bà là ma, nơi đây người sống nhiều, khí dương thịnh, làm sao ở được". Sinh hỏi Tiểu Vinh, nàng đáp "Nó là hồ, rất lanh lợi, mẹ hồ lưu lại để trông nom thiếp, vẫn đút bánh trái cho thiếp ăn nên nhớ ơn nó không lúc nào quên. Đêm qua hỏi mẹ, thì nói đã gả chồng cho nó rồi". Từ đó cứ gặp tiết Hàn thực hàng năm vợ chồng lại đi thăm mộ ông bà Tần, khấn vái quét dọn không hề sơ sót. Được hơn năm cô gái sinh được một trai, lúc còn bế ẵm đã không sợ người lạ, thấy người là cười cũng rất giống phong thái của mẹ. 

Dị Sử thị nói: Xem dáng cười ngặt nghẽo giống như vô tâm, nhưng chơi ác dưới tường thì rõ ra là rất biết việc đời vậy. Đến như thuơng xót bà mẹ ma thì không cười mà khóc, nàng Anh Ninh của ta là người tự che giấu bằng tiếng cười đấy. Nghe nói trong núi có một thứ cỏ gọi là cỏ cười, ngửi thì cười không dừng lại được, trong nhà mà trồng thứ cỏ ấy thì các loại cỏ Hợp hoan, Vong ưu đều không ra gì. Còn như hoa biết nói* thì chỉ là có dáng vẻ bề ngoài thôi. 

* Hoa biết nói: Thiên Bao thông sự chép hồ Thái Dịch trong cung có hàng ngàn khóm hoa sen trắng nở, Đường Minh hoàng cùng Dương Quý phi ra ngắm, nói với tả hữu rằng "Hoa sen trong hồ như ganh đua với đóa hoa biết nói này". Đây ý nói loại người đẹp như Dương Quý phi chỉ có sắc đẹp chứ không có tâm tình như Anh Ninh.

_________________

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện