(Khảo Thành Hoàng)
Ông nội người anh rể của ta họ Tống húy Đạo, là Lẫm sinh* trong huyện. Một hôm ông bệnh nằm trong nhà, thấy có viên lại cầm công văn dắt một con ngựa bờm trắng tới nói “Mời ông đi thi". Ông nói “Quan chấm thi chưa tới, làm sao mà thi?”. Viên lại không đáp, chỉ giục đi mau. Ông ra sức cưỡi ngựa chạy nhanh theo, đường đi rất lạ, tới một nơi thành quách như kinh đô của bậc vương giả.
*Lẫm sinh: học trò trường phủ học ở Trung Quốc thời Thanh, được hưởng học bổng và miễn một số nghĩa vụ thuế má dao dịch.
Lát sau vào một Công thự, cung thất tráng lệ, ở trên có mười người ngồi, đều không biết là ai, chỉ nhận ra là có Quan Đế*. Dưới thềm bày hai cái bàn hai cái ghế, đã có một vị Tú tài ngồi trước, ông cũng tới ngồi cạnh. Bàn nào cũng có sẵn giấy bút, ngay sau đó đề thi đưa xuống, nhìn vào thấy có tám chữ “Nhất nhân nhị nhân, hữu tâm vô tâm" (Một người với hai người, hữu ý hay vô ý). Hai người làm bài xong trình lên, bài của ông có câu “Hữu tâm vi thiện, tuy thiện bất thưởng, vô tâm vi ác, tuy ác bất phạt" (Có ý làm điều thiện, dù thiện cũng không thưởng, vô ý làm điều ác, dù ác cũng không phạt).
* Quan Đế. tức Quan Vũ, còn gọi là Quan Công, tự Vân Trường, em kết nghĩa và là tướng của Lưu Bị, Tiên chủ nhà Thục Hán thời Tam quốc, nổi tiếng nghĩa khí, được nhân dân Trung Quốc thờ là thần, thời Tống phong tặng là Quan Thánh Đế quân.
Các thần chuyền tay nhau xem, khen ngợi không thôi, gọi ông lên dụ rằng “ở Hà Nam khuyết một chỗ Thành hoàng, ông xứng đáng giữ chức ấy". Ông mới hiểu ra, lạy phục xuống khóc nói “Được ban mệnh lệnh, đâu dám chối từ! Nhưng còn có mẹ già bảy mươi tuổi không người phụng dưỡng, xin chờ khi đã trọn tuổi trời
sẽ vâng mệnh giữ chức". Ở trên có một vị dáng mạo như bậc đế vương lập tức ra lệnh “Tra sổ xem mẹ ông ta thọ được bao nhiêu”. Có một viên lại râu dài giở sổ ra xem lại một lượt bẩm rằng "Còn thọ chín năm nữa". Mọi người đang ngần ngừ, Quan Đế nói “Không sao, cứ sai Trương sinh thay, đủ hạn chín năm sẽ giao cho ông ta giữ chức cũng được”, rồi nói với ông rằng "Lẽ ra phải đi nhận chức ngay, nhưng nay nghĩ tới lòng hiếu thảo nên cho hoãn chín năm, đến hạn sẽ lại triệu”.
Lại khuyến dụ vị Tú tài kia mấy câu, hai người cùng lạy lui ra. Vị Tú tài nắm tay ông đưa ra tới ngoài thành, tự nói là họ Trương ở huyện Trường Sơn (tỉnh Sơn Đông), có thơ đưa tiễn nhưng ông quên cả, chỉ nhớ được hai câu “Hữu hoa hữu tửu xuân thường tại, Vô nguyệt vô đăng dạ tự minh” (Có hoa có rượu xuân thường cạnh, Không nến không trăng tối tự soi).
Ông đã lên ngựa, bèn chia tay rồi đi, về tới làng mới giật mình tỉnh dậy. Lúc ấy ông đã chết ba ngày rồi, mẹ ông nghe trong quan tài có tiếng rên rỉ bèn tới đỡ ra, nửa ngày sau mới nói được. Hỏi thăm thì hôm ấy ở Trường Sơn quả có Trương sinh chết.
Chín năm sau quả nhiên mẹ ông mất, ông lo liệu tang ma xong, tắm gội vào phòng nằm rồi tắt hơi. Cha vợ ông ở cửa tây trong thành, chợt thấy ông tới, nghi vệ lộng lẫy, tùy tùng rất đông, vào nhà lên thềm lạy một lạy rồi đi. Người nhà thảy đều ngờ sợ, không biết ông đã làm thần, vội tới làng để hỏi mới hay ông đã chết rồi. Ông có tự viết lại tiểu truyện của mình, tiếc là sau loạn đã mất, trên đây chỉ là tóm tắt lại mà thôi.